Xác Ướp
Xác ướp là thi thể một người chết được bảo quản một cách có chủ định nhằm giữ cho thi thể không bị tan rữa nhờ các chất thơm, chất liệu gỗ quan tài, môi trường yếm khí và thời gian. Các xác ướp được bảo quản theo “nghi ...
Xác ướp là thi thể một người chết được bảo quản một cách có chủ định nhằm giữ cho thi thể không bị tan rữa nhờ các chất thơm, chất liệu gỗ quan tài, môi trường yếm khí và thời gian.
Các xác ướp được bảo quản theo “nghi thức” có chủ định
Các xác ướp nổi tiếng nhất là những xác được ướp một cách có chủ định với mục đích bảo quản cụ thể, đặc biệt là những xác ướp Ai Cập cổ đại. Văn hóa Ai Cập tin rằng thân thể là nơi trú ngụ cho linh hồn, người Ai Cập gọi là: Ka và đó là phần chủ chốt của con người trong kiếp sau. Tại Ai Cập, xác được ướp theo cách mổ bụng, bỏ đi nhiều phần nội tạng. Sau đó thân thể được bao phủ bằng natron, để tăng tốc quá trình khử nước và ngăn chặn phân huỷ.
Tại Trung Quốc, các thân xác được bọc trong quan tài bằng cây bách và những loại thảo mộc có dược tính khác.
Các xác ướp được bảo quản tự nhiên
Các xác ướp được hình thành như là kết quả của một quá trình trong điều kiện môi trường tự nhiên, như rất lạnh (người băng Ötzi), axít (người Tollund) hay được làm khô tự nhiên đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Một số xác được bảo quản trong tình trạng rất tốt trong điều kiện tự nhiên và có niên đại từ thời Inca ở Peru.
Từ mummy trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latin thời Trung Cổ là mumia, một từ mượn trong tiếng Ả Rập là từ mūmiyyah (مومية), có nghĩa "bitum". (Bởi vì da của những xác ướp không được bọc bị đen đi nên trước kia mọi người cho rằng người Ai Cập cổ đã dùng bitum trong quá trình ướp xác. Nhựa đường và hắc ín là những dạng khác của bitum.) Từ này trong tiếng Ả Rập cũng được mượn từ trong tiếng Ba Tư là từ mūmiya, có nghĩa "bitum"; nó lại liên quan tới một từ khác trong tiếng Ba Tư, mūm, có nghĩa "sáp". (Các nhà sử học Ai Cập cổ đại ghi nhận rằng người Ba Tư thỉnh thoảng ướp xác các vị vua và các nhà quý tộc trong sáp ong, dù hành động này chưa bao giờ được ghi chép tại Ai Cập.)
Ở Ai Cập, người chết ban đầu không được ướp xác theo quy trình từng được sử dụng trong triều đại đầu tiên. Lúc đầu người chết được bỏ trong những giỏ sậy và vùi xuống cát. Cát khô nóng làm cho xác người khô đi nhanh chóng, ngăn chặn sự phân huỷ. Sau này, họ bắt đầu xây dựng những hầm mộ bằng gỗ, và những quy trình ướp xác kỹ lưỡng hơn bắt đầu được phát triển để đảm bảo rằng xác chết sẽ không bị phân huỷ ở kiếp sau. Những người được ướp xác được đặt ở nơi yên nghỉ cuối cùng theo một tập hợp những nghi thức và tục lệ.
Những cá nhân đầu tiên “được ướp xác” có niên đại từ khoảng năm 3300 TCN, dù đó không phải là những xác ướp nổi tiếng như, Rameses II hay Seti I. Xác ướp hiện vẫn chưa chính thức được biết là của ai này đang được trưng bày trong Viện bảo tàng Anh và đã được đặt tên hiệu là 'Ginger' bởi vì xác có mái tóc đỏ. Ginger được chôn trong cát nóng xa mạc, có lẽ được chồng đá lên trên để ngăn thân thể bị chó rừng xâm hại. Những điều kiện thời tiết khô và nóng, đã sấy khô và bảo quản xác. Ginger được chôn với một số chậu gốm, có lẽ trước kia để đựng thức ăn và nước uống để linh hồn sử dụng trên đường đi đến thế giới bên kia. Không có những ghi chép nào về tôn giáo ở thời đại đó, nhưng có lẽ nó cũng giống với tôn giáo về sau này ở một số điểm. Các điều kiện thời tiết xa mạc là một sự thực về cuộc sống và “cái chết”, vì thế, trong bất kỳ trường hợp nào, một số sự bảo quản thân thể có thể là tự nhiên.
Từ triều đại Ai Cập đầu tiên về sau này, những người cổ đại Ai Cập hiển nhiên tìm cách giữ gìn thể xác của người chết, nhờ thế linh hồn của họ có một thân thể hướng dẫn họ tới kiếp sau.
Người Ai Cập cũng mở rộng cả việc ướp xác cho những con vật. Những con vật linh thiêng dành cho thờ cúng như cò quăm, diều hâu, cá sấu và mèo được ướp xác với số lượng lên tới hàng nghìn.
Hoàn cảnh lịch sử của các xác ướp Ai Cập cổ đại
Thời tiết khô ở Ai Cập luôn góp phần giúp đỡ vào việc bảo quản các xác ướp, vì đây là một trong những vùng khô nhất thế giới. Ở thời trước khi xuất hiện các vương triều, nhiều thân thể đã trở thành các “xác ướp tự nhiên”. Những thân thể bị chôn xuống vẫn có thể được tìm thấy sau nhiều thế hệ và được bảo quản trong tình trạng tốt. Những xác khô được bảo quản tốt không phải là thứ được xã hội coi là thẩm mỹ, vì thế họ bắt đầu thay đổi lại quá trình ướp xác và quấn xác người trong những dải vải lanh rất chặt. Cùng lúc ấy, họ bắt đầu bỏ đi những phần nội tạng để đảm bảo rằng xác ướp không bị phân huỷ từ bên trong, và sẽ tiếp tục hiện diện được trước thượng đế cũng như các thế hệ tương lai. Người Ai Cập không cho đó là sự khủng khiếp hay sự rùng rợn. Cái chết cũng có nghĩa đẹp. Các xác ướp tiếp tục được chuẩn bị và quấn lại thành một gói đẹp đẽ giống như ở thời Thiên chúa giáo.
Các xác ướp Ai Cập với tư cách nghệ thuật cổ đại
Việc nghiên cứu ướp xác người với mục đích giữ gìn xác rất khác biệt so với việc nghiên cứu ướp xác với mục đích nghệ thuật. Những xác ướp ban đầu phản ánh kiểu cách của thời các triều đại. Những xác ướp sau này có thể được phân loại theo tiến trình thay đổi văn hoá khi các nước khác chinh phục Ai Cập (nghĩa là Nubia, Hy Lạp) và áp đặt một số ảnh hưởng nghệ thuật. Những xác ướp rất muộn về sau này, ở thời Rôma và Thiên chúa giáo (tới năm 250) trên thực tế có một bức tranh vẽ lại khuôn mặt lúc sống trên một vùng phẳng bên trên mặt người chết. Những xác ướp “có chân dung” đó được coi là những bức chân dung ở trình độ cao nhất thời Rôma.
Xem Viện bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô (Metropolitan Museum of Art), hay tìm: Triển lãm đặc biệt về "Những khuôn năm thời cổ đại" MMoA năm 2001 (MMoA "Ancient Faces" Special exhibit 2001).
Quá trình ướp xác của người Ai Cập
Xác ướp của một con bò tại Viện bảo tảng lịch sử tự nhiên quốc giaNhững người ướp xác có trách nhiệm bảo quản xác người chết. Không chỉ làm việc dựa trên sự hiểu biết của họ về giải phẫu người, mà còn phải thjực hiện các nghi lễ theo từng giai đoạn trong quá trình ướp. Rất đáng chú ý rằng chính người Ai Cập coi việc ướp xác là linh thiêng và bí mật vì thế họ không ghi chép lại quá trình thực hiện của mình mà chỉ có những ghi chép của những người quan sát bên ngoài.
Ngay sau khi một người chết, thân thể họ nhanh chóng được đưa tới cho những người ướp xác để ngăn chặn sự thối rữa sớm. Một quá trình ướp xác tiêu biểu tốn 70 ngày trong đó những người thợ lành nghề phải chạy đua để hoàn thành xây dựng lăng mộ.
Bước đầu tiên trong quá trình ướp xác của người Ai Cập là bỏ tất cả các cơ quan nội tạng thường có xu hướng thối rữa sớm nhất. Não được lấy ra bằng cách đập vỡ xương ở cuối mũi bằng một cái đục và nhét một cái móc đặc biệt vào lỗ mũi đến tận sọ. Sau đó ngoáy cái móc để làm vỡ não. Não đã lỏng được rót ra ngoài sọ qua đường mũi bằng cách nghiêng sọ sang từng phía một.
Xác ướp một con mèo từ thời Ai Cập cổ đại tại Viện bảo tàng Louvre, ParisNhững người ướp xác cũng bỏ dạ dày, gan, phổi và ruột thông qua một vết rạch nhỏ bên trái bụng. Theo Herodotus, người rạch bụng sau đó sẽ bị đuổi ra ngoài, vì họ cho rằng thân thể con người là một vật linh thiêng vì thế việc gây hại đến nó là tội ác. Trái tim vẫn được đặt chỗ cũ bởi vì người Ai Cập cho nó là trung tâm của thể xác. Các phần nội tạng bị lấy ra từ bụng được cất vào một trong cái gọ là canopic jar (bình kín), làm theo kiểu bốn người con trai của Horus, để bảo vệ các nội tạng, và đặt nó vào trong mộ trong thời gian diễn ra nghi lễ chôn cất. Họ tin rằng người chết cũng cần nội tạng để sống ở thế giới bên kia. Bởi vì lúc ấy con người vẫn chưa biết đến chức năng của não, nên nó bị bỏ đi. Ở các triều đại sau này, những cơ quan nội tạng trong bụng được xử lý, gói lại rồi lại được nhét vào trong xác nhưng các canopic jar không được sử dụng tới vẫn được đặt vào trong mộ.
Sau đó xác được tắm bằng rượu cọ. Nhờ nồng độ cồn cao của nó, nó sẽ tiêu diệt đa số vi khuẩn đã bắt đầu sinh sôi trong xác chết ở thời gian đó.
Sau đó, mọi hơi ẩm phải bị loại trừ khỏi xác bằng cách nhét những túi lanh đựng natron (một kiểu muối có ở trên bờ Hồ Wadi Natrun) vào trong ổ bụng thông qua đường rạch. Phần còn lại của xác sau đó được phủ đầy natron và đặt ở chỗ nóng. Kết quả là xác khô đi, nhưng vẫn giữ được hình hài. Một miếng kim loại có hình Con mắt của Horus (wedjat) được đặt lên trên vết rạch ở bụng để gắn nó lại về hình thức.
Cuối cùng, xác được bọc bằng nhiều tấm vải lanh, một số tấm có gắn bùa chú để giúp người chết trên đường đi sang thế giới bên kia. Sau nhiều công đoạn bọc, xác được phủ bằng nhựa thông nóng, trước khi lại bọc tiếp. Lớp nhựa để đảm bảo các lớp lớp lanh sẽ nằm yên vị. Có lẽ nhựa được pha trộn thêm hương liệu và nhựa thơm.
Để bảo vệ xác chết tốt hơn nữa, những bùa chú được đặt ở những vị trí đặc biệt của xác giữa các lớp bọc. Chúng gồm:
- Ankh
- Scarab
- Djed-Djed pillar
- Pectoral
Những nghi lễ chôn cất của người Ai Cập
Cuối cùng xác ướp sẽ được chôn theo nhiều cách tương xứng với vị thế xã hội của người chết. Những cá nhân thuộc tầng lớp thấp chỉ được ướp xác một cách đơn giản và bỏ vào một hầm mộ sơ sài hay bên rìa của một hầm mộ lớn. Những người ở tầng lớp trên sẽ được chôn cất rất kỹ lưỡng trong hầm mộ có trang trí, dù có lẽ không phải là quan tài đá. Những người ở cấp bậc cao nhất, như các pharaon, sẽ được chôn trong quan tài nhiều lớp và quách đá, và thường được trau chuốt rất tỉ mỉ. Có lẽ lễ nghi chôn cất quan trọng nhất là lễ mở miệng. Một thầy tu chạm vào miệng xác ướp hay quan tài bằng một que móc, giả bộ mở miệng xác ướp nhờ thế xác ướp có thể thở và nói chuyện trong cuộc sống tiếp sau.
Một xác ướp trưng bày ở Viện bảo tàng Anh
Một số nền văn minh cũng thực hiện nghệ thuật ướp xác.
- Aztec
- Inca, (xem Xác ướp Juanita), một hành động cũng được những bộ tộc bị họ chinh phục chấp nhận, ví dụ Chachapoyas
- Nhật Bản, xem liên kết ngoài Buddhist mummies in Japan, PubMed.
- Tây Tạng, ướp xác để vinh danh những người đạt tới mức cao nhất của khai sáng
- Thiên chúa giáo; trong nhiều thế kỷ, những người chết được ướp xác, dù trong những thời Giáo hoàng gần đây không còn được thực hiện nữa.
Xác ướp Trung Quốc
Bài chi tiết: Các xác ướp Tarim
Các xác ướp Trung Quốc theo kiểu Ấn-Âu đã được tìm thấy ở lưu vực Tarim có niên đại sớm từ năm 1600 TCN và cho thấy sự tiếp xúc từ rất sớm giữa Đông và Tây. Có ý kiến cho rằng những xác ướp còn lại đó có thể là tác phẩm của những vị tổ tiên người Tochari thuộc hệ ngôn ngữ Ấn-Âu hiện vẫn đang được sử dụng tại Lưu vực Tarim (Tân Cương ở Trung Quốc ngày nay) đến tận thế kỷ thứ 8 (xem Con đường tơ lụa, phần nói về người Tochari).
Một xác ướp cổ được đặt tên là "người Yingpan đẹp trai" đã được tìm thấy ở tỉnh Tân Cương xa xôi phía tây bắc Trung Quốc. Theo Tân Hoa Xã, những nhà khảo cổ từ Viện khảo cổ Tân Cương đã tìm thấy xác ướp này khi họ mở một quan tài trong một nghĩa địa có niên đại từ 1.900 năm. Xác ướp có mái tóc dày màu nâu, mặt và thân teo lại, da xám và nâu. Râu, lông mày và lông mi có thể thấy rõ ràng và trang phục của xác ướp vẫn còn nguyên vẹn kể cả màu sắc sáng của chúng.
Người đàn ông này, được cho là đã sống ở thời Đông Hán (25-220), cao 1.8 mét (gần sáu feet) và có lẽ đã chết khi 25 tuổi. Quan tài của anh ta có những hình vẽ màu bên ngoài, được khám phá cùng với 150 mộ cổ có niên đại thời Đông Hán tại Yingpan gần Lop Nur ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Chiếc quan tài này cùng năm cái khác đã được chở đến Urumqi, thủ phủ vùng và được giữ trong viện, ở tình trạng đóng kín trong nhiều năm. Xác ướp được cho là rất quan trọng cho việc nghiên cứu những trao đổi kinh tế và văn hoá giữa Trung Quốc và các nước phương Tây thời trước.
"Người Yingpan đẹp trai" được cho là có thể so sánh được với "người phụ nữ đẹp Lâu Lan," một xác ướp nữ 3.800 năm tuổi được tìm thấy năm 1980 tại châu thổ Tiebanhe, khoảng 200 kilômét phía đông Yingpan. Lâu Lan là một vương quốc cổ nằm dọc theo Con đường tơ lụa Trung Quốc tại Tân Cương, khoảng 200 kilômét phía đông Yingpan.
Tại Việt Nam có hai xác tự ướp tại chùa Đậu của hai thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường từ thế kỷ 17 được tạo thành bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài chính thi hài các nhà sư. Ngoài xác ướp 2 vị thiền sư trên người ta còn phát hiện nhiều xác ướp còn khá nguyên vẹn như: xác ướp vua Lê Dụ Tông ở Thanh Hoá, xác ướp Xuân Thới Thượng ở Thành phố Hồ Chí Minh, xác ướp phát hiên tại vườn đào Nhật Tân ở Hà Nội...
Gần đây hơn là Chủ tịch Hồ Chí Minh được các chuyên gia Liên Xô ướp theo phương pháp hiện đại và được bảo quản lạnh tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Xác ướp một cách tự nhiên tương đối hiếm, vì nó yêu cầu phải có một số điều kiện đặc biệt, tuy nhiên những xác ướp này lại là một trong những xác ướp cổ nhất từng biết. Xác ướp cổ đại nổi tiếng nhất là người băng Ötzi, bị đóng băng trong một dòng sông băng ở Ötztal Alps khoảng năm 3300 TCN và được tìm thấy năm 1991. Một xác ướp thậm chí còn cổ hơn nhưng ở tình trạng bảo quản kém hơn được tìm thấy tại hang Spirit, Nevada năm 1940 và có niên đại carbon khoảng năm 7400 TCN.
Anh Quốc, Ireland, Đức, Hà Lan và Đan Mạch đều tìm thấy một số xác đầm lầy, xác ướp của những người bị rơi vào những đầm lầy rêu hiển nhiên là bị sát hại hay hiến tế theo nghi lễ. Trong những trường hợp đó, tính axít của nước, nhiệt độ lạnh và môi trường yếm khí đã làm da xác chết xạm lại và giữ gìn bộ xương. Các xác ướp đó được bảo vệ tốt, da và các phần nội tạng cũng như xương vẫn còn nguyên; thậm chí có thể xác định được cả bữa ăn cuối cùng của họ thông qua những thứ tìm thấy trong dạ dày.
Năm 1972, tám xác ướp được bảo quản rất tốt được tìm thấy trong một khu định cư đã bị bỏ hoang của người Inuit được gọi là Qilakitsoq, ở Greenland. "Các xác ướp Greenland" gồm một đứa trẻ sáu tháng tuổi, một đứa trẻ bốn tuổi, và sáu phụ nữ ở những độ tuổi khác nhau, và đã chết khoảng 500 năm trước. Xác của họ được ướp một cách tự nhiên ở nhiệt độ dưới không và gió khô trong hang nơi họ được tìm ra.
Một số những xác ướp được bảo quản tốt nhất có niên đại từ giai đoạn Inca ở Peru khoảng 500 năm trước, nơi trẻ em được đem ra hiến tế trong các nghi lễ và được đặt trên đỉnh các ngọn núi ở dãy Andes. Khí hậu lạnh và khô đã bảo quản các xác chết còn nguyên vẹn trong hàng thế kỷ.
Các xác ướp đã trở thành đối tượng được chú ý nghiên cứu nhiều ở phương Tây từ khi chúng được các nhà khảo cổ học tìm ra với số lượng lớn. Những nhà quý tộc thế kỷ 19 thường thỏa mãn nhu cầu tiêu khiển của mình bằng cách mua các xác ướp, bỏ lớp bọc ngoài và đem ra trưng bày. Việc đem ra trưng bày đã làm hủy hoại nhiều xác ướp vì chúng rất dễ bị phân hủy khi tiếp xúc với không khí.
Trong thập niên 1830 Jeremy Bentham, người sáng lập thuyết vị lợi, đã để lại những hướng dẫn trong di chúc để tạo ra một kiểu xác ướp hiện đại. Ông yêu cầu rằng thể xác mình phải được đem ra trưng bày nhằm minh họa làm cách nào sự "kinh hãi đối với giải phẫu bắt nguồn từ sự ngu dốt"; một khi đã được đem ra trưng bày và thuyết trình, ông yêu cầu rằng các phần thân thể của ông phải được giữ lại, gồm cả bộ xương (trừ xương sọ, vì ông đã có kế hoạch khác cho nó), thân thể của ông phải được mặc quần áo ông thường mặc và "ngồi trên một cái ghế tôi thường ngồi với dáng điệu lúc còn sống tôi thường ngồi khi suy nghĩ." Thân thể của ông, được lắp một cái đầu sáp vì cái đầu được chuẩn bị riêng theo yêu cầu của ông, hiện được trưng bày tại Đại học London.
Các xác ướp Ai Cập được các bảo tàng khắp thế giới săn lùng trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và chiếm đa số trong những xác ướp được trưng bày hiện nay. Những ví dụ nổi tiếng nhất là tại Viện bảo tàng Ai Cập ở Cairo, tại Viện bảo tàng Ägyptisches ở Berlin và tại Viện bảo tàng Anh ở London. Thành phố Luxor Ai Cập cũng là nơi có Viện bảo tàng ướp xác. Những phần xác ướp còn lại được cho rằng của Ramesses I được đưa vào "Viện bảo tàng liều mạng" (Daredevil Museum) gần Thác Niagara ở Hoa Kỳ–biên giới Canada; những ghi chép cho thấy rằng xác ướp đó đã được bán cho một người Canada năm 1860 và được trưng bày cùng với những vật khác như một con bê hai đầu trong gần 140 năm, cho tới khi một viện bảo tàng ở Atlanta, Georgia, vốn đã thu thập được xác ướp cùng với một số đồ vật khác, xác định rằng đây là xác ướp của một nhân vật hoàng gia và trả lại nó cho Hội đồng tối cao cổ vật Ai Cập. Hiện xác ướp này được trưng bày tại Viện bảo tàng Luxor.
Xác ướp trong Viện bảo tàng AnhCác xác ướp cũng được cho là có các tính năng y khoa, và đã được bán như dược liệu theo nhiều hình thức. Ở hình bên trái, Emad Mousa, xác ướp Ai Cập của các vị thánh bảo hộ sinh sản rất nổi tiếng trong lịch sử văn hóa Ai Cập. Tuy nhiên, chúng không được sử dụng làm nhiên liệu cho đầu máy hơi nước, ý tưởng xuất phát từ một trò đùa của Mark Twain. Dù vậy, trong Thế chiến thứ nhất, các dải lanh bọc xác ướp được đem ra chế tạo thành giấy.
Khoa học cũng đã có chú ý tới các xác ướp. Tiến sĩ Bob Brier, một nhà Ai Cập học, là nhà khoa học hiện đại đầu tiên tái tạo thành công một xác ướp theo phương pháp Ai Cập. Các xác ướp đã được sử dụng trong y khoa, để xác định mức phóng xạ mà máy chụp cắt lớp (CAT scan) có thể hoạt động mà không gây hại quá nhiều tới người sống. Trên thực tế, các xác ướp có thể được nghiên cứu mà không cần phải dỡ bỏ lớp bọc ngoài bằng cách sử dụng máy chụp cắt lớp và tia-X để tạo ra một bức ảnh về những gì có bên trong.
Các xác ướp rất hữu ích cho các nhà nghiên cứu sinh vật học và các nhà khảo cổ học, vì chúng cung cấp nhiều thông tin giá trị về sức khỏe và tuổi thọ của những người đó. Đặc biệt, các xác ướp đã chứng minh rằng thậm chí từ 5.000 năm trước, con người đã giống hệt với người ngày nay về giải phẫu học. Điều này có một ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu tiến trình phát triển loài người.
Các nhà khoa học quan tâm tới nhân bản vô tính (cloning) DNA của các xác ướp gần đây đã thông báo về những phát hiện ra DNA có thể nhân bản được trong một xác ướp Ai Cập có niên đại từ khoảng năm 400 TCN. Dù phân tích tóc của các xác ướp Ai Cập cổ đại từ thời cuối Middle Kingdom đã cho thấy bằng chứng của một chế độ ăn kiêng ổn định Các xác ướp Ai Cập cổ đại từ khoảng năm 3200 TCN cho thấy những dấu hiệu của bệnh thiếu máu nghiêm trọng và rối loạn chức năng máu (hemolitic dosorder).
Các nghệ sĩ cũng sử dụng các xác ướp vào cuối thập niên 1800, làm một kiểu sơn. Màu sơn hơi nâu được gọi là "Caput Mortum", tiếng Latin của từ "Đầu người chết", được chế tạo từ những lớp bọc xác ướp.
Năm 1975, một tổ chức bí truyền với cái tên Summum đã đưa ra "ướp xác hiện đại," một kiểu ướp xác mà Summum cho rằng sử dụng các kỹ thuật hiện đại cùng với những cách thức cổ. Summum đã được trình chiếu trên National Geographic và British Broadcasting Corporation và thậm chí còn được đề cập tới trong cuốn sách, Nghiên cứu khoa học về các xác ướp của Arthur C. Aufderheide. Summum đã ướp xác nhiều con vật như chim, mèo và chó. Con người đã được ướp xác từ rất sớm khi họ còn đang phát triển quy trình của mình và nhiều người đã dàn xếp thoả thuận cá nhân “trước khi cần thiết”.
Tháng 3 năm 2006, xác của thầy tu Hy Lạp chính thống Vissarion Korkoliacos được tìm thấy còn nguyên vẹn trong hầm mộ của ông, sau mười lăm năm chôn cất. Sự kiện này đã gây tranh cãi giữa những người tin vào một phép lạ và những người cho rằng đó chỉ đơn thuần là một sự ướp xác tự nhiên. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học hiện nay vẫn chưa thể đưa ra kết luận và vì thế bất kỳ ý kiến tranh luận nào về việc này cũng chưa thể được coi là chân lý.
Trong thế kỷ 20, các phim kinh dị và các phương tiện truyền thông đại chúng khác truyền bá khái niệm về một lời nguyền gắn liền với các xác ướp. Những bộ phim thể hiện niềm tin đó gồm bộ phim năm 1932 tên The Mummy (Xác ướp) với diễn viên chính Boris Karloff, cũng như hai phiên bản khác tiếp sau, một năm 1959 và một phim khác năm 1999. Sự tin tưởng vào những lời nguyền của xác ướp nảy sinh một phần từ lời nguyền được cho là có ở bên trong lăng mộ Tutankhamun.