Ly hôn – Giáo trình pháp luật Việt Nam đại cương
Ly hôn a, Khái niệm ly hôn Khoản 8 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng của cả hai vợ chồng. Ly hôn là hành vi có ý chí của vợ chồng trên cơ sở yêu ...
Ly hôn
a, Khái niệm ly hôn
Khoản 8 Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc chồng của cả hai vợ chồng.
Ly hôn là hành vi có ý chí của vợ chồng trên cơ sở yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng; ngoài ra không chủ thể nào khác có quyền yêu cầu ly hôn. Việc giải quyết ly hôn thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Quyền yêu cầu của Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn”. Khoản 2 Điều 85 quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng: khi vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn.
Việc khuyến khích hòa giải cơ sở khi có yêu cầu ly hôn.
Đây là quy định mới của Luật nhằm khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp hôn nhân gia đình, nhất là khi vợ chồng yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải cơ sở được thực hiện theo pháp luật hòa giải cơ sở thông qua tổ hòa giải (hòa giải tiền tố tụng). Việc hòa giải cơ sở khi có yêu cầu ly hôn không phải là thủ tục bắt buộc trao đổi với tất cả các trường hợp yêu cầu ly hôn.
Thụ lý yêu cầu ly hôn và hòa giải tại Tòa án. Theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự khi có yêu cầu ly hôn tuỳ từng trường hợp thụ lý:
Thụ lý vụ án ly hôn khi ly hôn do một bên yêu cầu, thuận tình ly hôn, có tranh chấp về nuôi con chia tài sản khi ly hôn. Trong trường hợp này có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.
Thụ lý yêu cầu ly hôn (việc dân sự) khi yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn. Khi các bên thỏa thuận được cả ba quan hệ trên thì thụ lý yêu cầu ly hôn và giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự.
Về hoà giải tại Tòa án.
Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định: “Sau khi đã tiến hành thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Đối với những vụ án ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình hoà giải đoàn tụ là thủ tục bắt buộc không phụ thuộc vào việc thuận tình ly hôn hay ly hôn do một bên yêu cầu. Bộ luật tố tụng dân sự có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 01 năm 2004 quy định rõ vụ án ly hôn và yêu cầu ly hôn (gọi chung là yêu cầu về hôn nhân và gia đình). Đối với yêu cầu ly hôn là trường hợp vợ chồng yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con và thỏa thuận về tài sản được xác định là việc dân sự vì không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ. Giải quyết việc dân sự theo quy định chung từ Điều 311 đến Điều 318 của Bộ luật hoàn toàn không có quy định về hoà giải. Do đó áp dụng theo các quy định thủ tục tố tụng theo Bộ luật tố tụng dân sự thì việc thụ lý yêu cầu công nhận thuận thình ly hôn, có thỏa thuận nuôi con và tài sản Tòa án không mở phiên hoà giải đoàn tụ trước khi mở phiên họp giải quyết.
Thông qua việc hoà giải đoàn tụ để các bên hiểu rõ nghĩa vụ và quyền của vợ chồng, trách nhiệm của mỗi bên đối với gia đình, đối với con cái. Như vậy cũng là trường hợp vợ chồng yêu cầu ly hôn để chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật nếu Tòa án thụ lý vụ án ly hôn vì có tranh chấp về nuôi con, tài sản thì Tòa án tiến hành hoà giải đoàn tụ thông qua phiên hoà giải, khi các bên thỏa thuận được về việc nuôi con và tài sản thì không tiến hành hoà giải.
Căn cứ ly hôn (Điều 89)
Căn cứ ly hôn trong pháp luật của chính quyền ngụy quyền Sài gòn trước 1975 (ở Miền Nam): Luật gia đình 1959 của Ngô Đình Diệm quy định cấm ly hôn, chỉ cho ly thân, trừ một số trường hợp phải có tổng thống xét là tối đặc biệt mới cho ly hôn. Để biện hộ cho quy định này Trần Lệ Xuân nêu lý do: Cấm ly hôn nhằm bảo vệ và củng cố gia đinh dành thời gian xoa dịu các mối bất hòa, cho đôi bạn có cơ hội đoàn tụ, làm cho thanh niên lựa chọn bạn đời thận trọng hơn.
Đến năm 1964, sau khi chính quyền bị lật đổ lúc này mới đề nghị xét lại quy định trên. Do vậy, Bộ Dân luật 1972 của chính quyền Thiệu đã quy định vợ chồng có thể xin ly hôn vì ba duyên cớ: Vì sự ngoại tình của bên kia; Bên kia bị kết án trọng hình về thượng tội; Vợ chồng ngược đãi, không thể ăn ở với nhau.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì Tòa án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như: người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở nhiều lần.
Vợ chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau như: thường xuyên đánh đập, có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhở, hòa giải nhiều lần.
Vợ chồng không chung thủy với nhau: có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức nhắc nhỏ, khuyên bảo nhưng vẫn có quan hệ ngoại tình.
Đời sống chung không thể kéo dài: Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đến mức trầm trọng như thế nào. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, hoặc bỏ nhau mà vẫn có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được
Mục đích của hôn nhân không thể đạt được: là không có tình nghĩa vợ chồng, không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền vợ chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín vợ chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ chồng; không giúp đỡ tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.
– Các trường hợp ly hôn theo Luật hôn nhân gia đình
Thuận tình ly hôn (Điều 90): Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu xin ly hôn Tòa án vẫn tiến hành hòa giải. Nếu Tòa án hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản về việc tự nguyện ly hôn và hòa giải đoàn tụ không thành.
Theo Bộ luật Tố tụng dân sự (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2005) quy định hoà giải từ Điều 180 đến Điều 188. Hoà giải là một giai đoạn tố tụng trước khi mở phiên toà sơ thẩm, phiên hoà giải do Thẩm phán chủ trì và thư ký ghi biên bản. Hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hoà giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hoà giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự Tòa án không ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Việc hoà giải chỉ áp dụng đối với trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn có tranh chấp về nuôi con và tài sản được Tòa án thụ lý là vụ án ly hôn.
Trường hợp yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nhưng vợ chỗng đã thỏa thuận về nuôi con và tài sản giải quyết theo thủ tục tố tụng việc dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định hoà giải đoàn tụ.
Ly hôn do một bên yêu cầu (Điều 91): Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn thì Tòa án phải tiến hành hòa giải. Nếu hòa giải đoàn tụ thành mà người yêu cầu ly hôn rút đơn yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng điểm c, Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Nếu người xin ly hôn không rút đơn yêu cầu ly hôn thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ thành. Sau 07 ngày kể từ ngày lập biên bản nếu vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng không có sự thay đổi ý kiến cũng như Viện kiểm sát không phản đối thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (theo Luật hôn nhân và gia đình là quyết định công nhận hoà giải đoàn tụ thành). Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.
Trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ không thành và đưa vụ án xét xử. Đối với người có yêu cầu ly hôn mà bị Tòa án bác đơn ly hôn thì sau một năm kể từ ngày ra quyết định, bản án của Tòa án bác đơn xin ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
b, Hậu quả pháp lý của việc ly hôn
* Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng: Khi quyết định, bản án của Tòa án giải quyết ly hôn có hiệu lực thì quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng chấm dứt (chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật).
* Quan hệ giữa cha mẹ – con sau khi ly hôn: sau khi ly hôn thì quan hệ giữa cha mẹ – con vẫn tồn tại nên việc giải quyết cho ai nuôi con trước hết dựa trên cơ sở do vợ, chồng thỏa thuận cũng như các quyền và nghĩa vụ đối với con. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đối với con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con (theo quy định cấp dưỡng).
* Việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn: Việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn hết sức phức tạp, do vậy khi giải quyết thường các đương sự kháng cáo chủ yếu việc xác định và chia tài sản. Do vậy, để có cơ sở pháp lý cho Tòa án giải quyết thì Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định:
Khi ly hôn chia tài sản do các bên thỏa thuận; nếu bên không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tài sản riêng của bên nào thuộc sở hữu bên đó.
Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì nên chia tài sản chung của vợ chồng dựa trên các nguyên tắc sau:
Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc xác lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ chồng trong gia đình coi như lao động có thu nhập.
Bảo vệ quyền lợi ích hợp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình.
Bảo vệ lợi ích chính đáng mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động thu nhập.
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật theo giá trị, nếu bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.
Việc xác định khối lượng tài sản chung của vợ chồng và phần chênh lệch căn cứ vào giá giao dịch thực tế tại địa phương vào thời điểm xét xử.
Ngoài ra tùy từng trường hợp áp dụng các quy định tại các Điều 96, 97 và 98 để giải quyết các trường hợp cụ thể sau:
* Chia tài sản trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn. Điều 96 quy định việc chia tài sản trong trường hợp vợ chồng chung sống với gia đình mà ly hôn:
Trong trường hợp nếu phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng về việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia.
* Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn (Điều 97): Việc chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn, Luật hôn nhân và gia đình 2000 có phân biệt một số loại khác nhau như sau:
Quyền sử dụng đất riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc về bên đó. Đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng thì được chia theo thỏa thuận của hai bên; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Trong trường hơp chỉ có một bên có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì bên đó được tiếp tục sử dụng đất nhưng phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chung với hộ gia đình thì khi ly hôn phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra theo quy định trên. Đối với đất trồng cây nông nghiệp lâu năm, đất lâm nghiệp trồng rừng, đất ở thì được chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 95 của Luật hôn nhân và gia đình 2000.
Trong trường hợp vợ, chồng chung sống với gia đình, thì khi ly hôn, quyền của bên không có quyền sử dụng đất và không trực tiếp chung sống với gia đình được giải quyết theo quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ, chồng chung sống với hộ gia đình mà ly hôn tại điều 96.
* Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ, chồng (Điều 98): Đối với nhà thuộc sở sở hữu chung của vợ chồng nếu nhà chia được để sử dụng thì được chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 95; nếu nhà không thể chia thì bên tiếp tục sử dụng nhà phải thanh toán cho bên kia phần giá trị mà họ được hưởng.
Trong trường hợp nhà ở thuộc riêng của bên đã đưa vào sử dụng chung thì nhà vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp cải tạo, sửa chữa nhà ở đó (Điều 99).