11/05/2018, 15:01

Nguyên tắc tập trung dân chủ trong điều lệ Đảng

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản” có thể giải thích gọn là nguyên tắc quy định mọi công việc của Đảng đều phải đưa cho toàn thể đảng viên bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, rồi tập trung mọi ý chí và hành động của từng đảng bộ cho tới đảng viên trong ...

“Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản” có thể giải thích gọn là nguyên tắc quy định mọi công việc của Đảng đều phải đưa cho toàn thể đảng viên bàn bạc một cách hoàn toàn dân chủ, rồi tập trung mọi ý chí và hành động của từng đảng bộ cho tới đảng viên trong toàn Đảng vào các trung tâm lãnh đạo của từng cấp. Những trung tâm đó không bao giờ là một cá nhân mà là một tập thể đã được toàn thể đảng viên trong đảng bộ lựa chọn và bầu cử bằng phiếu kín, không chịu áp lực của bất cứ thế lực nào. Trong lịch sử lâu dài của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ xảy ra tình trạng những đảng viên bình thường vì không bầu cho người có quyền thế không xứng đáng mà bị gây phiền nhiễu.

Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó khi vận dụng vào từng hoạt động cụ thể, từ việc kết nạp đảng viên, thảo luận và quyết định công việc của Đảng, phân công công tác trong các cấp uỷ, xét kỷ luật đảng viên… đều chuyển thành các nguyên tắc cụ thể, không cho phép bất cứ cá nhân nào thao túng để mưu tính lợi riêng. Muốn xin vào Đảng, dù là ai, nếu không được tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở tín nhiệm, thừa nhận là cảm tình Đảng, có trình độ giác ngộ nhất định, có phẩm chất và năng lực, được ban chấp hành các đoàn thể và đảng viên cũ giới thiệu thì có “thần thế” đến đâu cũng không ép được cả một chi bộ biểu quyết đồng ý kết nạp vào Đảng. Thảo luận công việc thì hoàn toàn tự do, không ai cấm ai được nói hết ý của mình nhưng khi biểu quyết thì thiểu số phải phục tùng đa số, có biên bản ghi chép và được đọc lại cho toàn chi bộ nghe rõ. Ai cần bảo lưu ý kiến được ghi vào biên bản, báo cáo cấp trên xem xét. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” không cho phép bất cứ đảng viên nào được nói và làm trái nghị quyết chung. Khi cấp uỷ bàn bạc để triển khai nghị quyết của Đảng bộ thì phải thực hiện “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách“. Không ai có quyền “xông” vào lĩnh vực mình không được tập thể phân công.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức xương sống rất ưu việt của đảng cộng sản. Tập trung dân chủ là một “pháp bảo” về “tổ chức chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân”, tổng kết từ lịch sử đấu tranh gian khổ của phong trào XHCN trên toàn thế giới.

“Tập trung dân chủ” không phải là nguyên tắc tổ chức riêng của Đảng Cộng sản Việt Nam mà là nguyên tắc tổ chức cơ bản rút ra từ “học thuyết xây dựng Đảng kiểu mới” của Lênin, tổng kết kinh nghiệm suốt từ cuộc vận động cách mạng đầu tiên của K.Marx và F.Engels, trải qua 2 tổ chức quốc tế tới cuộc đấu tranh thành lập Quốc tế Cộng sản, gắn với cuộc đấu tranh chống phái menchevik trong đảng CNDCXH Nga để thành lập ĐCS Nga. Mấy nét dưới đây nhằm ôn lại quá trình gian khổ đó:

Nguyên tắc tập trung dân chủ được nhiều đảng cộng sản đưa vào điều lệ đã đóng góp đắc lực vào việc ổn định nội bộ của các đảng, tạo ra sự nhất trí đủ sức vượt qua những thời kỳ phong ba bão táp mà vẫn không bị phân liệt. Nhưng không phải mọi thế hệ lãnh đạo các đảng cộng sản đều hiểu rõ điều đó. Khi đã ở cương vị lãnh đạo, qua tiếp xúc với các đảng phương Tây, họ đã nhiễm thói đọc quyền, độc đoán, coi thường điều lệ đảng. Khi đã vứt bỏ nguyên tắc “tập trung dân chủ” thì dù Đảng có thành tích đầy mình cũng không tránh khỏi đổ vỡ.

Những tư liệu trên có dụng ý nhắc lại một quá trình đầy sóng gió hình thành các chính đảng của giai cấp công nhân mà “tập trung dân chủ” đã thành một “pháp bảo” về khoa học tổ chức cuối cùng đúc kết được trải qua lịch sử rộng lớn của mấy thế hệ quốc tế và các đảng Dân chủ xã hội ở châu Âu, trong đó có đảng CNDCXH Nga do đích thân V.I Lênin cải tạo, đã phát huy tác dụng lãnh đạo làm nên những kỳ tích lịch sử.

Phát huy tính ưu việt của nguyên tắc tổ chức cơ bản, khắc phục những nhận thức sai lầm trong quá trình thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ”

“Tập trung dân chủ” là nguyên tắc tổ chức cơ bản của đảng cộng sản nhằm thống nhất ý chí, thống nhất hành động của từng đảng bộ cho tới toàn thể đảng viên vào cấp uỷ cùng cấp đã được dân chủ bầu cử giữa 2 kỳ đại hội. Nguyên tắc tổ chức cơ bản đó kéo theo hàng loạt nguyên tắc cụ thể trong từng bước hoạt động thành một chỉnh thể được thi hành đồng bộ, bỏ qua bước này sẽ lập tức tác động tới bước khác.

Thực tiễn hoạt động chính trị chứng minh rằng do xuất xứ và quá trình phát triển khác nhau, giữa các đảng viên cộng sản, để đạt được sự thống nhất về quan điểm, lập trường, thái độ ứng xử với mọi đối tượng và đối tác của cách mạng không bao giờ là việc giản đơn. Điều đó không tuỳ thuộc vào mối quan hệ tình cảm trong đời sống hàng ngày, nhưng chỉ có thể thực hiện trong những chính đảng tổ chức theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”.

Lược lại hoàn cảnh của Lênin khi đề xuất nguyên tắc “tập trung dân chủ”, hơn ai hết cũng như Marx và Engels, Người phải chống chọi với bao dạng thức của chủ nghĩa cơ hội trong các thủ lĩnh của phong trào công nhân, tất không thể có ảo tưởng về “tính tập trung của giai cấp công nhân” mà phải dựa vào sự mẫn tiệp về tổ chức lực lượng của một nhà lãnh đạo để bàn riêng về “chế độ tập trung” (xem chương 8 Sđd).

Tập trung là nguyên tắc tổ chức của mọi chính đảng. Còn dân chủ mới là tính chất cần xây dựng, làm nền tảng cho nguyên tắc tập trung của các đảng cộng sản. Tính chất có thể cho phép phát triển từ “thấp” đến “cao”, qua nhiều sắc thái, từ “nhạt” tới “đậm”. Còn nguyên tắc là bất di bất dịch.

Thiết nghĩ, việc sử dụng Điều lệ Đảng với nguyên tắc “tập trung dân chủ” cần được xem là một phương thức đắc lực giúp đảng bộ các cấp quản lý đảng viên, phòng ngừa các chiều hướng “tả, hữu khuynh” diễn ra một cách không tự giác. “Tập trung dân chủ”, nguyên tắc tổ chức xương sống của các đảng cộng sản, trước sau vẫn phát huy tác dụng loại bỏ các dạng thức của chủ nghĩa cơ hội, kể từ khi V.I. Lênin đưa nó vào điều lệ đảng làm vũ khí đánh bại phái menchevik, nâng đảng CNDCXH Nga lên thành đảng bolchevik, đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa từ phạm vi lý thuyết sang phạm vi thực tiễn, thành bước đột phá trong lịch sử./.

0