Vụ đội bóng Thái Lan mắc kẹt: Những pha giải cứu "nghẹt thở" trên khắp thế giới
Nhiều ngày nay, cả đất nước Thái Lan “nín thở” theo dõi từng bước đi của lực lượng cứu hộ để giải cứu 12 cậu bé cùng vị huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang sâu, xung quanh là bùn và nước. Và đây không phải là trường hợp hy hữu trên thế giới. Cuộc tìm kiếm cuối cùng đã kết thúc ...
Nhiều ngày nay, cả đất nước Thái Lan “nín thở” theo dõi từng bước đi của lực lượng cứu hộ để giải cứu 12 cậu bé cùng vị huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang sâu, xung quanh là bùn và nước. Và đây không phải là trường hợp hy hữu trên thế giới.
Cuộc tìm kiếm cuối cùng đã kết thúc vào ngày hôm qua (2/7) khi hai thợ lặn người Anh đến được nơi các cậu bé mắc kẹt. 12 cậu bé và 1 huấn luyện viên đều có vẻ kiệt sức, người lấm lem bùn đất và gầy rộc sau hơn 9 ngày bị giam trong hang động.
Sau 9 ngày nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng nhóm giải cứu cũng tiếp cận được với 13 thành viên đội bóng Thái Lan. (Nguồn: CNN)
Giờ đây, việc khó khăn tiếp theo là tìm cách đưa 13 người ra khỏi hang Tham Luang dài 10km một cách an toàn nhất. Nhóm giải cứu cho biết họ đã lên kế hoạch cung cấp đủ lương thực trong 4 tháng cho đội bóng để họ có thể đảm bảo sức khỏe trong khi lực lượng cứu hộ lên kế hoạch, tìm đường ra khỏi hang.
Dự đoán, công cuộc đưa cả đội bóng ra ngoài vẫn còn rất nhiều gian nan và khó khăn phía trước. Đây không phải là vụ mắc kẹt kịch tính hy hữu, trước đó, trên thế giới đã chứng kiến nhiều vụ việc tương tự.
Từ những người thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất, cho đến các thủy thủ kẹt dưới nước, Channel News Asia đã tổng hợp một số vụ việc mắc kẹt và giải cứu kịch tính như “phim hành động” trên khắp thế giới:
Gramat, Pháp, năm 1999
Vào ngày 22/11/1999, nhóm giải cứu đã tìm thấy 7 người đàn ông bị mắc kẹt trong một hệ thống hang động ở phía tây nam nước Pháp suốt 10 ngày. Họ đều là những nhà thám hiểm hang động có kinh nghiệm nhưng đã bị kẹt trong hang ở Vitarelles do một cơn bão lớn gây lụt nghiêm trọng và bịt kín đường ra.
Nhiệm vụ giải cứu chưa từng có tiền lệ tập trung ở nước Pháp, với nhiều chuyên gia tham gia đào hàng loạt đường hầm xuyên qua đá để nỗ lực tìm kiếm 7 người nói trên. Và cuối cùng họ đã được tìm thấy khi một đường hầm được thông dẫn đến một con sông ngầm.
7 nhà thám hiểm đã sống sót bằng cách tính toán chia khẩu phần ăn và vẫn có đủ nước uống và ánh sáng từ đèn gas đủ dùng trong hai ngày nữa ở thời điểm được tìm thấy. Và tất cả đều ở trạng thái sức khỏe tốt.
Bán đảo Kamchatka, Nga, năm 2005
Một nhóm gồm 7 người trên tàu ngầm nhỏ Priz của Nga đã bị hết sạch không khí sau ba ngày mắc kẹt dưới nước, ở thời điểm mà họ được giải cứu.
Tàu ngầm của các thủy thủ đã vướng phải chướng ngại vật vào ngày 4/8/2005 và không thể vận hành máy ở vị trí khoảng 190 m dưới bề mặt đại dương. Vụ việc này ngay lập tức được so sánh với vụ tai nạn tàu ngầm Kursk của Nga 5 năm trước đó, khiến toàn bộ 118 thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Tuy nhiên, các thành viên của tàu Priz đã được giải cứu sau khi một chú robot ngầm của Anh cắt thành công vỏ tàu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao huân chương cho nhóm giải cứu của Anh và Moscow cũng ngay lập tức đặt mua một số loại robot đại dương phục vụ mục đích tìm kiếm cứu nạn.
Một người thợ mỏ Chile được đưa ra sau hơn 2 tháng mắc kẹt dưới lòng đất. (Nguồn: AP).
Copiapo, Chile, năm 2010
Vụ việc 33 người thợ mỏ Chile bị mắc kẹt ở độ sâu 600 m dưới lòng đất sau vụ sập đất đá vào ngày 5/8/2010 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của toàn thế giới. Những người này tưởng như đã chết cho đến khi may mắn một máy dò được đưa xuống thông qua một lối hẹp, 17 ngày sau đó.
Những người thợ mỏ đã sống sót một cách thần kỳ chỉ với 15 hộp cá hồi, chia sẻ cho nhau trong suốt hơn nửa tháng.
“Chúng tôi chỉ ăn 1 thìa cá hộp trong 24 giờ, và sau đó là 48 giờ 1 thìa và cuối cùng là sau 72 tiếng mới được ăn. Nó thực sự tồi tệ”, Franklin Lobos, một người sống sót kể lại.
Thậm chí, kể cả sau khi xác định được vị trí và gửi đồ tiếp tế cho 33 người thợ mỏ thì đội giải cứu cũng phải mất nhiều tuần lễ mới đưa được họ lên mặt đất. Tổng cộng, công cuộc giải cứu đã kéo dài gần 70 ngày.
Ica, Peru, năm 2012
9 người thợ mỏ, gồm cả một gia đình hai cha con, đã bị mắc kẹt dưới lòng đất 7 ngày sau khi một cái hang ở phía nam Peru bị sập vào ngày 7/4/2012.
Những người giải cứu đã phải quấn họ trong chăn và cho đeo kính râm để bảo vệ mắt của các nạn nhân sau quá nhiều ngày chìm trong bóng tối.
Hoạt động giải cứu tại khu mỏ bất hợp pháp này cũng gặp nhiều khó khăn và lo sợ sẽ có thêm những vụ sập khác khi nhóm tìm kiếm đi qua đống đất đá.
Bị kẹt dưới độ sâu 250m, những nạn nhân đã phải tìm cách suy nghĩ tích cực bằng những câu chuyện hài để giết thời gian. “Khoảnh khắc được tìm thấy giống như là được tái sinh vậy”, một nạn nhân nói trong nước mắt sau khi được cứu và trở về với gia đình.
Untersberg, Đức, năm 2014
Hơn 700 nhân viên cứu hộ đã hợp lực giải cứu Johann Westhauser sau khi ông gặp chấn thương đầu nghiêm trọng bên trong một hang động ở Đức vào ngày 8/6/2014.
Người đàn ông 52 tuổi cùng hai người khác đã gặp nạn khi đá lở khiến ông bị thương ở đầu. Một người đã đi bộ nhiều giờ qua trở lại tìm kiếm sự giúp đỡ trong khi người còn lại ở bên cạnh ông Westhauser.
Vết thương khiến ông không thể di chuyển và nhóm cứu hộ cùng các chuyên gia y tế từ 5 quốc gia đã hợp lực để cứu ông từ độ sâu 1.000m dưới lòng đất. Cuối cùng, ông Westhauser đã ra khỏi hang sau 11 ngày bị kệt và bị thương, trong một chiến dịch giải cứu mà các quan chức địa phương gọi là “điều không thể xảy ra”.
Đội bóng Thái Lan có thể sống sót trong hang bằng cách nào?