Aung San Suu Kyi – Người thúc đẩy dân chủ ở Myanmar
Nguồn : 100 Leaders (truy cập ngày 19/8/2015) Biên dịch & Hiệu đính : Phạm Hồng Anh Aung San Suu Kyi vẫn đang miệt mài đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Myanmar. Năm 1988, bà quay trở lại quê hương sau hai thập niên vắng bóng trên chính trường và trở thành nhân vật nổi bật ...
Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 19/8/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Aung San Suu Kyi vẫn đang miệt mài đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ ở Myanmar. Năm 1988, bà quay trở lại quê hương sau hai thập niên vắng bóng trên chính trường và trở thành nhân vật nổi bật nhất đối đầu với chính quyền quân sự. Bà tiếp tục đi theo di sản của cha bà – Aung San – người đóng vai trò lớn khi Myanmar giành độc lập từ sự cai trị của thực dân. Năm 1991 bà được trao giải Nobel Hòa bình chính bởi sự đối đầu quyết liệt nhưng phi bạo lực của mình với chính quyền quân sự. Năm 2012, bà giành được một ghế trong nghị viện nước này.
Aung San Suu Kyi sinh năm 1945, thời điểm Thế chiến thứ hai đi đến hồi kết, đồng thời chấm dứt sự chiếm đóng của Nhật Bản tại Miến Điện (Burma – tên cũ của Myanmar-ND). Hai năm sau, chủ yếu nhờ vào những nỗ lực của cha bà – Tướng Aung San – Miến Điện giành lại độc lập từ Anh, tuy nhiên ông đã bị ám sát cùng năm. Suu Kyi dành phần lớn tuổi thơ và thời trẻ ở nước ngoài. Bà được biết đến là con gái của một nhà ngoại giao[1] và là một học giả tại Đại học Oxford.
Suu Kyi quay trở lại quê nhà vào năm 1988. Miến Điện, được đổi tên thành Myanmar năm 1989, đã trải qua những thay đổi lớn. Quân đội nước này, nơi cha của bà từng là người lãnh đạo được tôn sùng, lại trở thành một chế độ chuyên chế. Suu Kyi nhanh chóng tham gia những cuộc biểu tình chống lại sự lãnh đạo của tướng Ne Win. Trên cương vị lãnh đạo phong trào, bà tập hợp những người biểu tình đấu tranh cho những quyền cơ bản của con người và một chính phủ đại diện cho người dân. Bà thường vi phạm những điều luật cấm các cuộc hội họp chính trị trên quy mô lớn. Cuối cùng, chính quyền quân sự áp đặt lệnh quản thúc tại gia đối với bà vào năm 1989. Bà chịu sự quản thúc cho tới năm 2010.
Dù phải hy sinh rất nhiều, Suu Kyi vẫn giữ vai trò lãnh đạo phong trào đối đầu hòa bình với chính phủ Myanmar. Bà được cho phép tới Anh để thăm gia đình trong một vài dịp nhưng không thể trực tiếp đi nhận giải Nobel tại Na Uy. Cùng với nhiều nhà ngoại giao cũng như lãnh đạo nước ngoài, bà nỗ lực thúc đẩy những thay đổi dân chủ tại Myanamar. Hiện nay, bà đang là chủ tịch Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và giữ một ghế trong Quốc hội Myanmar (bà trúng cử vào năm 2012).
—————————————————-
[1] Mẹ của Suu Kyi là bà Khin Kyi, đại sứ Miến Điện tại Ấn Độ và Nepal năm 1960. Khi ở Anh, Suu Kyi sống chung với gia đình cha nuôi là Sir Gore-Booth, cựu đại sứ Anh tại Miến Điện [ND].