17/08/2018, 21:55

Thái Bình Thiên Quốc chiến tranh toàn sử (Bài 3)

Tác giả Hoắc Chi Thanh Đỗ Trung Thành dịch Tiềm năng của địa chủ vừa, nhỏ và phái kinh thế. Triều Thanh thời Gia Khánh, thế nước suy vi, nguy cơ hiển hiện, đã dẫn tới sự phân hóa nội bộ trong tập đoàn quan liêu. Đối diện với sự suy thoái, một số quan lại có tầm nhìn ...

thai binh (2).jpeg

Tác giả Hoắc Chi Thanh

Đỗ Trung Thành dịch

  1. Tiềm năng của địa chủ vừa, nhỏ và phái kinh thế.

Triều Thanh thời Gia Khánh, thế nước suy vi, nguy cơ hiển hiện, đã dẫn tới sự phân hóa nội bộ trong tập đoàn quan liêu. Đối diện với sự suy thoái, một số quan lại có tầm nhìn và học thức đã tích cực đề xướng kinh thế thực dụng, chủ trương cải cách chính trị, chỉnh đốn quan lại, thanh lọc quân đội, tăng cường huấn luyện và kỷ luật, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên, thay đổi cách học tập từ khảo chứng câu cú sang giải quyết những vấn đề kinh tế chính trị trước mắt. Những quan lại quê ở Hồ Nam là phần tử trung kiên của phải kinh thế, những nhân vật lãnh tụ đầu tiên là Đào Chú, Hạ Trường Linh đã từng đảm nhiệm chức đốc phủ, hăng hái lo việc nước, gây dựng những điều thiết thực. Hạ Trường Linh ủy thác cho Ngụy Nguyên biên tập và khắc in “Hoàng triều kinh thế văn biên”, thu thập những bản tấu sớ của quan lại trứ danh từ khi nhà Thanh khai quốc tới đời Đạo Quang, nội dung hạn định là những đối sách kiến nghị có liên quan đến quốc kế dân sinh, bao gồm các vấn đề kinh tế chính trị hiện thực cấp bách như dẹp bỏ tham nhũng, đề cao liêm chính, tu sửa binh doanh, thanh lý tài chính, tu sửa thủy lợi, phát triển nông nghiệp, cải cách thuế muối, tệ nạn thủy vận vv…để quan lại hiện thời lấy đó làm gương. Sau đó, việc biên soạn “Kinh thế văn biên” dần trở thành trào lưu. Những người như Đường Giám thì bắt tay cải cách Lí học, chủ trương giải quyết vấn đề triệt để tận gốc, “lấy Chu Tử toàn thư làm gốc, …nỗ lực bản thân”. Các nhân vật lãnh tụ lớp thứ hai như Lâm Tắc Từ, Ngụy Nguyên trong thời kỳ chiến tranh nha phiến, vì nghiêm cấm nha phiến và kiên quyết kháng Anh mà được nhân sĩ phái kinh thế trong triều ủng hộ học theo. Sau chiến tranh, bọn họ nhằm vào bài học thất bại, đề xuất khẩu hiệu “học cái hay của kỹ thuật bọn di để chế ngự bọn di”, đem kinh thế học chuyển sang học tập kỹ thuật quân sự tiên tiến của phương Tây và phản kích liệt cường, phái kinh thế đã từ Nho học truyền thống dần chuyển sang con đường nhận thức Tây học.

Thế nhưng, sau chiến tranh nha phiến, mối quan hệ giữa Trung Quốc và bên ngoài yên ổn, trong nước mâu thuẫn giai cấp gay gắt chưa từng thấy, cuộc đấu tranh phản kháng của nhân dân lan rộng toàn quốc, một cuộc cách mạng quy mô lớn lao sắp sửa bùng nổ. Quan lại phái kinh thế ở vào tình thế bị bức bách nghiêm trọng, xuất phát từ lợi ích giai cấp bản thân, tích cực gia nhập vào sự thống trị của triều đình phong kiến Mãn Thanh và tăng cường hành động trấn áp khởi nghĩa nông dân. Tăng Quốc Phiên, Ngô Văn Dung, Trương Lượng Cơ, Chu Thiên Tước, Lạc Bỉnh Chương, Giang Trung Nguyên, Tả Tông Đường, Hồ Lâm Dực, Lý Hồng Chương, Quách Tung Thọ vv…lần lượt hưởng ứng lời kêu gọi của Thanh triều, từ quan văn nho sinh trở thành đại tướng thống soái nơi tiền tuyến. Có thể thấy, phái kinh thế trong thời kỳ cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc đã từ chủ trương kinh thế thực dụng cận đại hóa “học cái hay của kỹ thuật bọn di để chế ngự bọn di” và mệnh đề chủ nghĩa yêu nước chuyển hướng sang trấn áp khởi nghĩa nông dân trong nước. đây cũng là đặc trưng giai cấp cơ bản và sự thỉnh cầu chính trị của những nhân vật thuộc thế hệ thứ ba phái kinh thế.

Quan lại phái kinh thế có nền tảng xã hội rộng lớn. Bọn họ thuộc giai cấp địa chủ người Hán, không ít người xuất thân trong gia đình địa chủ vừa và nhỏ ở nông thôn, từ nhỏ đã tiếp thu nền giáo dục gia đình địa chủ và thấm nhuầm tư tưởng Nho học, đồng thời có mối liên hệ tương đối mật thiết về chính trị và kinh tế với quan trường. Một số người thông qua khoa cử ra làm quan, trở thành quan lại các cấp của Thanh triều. Bọn họ hiểu khá rõ về xã hội và dân tình, có ý thức kinh thế rất mạnh, do đó đến khi nhậm chức, chú trọng xây dựng hành vi phẩm chất và hình tượng của bản thân, lợi dụng chức quyền để thực thi một số cải cách, dấy lợi trừ hại, điều hòa mâu thuẫn xã hội, đặc biệt chú trọng duy trì lợi ích hợp pháp của tầng lớp địa chủ vừa và nhỏ và hộ nông dân tự canh, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Thanh triều đối với tầng lớp trung lưu, mưu đồ tiêu diệt những nhân tố phản kháng, duy trì sự yên ổn lâu dài của trật tự phong kiến. Mặt khác, bọn họ có thái độ thù hằn cực đoan đối với cuộc đấu tranh phản kháng của nhân dân, dốc toàn lực trấn áp tàn khốc. Vì mũi dùi của khởi nghĩa nông dân không chỉ hướng vào Thanh triều mà trước tiên uy hiếp tính mạng của gia đình địa chủ vừa và nhỏ ở nông thôn. Hồ Lâm Dực thẳng thắn thừa nhận: “Khi đạo tặc bị loại bỏ, không phải là phản quốc phản phiên, có thể ở ẩn. Nếu không phải là ta giết giặc, tức giặc giết ta.”(1) (Hồ Văn Trung công di tập, quyển 74, trang 62) Địa chủ phú hào không có sự lựa chọn nào khác, chỉ có thể ủng hộ Thanh triều, cùng tham gia trấn áp khởi nghĩa nông dân. Những phần tử phái kinh thế này đại diện cho thế lực địa chủ, nho sinh người Hán, có căn cơ xã hội rất vững chắc. Xét về mặt hình thái ý thức, bọn họ tôn thờ tin tưởng quan niệm Nho học, phổ biến gắn bó chặt chẽ quan niệm chính trị trung quân ái quốc, vì xuất thân từ tầng lớp trung lưu, ý thức rất mạnh mẽ về công danh lợi lộc, có dã tâm chính trị rất lớn muốn leo lên tầng lớp thượng lưu của xã hội, đồng thời thông qua mạng lưới chế độ tông pháp, dùng các mối quan hệ địa phương, huyết thống, để móc nối tập hợp, hình thành nên các tập đoàn phong kiến có sức liên kết tương đối mạnh và đề cử nhân vật lãnh tụ, tìm kiếm thời cơ có lợi, mở rộng thế lực tập đoàn. Trong thời bình, việc đề bạt quan lại thăng cấp phải theo quy trình do đầu não triều đình khống chế, nguồn lực chính trị phân phối cực kỳ mất cân bằng, thế lực quyền quý Mãn Hán xâu xé bất chấp, phái kinh thế chỉ có thể làm việc ở các tỉnh nhưng chịu sự áp chế của thế lực quyền quý, rất khó hình thành được thế lực chính trị lớn mạnh, cũng không đủ sức đối kháng với thế lực quyền quý. Cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc nổi lên, thế lực quyền quý vấp phải sự đả kích nặng nề, nhân vật có vai vế của phái kinh thế thuộc thế hệ thứ ba ào ào bước ra sân khấu, chắp tay dưới lá cờ bảo vệ triều đình, tổ chức lực lượng vũ trang, tranh cướp địa bàn, tự trưng thu li kim, quyên góp, liên lạc với nhau hình thành nên những tập đoàn chính trị mang tính khu vực, ép buộc triều đình suy yếu lửng lơ phải tiếp nhận một kết cấu chính trị mới, phân phối lại tài nguyên quyền lực, để tổ chức lực lượng của giai cấp địa chủ, trấn áp cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc. Vì vậy, kẻ địch chủ yếu thời kỳ sau của cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc đã có sự thay đổi, từ lực lượng vũ trang triều đình Mãn Thanh đã chuyển sang lực lượng vũ trang phái kinh thế do Hoài quân và Tương quân làm chủ lực. Đây là đề tài quan trọng mà khi nghiên cứu lịch sử chiến tranh Thái Bình Thiên Quốc phải chú ý.

Các phần tử phái kinh thế có tương đối đầy đủ năng lực và tiềm lực chính trị, trong thời bình, vì chịu sự áp chế và bài xích của các thế lực quyền quý nên năng lực và tiềm lực của họ khó có thể phát huy hết. Chỉ có một số ít nhân vật kiệt xuất xuất đầu lộ diện trở thành thanh quan danh giá của Thanh triều. Bọn họ thề trung thành với triều đình, thù hận cuộc đấu tranh phản kháng của nhân dân, trấn áp tàn khốc không nương tay, duy trì bảo vệ sự thống trị của Thanh triều và lợi ích của giai cấp địa chủ, thậm chí còn mượn đó làm nấc thang để tiến thân. Hầu hết các đốc phủ thuộc phái kinh thế tay đều vấy máu trong lịch sử trấn áp những người phản kháng. Đại đa số phần tử thuộc phái kinh thế đều thuộc tầng lớp giữa và dưới trong xã hội, tuy rất bất mãn với hiện thực hủ bại và tăm tối nhưng đối với triều đình nhà Thanh lại rất trông đợi. Bọn họ thời trẻ vật lộn với khoa bảng, mong muốn tiến thân bằng con đường hoạn lộ, hoặc giả như tiêu cực thoái ẩn, kinh doanh ruộng đất, liên kết với thân sĩ địa chủ, gia cố trật tự tông pháp phong kiến ở tầng cơ sở. Bọn họ cực kì mẫn cảm với những cuộc đấu tranh phản kháng của nhân dân, uy hiếp trực tiếp tới tính mạng gia đình họ. Đương nhiên là họ không thể tạo lập thế trung lập trong cuộc chiến giữa Thanh triều và Thái Bình Thiên Quốc, cũng không đủ sức đơn độc đối đầu với quân Thái Bình. Do đó, họ bắt buộc phải dựa vào quan phủ, tổ chức Đoàn luyện, bảo giáp, cưỡng bức nhân dân tòng quân và giao nộp lương tiền, phối hợp với quân Thanh kháng cự lại cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc. Từ năm 1852, vua Hàm Phong đã ủy nhiệm cho đại thần lo việc Đoàn luyện ở các tỉnh ven sông (Trường Giang), trao quyền tổ chức Đoàn luyện cho các thân sĩ, ngăn trở thế tiến ào ạt của quân Thái Bình. Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương, Tả Tông Đường, La Trạch Nam, Quách Tung Đào chính là nhân cơ hội này xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt là Tăng Quốc Phiên, dựa vào vị thế là thủ lĩnh phái kinh thế Hồ Nam và đại thần lo việc Đoàn luyện, cấu kết với tuần phủ Lạc Bỉnh Chương, dựng lên cờ hiệu Tương quân, tiếp nhận tổ chức lực lượng cốt cán phái kinh thế Hồ Nam, nhanh chóng nổi dậy bành trướng, hùng cứ Lưỡng Quảng, trở thành lực lượng vũ trang chủ lực ngăn chặn quân Thái Bình phát triển ở trung du sông Trường Giang. Phần lớn phần tử phái kinh thế xuất thân từ tầng lớp giữa và dưới gia nhập Tương quân, năng lực và tiềm lực chính trị của họ được phát huy hết mức trong chiến loạn. Tả Tông Đường thừa nhận, tướng soái của Tương quân ngoại trừ số rất ít như Tăng Quốc Phiên , Hồ Lâm Dực có công danh tiến sĩ, “còn lại đều xuất thân thảo mãng” (Tả Văn Tương công toàn tập, quyển 23, trang 12) đều là nho sinh hương trấn và địa chủ vừa và nhỏ. Bọn họ nhân khi loạn lạc nổi dậy, thừa nước đục thả câu, trở thành lực lượng chủ thể thuộc phái kinh thế do Tăng Quốc Phiên là thủ lãnh, phát triển rất mạnh trong cuộc chiến đàn áp đẫm máu phong trào Thái Bình Thiên Quốc, dùng máu tươi nhuộm đỏ mũ quan, tập hợp thành tập đoàn chính trị quân sự mới nổi, không những giúp sức rất lớn để vương triều Thanh kéo dài cuộc sống thoi thóp, còn là nhân tố chủ yếu ly khai tập quyền trung ương và cát cứ.

Trước làn sóng phản kháng dâng cao khắp nơi trong cả nước, triều đình trung ương cũng thấy được tình hình rất nghiêm trọng, đã mau chóng nghĩ cách thích nghi với sự biến đổi. Năm 1850, vua Đạo Quang băng hà, Hàm Phong mới 19 tuổi kế vị, tấu sớ về việc dân chúng làm phản từ các nơi nườm nợp gửi về, tình hình Quảng Tây càng cấp bách. Vua Hàm Phong theo kế của tọa sư Đỗ Thụ Điền, tiến hành một cuộc thanh trừng lớn trong nội các, quyền thần Mục Chương A, các phần tử có tư tưởng cấu kết thỏa hiệp với nước ngoài như Kỳ Anh, Y Lý Bố đều bị bãi chức, trong triều Mục đảng cũng bị liên lụy và bài xích. Đồng thời, tái bổ nhiệm những lão thần có tiếng thanh liêm chính trực và cẩn trọng như Trại Thượng A, Kì Tuyển Tảo chấp chưởng quân cơ xứ, xây dựng quyết sách trung ương mới. Hơn nữa, trước sau đã bổ nhiệm những quan lại thuộc phái kinh thế như Lâm Tắc Từ (khi trở về thì ốm chết), Lý Tinh Nguyên, Chu Thiên Tước, Diêu Doanh, Nghiêm Chính Cơ, Giang Trung Nguyên tới Quảng Tây tiêu diệt quân Thái Bình. Tiếp đó, lại hạ chỉ lệnh cho Trương Lượng Cơ làm tuần phủ Hồ Nam, trấn giữ Trường Sa; Ngô Văn Dung làm tổng đốc Hồ Quảng phòng ngừa quân Thái Bình tây chinh. Nhưng tất cả đều lần lượt thất bại, chẳng chút thành tích, quan lại phái kinh thế đâu có thể xoay chuyển càn khôn. Đương nhiên lúc đó các phần tử phái kinh thế không xuất hiện với hình thức quần thể hay độc lập mà chỉ là chủ trì hoặc tham dự quân vụ, với thể chế quân sự đó, kỳ lục binh tướng và tổ chức hương dũng đều như xưa, vì thế rất khó làm nên thành tích. Trong đó, Giang Trung Nguyên chiêu mộ 500 lính Sở dũng (sau lên tới 800 người), thực chất là con em họ Giang, do ông ta đích thân chỉ huy là tương đối có sức chiến đấu, đã từng cùng Lục doanh phối hợp tác chiến ở Quảng Tây và Hồ Nam, đặc biệt với việc ngăn chặn và gây thiệt hại cho quân Thái Bình ở bãi Soa Y mà danh tiếng bỗng chốc nổi như cồn, lại với việc kiên cường giữ Nam Xương ba tháng đã nhận được sự thổi phồng và đề cử rất lớn của quan lại phái kinh thế. Giang Trung Nguyên quan lộ hanh thông, chỉ trong vòng hơn 2 năm đã từ một tri huyện, dần dà dựa dẫm leo lên, cuối cùng được vua Hàm Phong cất nhắc làm tuần phủ An Huy, trở thành quan lại cấp thấp đầu tiên thuộc phái kinh thế nhảy vọt lên chức đốc phủ, Sở dũng cũng được triều dã xem là quân thường thắng. Nhưng Giang Trung Nguyên đơn độc giữ Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì), bị quân Thái Bình vây chặt, quân Lục doanh, tráng dũng trong tay không có ý chí chiến đấu, ngoài thành quân tiếp viện sợ hãi không dám tiến vào, Sở dũng thì bị quân Thái Bình tấn công ở Hồ Bắc, tổn thất nặng nề, nhất thời không thể đến cứu viện. Kết quả là thành bị phá, người thì mất mạng, Giang Trung Nguyên chưa thể thoát khỏi tai kiếp. Nhưng những sửa đổi của ông ta là sự cổ vũ lớn lao cho các phần tử phái kinh thế Hồ Nam, Vương Hâm, La Trạch Nam lần lượt xây dựng vũ trang hương dũng, trở thành cốt cán của đoàn luyện Hồ Nam, Tăng Quốc Phiên chính là từ đó lập nên vốn nghiệp, Tương quân cũng từ đó khởi sự. Ông ta quyết định không lẫn lộn với quân Bát kỳ và Lục doanh mà xây dựng theo kiểu khác, “muốn luyện hương dũng vạn người, đều yêu cầu người của ta thành những bậc quân tử chính trực hiểu quân sự, dùng trung nghĩa để lãnh đạo, siêng năng huấn luyện, cổ vũ lẫn nhau, sau này có thể chiến đấu được.(1) (Tương quân chí) Phần tử phái kinh thế Hồ Nam và nho sinh phản động, thủ lĩnh Đoàn luyện đua nhau hưởng ứng, bu lại như ruồi, hình thành một khu vực vũ trang tương đối độc lập. Tới đây, phái kinh thế đã dần dần thoát khỏi trạng thái hành động đơn lẻ yếu ớt, nương nhờ quyền quý trước đây, chuyển qua dùng sức mạnh tập thể, thấu hiểu tương trợ lẫn nhau, nhanh chóng mở rộng lực lượng vũ trang và địa bàn đồng thời tìm nơi dựa dẫm trong triều đình trung ương. Tăng Quốc Phiên trước tiên kết giao với nhóm Túc Thuận, thế lực khuynh đảo triều đình, sau cuộc chính biến Tân Dậu, lại thay đổi quay sang đầu quân dựa dẫm tập đoàn Dịch Hân, cuối cùng hòa chung với tầng lớp quyền quý trong triều, trở thành thế lực chính trong triều đình. Mối quan hệ giữa phái kinh thế và triều đình đan xen phức tạp rối rắm, sau khi trải qua sự điều chỉnh của chính quyền Từ Hy, Dịch Hân đã trấn áp đẫm máu Thái Bình Thiên Quốc, Niệm quân và các cuộc khởi nghĩa nông dân các nơi, thế lực mở rộng ra toàn quốc.

Lịch sử đã chỉ rõ, địa chủ vừa và nhỏ người Hán, nho sinh và các thế lực đại diện cho phái kinh thế là kẻ địch hung ác của cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc, thực lực tiềm tàng và xu hướng chính trị của họ xứng đáng để ngiêm túc khảo sát nghiên cứu. Thông thường, địa chủ vừa và nhỏ bóc lột và áp bức nông dân, dựa dẫm và phụ thuộc vào quan phủ, thân sĩ, những người mang tư tưởng Nho học thì càng kiên định. Ở nông thôn, bọn họ làm vây cánh cho quan lại thân sĩ, nắm quyền bảo giáp cơ sở, đốc thúc lương tiền thuế khóa cho quan phủ, duy trì trị an và trật tự phong kiến. Hơn nữa, hệ thống bảo giáp kết hợp với chế độ tông pháp, thân sĩ giàu có đại tộc chủ trì quyền lực ở nông thôn, thiết lập riêng tòa án hình sự, giám ngục và lực lượng vũ trang gia tộc, địa chủ vừa và nhỏ thì lấy danh nghĩa bảo giáp để hợp pháp hóa việc này, dựa vào đó thủ tiêu tất cả các tổ chức phản phong kiến, phòng ngừa các hoạt động phản kháng của nông dân, bảo vệ đặc quyền chính trị và lợi ích bóc lột của giai cấp địa chủ. Khi nông dân nổi dậy phản kháng, địa chủ vừa và nhỏ sẽ đứng ra ủng hộ quan lại thân sĩ, liên kết các bảo giáp thành kết cấu phòng vệ liên bảo, đô bảo, cưỡng bức các hộ nông dân đóng góp lương tiền, tráng đinh để tổ chức Đoàn luyện, “tự bảo vệ gia đình, mượn có thể bảo toàn địa phương, để bổ xung cho quan binh.” Thế nhưng tác dụng của Đoàn luyện có hạn, “chỉ có thể phòng chống các nhóm du phỉ nhỏ hơn ngàn người, không thể tiêu diệt giặc hung hãn tới vài vạn.” chính là nói những hiệu quả của Đoàn luyện đối với các cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô nhỏ. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị trấn áp, còn cần phải “làm Đoàn luyện vì cái hay của nó sau này”(1) (Thanh sử cảo, binh chí tứ, quyển 133). Quan lại ở một số châu huyện còn trưng tập tráng đinh từ Đoàn luyện, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, làm hương dũng phối hợp với quân triều đình tiến hành các hoạt động quân sự. Phần lớn các vị trí cốt cán trong Đoàn luyện, hương dũng là do thành phần địa chủ vừa và nhỏ hoặc nho sinh đảm nhận, bọn họ khí thế hừng hực, hành động tích cực, liều chết bảo vệ gia sản còn có thể nhân cơ hội này tranh công lĩnh thưởng, thăng quan phát tài vì vậy cực kỳ bất lợi đối với các cuộc khởi nghĩa nông dân. Như khởi nghĩa của Lôi Tái Hạo chính là bị Giang Trung Nguyên chiêu tập Đoàn luyện đến dập tắt, họ Giang khi trở về được bổ nhiệm làm tri huyện Tú Thủy, Chiết Giang. Rất nhiều cánh nghĩa quân quy mô nhỏ khi mới khởi sự thường bị Đoàn luyện trấn áp tức thì, nghĩa quân Thiên địa hội ở Quảng Tây thường xuyên bị Đoàn luyện uy hiếp, quấy nhiễu, rất khó có chỗ đứng, nương thân ổn định. Thái Bình Thiên Quốc trước sau luôn ở vào cảnh bị Đoàn luyện khắp nơi nhiều lần đánh du kích và quấy nhiễu, trong khu vực cai quản khó bề yên ổn, đặc biệt là ở những tỉnh mới khai thác. Thủ lĩnh Đoàn luyện bắc An Huy là Miêu Bái Lâm, giặc cướp ở Thái Hồ vùng nam Giang Tô, Triệu Cảnh Hiền ở Hồ Châu, Bao Lập Thân ở Chư Kỵ..v..v…cực kỳ hung hãn, phát triển thành tập đoàn vũ trang cát cứ một phương, buộc Trần Ngọc Thành, Lý Tú Thành phải sử dụng chính sách chiêu dụ, thừa nhận tình trạng Đoàn luyện cát cử để hóa giải sự chống đối, bình định địa phương. Nhưng hiệu quả chẳng thấy ngược lại còn dưỡng hổ di họa dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Khi quân Thanh chuyển sang tấn công, các tổ chức Đoàn luyện này đã lần lượt trở cờ, làm nội ứng khiến cho tình thế trở nên xấu đi, tướng bị hại, thành bị mất, Trần Ngọc Thành thậm chí mắc lừa bị bắt và hi sinh anh dũng.

Do địa chủ vừa và nhỏ có thời gian dài sống trong lòng biển người nông dân, trực tiếp bóc lột và áp bức giai cấp này nên đã tích lũy được những thủ đoạn cả cứng lẫn mềm để đối phó với người nông dân. Hơn nữa, xuất thân xã hội thấp, khát vọng vươn lên tầng lớp cao hơn, có mưu đồ tham lam, lại có thể kiên trì không ngừng nghỉ, nỗ lực bền bỉ để đạt được mục đích. Trong cách nhìn nhận của họ, muốn bảo đảm và có thêm lợi ích kinh tế chính trị tất phải nương tựa triều đình. Trong cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, địa chủ vừa và nhỏ kiên định gìn giữ bảo vệ và ủng hộ Thanh triều, quan phủ thì dựa vào thực lực của tầng lớp này để khống chế vùng nông thôn rộng lớn và coi địa chủ vừa và nhỏ là nền tảng xã hội của triều đình. Trong thời kỳ cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc, sự đóng góp, chi viện về nhân lực, vật lực của địa chủ vừa và nhỏ cùng với lực lượng vũ trang Đoàn luyện của họ có tác dụng rất lớn cho sự ổn định trong khu vực Thanh triều thống trị. Sau khi Tương quân, Hoài quân được thành lập, một số lượng lớn đầu mục Đoàn luyện gia nhập và trở thành lực lượng nòng cốt, bọn họ hiệu triệu và tổ chức lực lượng của giai cấp địa chủ vừa và nhỏ, tham dự vào tội ác chiến tranh trấn áp quân Thái Bình, có ảnh hưởng lớn đến tiến trình chiến tranh.

Địa chủ vừa và nhỏ tản mát ở nông thôn, thái độ xã hội chung của họ là bảo thủ, tự tư và hẹp hòi, vì vậy rất khó động viên và tổ chức. Quan lại phải kinh thế đã đứng ra gánh vác công tác này. Bọn họ thông qua rất nhiều phương thức như chế độ tông pháp, hệ thống hành chính, mối quan hệ kinh tế và xã hội, khoa cử và giáo dục, bảo đảm an toàn xã hội để dẫn dụ, lôi kéo thành phần địa chủ vừa và nhỏ cùng những người mang tư tưởng Nho học đứng về phía triều đình phong kiến Mãn Thanh chống lại cuộc đấu tranh phản kháng của người nông dân. Ý đồ của Tăng Quốc Phiên khi công bố “Thảo Việt phỉ hịch” chính là hướng tới mục đích tuyên truyền chính trị. Thế nhưng Thanh triều hủ bại, quan lại tham lam bỉ ổi, thường xuyên xâm hại lợi ích của địa chủ vừa và nhỏ. Địa chủ vừa và nhỏ thuộc tầng lớp giữa trong xã hội, có mối xung đột trực tiếp về lợi ích với nông dân bần khổ, lo sợ giai cấp này đấu tranh phản kháng nhưng cũng chịu sự chèn ép thôn tính của quan phủ và thân sĩ hào tộc. Bọn họ trông đợi triều đình chỉnh đốn quan lại, trị nước theo pháp luật, cải cách và tăng cường củng cố nền thống trị phong kiến, bảo vệ lợi ích kinh tế chính trị của bản thân, không bị cách mạng nông dân hủy diệt cũng như tránh được sự thôn tính cướp đoạt của quan phủ và thân sĩ cường hào. Quan lại phái kinh thế ở một trình độ nhất định đã trở thành người đại diện chính trị của bọn họ. Tả Tông Đường đã đánh giá về tình hình kinh tế các tầng lớp ở nông thôn như sau: “Trong 10 người thì giàu có bất quá được 1, 2 kẻ, còn lại đều lao động bần khổ, hoặc làm giấy, hoặc trồng khoai xung lương, năm được mùa còn phải mua ngũ cốc tiếp hoang, năm mất mùa lấy đâu ra no đủ?”(1) (Tả Văn Tương công toàn tập, quyển 2, trang 45). Ông ta tuy rằng có nhiều ngôn từ hàm súc đối với vấn đề lại trị song lại mong chờ sự cải cách từ phía triều đình. Khi vua Hàm Phong kế vị thì họ Tả rất phấn khởi, ông viết rằng: “Hàm Phong đổi chính sách, trong ngoài khắp nơi đều mong chờ tân chính.”(Tả Văn Tương công toàn tập, trang 29, quyển 1). Ông ta cho rằng những người thuộc phái kinh thế nên vững tin: “Thiên hạ không thể có lúc thiếu kẻ sĩ, không thể có chuyện không thể làm, không có chức quan nào không thể làm ” Chủ trương chờ đợi thời cơ, gia nhập quan trường, thi thố tài năng. Giang Trung Nguyên ở nơi hoang vắng nghèo nàn cũng có nhiều nhận thức về sự đối lập giai cấp giàu và nghèo ở nông thôn. Những năm hạn hán mất mùa, ông ta càng lo lắng, sớm đã nhận ra những dấu hiệu phản kháng từ phía nông dân.

Bọn họ kì vọng triều đình có thể thể nghiệm qua sát tình hình nghiêm trọng ở nông thôn, mau chóng có biện pháp cải cách chính trị, làm hòa dịu mâu thuẫn, phòng ngừa nông dân dựng cờ khởi nghĩa. Tăng Quốc Phiên tuy là quan lớn nhị phẩm trong triều nhưng lại tâm ý tương thông với những người thuộc phái kinh thế không quyền lực. Hàm Phong đăng cơ không được bao lâu, họ Tăng liền trình lên Bản tấu sớ tường tận về nỗi khổ của dân chúng”, chỉ ra rất rõ ràng rằng: “giá bạc quá cao, tiền lương khó thu”; “trộm cướp quá đông, dân lành khó yên ổn”; “án oan quá nhiều, ý chí nhân dân khó duỗi” là 3 nguyên nhân lớn tạo nên nguy cơ trước mắt, cảnh báo vua Hàm Phong phải mau chóng xóa bỏ tệ nạn, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả không thể tưởng tượng nổi. Đương nhiên là Tăng Quốc Phiên đứng ở lập trường của triều đình và thành phần địa chủ vừa và nhỏ mà kì vọng triều đình đứng về phía giai cấp địa chủ, nhượng bộ một số biện pháp chính trị, kinh tế để đổi lấy sự ủng hộ của thành phần xã hội này và hộ nông dân tự canh, từ đó mở rộng nền móng thống trị của mình, thu gom sức mạnh của giai cấp địa chủ để đối phó với phong trào khởi nghĩa nông dân đang bùng phát. Nhưng vua Hàm Phong và quý tộc cầm quyền trong triều không quan tâm đến vấn đề này, ngược lại còn tỏ ra đố kị, ghen ghét. Tăng Quốc Phiên than oán bản tấu sớ của mình bất quá chỉ là “sự chân thành của kẻ thư sinh”(Tăng Văn Chính công toàn tập, trang 30. quyển 1). Quý tộc cầm quyền trong triều đã để ngoài tai lời cảnh báo này, chỉ thực hiện tăng quân thêm lương cho Quảng Tây, cử đại thần Lâm Tắc Từ làm khâm sai, ý đồ mau chóng dập tắt cuộc nổi dậy, ổn định cục diện biên giới phía nam. Nhưng đã không có được nhận thức một cách đầy đủ về việc chỉnh lí lại trị, giảm nhẹ những gánh nặng quá sức mà thành phần địa chủ vừa và nhỏ cùng hộ tự canh phải gánh vác ở cơ sở, tới khi sự phản kháng bùng nổ cuốn chiếu khắp cả nước, Thanh đình mới lần lượt thực thi vài biện pháp cấp bách, khởi dụng các quan lại phái kinh thế đi nhận chức đốc phủ, ủng hộ họ chỉnh đốn quan lại địa phương và trưng thu lương tiền, cho hoãn hoặc miễn một cách hợp lý đối với những tỉnh bị thiên tai hoặc chiến loạn, tăng thêm số học sinh, trả công quyên góp nho sinh, ở một trình độ nhất định đã điều chỉnh thích nghi mối quan hệ giữa thành phần địa chủ vừa và nhỏ, nho sinh với triều đình, cũng giảm đôi chút gánh nặng với hộ tự canh, có lợi cho việc điều chỉnh tổ chức đất nước và lợi ích của địa chủ, hóa giải mâu thuẫn, đối phó với cuộc vận động Thái Bình Thiên Quốc. Đồng thời Thanh đình còn từng bước buông lỏng cho quan lại phái kinh thế tổ chức xây dựng các tập đoàn thế lực địa phương nhưng có sự điều tiết khống chế từ trung ương. Do đó, các đốc phủ phái kinh thế quyền lực tập trung, tiến hành cải cách trong khu vực quản lý, khiến các vấn đề lại trị, tiền lương, trị an, thủy lợi, nông thương, luật pháp tố tụng đều được chỉnh đốn, trong đó đi đầu rất có hiệu quả là Lạc Bỉnh Chương, Tả Tông Đường ở Hồ Nam, Hồ Lâm Dực ở Hồ Bắc, sau đó từng bước được mở rộng. Khiến cho phái kinh thế kết hợp trực tiếp với thành phần địa chủ vừa và nhỏ hình thành chiến lược hậu phương tương đối ổn định, từ đó bóp nặn được thêm tài nguyên nhân lực vật lực, chi viện cho Tương Hoài quân chinh chiến. Khu vực thống trị và thế lực của Thái Bình Thiên Quốc không ngừng bị thu hẹp, sức đối kháng ngày càng chênh lệch, cuối cùng dẫn tới thất bại.

Vì thế, cho dù Thanh triều bất tài hủ bại, các mắt xích chuyển động trong bộ máy nhà nước gặp trục trặc nặng nề, đặc biệt là quân đội hèn yếu sợ chiến đấu, đã khiến cho sự thống trị phong kiến sa vào nguy cơ trầm trọng mang tính kết cấu, do đó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của cách mạng, nhanh chóng đẩy lên thành cao trào. Thế nhưng nguy cơ và cách mạng lại kích thích ngược trở lại Thanh triều và cả giai cấp địa chủ, khiến chúng có sự điều chỉnh, giãy giụa trước khi chết, để vãn hồi tai họa lút đầu, quan lại phái kinh thế giữ vai trò chính trị chủ đạo trong sự điều chỉnh, giãy giụa đó. Cùng với sự phát triển của việc điều chỉnh, hiệu quả của nó không ngừng được thể hiện trên chiến trường, cuộc chiến tranh nông dân Thái Bình Thiên Quốc vì thế bộc lộ những đặc điểm quyết liệt, biến hóa khôn lường và lâu dài. 

0