25/05/2018, 16:08

VOER và giải pháp cho sự thiếu hụt tài liệu chất lượng cao cho giáo dục đại học tại Việt Nam

Trong khi giáo dục phổ thông tại Việt Nam vẫn đang “loay hoay” với bài toán đổi mới chương trình và sách giáo khoa thì giáo dục đại học của Việt Nam cũng gặp những vấn đề tương tự trong việc xây dựng các giáo trình và tài liệu tham khảo có chất ...

Trong khi giáo dục phổ thông tại Việt Nam vẫn đang “loay hoay” với bài toán đổi mới chương trình và sách giáo khoa thì giáo dục đại học của Việt Nam cũng gặp những vấn đề tương tự trong việc xây dựng các giáo trình và tài liệu tham khảo có chất lượng cao và luôn được cập nhật. Học liệu mở (OCW) và tài nguyên giáo dục mở (OER) đang được các quốc gia trên thế giới sử dụng như một công cụ hiệu quả, không những giải quyết tốt bài toán về số lượng, chất lượng và giá thành của tài liệu học tập mà còn góp phần mang tới những thay đổi căn bản cho phát triển giáo dục trên toàn cầu

. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi tập trung phân tích một số khía cạnh cơ bản và đưa ra giải pháp sử dụng VOER như một công cụ góp phần xây dựng kho tài liệu, giáo trình tiếng Việt, cập nhật chất lượng cao cho giáo dục đại học tại Việt Nam. Những đề xuất này dựa trên kinh nghiệm và kết quả có được trong quá trình làm việc cùng các nhà lãnh đạo phong trào OCW/OER hàng đầu trên thế giới cũng như thực tế triển khai chương trình VOCW, VOER trong nước hơn 10 năm qua.

Học liệu mở MIT OCW và những bài học đầu tiên

Được đánh giá là nguồn tài nguyên vô cùng hữu ích cho chương trình đổi mới giáo dục đại học và được chính thức “mang về” Việt Nam năm 2005 sau chuyến thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải, những bài giảng mở (open courseware) của học viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn của đông đảo các thầy cô giáo, các sinh viên, nghiên cứu viên, người tự học cũng như những ai quan tâm tới phát triển giáo dục nước nhà. Sở dĩ chúng tôi dùng từ “mang về” bởi về mặt lý thuyết, chỉ cần giới thiệu địa chỉ website http://ocw.mit.edu cho người dùng trong nước là đủ, song vì chất lượng đường truyền từ Việt Nam ra quốc tế thời kỳ đó còn hạn chế, chưa kể nhiều bài giảng của MIT còn có video với dung lượng cao, nên phái đoàn đã được MIT copy toàn bộ ổ cứng chứa học liệu mở của họ, mang về, và đặt lên máy chủ trong nước giúp người dùng thuận tiện tra cứu.

Được truyền thông và giới thiệu rộng rãi bởi Vietnamnet, truy cập tới server học liệu mở trong nước tăng lên rất cao trong thời gian đầu và sau đó khoảng 2-3 tháng thì giảm xuống rõ rệt. Khá bất ngờ với thực tế này, chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng có 5 lý do chính cản trở người dùng Việt Nam trong việc sử dụng các học liệu mở của MIT một cách trực tiếp: 1) kiến thức nền nói chung của sinh viên Việt Nam và sinh viên MIT rất khác nhau; 2) trình độ tiếng Anh của đa số sinh viên Việt Nam chưa được tốt để có thể đọc hiểu nội dung Học liệu mở bằng tiếng Anh; 3) sự khác nhau về phương pháp giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên giữa Việt Nam và MIT; 4) người dùng Việt Nam không có được nguồn giáo trình và tài liệu tham khảo dồi dào như sinh viên MIT; 5) Điều kiện sử dụng Internet và các cơ sở hạ tầng khác của sinh viên Việt Nam và MIT cũng rất chênh lệch.

Trong 5 lý do trên, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến lý do số 2 và số 4. Và câu trả lời cho 2 lý do đó, nếu không phải là giảng viên/sinh viên Việt Nam phải tự nâng cấp năng lực, sử dụng thành thạo tiếng Anh để có thể sử dụng trực tiếp Học liệu mở thì buộc chúng ta phải có một cơ chế/phương thức nào đó giúp giảng viên/nghiên cứu viên Việt Nam có thể tự xuất bản các học liệu mở, tài nguyên giáo dục mở chất lượng tốt nhất của mình bằng tiếng Việt một cách dễ dàng và thuận tiện nhất, từ đó chúng ta mới có được kho giáo trình và tài liệu tham khảo, trước mắt là của người Việt và cho người Việt, với số lượng dồi dào, phong phú. Đây chính là lý do khiến chúng tôi đến với đại học Rice ở Houston, Hoa Kỳ, nơi có dự án Connexions nổi tiếng với đánh giá từ tạp chí Times, ví Connexions như “cuộc cách mạng trong lĩnh vực xuất bản”.

Trước khi chuyển sang bài học kinh nghiệm khi áp dụng Rice Connexions trong các hoạt động phát triển OER tại Việt Nam, chúng tôi muốn bổ sung thêm về rào cản ngoại ngữ, lý do số 2 như đã nêu ở trên khiến câu chuyện OCW/OER của chúng ta mặc dù đi sớm so với nhiều nước trong khu vực (như Hàn Quốc, Hongkong, Malaysia) nhưng lại chậm hơn và ngày càng bị các bạn bỏ xa. Đương nhiên là không phải chỉ vì lý do ngoại ngữ, song phải thừa nhận rằng, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh đã giúp cho Hongkong (dự án Open textbooks của Đại học Mở Hongkong) và Malaysia (dự án OER của đại học tư thục Wawasan), mặc dù xuất phát chậm hơn, đã từng sang/mời đoàn Vietnam sang chia sẻ kinh nghiệm, song lại sớm đạt được những kết quả và thành công do họ có khả năng trực tiếp sử dụng và tái sử dụng từ các nguồn OCW/OER tiếng Anh một cách tự nhiên và hiệu quả.

VOCW vận hành trên nền tảng Rice Connexions và những bài học kinh nghiệm tiếp theo.

Phần mềm Connexions với mô hình xuất bản đơn giản và hiệu quả đã giúp triển khai rất nhiều các hoạt động OCW/OER tại các trường Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Trong báo cáo này, chúng tôi không đề cập đến các thành tích và kết quả đáng ghi nhận do các hoạt động trong giai đoạn này mang lại, mà chỉ tập trung vào các bài học kinh nghiệm được rút ra, qua đó làm tiền đề cho các đề xuất triển khai trong giai đoạn kế tiếp.

Phải có sự hỗ trợ về chính sách cấp quốc gia và cấp trường một cách liên tục

Trong giai đoạn 2006-2010, dự án 3 bên với sự tham gia của bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) và công ty VASC đã thực hiện tốt các vai trò tạo lập cộng đồng, phát triển nội dung và duy trì công nghệ. Phía Bộ đã có nhiều công văn chỉ đạo, giúp chương trình được triển khai sâu rộng tại các trường đại học trên cả nước. Phía các trường cũng có nhiều văn bản nội bộ hưởng ứng các khóa tập huấn giúp cho cán bộ giảng viên nhà trường sử dụng thành thạo công cụ phần mềm xuất bản OER. Tuy nhiên, việc VEF chuyển giao toàn bộ vai trò của mình cho Bộ giáo dục và Đào tạo vào năm 2010, và sau đó Bộ giáo dục và đào tạo không có nhân sự tiếp quản cũng như duy trì các hoạt động thường xuyên của chương trình, dẫn đến sự ngắt quãng một cách đáng tiếc những thành quả mà chương trình Vietnam OCW thời đó mang lại. Trong khi chúng ta mới chỉ có trên 3 năm hoạt động liên tục và dừng lại ở một số kết quả nhất định thì nhìn ra các đối tác bạn bè song hành cùng chúng ta trong việc phát triển OCW/OER, thấy rằng họ vừa bền bỉ vừa phát triển đều đặn và rất hiệu quả. Chương trình OCW của MIT từ 2001 cho tới nay (15 năm) vẫn một mặt đều đặn cho ra những khóa học mở mới, một mặt còn bổ sung thêm nhiều tiện ích cũng như các dịch vụ mới. Phía Connexions thì đã phát triển sang giai đoạn thứ 2, chuyển sang thành chương trình CNX OpenStax với sự hỗ trợ lớn từ chính quyền Obama cũng như các quỹ từ thiện như Bill and Melinda Gates Foundation, Hewlett Foundation, 20 Million Minds Foundation, và Maxfield Foundation. Đây cũng là chương trình mà chúng tôi sẽ nhắc tới ở phần tiếp theo của báo cáo như một ví dụ điển hình về mô hình xây dựng cũng như một kho tài liệu giáo dục đại học đại cương có chất lượng cao mà phía Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng/tái sử dụng các thành quả của chương trình này bởi chúng được chia sẻ theo giấy phép có tính mở cao nhất (CC By.)

Mặc dù the Vietnam Foundation (VNF) sau đó đã tiếp tục phối hợp cùng Bộ giáo dục và Đào tạo, nhận vai trò điều phối và thúc đẩy sự phát triển của OER tại Việt Nam, song VNF đã cũng đã gặp một số vấn đề và khó khăn như dưới đây:

Công cụ phần mềm

Giai đoạn đầu, việc phần mềm chỉ có giao diện tiếng Anh (và không hỗ trợ chức năng hoán chuyển ngôn ngữ tiếng Việt) đã ít nhiều khiến cho nhiều thầy cô giáo tham gia tập huấn sử dụng gặp phải khó khăn. Sau khi khắc phục yếu tố giao diện, đến lượt hiệu năng cũng như mô hình kiến trúc của phần mềm trở thành rào cản. Rất khó tùy biến phần mềm Connexions cho phù hợp với những nhu cầu đặc thù của người dùng trong nước. Ngoài ra, phần mềm cũng không được thiết kế tối ưu dù chỉ là xử lý khoảng vài trăm upload tài liệu đồng thời. Đây chính là lý do để chúng tôi đi đến quyết định xây dựng mới 1 phần mềm nguồn mở thuần Việt, đặt tên là HanoiSpring, hoạt động theo mô hình xuất bản tiên tiến như Connexions, thay thế phần mềm hiện có, nhằm giúp cho các thầy cô có thể nhanh chóng và dễ dàng chia sẻ các module tài liệu của mình. Phần mềm này hiện đang được triển khai tại website thư viện tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam http://voer.edu.vn. Mã nguồn của phần mềm được đặt tại https://github.com/voer-platform

Nhận thức chưa đầy đủ và tâm lý ngại chia sẻ của giảng viên

Cho dù có công cụ phù hợp song nếu chỉ như vậy thôi thì chắc chắn là chưa đủ. Một trong những rào cản lớn cho việc phát triển OCW/OER tại Việt Nam là nhận thức chưa đầy đủ về OCW/OER, về giấy phép Creative Commons cộng với tâm lý ngại chia sẻ từ chính các giảng viên. Rất nhiều các thắc mắc và câu hỏi được gửi đến chúng tôi, chủ yếu về vấn đề bản quyền, về vấn đề chất lượng, về nội dung và về quyền lợi của những người chia sẻ tri thức. Và dưới đây là một số những trao đổi với giảng viên các trường của chúng tôi trong quá trình tập huấn:

1. Hãy chia sẻ những modules tri thức mà bạn thực sự muốn chia sẻ. Như vậy có nghĩa là nếu còn lăn tăn hoặc ngần ngại, thì bạn không buộc phải làm chuyện này. Sẽ có ai đó chia sẻ những nội dung này lên trước bạn, và người dùng, bạn đọc sẽ biết đến người đó như là người chia sẻ đầu tiên, chứ không phải là bạn.

2. Hãy chia sẻ những module tri thức mà hoặc nó là chuyên môn của bạn, hoặc đó là những điều mà bạn có kinh nghiệm và tâm đắc. Chúng tôi không hy vọng bạn sẽ chia sẻ cả một cuốn giáo trình hoặc tất cả những gì bạn có. Chúng tôi khuyến khích bạn chia sẻ những chương hoặc những phần nội dung mà thực sự là của bạn, và bạn thấy nó xứng đáng được chia sẻ nhất.

3. Nếu bạn nghĩ rằng chia sẻ là mất bản quyền, hãy nghĩ lại. Chúng tôi lại cho rằng nếu bạn thực sự muốn “giữ bản quyền” cho một vấn đề/nội dung nào đó, cách tốt nhất bạn có thể làm là hãy nhanh nhất có thể, truyền bá rộng nhất có thể, mở nhiều cánh cửa nhất có thể, để mọi người biết rằng bạn là người đầu tiên chia sẻ những nội dung đó, thay vì bạn giữ chặt lấy nó và không chia sẻ ra bên ngoài.

Thiếu những hỗ trợ/thúc đẩy cần thiết về mặt chính sách từ phía Bộ giáo dục và đào tạo cũng như từ ban lãnh đạo các trường

Ngoài những lý do đến từ nhận thức chưa đầy đủ, lý do khiến các giảng viên chưa có động lực/hoặc sự hỗ trợ, thúc đẩy để chia sẻ tài nguyên giáo dục mở đến từ ngay thực tiễn phân loại, đánh giá giảng viên của Bộ và các trường (hiện đang dựa trên số các xuất bản phẩm “chính thống” tại các tạp chí chuyên ngành hoặc các NXB). Sẽ là rất tuyệt vời nếu trong các chính sách tới đây, nhà trường sẽ tính cả đến các tài liệu OER mà giảng viên đó chia sẻ (và các OER đó đang được sử dụng như thế nào bởi cộng đồng cũng như các trường ĐH khác. Thậm chí nếu chia sẻ bằng tiếng Anh và có nội dung tốt, các OER này sẽ được sử dụng bởi giảng viên và sinh viên trên toàn thế giới)

Như phần trên đã nêu, ngoại ngữ, mà cụ thể là tiếng Anh hiện đang là một rào cản trong việc sử dụng trực tiếp và đại trà các tài nguyên giáo dục mở chất lượng cao sẵn có trong giáo dục đại học. Giải pháp đưa ra là một mặt chúng ta phải nâng cấp năng lực ngoại ngữ (câu chuyện lâu dài), một mặt tăng cường thúc đẩy các hoạt động chia sẻ tài nguyên giáo dục mở có chất lượng cao từ chính các giảng viên trên cả nước, thông qua một công cụ phù hợp (có thể triển khai ngay)

Dưới đây là những lý do cho thấy VOER là một công cụ phù hợp:

Phần mềm nguồn mở và mọi thứ có liên quan đều mở

Phần mềm Hanoi Spring do phía Việt Nam phát triển theo mô hình hoạt động của Connexions là phần mềm nguồn mở hoàn toàn và hiện mã nguồn của phần mềm đang đặt tại https://github.com/voer-platform. Cơ sở dữ liệu do Hanoi Spring sử dụng là XML, giấy phép cho đăng tải và sử dụng nội dung là Creative Commons (CC By, phiên bản mở nhất) và đương nhiên các nội dung xuất bản trên http://voer.edu.vn là các modules, collections học liệu mở, tài nguyên giáo dục mở. Như vậy có thể nói, VOER với tính mở của tất cả những thành tố cấu thành, cũng như việc không lệ thuộc vào bất kỳ cá nhân tổ chức nào chắc chắn sẽ là một công cụ phù hợp trong công cuộc xây dựng kho tài liệu mở dùng chung, không những trong giáo dục đai học mà còn cả trong giáo dục tiểu học, trung học và phổ thông.

Cách thức xây dựng nội dung mềm dẻo, dễ thực hiện

Cách thức xây dựng nội dung của VOER là sử dụng bộ công cụ phần mềm Hanoi Spring trong việc xuất bản và chia sẻ nội dung lên Internet một cách mềm dẻo. Về cơ bản nội dung trên VOER sẽ được lưu trữ dưới hai định dạng: 1) module: là một chủ đề nhỏ hoặc một phần hoàn chỉnh của chủ đề lớn; 2) collection: là tập hợp các module được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tạo thành một tuyển tập hoặc giáo trình. Cách tổ chức nội dung theo module và collection làm cho việc xuất bản, sử dụng và tái sử dụng nội dung mềm dẻo và dễ dàng hơn bao giờ hết. Bất kỳ cán bộ/ giảng viên hoặc người dùng nào khi đăng ký một tài khoản trên hệ thống đều có thể đóng góp nội dung.

Màn hình trang chủ của http://voer.edu.vn

Từ các ý tưởng ban đầu, công cụ soạn thảo module sẽ giúp tác giả xuất bản các module lên kho dữ liệu chung. Các giảng viên khi cần xây dựng giáo trình cho môn học của mình chỉ việc xây dựng bộ khung của giáo trình trước bằng công cụ soạn thảo collection sau đó tìm các module phù hợp đã có sẵn trong kho dữ liệu chung để đưa vào. Một module có thể được sử dụng trong nhiều collection khác nhau, một tác giả có thể sử dụng module của tác giả khác trong collection của mình. Thậm chí một tác giả có thể tạo một bản sao một module của tác giả khác và tiến hành sửa đổi đề phù hợp với yêu cầu của mình hơn, trong các trường hợp này hệ thống đảm bảo tác giả gốc vẫn có quyền tác giả đối với các module đã được sửa đổi. Trong trường hợp lý tưởng (các module cần thiết đã có sẵn) một tác giả chỉ cần dùng vài phút để có thể tạo ra một giáo trình mới thay vì nhiều tháng để viết từ đầu như trước đây.

 

Các giáo trình/tài liệu tham khảo in ra từ VOER

Phần mềm Hanoi Spring, tương tự như Connexions, còn cho phép đưa các giáo trình ra dưới dạng sách điện tử với đầy đủ mục lục và bảng chỉ mục để người sử dụng có thể đọc trên máy tính không có kết nối Internet hoặc in thành sách giấy thông thường, do không phải trả chi phí bản quyền nên sách in ra theo cách này sẽ rất rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số sinh viên.

Theo khảo sát của chúng tôi, việc yêu cầu một giảng viên viết nội dung cho một giáo trình, thậm chỉ chỉ một chương của giáo trình là rất khó khăn, tuy nhiên ai cũng có thể viết rất tốt một vài trang (module) về vấn đề mình quan tâm. Nếu có những chính sách phù hợp cùng những hoạt động cụ thể, huy động được toàn bộ giảng viên trong các trường đại học đóng góp nội dung dưới dạng các module nhỏ, chúng ta sẽ có một kho tri thức đồ sộ, phủ kín các lĩnh vực và sẵn sàng cho việc tạo các giáo trình phục vụ cho việc học tập, giảng dạy và nghiên cứu.

Vấn đề về chất lượng nội dung

Sau khi đã có công cụ, chúng ta cần có những phương thức để có được các giáo trình, tài liệu có chất lượng cao. Theo kinh nghiệm triển khai từ chương trình Openstax của Hoa Kỳ (hiện đã xuất bản được 20 cuốn sách mở về các chủ đề mà các trường đại học cộng đồng trên toàn nước Mỹ hay sử dụng nhất), thì chất lượng của giáo trình đầu tiên sẽ được đảm bảo từ uy tín của người viết cũng như từ những kiểm duyệt của đồng nghiệp (peer-review).

Các giáo trình đại học đại cương chất lượng cao được xây dựng theo cơ chế peer-revewed và đang chia sẻ theo giấy phép CC By trên website http://openstax.org

Các giáo trình sau đó sẽ được xuất bản, và sẽ được sử dụng bởi các trường, bởi xã hội. Cơ chế bình chọn từ người dùng (rating) kết hợp với số lượng download/sử dụng của người dùng, của các trường sẽ là yếu tố tiếp theo chỉ ra trong số các tài liệu chia sẻ trong kho tài nguyên giáo dục mở kia, đâu là những tài liệu tốt và đang được sử dụng/bình chọn nhiều nhất.

Danh sách hàng nghìn trường, trong đó có sự hiện diện của các ĐH hàng đầu nước Mỹ, đang sử dụng giáo trình từ OpenStax là câu trả lời không thể tốt hơn về chất lượng của những tài liệu này

Chúng tôi hy vọng rằng, với những kinh nghiệm có được trong thời gian qua, cùng việc sử dụng các công cụ phù hợp, trong thời gian tới đây, phong trào Vietnam OCW/OER được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp quản lý (Bộ giáo dục và Đào tạo và ban lãnh đạo các trường ĐH Cao đẳng trên cả nước) cũng như các bên có liên quan thông qua các chính sách phù hợp cũng như một cộng đồng năng động và gắn bó. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò và sự tham gia một cách chủ động của các giảng viên, những người sẽ góp phần tạo mới, sử dụng, tái sử dụng OCW/OER thông qua mô hình xây dựng và lắp ghép các modules phù hợp, giúp chúng ta có được một kho giáo trình, bài giảng chất lượng cao, dùng chung, phục vụ tốt cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học của Việt nam.

  • Giám đốc chương trình Tài nguyên giáo dục Mở (VOER  http://voer.edu.vn ), Quỹ Việt Nam (the Vietnam Foundation  http://vnfoundation.org )
  • Thành viên ủy ban công nghệ Connexions (Connexions Consortium Technology Committee)  http://devblog.cnx.org/2010/08/introducing-minh-do.html
  • Thành viên ban cố vấn phát triển Học liệu Mở Châu Á (OERASIA Board of Advisor) https://www.oerasia.org/index.php?option=com_content&view=article&id=75
  • Trung tâm học liệu Mở, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc Gia Hà Nội (http://iti.vnu.edu.vn)

  • Thông tin liên hệ
  • Quỹ Việt Nam, phòng 801, tầng 8, 21 Láng Hạ, Hà Nội. ĐT: 04 62782786

  • Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhà E3, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy Hà Nội

  • Email: minhdo@vnfoundation.org

0