Vì sao nói đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tất yếu khách quan của cách mạng Việt Nam?
– Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Từ năm 1858 đến trước năm 1930, đã có hàng trăm phong trào, cuộc khởi nghĩa oanh liệt dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu, các nhân sỹ, trí thức yêu nước… theo nhiều khuynh hướng khác nhau, ...
– Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Từ năm 1858 đến trước năm 1930, đã có hàng trăm phong trào, cuộc khởi nghĩa oanh liệt dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu, các nhân sỹ, trí thức yêu nước… theo nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng đều bị thực dân Pháp đàn áp tàn bạo và thất bại. Nguyên nhân chính là chưa có đường lối cứu nước đúng đắn theo một hệ tư tưởng tiên tiến, khoa học và cách mạng. Đó là sự khủng hoảng đường lối cứu nước. Đầu thế kỷ XX, toàn bộ trí lực của dân tộc hướng vào tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
– Tháng 6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước. Bôn ba qua nhiều nước trên thế giới, vừa lao động, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng tư sản điển hình, như cách mạng tư sản Pháp, chiến tranh giành độc lập ở Mỹ, Người còn tham gia hoạt động trong Đảng xã hội Pháp, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người đã rút ra nhiều bài học quý báu và bổ ích, là cơ sở cho sự lựa chọn con đường cách mạng của mình.
– Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã tìm thấy con đường duy nhất đúng đắn để cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, gắn phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong nước với phong trào cách mạng thế giới. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác, con đường cách mạng vô sản. Từ đó, Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào nước ta, sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh đạo Đảng và nhân dân ta giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, toàn dân ta đi theo Đảng. Đó là sự lựa chọn của lịch sử Việt Nam, của toàn dân tộc Việt Nam.
– Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thành công đã mở ra thời đại mới – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Chính tính chất của thời đại mới đã tạo ra khả năng hiện thực cho những dân tộc đang còn lạc hậu giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Những khả năng hiện thực này đem lại nhận thức mới mẻ và triệt để trong khái niệm, cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc.
– Trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, chủ nghĩa xã hội đảm bảo quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường và mô hình phát triển, xoá bỏ tình trạng dân tộc này bị áp bức, bóc lột, nô dịch dân tộc khác trên thế giới.
– Chủ nghĩa xã hội tạo ra sự trao đổi, hợp tác, kinh tế, văn hoá giữa các nước trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Vì một thế giới hoà bình, không có chiến tranh, bạo lực, bất công, bảo đảm cho cuốc sống bình yên và hạnh phúc. Đó là sự lựa chọn khách quan của thời đại.
Thực tiễn cách mạng nước ta hơn 80 năm qua, Đảng và nhân dân ta luôn kiên trì và thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, cách mạng nước ta đã giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại.
+ Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Đây là kết quả tổng hợp của các cao trào cách mạng từ ngày thành lập Đảng, gồm cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939, cao trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945. Thắng lợi của cách mạng tháng 8-1945 đã xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến của nước ta, giành độc lập dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
+ Thắng lợi của cuộc kháng chiến oanh liệt đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới để giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội.
+ Thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đã củng cố vững chắc cho độc lập dân tộc, từng bước đưa nước ta lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội, dù gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định một trong những bài học kinh nghiệm lớn đầu tiên là: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc.