23/05/2018, 18:46

Ai là Trạng Nguyên đầu tiên của nước ta?

(Hình minh họa) Trong gần 10 thế kỷ (1075-1919), các triều đại phong kiến tổ chức được 185 khoa thi tiến sỹ, tuyển gần 3.000 người đỗ nhưng chỉ có gần 50 người đạt danh hiệu Trạng nguyên. Người “khai khoa” của nền thi cử Việt Nam là Lê Văn Thịnh (1038-?) người Bắc ...

(Hình minh họa)

Trong gần 10 thế kỷ (1075-1919), các triều đại phong kiến tổ chức được 185 khoa thi tiến sỹ, tuyển gần 3.000 người đỗ nhưng chỉ có gần 50 người đạt danh hiệu Trạng nguyên.

Người “khai khoa” của nền thi cử Việt Nam là Lê Văn Thịnh (1038-?) người Bắc Giang, đỗ đầu khoa thi năm 1075. Tuy nhiên, ông không được coi là Trạng nguyên đầu tiên vì Trạng nguyên chỉ đến đời vua Trần Thái Tông mới có học vị này. Đó là năm 1247, vua đặt lại thứ bậc trong Tam giáp (nhất giáp, nhị giáp, tam giáp), theo đó bậc Nhất giáp có Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Trạng nguyên là học vị của người đỗ đầu trong Tam khôi bậc nhất giáp của kỳ thi Thái học sinh đời Trần và các đời sau trong thi Đình.

Người đầu tiên đỗ Trạng nguyên là Nguyễn Hiền (1234-?), ông chính là người đỗ đạt trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam. Nguyễn Hiền quê ở xã Dương A, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (Nam Định), đỗ Trạng nguyên năm 1247 đời vua Trần Thái Tông, khi đó ông mới 13 tuổi. Lúc vua triệu kiến, thấy ông nhỏ quá cho rằng chưa biết lễ nên cho về nhà học lễ 3 năm “chờ bổ dụng”.

Nguyễn Hiền có tài đối đáp, chính ông giải được bài thơ ngũ ngôn của sứ phương Bắc:

Lưỡng nhật bình đầu nhật

Tứ sơn điên đảo sơn

Lưỡng vương tranh nhất quốc

Tứ khẩu tung hoành giang

chiết tựa ra chữ “Điền”

Ông làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công và sau này khi muốn dò xét thái độ của nước ta nhà Nguyên gửi sang 2 chữ “Thanh thúy”, không ai hiểu ý gì, Nguyễn Hiền giải thích rằng “tháng 12 xuất quân”. Triều đình bèn xuất quân ra biên giới vào tháng 12 năm đó để thị uy, quân Nguyên phải lui.

Khi ông mất, vua thương tiếc, đổi tên quê ông là huyện Thượng Hiền thành Thượng Nguyên để tỏ lòng tôn kính và kiêng tên húy.

0