Ý nghĩa chung của nghệ thuật.
Bây giờ ta đã có thể đưa ra một định nghĩa chung về bản chất của nghệ thuật thực thụ: mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ ...
Bây giờ ta đã có thể đưa ra một định nghĩa chung về bản chất của nghệ thuật thực thụ: mọi sự miêu tả cảm tính bất kỳ một vật thể sống hay hiện tượng nào từ giác độ trạng thái cuối cùng của nó, hay là dưới ánh sáng của thế giới tương lai, sẽ là tác phẩm nghệ thuật.
I
Một cây mọc tuyệt đẹp trong thiên nhiên và cũng cây ấy được vẽ tuyệt đẹp trong tranh sẽ gây ấn tượng thẩm mỹ tương đồng và cũng sẽ phải được mỹ học đánh giá là như thế: không phải ngẫu nhiên mà cùng một từ được sử dụng trong cả hai trường hợp để thể hiện sự đánh giá ấy. Nhưng nếu mọi sự đều chỉ giới hạn bằng tính tương đồng thấy được, nằm trên bề nổi ấy, thì có thể đặt câu hỏi và quả thật người ta đã từng hỏi: nhân đôi cái đẹp ấy để làm gì?
Phải chăng chỉ là trò chơi con trẻ lặp lại trên bức tranh cái mà đã có sự tồn tại tuyệt đẹp trong tự nhiên? Thông thường, người ta trả lời (thí dụ, Taine trong Triết học nghệ thuật của mình) là nghệ thuật tái tạo không phải bản thân những vật thể và hiện tượng của thực tại, mà chỉ cái mà người nghệ sĩ nhìn thấy ở chúng, mà người nghệ sĩ chân chính chỉ nhìn thấy ở chúng những nét điển hình, tiêu biểu; yếu tố thẩm mỹ của các hiện tượng tự nhiên, đi qua ý thức và trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, được tẩy lọc khỏi mọi sự ngẫu nhiên vật chất và do đó mà trở nên mạnh mẽ hơn, rực rỡ hơn.
Cái đẹp lan tỏa trong giới tự nhiên, trong các hình thể và sắc mầu của nó, hiện lên trên bức tranh một cách tập trung, được tô đậm và nhấn mạnh. Cách kiến giải này không thể làm ta thỏa mãn đến cùng vì một lẽ đơn thuần là hoàn toàn không thể áp dụng nó vào một loạt ngành nghệ thuật. Những hiện tượng tự nhiên nào được nhấn mạnh, thí dụ, trong các xônat của Beethoven? - Xem ra, quan hệ thẩm mỹ giữa nghệ thuật và giới tự nhiên sâu xa hơn và hệ trọng hơn nhiều. Rõ ràng đây không phải là sự lặp lại, mà là sự tiếp tục cái sự nghiệp nghệ thuật đã được thiên nhiên khởi thủy - sự thực hiện nối tiếp và đầy đủ hơn cũng cái nhiệm vụ thẩm mỹ ấy.
Kết quả của tiến trình tự nhiên là con người theo hai nghĩa: thứ nhất, như là một sinh linh tự nhiên đẹp nhất*, và thứ hai, như một sinh linh tự giác nhất. Với tư cách thứ hai ấy, con người, từ là kết quả, tự thân trở thành tác nhân của tiến trình thế giới và vì thế mà đáp ứng hoàn hảo hơn cái mục đích lý tưởng của tiến trình ấy. Mục đích ấy là sự thẩm thấu lẫn nhau toàn bộ và sự liên kết tự do của tất cả các nhân tố và yếu tố vật chất và tinh thần, lý tưởng và thực tại, chủ quan và khách quan của hoàn vũ. Nhưng người ta có thể hỏi, vì sao toàn bộ tiến trình thế giới, được thiên nhiên khởi thủy và con người tiếp tục, lại được chúng tôi xem từ giác độ thẩm mỹ, như là sự giải quyết một nhiệm vụ nghệ thuật nào đó?
Chẳng phải sẽ là đúng hơn, nếu xem mục đích ấy là sự thực hiện cái chân và cái thiện, sự toàn thắng của trí tuệ và ý chí tối cao? Nếu để trả lời câu hỏi đó chúng tôi nhắc lại rằng cái đẹp chỉ là sự thể hiện bằng những hình thức cảm hội được chính cái nội dung lý tưởng mà trước sự thể hiện ấy gọi là cái thiện và cái chân(1), thì lời nhắc này sẽ khêu gợi những phản bác mới. Nhà đạo đức học nghiêm nghị sẽ nói: cái thiện và cái chân không cần đến sự thể hiện thẩm mỹ. Làm điều thiện và nắm vững chân lý - đó là tất cả cái gì cần thiết.
Phúc đáp lời phản bác ấy, ta hãy giả định rằng cái thiện đã được thực hiện không chỉ trong cuộc sống riêng của một ai đó, mà trong cuộc sống của toàn thể xã hội, rằng một chế độ xã hội lý tưởng đã được kiến tạo, sự đoàn kết hoàn toàn, tình bác ái đại đồng đã thống ngự khắp nơi. Tính không thể thẩm thấu của chủ nghĩa ích kỷ đã được xóa bỏ; mọi người tìm thấy mình trong mỗi người, và mỗi người tìm thấy mình trong mọi người.
Nhưng nếu sự liên thẩm đại đồng ấy - mà nó là bản chất của cái thiện đạo đức - dừng lại trước giới tự nhiên vật chất, nếu yếu tố tinh thần đã chiến thắng tính không thể thẩm thấu của lòng ích kỷ con người, nhưng lại không thể khắc phục được tính không thể thẩm thấu của vật chất, hay là chủ nghĩa ích kỷ của tự nhiên, thì điều đó có nghĩa là sức mạnh của cái thiện hay của tình yêu không mạnh lắm, và nguyên tắc đạo đức không thể được thực hiện cho đến cùng và không thể được biện chính hoàn toàn.
Khi ấy sẽ xuất hiện câu hỏi: nếu sức mạnh tăm tối của tồn tại vật chất cuối cùng vẫn ưu thắng, nếu yếu tố thiện không khắc phục được nó, thì phải chăng chân lý đích thực của toàn bộ cái hiện hữu là ở nó, còn cái mà ta gọi là cái thiện, phải chăng chỉ là ảo ảnh chủ quan? Và quả thật, lẽ nào có thể nói về sự toàn thắng của cái thiện, khi mà một xã hội được tổ chức trên những nguyên tắc đạo đức lý tưởng nhất cũng có thể tử vong ngay lập tức do hệ quả một biến cố địa chất hay thiên văn học nào đó? Sự xa lạ tuyệt đối của yếu tố đạo đức đối với tồn tại vật chất là nguy hại rõ ràng không phải cho cái tồn tại ấy, mà cho chính yếu tố đạo đức.
Chính sự tồn tại của trật tự đạo đức trong thế giới quy định trước quan hệ của nó với trật tự vật chất, một kiểu phối hợp nào đó giữa hai trật tự ấy. Nhưng nếu là thế, thì phải chăng cần tìm kiếm quan hệ ấy bên ngoài mọi thứ thẩm mỹ, ở sự thống trị trực tiếp những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên bởi trí tuệ con người, ở sự thống ngự tuyệt đối của tinh thần đối với vật chất?
Xem ra một số bước quan trọng đã được thực hiện hướng về mục đích ấy; khi nó đã đạt, khi mà, như các nhà lạc quan chủ nghĩa hiện nay nghĩ, nhờ thành tựu của các khoa học ứng dụng chúng ta sẽ chiến thắng không chỉ không gian và thời gian, mà ngay cả cái chết; khi ấy sự tồn tại của cuộc sống hữu luân trong thế giới (trên cơ sở sự sống vật chất) sẽ được bảo đảm vĩnh viễn, song ở ngoài mọi quan hệ gì với lợi ích thẩm mỹ, cho nên ngay khi ấy vẫn sẽ có hiệu lực tuyên bố rằng cái thiện không cần đến cái đẹp.
Nhưng trong trường hợp ấy bản thân cái thiện có viên mãn hay không? Bởi lẽ nó không phải là sự toàn thắng của cái này đối với cái khác, mà là sự kết đoàn của tất cả mọi cái. Thế nhưng có thể loại trừ ra khỏi tất cả mọi cái ấy những sinh thể và những tác nhân của thế giới tự nhiên? Như vậy có nghĩa là cũng không thể xem xét chúng chỉ như là những phương tiện hay công cụ của sinh tồn con người, có nghĩa là cả chúng cũng phải gia nhập, với tư cách một yếu tố chính diện, cái cấu trúc lý tưởng của cuộc sống chúng ta.
Nếu trật tự đạo đức, vì sự bền vững của mình, phải dựa vào cái tự nhiên vật chất như là môi trường và phương tiện tồn tại của mình, thì vì sự đầy đủ và hoàn hảo của mình, nó phải thu nạp vào trong nó cái cơ sở vật chất của sinh tồn như thể một bộ phận độc lập của hoạt động đạo đức, hoạt động này giờ đây đã biến thành hoạt động thẩm mỹ, bởi vì tồn tại vật chất chỉ có thể được đưa vào trật tự đạo đức thông qua sự làm cho bừng sáng, làm cho chứa chan tinh thần, tức là dưới hình thức của cái đẹp. Như vậy, cái đẹp cần thiết cho sự thực hiện đầy đủ cái thiện trong thế giới vật chất, bởi lẽ chỉ nó mới làm sáng và mới chế ngự được bóng tối không lành của thế giới này.
Thế nhưng chẳng phải không có chúng ta thì cái việc làm - sáng - toàn - thế - giới ấy vẫn cứ đã hoàn thành xong xuôi? Cái đẹp tự nhiên đã trải lên trên toàn thế giới tấm vải phủ của mình, cái hỗn mang quái dị (chaos) cựa quậy một cách bất lực dưới hình hài cân đối của vũ trụ (cosmos) và không thể vứt bỏ nó khỏi mình cả trong cõi bao la vô tận của các thiên thể lẫn trong vòng chật hẹp của các vật sống trên trái đất này.
Vậy nghệ thuật của chúng ta phải chăng chỉ cần lo sao lột tả được cái đẹp của những quan hệ con người, bằng những hình tượng cảm tính làm hiện ra ý nghĩa chân chính của cuộc sống con người? Nhưng trong giới tự nhiên, những sức mạnh tăm tối mới chỉ bị chinh phục, chứ chưa được thuyết phục bởi ý nghĩa hoàn vũ, bản thân sự chinh phục ấy còn là bề ngoài và chưa đầy đủ, và cái đẹp của thiên nhiên mới là tấm vải phủ được choàng lên trên sự sống ác độc, chứ chưa phải là sự cải thể hóa hình sự sống ấy.
Chính vì thế mà con người với ý thức và trí tuệ của nó phải trở thành không chỉ mục đích của tiến trình tự nhiên, mà còn phương tiện cho sự tác động ngược lại, sâu xa hơn và đầy đủ hơn, từ phía yếu tố lý tưởng đến giới tự nhiên. Ta biết rằng sự hiện thực hóa yếu tố ấy ở ngay trong giới tự nhiên có nhiều độ sâu khác nhau, và mỗi độ sâu của mặt chính diện ứng với cũng sự đi sâu, sự tăng cường nội tại tương tự của mặt phản diện.
Nếu trong vật chất vô cơ, yếu tố phản diện chỉ tác động như là sức nặng và sự trơ ì, thì trong thế giới hữu cơ nó đã tự biểu hiện như là sự chết và sự phân hủy (mà cả ở đây, cái phản thẩm mỹ ưu thắng trong sự hủy hoại các thực vật không rõ bằng trong sự chết và phân rã của các động vật, và giữa chúng thì ở các động vật cấp cao mạnh hơn ở các động vật cấp thấp). ở con người thì yếu tố phản diện ấy, ngoài sự biểu hiện phức tạp hơn và mạnh mẽ hơn từ phía vật chất, còn thể hiện cả cái bản chất sâu xa vô cùng của mình như là cái ác tinh thần. Nhưng cũng ở đây ta thấy cả khả năng chiến thắng nó hoàn toàn và thể hiện sự chiến thắng ấy bằng cái đẹp bất hủ và vĩnh cửu.
Khá là phổ biến một quan niệm cũ, nay được phục hồi, nó đồng nhất hóa cái ác tinh thần với cuộc sống vật chất (xác thịt) tăm tối, vô ý thức, và cái thiện tinh thần với ánh sáng trí tuệ của ý thức tỏa rạng trong con người. ánh sáng của trí tuệ tự nó là thiện, điều này không phải hồ nghi, nhưng không thể gọi ánh sáng vật chất là cái ác. Ý nghĩa của hai kiểu ánh sáng này là như nhau trong hai lĩnh vực tương ứng.
Trong ánh sáng vật chất**, ý tưởng hoàn vũ (tính nhất thống chính diện của tất cả, sự sống vì nhau của tất cả bên trong một bản thể) được thực hiện chỉ một cách phản hồi: tất cả các vật thể và hiện tượng có được khả năng tồn tại cho nhau (tự mở cho nhau) trong sự phản ánh lẫn nhau thông qua môi trường phi trọng lượng. Cũng như thế, toàn bộ cái tồn tại được phản ánh trong trí tuệ bằng những khái niệm trừu tượng chung, chúng truyền đạt không phải sự tồn hữu nội tại của sự vật, mà chỉ những sơ đồ logic bề ngoài của chúng. Vì thế, trong nhận thức lý tính, chúng ta cũng chỉ tìm thấy sự phản ánh ý tưởng hoàn vũ, chứ không phải sự có mặt đích thực của nó trong con người nhận thức và trong cái được nhận thức.
Để được hiện thực hóa thực sự, cái thiện và cái chân phải trở thành sức mạnh sáng tạo ở trong chủ thể, sức mạnh cải hoá, chứ không chỉ phản ánh hiện thực. Cũng như trong thế giới vật chất, ánh sáng biến thành sự sống, trở thành nguyên lý tổ chức của các thực vật và động vật, để mà không chỉ phản chiếu các vật thể, nhưng còn nhập thân vào trong chúng, cũng như thế ánh sáng của trí tuệ không thể tự giới hạn bằng nhận thức, mà còn phải nhập thân cái ý nghĩa sự sống được nhận thức ấy vào trong một thực tại mới, thích hợp với nó hơn. Dĩ nhiên, trước khi làm điều đó, trước khi sáng tạo trong cái đẹp, hoặc là cải biến thực tại phi lý tưởng thành thực tại lý tưởng, cần phải biết sự khác biệt giữa chúng - biết không chỉ trong tư duy trừu tượng, mà trước hết trong cảm quan trực tiếp vốn là sở trường của người nghệ sĩ.
Chú thích:
- Tôi hiểu cái đẹp ở đây theo nghĩa chung và khách quan, tức là ngoại hình con người có khả năng thể hiện một nội dung bên trong hoàn hảo hơn (lý tưởng hơn) cái nội dung mà các động vật khác có thể thể hiện.
- Tất nhiên tôi nói ở đây về ánh sáng không phải theo nghĩa những cảm giác thị giác của con người và các động vật, mà theo nghĩa sự vận động của môi trường phi trọng lượng liên hệ các vật thể với nhau; sự tồn tại khách quan cho nhau của chúng phụ thuộc vào môi trường ấy và không phụ thuộc vào những cảm giác chủ quan của chúng ta. Từ ánh sáng được dùng để nói vắn tắt, bởi vì những hiện tượng động học