Bá Dũng (1941-2008) hầu như chỉ chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết, kể từ cuốn ra mắt đầu tiên là Tiếng gọi (tập truyện ngắn, 1971), đến cuốn gần đây nhất là Muôn nẻo đường đời (tiểu thuyết, 2004), tất cả có tới 17 cuốn, chưa kể kịch bản văn học Một thời và mãi mãi.
Tên khai sinh: Nguyễn Bá Dũng.
Quê ở Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1984)
Tác phẩm chính: Nắng miền Trung (tiểu thuyết, 1973), Nắng sông Lam (truyện vừa, 1975), Đất gọi (Tiểu thuyết, 1976); Người đi phía trước (truyện vừa, 1978), Một đời khát vọng (tiểu thuyết, 1980), Ngày phán xét (tiểu thuyết, 1982), Chuyện trong khu vườn cấm (tiểu thuyết, 1983), Một thời để nhớ (tiểu thuyết, 1994), Tên em là Xiêm Huệ (tập truyện, 2000), Nỗi đau muôn thủa (tiểu thuyết, 2000)...
So với những nhà văn cùng trang lứa, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bá Dũng quả là một cây bút chuyên cần, viết được nhiều và xuất bản khá đều đặn. Nếu ai - như nhà thơ Lê Duy Phương chẳng hạn, cũng đã từng làm công tác đoàn thể, làm lãnh đạo các cơ quan trong bộ máy quản lý nhà nước, mà lại tham gia sáng tác thơ văn... thì chắc sẽ có điều kiện để thông cảm và quý hơn sức viết cùng sự có mặt của Bá Dũng với văn đàn.
Ngẫm nghĩ lại, chưa xa, chưa xa, ngay trên đất Nghệ An ta, quả thật, khi có được một Hội Văn học nghệ thuật tỉnh mạnh như ngày nay, và mới đây, lại có thêm một Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Vinh, chắc chắn chúng ta không thể không ghi công cho những nhà văn đàn anh như Bùi Hiển, Hoàng Trung Thông, rồi Trần Hữu Trung, Minh Huệ, tiếp đến, là những Hồng Nhu, Bá Dũng, Thạch Quỳ, Dương Huy, Quang Huy, Xuân Hoài, Nguyễn Tường Lân... và Lê Thái Sơn, Đào Phương, Nguyễn Quốc Anh.v.v...
Năm 1999, trong thư gửi bạn văn, Bá Dũng viết: "Hiện nay, khi Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và tiến hành công cuộc đổi mới, tôi lại có may mắn được tham gia vào cấp uỷ và chính quyền một thành phố, trực tiếp tham gia công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội ở một đô thị đang trên đà phát triển, phải đối mặt hàng ngày với nhiều vấn đề phức tạp, quyết liệt.
Do đó tôi thu thập được một khối lượng tư liệu thực tế rất phong phú mà trong vai một nhà văn đi thực tế thì khó lòng thu thập được. Chắc chắn đây là một thuận lợi lớn cho tôi trong nghiệp văn chương!".
Mấy tập tiểu thuyết ra vào những năm gần thời điểm ấy của ông, dù khen chê thế nào, cuối cùng đã được đánh giá cao, Bá Dũng những năm đầu thế kỷ này, đã được coi là một trong những nhà văn mạnh dạn và có nghề khi góp phần phanh phui những cái xấu và khẳng định những cái tốt đẹp trong bộ máy công quyền, là một lĩnh vực mà văn xuôi ta còn ngại viết nên chưa có thành công bao nhiêu.
Ấp ủ một khát vọng tái hiện phần quả cảm kiên cường của con người Việt Nam ở miền Trung, Bá Dũng đã dày công xây dựng nhiều hình tượng đẹp. Trong tác phẩm của ông, họ là những con người luôn ở tư thế đi tới phía trước "Ngực dám đón những phong ba dữ dội / Chân đạp bùn không sợ các loài sên" như thơ Tố Hữu từng viết. Trong làng văn đương đại Việt Nam, Bá Dũng thuộc số ít người như Nguyễn Khải, Chu Văn... đã có những tập sách thành công về quá trình lao động - đấu tranh xây dựng cuộc sống mới an lành, ấm no tại các xứ đạo Thiên chúa.
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/