25/05/2018, 14:40

Viên bi xanh

Hòn Bi Ve Xanh (The Blue Marble) là tên bức ảnh trứ danh chụp Trái Đất từ khoảng cách 29 000 km (18 000 miles) trong không gian. Bức ảnh này được các phi hành gia Phi thuyền Apollo 17 chụp vào ngày 7 tháng 12 năm 1972. Đây là một trong những tấm ảnh được ...

Hòn Bi Ve Xanh (The Blue Marble) là tên bức ảnh trứ danh chụp Trái Đất từ khoảng cách 29 000 km (18 000 miles) trong không gian. Bức ảnh này được các phi hành gia Phi thuyền Apollo 17 chụp vào ngày 7 tháng 12 năm 1972. Đây là một trong những tấm ảnh được phổ biến rộng rãi nhất, cũng là một trong số vài bức ảnh hiếm hoi ghi lại hình ảnh Trái Đất lúc có đủ ánh sáng. Trong lúc các phi hành gia thực hiện chụp bức ảnh này, Mặt Trời đang ở đằng sau họ. Lúc ấy, trong mắt nhìn của các phi hành gia, Trái Đất trông giống như một hòn bi ve màu xanh bằng thủy tinh mà trẻ con vẫn thường dùng trong các trò chơi bắn bi của chúng.

Quanh cảnh Trái Đất, nhìn từ Apollo 17 khi đang trên đường đến Mặt trăng, kéo dài từ Địa Trung Hải đến Nam Cực. Đây là lần đầu tiên Apollo 17 ở vị trí thuận lợi để có thể chụp ảnh Nam Cực. Nam Bán Cầu bị che phủ bởi những đám mây dày. Có thể nhìn thấy hầu hết chiều dài bờ biển châu Phi. Bán đảo Ả-rập nằm kế góc đông bắc Phi châu. Hòn đảo lớn ngoài khơi châu Phi là Madagascar. Lục địa Châu Á ở đường chân trời phía đông bắc. "Hòn Bi Ve Xanh ảnh ghép của NASA, phổ biến năm 2001 (trái), và 2002 (phải)

Ảnh gốc của "Viên Bi Xanh"; Nam Cực ở phía trên, nhưng ảnh được đảo ngược để phù hợp với cái nhìn truyền thống về Trái Đất.

Các phi hành gia Phi thuyền Apollo 17 chụp bức ảnh Hòn Bi Ve Xanh vào ngày 7 tháng 12 năm 1972, lúc 5:39 giờ sáng EST (10:39 UTC), tức là khoảng 5 giờ 6 phút sau khi phi thuyền được phóng lên từ Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida, và khoảng 1 giờ 48 phút sau khi phi thuyền rời quỹ đạo vòng quanh trái đất để vào lộ trình hướng về Mặt Trăng.

Mã tên chính thức của bức ảnh là AS17-148-22726. Nhiếp ảnh gia sử dụng máy ảnh Hasselblad 70 ly với ống kính 80 ly. NASA chính thức xem bức ảnh là thành quả của toàn thể phi hành đoàn Apollo 17 – Eugene Cernan, Ronald Evans và Jack Schmitt – trong suốt chuyến bay, mỗi thành viên phi hành đoàn đều chụp nhiều bức ảnh với máy ảnh Hasselblad. Có những chứng cứ cho thấy có lẽ Jack Schmitt là người chụp tấm ảnh trứ danh này.

Apollo 17 là chuyến bay có người lái sau cùng đáp xuống Mặt Trăng. Từ đó đến nay không ai đến được vị trí ấy để có thể chụp được bức ảnh toàn cảnh Trái Đất như tấm ảnh Hòn Bi Ve Xanh .

Hòn Bi Ve Xanh là bức ảnh rõ nét đầu tiên chụp bề mặt Trái Đất được chiếu sáng đầy đủ. Được giới thiệu với công chúng đang lúc cao trào của phong trào bảo vệ môi trường trong thập niên 1970, nhiều người xem bức ảnh này là hình ảnh sống động miêu tả sự mỏng manh và dễ bị tổn thương của Trái Đất, một tinh cầu nhỏ bé và cô độc giữa vũ trụ bao la. Theo Mike Gentry, một nhà tàng thư của NASA, Hòn Bi Ve Xanh là bức ảnh được phổ biến rộng rãi nhất trong lịch sử loài người.

Về sau, có những tấm ảnh tương tự về Trái Đất (kể cả những tấm ảnh ghép có độ phân giải cao hơn) cũng được gán cho cái tên Hòn Bi Ve Xanh. Các tổ chức bảo vệ môi trường thường xuyên sử dụng cụm từ Hòn Bi Ve Xanh để xây dựng và quảng bá hình ảnh quan tâm đến môi trường.

Tấm ảnh gốc ghi lại hình ảnh Trái Đất ngược (Nam Cực nằm phía trên), nhưng khi phổ biến tấm ảnh, người ta xoay ngược để phù hợp với hình ảnh truyền thống của tinh cầu này.

0