Bài 12 – Kể chuyện tưởng tượng
Bài 12 – Kể chuyện tưởng tượng Hướng dẫn Chú ý: Truyện tưởng tượng là những truyện do người viết nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình, không có sẵn trong sách vở hay trong thực tế, nhưng có một ý nghĩa nào đó. Truyện tưởng tượng được viết ra một phần dựa vào những điều có ...
Bài 12 – Kể chuyện tưởng tượng
Hướng dẫn
Chú ý:
- Truyện tưởng tượng là những truyện do người viết nghĩ ra bằng trí tưởng tượng của mình, không có sẵn trong sách vở hay trong thực tế, nhưng có một ý nghĩa nào đó.
- Truyện tưởng tượng được viết ra một phần dựa vào những điều có thực, có ý nghĩa, rồi tưởng tượng thêm ra cho thú vị và ý nghĩa thêm nổi bật.
I. TÌM HIỂU CHUNG VỀ KỂ CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG
1. Kể tóm tắt truyện ngụ ngôn Chân, tay, tai, mắt, miệng.
Đang sống hòa thuận với nhau, bỗng một hôm cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai chợt nhận ra rằng tất cả bọn họ phải quanh năm làm việc vất vả để cho lão Miệng chỉ việc ngồi không ăn bám. Họ rủ nhau kéo đến nhà lão Miệng để nói cho lão biết: từ nay trở đi, họ không cho lão ăn nữa, lão phải tự lo thân!
Sau đó tất cả bọn họ cùng "đình công" không làm gì cả. Nhưng sau vài ba ngày, ai cũng thấy mệt mỏi, rã rời và sau một tuần thì cả bọn hoàn toàn kiệt sức không thể chịu được nữa. Họ lại họp bàn với nhau và nhận rõ sai lầm của họ: "Nếu chúng ta không làm cho lão Miệng ăn thì chính chúng ta cũng sẽ bị tê liệt cả. Công việc của lão chính là nhai là ăn, đâu phải lão ăn không ngồi rồi. Lão Miệng có ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được".
Thế là sau đó, họ lại kéo tới nhà lão Miệng. Chính lão Miệng lúc này cũng đang đói lả. Mọi người vội vã tìm thức ăn bón cho lão. Lão tỉnh dần và cả bọn cũng thấy khỏe dần lên. Từ đó Mắt, Chân, Tay, Tai, Miệng lại sống hòa thuận với nhau như trước.
– Trong truyện này các chi tiết được tưởng tượng ra là: Tác giả đã "nhân hóa" các bộ phận trong cơ thể và coi Mắt, Tai, Chân, Tay, Miệng là các nhân vật cũng biết suy nghĩ, nói năng, hành động như người. Tác giả dùng các từ cô, cậu, bác, lão để gọi họ như con người vốn thường gọi nhau. Họ cũng biết tức giận, biết rủ rê, bàn bạc, phân tích lí lẽ với nhau.
Tác giả cũng tưởng tượng ra việc họ đình công không làm gì nữa dẫn đến hậu quả là cả bọn cùng đói lả, kiệt sức và cuối cùng họ phải trở lại làm lành với nhau, cùng chăm sóc cho lão Miệng để tất cả cùng phục hồi sức khỏe.
– Trong truyện tưởng tượng này các chi tiết dựa vào sự thật là:
+ Mỗi cơ quan của cơ thể như Mắt, Tai, Tay, Chân và Miệng có một chức năng hoạt động riêng. Đúng là mắt thì phải nhìn, Tai thì phải nghe, Chân thì phải đi đứng và Tay thì phải làm nhiều việc nhất còn Miệng thì chỉ có mỗi nhiệm vụ là cắn, nhai và nuốt.
+ Tuy nhiên, điều này cũng rất thật: Miệng ăn để cung cấp năng lượng cho các cơ quan khác. Nếu Miệng không được ăn thì các bộ phận khác của cơ thể cũng rã rời, không còn sức sống.
2. Đọc các truyện:
A: Truyện sáu con gia súc so bì công lao (Lục súc tranh công)
B: Giấc mơ trò chuyện với Lang Liêu
– Suy nghĩ về cách kể một câu chuyện tưởng tượng sáng tạo:
• Khi kể một câu chuyện tưởng tượng sáng tạo người ta dùng trí tưởng tượng để đặt ra một câu chuyện lạ lùng, kì ảo, chưa có ai viết, ai kể. Tuy nhiên các chi tiết trong truyện thường gắn với những việc thực, chuyện thực của đời thường và truyện dù tưởng tượng ra vẫn có một ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Ví dụ:
Trong truyện Lục súc tranh công thì óc tưởng tượng của người kể đã tạo ra các nhân vật là các con vật nuôi trong nhà: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn (heo) chúng cũng biết suy nghĩ, biết nói, biết phân tích phải trái, biết suy bì, tị nạnh, biết kể lể công lao của mình và chê bai kẻ khác.
Tuy nhiên nhiều chi tiết trong truyện lại hoàn toàn dựa vào sự thực như trâu thì phải kéo cày, trục lúa (kéo trục đá làm cho thóc rơi khỏi rơm), kéo gỗ, chở phân, chỉ ăn cỏ, ăn rơm. Đặc điểm của trâu là ăn rồi còn phải nằm nhai lại (trâu thuộc loài nhai lại). Người ta cũng giết trâu ăn thịt, lấy da để bưng trống, làm giầy v.v…
Chó thì đúng là đuổi cáo, săn chồn, canh trộm, ăn cơm thừa canh cặn, không cần người chăn dắt.
Ngựa thì ở chuồng lợp ngói, được người tắm rửa, ăn thóc, ăn cháo đậu xanh, sửa vó, tỉa bờm, sắm yên, sắm lạc (lục lạc), sắm dây cương và ngựa phải kéo xe, chở người, xông pha trận mạc.
Dê thì ăn lá, ăn cỏ và khi làm lễ "tam sinh" thì người ta giết ba con vật là bò, heo, dê để tế lễ thần linh.
Gà thì đầu có mào, chân có cựa, luôn cục cục gọi đàn, sáng gáy đúng giờ, hay chọi nhau, ăn ít hơn các loài khác. Chân gà luộc còn dùng để bói toán.
Lợn thì được nuôi béo để làm lễ cúng thần và dùng vào các tiệc cưới xin, tang ma, khao vọng…
– Ý nghĩa xã hội sầu sắc của truyện này là: người kể mượn chuyện súc vật để nói về con người. Con người sống trong xã hội cũng không nên tị nạnh nhau mà phải theo sự phân công của cộng đồng, mỗi người làm một việc, một nghề, cùng phục vụ lẫn nhau, cùng góp phần xây dựng nước non giàu mạnh. Tất nhiên phải đấu tranh để xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng người áp bức, bóc lột người.
II. LUYỆN TẬP
(Xem các đề đã cho trong SGK Ngữ văn 6, tập một)
Đề bài: Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra.
Bài tham khảo
Mở bài: Cuối tháng một năm 2013, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quyết định cho chúng tôi nghỉ Tết Nguyên Đán đúng hai chục ngày và sẽ nghỉ trước các trường phổ thông chừng một tuần. Tôi và Nam rủ nhau cùng về quê và cùng ghé thăm trường cũ.
Thân bài: Khi chiếc xe đò dừng trước cổng trường, chúng tôi cùng xuống xe và bước vào trường, cổng trường bây giờ đã được xây lại, có hai trụ lớn hai bên. Giữa hai trụ lớn là tấm biển kẻ hàng chữ màu xanh nước biển: "Trường Phổ thông Cơ sở Kim Đồng". Nét chữ to và đẹp. cổng có hai cánh sắt khép kín và bên cạnh cổng có một cái cửa nhỏ thường xuyên đóng, mở để mọi người vào ra. Một hàng rào bằng lưới B40 bao quanh bảo vệ cho khuôn viên rộng lớn của trường. Chúng tôi nói là học sinh cũ về thăm trường nên bác bảo vệ vui vẻ mở cổng cho chúng tôi vào.
Trường bây giờ cũng đã được xây dựng mới hoàn toàn. Những lớp học lụp xụp cũ kĩ hồi chúng tôi theo học đã bị phá bỏ và thay vào đó là một tòa nhà lớn, một lầu nhìn thật khang trang. Ở mỗi tầng có mười lớp. Thế là trường có đủ phòng cho ba mươi hai lớp học sáng và chiều. Còn có phòng dành làm văn phòng và thư viện. Một phòng nữa dành riêng làm phòng thực hành thí nghiệm và cạnh phòng thực hành thí nghiệm là phòng học chuyên để bồi dưỡng, phụ đạo, học thêm… Hành lang chạy dài trước các cửa lớp rộng tới hai mét, lát gạch bông bóng loáng. Cửa lớp lắp kính nên các lớp đều sáng sủa: Bảng đen và bàn ghế đều được đóng mới nhìn thật đẹp mắt. Chúng tôi nhìn qua cửa kính thấy trong phòng thực hành thí nghiệm có mười máy vi tính kê thành hai hàng. Các bạn học sinh đang ngồi trước máy làm việc theo sự chỉ dẫn của một cô giáo. Đó là một điều hết sức mới mẻ so với thời kì chúng tôi theo học.
Sân trường bây giờ cũng đẹp. Những hàng cây bạch đàn và nhãn do chúng tôi trồng trước đây bây giờ đã cao lớn xanh tốt sum suê. Gió thổi vào tán lá làm cho bóng mát dưới mặt sân cũng lay động, rung rinh.
Tôi và Nam bước vào văn phòng chào thầy hiệu trưởng, vẫn là thầy Trung ngày trước nhưng nay mái tóc thầy đã có màu muối tiêu. Thầy nhìn chúng tôi rồi chợt nhận ra hai học sinh cũ của trường, thầy ồ lên vui vẻ và nhắc chúng tôi ngồi xuống ghế để nói chuyện. Trong văn phòng còn có mấy người làm việc, trong đó có bác Hải làm công tác văn phòng của trường đã hai chục năm nay. Qua câu chuyên của thầy hiệu trưởng, chúng tôi được biết trường đã đổi thay nhiều. Nhiều thầy cô giáo cũ chuyển đi, nhiều thầy cô giáo mới về. Có thầy, cô đã nghỉ hưu. Câu chuyện đang mặn mà, cởi mở thì một tiếng trống vang lên báo hiệu hết một tiết học. Học sinh các lớp ùa ra sân chơi. Hai đứa chúng tôi ra hành lang và gặp lại một vài thầy, cô giáo cũ.
Thật là mừng vui khôn xiết. Chúng tôi hỏi thăm sức khỏe và gia đình các thầy, cô. Các thầy cô cũng thăm hỏi chúng tôi về việc học hành.
Kết bài: Tạm biệt mái trường cũ thân yêu, chúng tôi ra về lòng dạt dào xúc cảm. Ngôi trường xưa gợi cho chúng tôi bao kỉ niệm thời còn học ở quê. Chúng tôi cũng rất vui mừng thấy trường đã lớn hơn, đẹp hơn và hiện đại hơn giữa vùng đất đang ngày một đổi mới.
Mai Thu