22/06/2018, 09:18

Vì sao thế giới dư thừa nguồn cung thép?

Nguồn: “Why the world has too much steel“, The Economist , 04/05/2016 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Hai lò thép khổng lồ tại nhà máy thép Port Talbot, nhà máy thép lớn nhất nước Anh, vẫn tích cực hoạt động trong tuần này, đổ ra một lượng lớn sắt ...

28-steel

Nguồn: “Why the world has too much steel“, The Economist, 04/05/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Hai lò thép khổng lồ tại nhà máy thép Port Talbot, nhà máy thép lớn nhất nước Anh, vẫn tích cực hoạt động trong tuần này, đổ ra một lượng lớn sắt nóng chảy. Nhưng việc sản xuất thép từ quặng sắt ở đây có thể sớm phải kết thúc. Vào cuối tháng 3, chủ sở hữu của nhà máy, Tata Steel, nói rằng việc vận hành đang gây ra khoản lỗ hơn 1 triệu bảng Anh (1,45 triệu đô la) một ngày do giá thép thấp trên thị trường toàn cầu, và rằng họ có kế hoạch bán hoặc đóng cửa hoạt động của mình ở Anh bởi không còn khả năng gánh vác các khoản lỗ. Các công ty tham gia đấu giá sẽ có thời gian đến ngày 3/5 để tuyên bố liệu họ có muốn mua lại công ty này hay không. (Cho đến nay hai công ty tham gia đấu giá đã được công khai danh tính, một là kế hoạch mua cổ phần chi phối công ty của ban quản trị [management buy-out – MBO], và công ty thứ hai tham gia đấu giá là Liberty House, một tập đoàn sắt thép quốc tế.)

Không phải chỉ có ngành công nghiệp thép của nước Anh gặp phải khó khăn do giá thép thấp. Cả Bỉ và Italia cũng đang chi tiền từ ngân sách công để giữ cho các nhà máy thép của mình tiếp tục hoạt động, và ngành công nghiệp này ở Mỹ cũng đã chứng kiến một lượng đều đặn nhân công bị mất việc làm. Người ta đổ lỗi cho lượng cung quá lớn và lượng cầu không đủ đã khiến giá cả sụt giảm. Vậy, điều gì đang gây ra dư cung thép trên thế giới?

Sự sụt giảm giá thép chủ yếu là kết quả của việc giảm cầu và, cho đến gần đây, là do sản xuất gia tăng tại Trung Quốc, Edwin Basson của Hiệp hội Thép Thế giới cho biết. Từ năm 2000 đến năm 2014, sản xuất toàn cầu tăng gấp đôi từ khoảng 800 triệu tấn lên khoảng 1,6 tỷ tấn một năm, chủ yếu là do gia tăng sản lượng ở Trung Quốc. Cho đến năm 2014, lượng cầu tại Trung Quốc gia tăng với tốc độ ngang bằng sản lượng mà các nhà máy thép của nó có thể sản xuất, có nghĩa là tác động tới phần còn lại của thế giới đã được hạn chế.

Nhưng khi cơn sốt xây dựng của quốc gia này chấm dứt, lượng cầu sụt giảm đã khiến các nhà sản xuất thép quốc doanh của quốc gia này bán phần sản lượng dư thừa ra các thị trường nước ngoài. Xuất khẩu thép của Trung Quốc tăng từ 45 triệu tấn trong năm 2014 lên đến 97 triệu tấn vào năm ngoái – một mức tăng còn lớn hơn tổng sản lượng thép của Đức trong năm vừa qua: 43 triệu tấn. Điều này đã khiến các công ty đối thủ đòi được bảo vệ trước điều mà họ cho là tình trạng bán phá giá (của Trung Quốc).

Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng các khoản trợ cấp chính phủ phải chịu trách nhiệm cho sản lượng dư thừa kéo dài quá lâu trong trong ngành công nghiệp này. Cơn lũ thép của Trung Quốc trên thế giới đáng lẽ đã khiến cho các nhà sản xuất có chi phí cao ở những nơi khác phải đóng cửa các lò luyện thép của họ, để cho phép cung và cầu đạt được một điểm cân bằng mới. Nhưng vì thép thường được xem là một ngành công nghiệp chiến lược, cung cấp nhiều công ăn việc làm tại những khu vực có rất ít những người sử dụng lao động khác, các chính phủ thường chống lưng cho ngành công nghiệp này, thông qua các khoản trợ cấp hoặc quốc hữu hóa.

Trung Quốc đã sản xuất quá nhiều thép trong một khoảng thời gian quá dài bởi vì các quan chức Đảng Cộng sản tại các vùng, những người kiểm soát các nhà máy thép địa phương, ưu tiên việc trợ cấp cho các nhà máy tại địa phương của họ để giữ cho chúng hoạt động hơn là phải đối diện với nguy cơ thất nghiệp và tình trạng bất ổn có thể xảy ra sau khi đóng cửa những nhà máy đó. Tại châu Âu, Italia đã chi 2 tỷ euro để hỗ trợ nhà máy thép Ilva tại Taranto. Và ngay cả ở Anh, nơi quốc hữu hóa từ lâu đã không còn phổ biến, chính phủ Đảng Bảo thủ đã bày tỏ sẵn sàng mua lại 25% cổ phần tại nhà máy thép Port Talbot.

Giá thép tăng ở Mỹ và châu Âu từ tháng 1 đã làm dấy lên hy vọng rằng các nhà máy như Port Talbot có thể sớm hòa vốn mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích hàng hóa cơ bản và sắt thép dự đoán điều này đơn giản là sẽ chỉ khuyến khích các nhà máy Trung Quốc một lần nữa gia tăng sản lượng, gây ra dư thừa năng suất lớn hơn và sau đó là tình trạng tiếp tục sụt giảm giá một lần nữa vào cuối năm nay. Tháng trước, OECD, câu lạc bộ các nước giàu, đã triệu tập một nhóm các bộ trưởng ở Bỉ để thảo luận về các biện pháp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này. Nhưng trừ khi các quốc gia dừng trợ cấp cho các nhà máy của họ, hoặc áp đặt thuế quan khiến giá cả bị nâng cao một cách nhân tạo, thì tiến trình nhằm kết thúc dư thừa thép này sẽ vẫn còn rất chậm chạp.

0