Xử phạt hành chính – Giáo trình Pháp luật Việt Nam đại cương
Xử phạt hành chính a, Khái niệm Xử phạt hành chính là một hoạt động đặc biệt của quản lý nhà nước bao gồm một loạt hành vi cụ thể như: phân tích đánh giá mức độ vi phạm, đối chiếu quy định của pháp luật, căn cứ lựa chọn, chế tài áp dụng hình thức và mức phạt,…và ...
Xử phạt hành chính
a, Khái niệm
Xử phạt hành chính là một hoạt động đặc biệt của quản lý nhà nước bao gồm một loạt hành vi cụ thể như: phân tích đánh giá mức độ vi phạm, đối chiếu quy định của pháp luật, căn cứ lựa chọn, chế tài áp dụng hình thức và mức phạt,…và cuối cùng ra quyết định xử phạt.
Định nghĩa: Xử phạt hành chính là một loại hoạt động cưỡng chế hành chính cụ thể mang tính quyền lực nhà nước, phát sinh khi có vi phạm hành chính, biểu hiện ở việc áp dụng chế tài hành chính mang tính trừng phạt gây cho đối tượng bị áp dụng thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần và do các chủ thể có thẩm quyền nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật.
b, Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
* Cảnh cáo (Điều 13 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002): Được áp dụng đối với vi phạm hành chính nhỏ, do sơ suất vi phạm ban đầu, có tình tiết giảm nhẹ, chưa gây thiệt hai vật chất do không biết hoặc do tác động của nguyên nhân khách quan hoặc do người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Cảnh cáo mang tính cưỡng chế nhà nước và được thực hiện bằng văn bản.
Cảnh cáo trong xử phạt vi phạm hành chính khác với vi phạm hình sự, về phạm vi áp dụng, về thẩm quyền, phương pháp áp dụng và hậu quả pháp lý (vi phạm hành chính sau một năm nếu không tái phạm thì coi như chưa vi phạm)
* Phạt tiền (Điều 14 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002): Là hình thức cưỡng chế tác động đến lợi ích vật chất của người vi phạm, gây cho họ thiệt hại về tài sản. Phạt tiền trong vi phạm hành chính khác phạt tiền trong vi phạm hình sự như sau:
Phạt tiền trong xử phạt hành chính là hình phạt chính còn trong hình sự là hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Trong xử phạt hành chính phạt tiền được áp dụng phổ biến còn trong hình sự chỉ áp dụng tội phạm có tính vụ lợi.
* Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề (Điều 16 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002): Là hình thức xử phạt bổ sung theo đó cơ quan có thẩm quyền tước bỏ có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
* Tịch thu tang vật phương tiện được sử dụng vi phạm hành chính (Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002): Là hình thức tước bỏ quyền sở hữu của người vi phạm sung vào công qũy nhà nước, những vật, tiền, phương tiện, công cụ liên quan đến vi phạm hành chính. Đây là hình phạt bổ sung.
Nếu tài sản của cá nhân, tổ chức là tài sản hợp pháp bị chiếm đoạt để làm công cụ phương tiện vi phạm hành chính thì không tịch thu.
* Trục xuất (Điều 15 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002): Là hình thức buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam rời khỏi lãnh thổ nước Việt Nam,…