Viết đơn
Hướng dẫn Tiết học này giúp các em có được những hiểu biết cơ bản nhất về viết đơn như: Khi nào cần viết đơn? để làm gì? Có mấy loại đơn? Những nội dung không thể thiếu trong đơn? Cách viết đơn thế nào? Dưới đây lần lượt đề cập tới từng khía cạnh nói trên. 1. Khi nào cần viết ...
Hướng dẫn
Tiết học này giúp các em có được những hiểu biết cơ bản nhất về viết đơn như:
Khi nào cần viết đơn? để làm gì? Có mấy loại đơn? Những nội dung không thể thiếu trong đơn? Cách viết đơn thế nào? Dưới đây lần lượt đề cập tới từng khía cạnh nói trên.
1. Khi nào cần viết đơn?
Khi ta có một nguyện vọng hoặc một yêu cầu nào đó muốn được giải quyết, ta viết đơn gửi đến cơ quan, tổ chức hay cá nhân có trách nhiệm và quyền hạn để được giải quyết (Ví dụ: đơn xin nghỉ một buổi học; đơn xin chuyển trường; đơn xin gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…)
2. để làm gì?
để trình bày, đề đạt nguyện vọng, yêu cầu của mình với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
3. Có mấy loại đơn?
Căn cứ vào nội dung và hình thức trình bày trong đơn, người ta chia ra 2 loại đơn: đơn theo mẫu và đơn không theo mẫu. Hai loại đơn này được phân biệt với nhau như sau:
Đơn theo mẫu |
Đơn không theo mẫu |
– Thường in sẵn. Người viết chỉ cần điền vào từng ô trống. (Như vậy, người viết dễ thực hiện) |
– Thường viết tay. Người viết phải biết xây dựng nội dung đơn, có khả năng diễn đạt nhất định. (Người viết khó thực hiện) |
– Phần kê khai về bản thân khá đầy đủ và chi tiết (năm sinh, nơi sinh, nơi ở, dân tộc, tôn giáo, trình độ văn hoá,…) |
– Phần kê khai về bản thân không ghi chi tiết, đầy đủ như đơn theo mẫu, mà chỉ nói sơ qua. |
– Phần nội dung chính của đơn chỉ ghi nguyện vọng, yêu cầu cần được đáp ứng, giải quyết – không giải thích dài dòng. |
– Phần nội dung chính của đơn: được ghi cụ thể, rõ ràng, có phân tích, lí giải, nhằm thuyết phục người đọc chấp nhận nguyện vọng mà người viết đề đạt. |
Chú ý: Hai loại đơn trên giống nhau ở phần đầu, phần cuối và thứ tự sắp xếp các mục trong đơn.
4. Những nội dung không thể thiếu trong đơn
Quan sát, tìm hiểu cả hai mẫu đơn đã nói ờ trên, ta thấy có những nội dung không thế thiếu trong một lá đơn. Đó là:
– Quốc hiệu, tiêu ngữ;
– Địa điểm làm đơn và ngày… tháng… năm…
– Tên đơn;
– Đơn gửi ai? (Cơ quan, tổ chức, cá nhân)
– Ai gửi đơn? (Cá nhân hay tập thể)
– Gửi để làm gì? (Đề đạt nguyện vọng, yêu cầu để được giải quyết)
5. Cách viết đơn thế nào?
a) Đơn viết theo mẫu: Người viết chỉ cần điền vào chỗ trống những nội dung cần thiết, phù hợp với nội dung của các từ ngữ in sẵn trong đơn. Khi viết, chú ý đọc kĩ phần từ ngữ cho sẵn để trả lời đúng yêu cầu của từng mục trong đơn…
b) Đơn viết không theo mẫu: Tuy không theo mẫu nhưng người viết vẫn phải trình bày theo một thứ tự nhất định (Thứ tự các mục thường là: Quốc hiệu, Tiêu ngữ; Địa điểm làm đơn và ngày… tháng… năm…; Tên đơn; Đối tượng gửi đơn; Họ tên, nơi công tác, học tập của người viết; Trình bày sự việc, lí do và nguyên vọng; Cam đoan và cảm ơn; Kí tên).
Mai Thu