Về tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
(Chungta)- Đây là lần thứ hai trong cuốn sách nhỏ này tôi lại viết về tre, cây tre Việt Nam. Nói như ai đó, đã ngàn đời nay tre và người là đôi tri kỷ. Tre mọc thành bụi, thành bờ, thành lũy trong mọi làng quê. Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài "tre xanh" có câu " thân gầy guộc lá mong manh, mà sao ...
(Chungta)- Đây là lần thứ hai trong cuốn sách nhỏ này tôi lại viết về tre, cây tre Việt Nam. Nói như ai đó, đã ngàn đời nay tre và người là đôi tri kỷ. Tre mọc thành bụi, thành bờ, thành lũy trong mọi làng quê. Nhà thơ Nguyễn Duy trong bài "tre xanh" có câu " thân gầy guộc lá mong manh, mà sao nên lũy, nên thành tre ơi".
Người nông dân hàng năm vào dịp cuối hè xuống ao xúc bùn đổ vào gốc
tre để tre giữ màu xanh vĩnh cửu, để tre đẻ thêm những lứa măng cho ấm
bụi ấm bờ. Đổi lại, tre giúp người làm nên những ngôi nhà mộc mạc, với
những vì kèo, cột chống, tường vách từ tre. Những chiếc đòn gánh tre
người nông dân bao đời đã dùng để gánh tất cả nỗi nhọc nhằn trên đôi
vai gầy trong suốt cuộc đời làm lúa, cho mỗi năm hai vụ lại gánh hạt
vàng về chất đầy các bồ, các thúng bằng tre. Cái cối tre mà trên trái
đất này, ngoài nông thôn Việt Nam ra ắt hẳn chẳng còn nơi nào có nữa,
là một vật dụng biểu tượng cho sự no ấm hạnh phúc dưới mỗi căn nhà. Nó
đứng tĩnh lặng phần lớn thời gian ở xó bếp hay góc hiên nhà, dáng phồn
thực trong chiếc váy được làm từ tre, từ nứa. Chiếc cối xay giản dị đó
bao đời nay còn là chiếc máy biết hát trong mỗi gia đình, vì mỗi khi nó
cất lên lời thì đó là lời của bài ca no ấm, làm rạng rỡ các khuôn mặt
nhễ nhại mồ hôi, làm ấm áp lửa rơm hồng trong bếp với hương cơm nồng
nàn lan tỏa từ chiếc nồi đang lục bục sôi và lèn chặt căn nhà bằng
tiếng cười con trẻ. Chiếc giường tre đơn sơ ấm áp là người bạn tâm tình
của mỗi nông dân từ thuở lọt lòng cho đến lúc về cùng tiên tổ. Trong
các cuộc chiến giữ nước, giữ làng khỏi các thế lực ngoại xâm, tre vừa
là thành lũy, vừa là vũ khí. Người nông dân dùng tre làm gậy tầm vông,
hoặc vót tre làm cây chông đánh giặc. Trên trái đất này không biết còn
ở đâu có cây gì gắn bó, tận tụy với người như cây tre Việt Nam nữa hay
không.
Tre không chỉ quây thành tổ ấm cho mỗi gia đình mà nó còn
che trở. Thế gian đã bao lần chao đảo, tre vẫn xanh và giữ cho tâm hồn
Việt chẳng bị đổi thay. Một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt vẫn là dân
tộc Việt.
Chiếc giày vải màu chàm không thay được đôi guốc mộc một quai. Rồi
một trăm năm Pháp thuộc, tiếng còi tàu lanh lảnh của văn minh công
nghiệp phương Tây cũng chẳng làm người nông dân Việt Nam thức giấc. Vải
vẫn nhuộm nâu, răng vẫn nhuộm đen, cả một đời người vẫn quen đi đất.
Hình như chẳng có nền văn minh ngoại lai nào có thể vượt qua nổi lũy
tre xanh. Đó cũng chính là điều làm nên sức sống Việt mãnh liệt bao
đời, không thể dập vùi bằng bão tố mưa sa, cũng như tre luôn đứng vững
trước phong ba bão táp.
Xét
về mặt đa dạng thực vật thì tre thuộc về họ cỏ với đặc trưng không thể
trộn lẫn là thân rỗng và chia thành nhiều đốt. Một loại cỏ khổng lồ,
cùng họ với những người anh em khổng lồ khác như cau, dừa, thốt nốt,
cọ. Có thể, với xuất xứ từ cỏ nên tre có sức sống phi thường, lớn nhanh
đẻ mạnh. Tre không dừng ở việc được dùng để dựng nhà, làm các vật dụng
hàng ngày. Tre còn cùng người chia sẻ ngọt bùi đắng cay. Măng tre không
chỉ nuôi sống người trong những hoàn cảnh khó khăn mà cả khi mâm cao cỗ
đầy măng cũng chẳng nỡ chối từ góp mặt. Có một loại cỏ khác mà người
Việt chúng ta thường dùng để chế biến thành một số món ăn dân dã trường
kỳ. Đó là rau muống. Nhờ Trời, khí hậu nóng ấm nên các loại cỏ mọc tốt
tươi, tuy chúng chẳng dinh dưỡng là bao nhưng chúng lành, có thể nuôi
người qua cơn bĩ cực. Cũng nhờ có điều kiện thiên nhiên ưu đãi nên
trong các làng quê Việt Nam bao đời nay phổ biến duy nhất một lối sống
tự cung tự cấp mà gia đình là một đơn vị. Hình mẫu của một đơn vị sản
xuất từ bấy lâu nay có thể hình dung như sau. Đó là một cặp nông dân,
một vợ, một chồng cộng bầy con thơ, ít thì bốn, năm, nhiều thì một tá.
Mỗi đơn vị sản xuất đó sống trong một mái nhà riêng biệt, được quây kín
bằng những rặng tre. Trước cửa nhà là mấy cây cau thẳng tắp, tạo cảnh
quan đẹp không kém gì tre, vừa dùng để hứng nước mưa, vừa để lấy quả
têm trầu cho mọi khởi đầu câu chuyện. Dưới khóm tre già cuối vườn,
người bạn thân thiết nhất của nhà nông đang bỏm bẻm nhai sau một ngày
cày bừa vất vả. Bữa cơm đạm bạc bao đời chỉ có cơm độn khoai, độn sắn,
tô cà muối mặn, bát canh rau muống hái ở bờ ao, đĩa cá lép bắt ở ngoài
đồng rang mặn. Người Việt chúng ta có thói quen bắt chước lẫn nhau.
(Thói bắt chước ấy đến bây giờ vẫn thường trực trong mỗi chúng ta. Nếu
ta biết phát huy thói quen này để làm công nghệ thì chắc là thành đạt).
Nhà bên cạnh nuôi con gì, trồng cây gì thì nhà mình cũng nuôi cũng
trồng như vậy. Vì thế, mỗi nhà tự sản, tự tiêu, chẳng mấy khi có nhu
cầu trao đi bán lại. Đấy, bức tranh cuộc sống nông thôn Việt nam bao
đời nay na ná như vậy. Người nông dân sống giữa các bụi cỏ khổng lồ,
che lấp cả tầm con mắt, cấy cỏ lấy hạt nấu cơm, ra bờ ao hái cỏ về để
luộc, buổi tối ánh đèn dầu không hắt ra khỏi rậu tre, đèn nhà nào nhà
nấy rạng.
Giờ đây người ta luôn nói đến những cụm từ như toàn
cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới, cạnh tranh toàn cầu Trái đất trở
nên chật chội vì tham vọng của con người đã trở thành mối hiểm họa nội
tại khôn lường nhân loại đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa tiêu xài đến mức
trở thành con nghiện, liệu còn ai có thể đứng ngoài trào lưu toàn cầu
hóa ấy, cái trào lưu mà người ta thường ví với làn sóng thứ ba. Nói một
cách chân thành, nếu đứng được ngoài vòng xoáy ấy thì cũng đáng để đứng
ngoài vì một cuộc sống bình an, gần gũi và hòa đồng với thiên nhiên.
Nhưng, tình thế bây giờ cũng gần giống như giữa thế kỷ 19, khi đó ông
cha chúng ta muốn nước nhà độc lập, muốn sống bình yên dưới rặng tre
xanh nhưng xu thế xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc khiến đế
quốc Pháp đã không mời mà đến. Bây giờ khái niệm độc lập đã trở nên
ngày càng mờ nhạt. Nếu ta muốn giếng nước của ta trong sạch, bầu không
khí của ta trong lành thì điều đó cũng không còn trong tầm kiểm soát
của riêng chúng ta vì mưa a xít đang là toàn cầu, ô nhiễm khí quyển
không giới hạn ở riêng từng châu lục. Vì vậy, làn sóng lần này sẽ dữ
dội, tre Việt Nam chắc cũng không thế đảm đương nổi nhiệm vụ "bảo toàn
tính bất biến của tâm hồn và văn hóa Việt" như các lần trước đó. Hội
nhập là một tất yếu của thời đại. Điều đó cũng có nghĩa là chúng la
phải chấp nhận các qui luật của kinh tế thị trường, một luật chơi mà
cha ông chúng ta khinh miệt, còn chúng ta mới được làm quen nhưng vẫn
mang trong mình theo hội chứng di truyền những thói quen những tính
cách không phù hợp với nền kinh tế dựa trên cạnh tranh, nhất là trong
điều kiện phải cạnh tranh với những người đã đi trước dân mình hàng
nhiều thế kỷ. Tôi hay nghĩ với nhiều trăn trở về khả năng thích nghi
của dân tộc ta với hoàn cảnh mới này. Thẳng thắn mà nói, dân ta có
nhiều đức tính tốt đẹp. Tuy vẫn biết dân mình rất có cảm tình với việc
được khen, nhưng khen, nhất là tự khen thường làm cho con người ngái
ngủ. Vì vậy, chúng ta cũng cần biết mình là ai, ở đâu so với người
ngoài để mà cố gắng. Thế giới đã nói nhiều đến sức mạnh văn hóa của các
dân tộc. Cuộc chiến cạnh tranh kinh tế lần này đòi hỏi dân mình phải
lột xác một lần nữa để có một sức mạnh mới, mà sức mạnh lần này phải
dựa trên những đức tính, những phẩm chất mang tính thời đại, mà vị trí
số một phải là tinh thần năng động và sáng tạo. Cần phải nói thẳng ra
rằng, do cái phương thức sản xuất theo kiểu tự sản, tự tiêu của mỗi gia
đình nông dân mà bao đời nay đã hình thành trong cha ông chúng ta một
số tính cách không thể chấp nhận vì những tính cách đó không ít thì
nhiều đang tạo ra những vật cản nội tại khiển nền kinh tế Việt Nam dễ
mất đi thế mạnh cạnh tranh. Có thể kể một số tính cách khiếm khuyết
chính của người mình như sau:
1 Tinh thần cộng đồng yếu kém
2 Khinh miệt kinh doanh
3 Ít cởi mở
4 Nhút nhát, tự ti
5 Tinh tướng
6 Dĩ hòa vi quí
7 Sĩ hão
8 Đố kị
9 Khôn lỏi
10 Dối trá
Ở
đây, số thứ tự không ngầm chỉ tính nghiêm trọng mà chỉ có ý nghĩa để
tóm tắt các suy luận ở phần tiếp theo bằng sơ đồ "huyết thống" cho dễ
theo dõi. Theo cảm nghĩ được nhiều người chia sẻ thì quá trình hình
thành những khiếm khuyết kể trên có thể lý giải phần nào như sau. Có
hai yếu tố cơ bản có tính quyết định đến sự hình thành của 10 khuyết
tật kể trên.
a. Một là, thói quen ăn uống, đúng hơn là chế độ dinh dưỡng của
người Việt chúng ta trong suốt thời gian tồn tại và phát triển chủ yếu
dựa trên nền các thức ăn có nguồn gốc thực vật. Cho đến tận hôm nay,
nhiều người dân nước ta sống tại các vùng nông thôn, kể cả các vùng
không thiếu lương thực, vẫn cho rằng, điều quan tâm số một của bữa ăn
là phải no, nghĩa là chất bột phải đủ để mất đi cái cảm giác đói. Thức
ăn vẫn là thành phần phụ, mà nếu có thì cũng phần nhiều là rau, là củ.
Điều này đã được nhắc đến ở trên một cách trào phúng rằng, người Việt
chúng ta từ lâu đã sống giữa các bụi cỏ khổng lồ (tre, cau, dừa), ăn
các sản phẩm cũng từ cây cỏ (lúa, măng, rau muống). Cái chế độ dinh
dưỡng dựa trên nền thực vật, thiếu đạm triền miên ấy có thể là nguyên
nhân chính dẫn đến tinh cách khá nhút nhát có phần tự ti của chúng ta.
Mà một trong những hậu quả của tính nhút nhát, tự ti ấy là lối ứng xử
thiên về kiểu dĩ hòa vi qui, an phận thủ thường. Cái cách ứng xử đó làm
cho con người dễ trở thành thụ động, mất đi gần hết sự nhiệt tình thúc
đẩy tinh thần năng động sáng tạo, một yếu tố có tính quyết định đến sự
tiến bộ xã hội ở mọi nơi, mọi lúc. Không biết có phải chính sự thiếu
chất đạm triền miên đã là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ trong
cách tư duy của ông cha chúng ta, khiến xã hội ít cỏ sự tiến bộ trong
những năm dài phong kiến hay không. Tôi không đủ kiến thức về sinh vật
học, nhân chủng học, tâm lý học để khẳng định điều phát biểu về mối
liên quan giữa chế độ ăn uống và tính thụ động của con người như trình
bày ở đây là có cơ sở hay không có cơ sở hoặc đúng đến mức nào. Nhưng
từ quan sát thực tế, không chỉ giới hạn trong thế giới con người, tôi
có cảm giác mối liên hệ ấy phần nào là có cơ sở.
b. Yếu tố quyết định thứ hai chính là phương thức canh tác tự sản, tự tiêu của mỗi gia đình nông
dân Việt Nam từ bao đời nay đã kiến tạo nên nhiều tính cách liệt kê
trong bảng tổng kết ở trên. Tính cộng đồng yếu kém là hệ quả đầu tiên
của phương thức sản xuất tự cung tự cấp.
Nói đến tính cộng đồng
ở đây là nói đến sự hợp tác trong việc thúc đẩy sản xuất. tinh thần
đoàn kết vì mục đích chung trong phát triển kinh tế. Điều này không có
gì mâu thuẫn với những khẳng định rằng dân ta có tinh thần đồng tâm
hiệp lực, anh dũng trong cuộc chiến chống thiên tai hay chống giặc
ngoại xâm. Tại những thời điểm, những tình huống mà cả cộng đồng phải
đối mặt với sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết thì mục tiêu phải sống
đã đoàn kết được tất cả mọi người nông dân Việt Nam. Trong những trường
hợp như vậy, người Việt chúng ta thể hiện được tinh thần đoàn kết dân
tộc, cùng chung một mục tiêu, sẵn sàng hy sinh cho nhau và vì nhau.
Nhưng, khi đã an bình thì mỗi người lại chui vào cái tổ kén "nhà mình
với thói quen chỉ chăm lo cho nồi cơm manh áo của riêng mình như một lẽ
thường tình phải vậy. Phải chăng đây cũng là nguyên nhân chính khiến
nhà nước phong kiến Việt Nam chưa bao giờ thật sự hùng mạnh trong những
khoảng thời gian hòa bình để đủ sức ngăn đe kẻ thù xâm lược phương Bắc.
Ngày nay, một biểu hiện vô cùng thất vọng và rất đáng lo ngại khi mà
nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết đặt lợi ích của đất nước lên
hàng đầu trong làm ăn, buôn bán với các công ty nước ngoài. Họ sẵn sàng
bán rẻ quyền lợi của các doanh nghiệp bạn, nếu thấy mình có lợi, mà chữ
mình ở đây không hiếm khi chỉ là một cá nhân hay là một nhóm.
Một
con đẻ trực tiếp khác của cung cách tự sản tự tiêu là thói quen miệt
thị kinh doanh, nhất là kinh doanh thương mại. ông cha ta đã xếp những
người làm kinh doanh ở bậc thấp nhất trong các tầng lớp xã hội. Những
người làm kinh doanh bị coi là những kẻ lười nhác, tham lam, chẳng chịu
làm gì, sống bằng buôn gian bán lận. Và không khuyến khích kinh doanh
nên không có động lực cho sự ra đời của các phương thức sản xuất tiên
tiến khác, và hậu quả là "văn hóa Một " : một mình, một cuốc, một thửa
ruộng, một khoảng sân con tồn tại thường có khi tiếp khách, nhất là với
người nước ngoài là biểu hiện của tính cách cởi mở. Đó đúng hơn là kết
quả của một sự kết hợp khá phức tạp, một món lẩu của các đặc tính nhút
nhát, tò mò và sĩ diện.
Cặp vợ chồng già, một kẹt xỉn, một gàn
dở nói trên, đôi uyên ương bảo thủ vả cam phận với cảnh đói nghèo chất
đạm cùng với hai đứa con, một đứa ốm yếu về tính cộng đồng (1) đứa thứ hai (2) Chỉ lấy sự phỉ báng kinh doanh làm vui,
đã sản sinh ra các hậu duệ với nhiều khuyết tật. Khôi hài nhất có lẽ là
trường hợp hai đứa chắt sinh đôi của họ do đứa cháu đích tôn, tức cái thằng ít cởi mở sinh
ra. Hai cái thằng chắt khác nhau như nước với lửa về bản chất, thông
thường không thể sống chung với nhau dưới một mái nhà. Thế mà chúng lại
là cặp song sinh cùng một phôi, sống quấn quýt bên nhau như hình với
bóng. Thằng anh tên là Nhút nhát, tự ti (4), còn thằng em lại vô cùng lém lỉnh, coi trời bằng vung, luôn tự mãn, khinh thường thiên hạ. Đó là thằng Tinh tướng (5)
người bố ít nói, chẳng mấy khi có nhu cầu giãi bày tâm sự với ai sinh
ra đứa con tự ti thì cũng dễ hiểu theo qui luật di truyền. Nhưng, có
một đứa con tinh vi mà lại song sinh với người anh nhút nhát thì cũng
hơi khó hiểu. Song, nếu suy nghĩ sâu hơn một chút thì lại thấy điều đó
cũng chẳng có gì khó hiểu. Bởi vì, một khi người thân sinh ra nó ít cởi
mở, luôn có tư tưởng hướng nội thì ông ta sẽ không biết thiên hạ ra
sao, thấy vòm trời chỉ nhỉnh hơn khoảnh sân nhà mình chút đỉnh nên lầm
tưởng mình là thứ tinh túy nhất. Mà đã nghĩ như vậy thì cũng sẽ di
truyền được vậy. Vì thế mà thằng Tinh tướng đã sinh ra như
một hậu quả của sự thiếu cọ sát, thiếu giao du thiếu chia sẻ nên chẳng
biết được ai ngoài mình, bởi lẽ người bố chẳng khi nào ra khỏi làng
quê, còn khi ở trong sân thì tầm nhìn bị lũy tre che khuất. Buồn một
nỗi là thằng Nhút Nhát lại được bố phân làm việc xã giao, còn thằng Tinh tướng lại lo công việc bếp núc trong nhà. Vì thế, thằng Tinh tướng lại càng tinh tướng vì chẳng được tiếp xúc với người ngoài. còn thằng Tự ti lại càng nhút nhát vì thấy mình bé nhỏ" khi phải đối mặt với người không cùng nàng", cùng "tổng".
Hậu quả là thằng Nhút nhát lại đẻ ra đứa con Dĩ hòa vi quí (6),
phải công nhận đứa bé này có cái tâm trong sáng, luôn đề cao cái nghĩa,
muốn người với người sống để nhịn nhường nhau. Nếu tất cả mọi người đều
nhất trí như vậy thì chắc hẳn chẳng mấy khi có sự mếch lòng, mà giả sử
sự mếch lòng hiếm hoi nào đó xảy ra giữa hai con người bất kì thuộc
dòng giống cao thượng của bậc Dĩ hòa thì cả hai sẽ giơ tay
cung kính như hai đại nhân thường chào nhau khi gặp mặt để rồi cùng
khóc một cách chân thành với những giọt nước mắt chứa đầy sự ân hận,
ngõ hầu mong người kia tha thứ. Đã là như vậy, nếu Dĩ hòa vi quí
không kết duyên với một kẻ trong cùng huyết thống, một kẻ có tâm địa
xấu xa, mà ta sẽ nói đến khi điểm mặt những đứa con của kẻ song sinh
với Tự ti sinh ra. Kẻ song sinh đó, tức thằng Tinh tướng
ông tổ của tính tự phụ, sinh được một trai, một gái. Đứa con trai là
niềm tự hào của ông bố tinh tướng vì nó chính là kẻ háo danh với cái
tên dân gian thường gọi là Sĩ hão (7), sĩ hão không hề hổ với
danh phận của mình, nó luôn hào nhoáng, chẳng ai thấy nó có điều gì xấu
bao giờ vì nó biết "tốt đẹp phơi ra, xấu xa đậy lại", sĩ hão đến mức
nhiều khi mất luôn cả lí trí. Nhưng thật trớ trêu, nó luôn là niềm mơ
ước của mọi người trong cùng vọng tộc, vì nó luôn coi học để làm quan
là lẽ sống. Đứa con gái của Tinh tướng tên là Đố kị (8), vì
cha nó tinh tướng nên cứ thấy ai có vẻ hơn mình là ông không chịu được,
quyết cản đường để họ khỏi vượt mình. Cha nào con ấy. Cái Đố kỵ giống hệt bố Tinh tướng ở cái tính" ứckhông chịu nổi" những kẻ có khả năng qua mặt. Vì thế, nó cũng được cha yêu chiều như thằng anh Sĩ hão.
Thật buồn thay bậc đại nhân giàu lòng cao thượng, tức bậc Dĩ hòa vi quí lại bị đưa em họ của mình, kẻ ti tiện tên là Đố kị mồi chài lợi dụng, đưa vào cạm bẫy. Nắm chắc được tính nết hiền lành của bậc Đại nhân nên Đố kị đã dễ dàng trở thành bạn trăm năm của Dĩ hòa vi quí.
Một mối tình éo le của một Cái tốt và một Cái xấu. Cũng thật không may
cho chúng ta, Cái xấu đã chiếm thế thượng phong mà chứng cứ là con Khôn lỏi (9) gã sinh ra từ mối nhân duyên không mong muốn đó. Cái Khôn lỏi
nhân danh bố nó ca ngợi sự nhường nhịn, đề cao bác ái để làm cho người
ta chẳng thích tranh luận, mặt khác nó thu lời từ sự lặng im đó. Con
này quả là một nữ quái, gây nên không biết bao nhiêu nỗi đau lòng cho
người Việt Nam ta. Nó là mẫu thân của những kẻ cơ hội, là kẻ bảo trợ
cho tất cả những hành vi xảo trá, vô liêm sỉ trong việc trục lợi cho
bản thân mình. Mang trong mình dòng máu một nửa của ông nội, tức là cái ông Nhút nhát, một nửa là của kỵ nội, tức là cái ông ích kỷ (không coi trọng lợi ích cộng đồng) nên Khôn lỏi
luôn sẵn sàng đút lót, nịnh bợ để xong việc của mình, làm hư hỏng những
người thực thi công việc chuyên môn nghiệp vụ, sau đó về nhà thì ấm ức,
quát vợ đánh con hoặc than thân trách phận. Khi nào mỗi chúng ta còn bị
Khôn lỏi điều khiển thì xã hội còn tràn lan tệ nạn, còn khó trở thành xã hội văn minh.
Tệ hơn nữa, nó còn quyến rũ em ruột kỵ của mình, nghĩa là cái ông hiếu thảo nhất với các cụ tổ của nó, tức là ông Miệt thị
kinh doanh vốn dĩ nắm được bí quyết giữ gìn tuổi thanh xuân nên trông
chẳng già hơn nó là bao. Trên đời dễ có mấy ai thoát khỏi mưu đàn bà,
mà lần này lại là cô Khôn lỏi. Vì vậy, lại một đám cưới như
là kết quả của một mối tình éo le, vô đạo đức nữa được tổ chức. Đôi vợ
chồng trời đánh đó đã sinh ra một kẻ quái thai với tên gọi là Dối trá (10), mà mọi người thường gọi nó là đồ Vô chữ tín,
Con quái vật này có lũ hậu duệ chuyên làm hàng giả, kinh doanh chộp
giật, móc mối quan hệ, làm kinh doanh theo lối phỉ báng kinh doanh như
ông tổ của chúng đã từng phỉ báng. "Sơ đồ huyết thống" dưới đây sẽ tổng kết mối quan hệ giữa các tính xấu bàn đến ở trên.
Quan hệ huyết thống của các thói quen tật xấu
a. Chế độ dinh dưỡng thiếu chất đạm,
b. Phương thức sản xuất tự cung tự cấp;
1. Tính cộng đồng yếu kém;
2. Thói quen miệt thị kinh doanh;
3. Tính ít cởi mở;
4. Tính nhút nhát, tự ti;
5. Tính tinh tướng;
6. Tính di hòa vi quý;
7. Tính báo danh ( sĩ hào)
8. Tính đố kị.
9. Tính láu cá;
10. Tính dối trá.
trên đây là một phác họa vui về mối quan hệ dây mơ dễ má của các
thói quen tật xấu của người Việt chúng ta. Phải nói rằng, các tính xấu
ấy đã hoành hành một cách trắng trợn trong cái thân hình gày guộc đáng
thương vì thiếu đạm của cha ông chúng ta trong một thời gian dài là nhờ
có các hủ tục, một yếu tố cộng sinh đồng thời cũng là nguồn cung cấp
chất dinh dưỡng cho các thói xấu ấy. Ngày nay, phần lớn các hủ tục đó
đã bị phân hủy, một phần lớn là do thời cuộc đã đổi thay: Nhưng cũng
xuất hiện một thứ cộng sinh mới đang níu kéo và nuôi dưỡng các tính xấu
nói trên. Nó chính là sự coi thường pháp luật. Hy vọng chúng ta sẽ
nhanh chóng dọn sạch thứ rác rưởi cộng sinh đó để "thân thể Việt Nam"
có được sự cường tráng, thanh cao, sống trong một quốc gia mạnh giàu,
xứng đáng với sự tin cậy và lòng kính trọng của bạn bè quốc tế.
Tôi
không muốn vì hội nhập, vì sự đoạn tuyệt với các thói quen và tật xấu
mà chúng ta lỡ để mất tre. Ôi cái cây tre ngàn đời đã sống chết cùng
với cha ông, rất thân thiết với mỗi chúng ta, rất nên thơ khi lòng ta
yên ả. Mong sao các làng quê Việt Nam trong thế kỷ 21 sẽ vẫn có tre
xanh bao bọc, các con đường làng rải nhựa rộng thênh thang nhưng vẫn
rợp bóng tre. Và để tre xanh không còn che lấp mắt, các mái nhà tranh
sẽ được thay bằng những chung cư, những ngôi biệt thự nhiều tầng để
người nông dân đất Việt có thể ngồi ở nhà mình mà vẫn trông thấy khuôn
mặt đáng yêu của các anh hàng xóm trong những phút giây trao đổi, chia
sẻ về những thời cơ và thách thức mà cạnh tranh kinh tế toàn cầu tạo
ra. Hãy để tre trường tồn cùng dân tộc Việt.