11/05/2018, 15:01

Bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Điều 2 Hiến pháp năm 1992 xác định “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí ...

Điều 2 Hiến pháp năm 1992 xác định “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân được thể hiện bằng những đặc trưng sau:

Một là, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành đấu tranh cách mạng, trải qua bao hy sinh gian khổ, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do nhân dân mà nòng cốt là liên minh công – nông – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, là người lãnh đạo để thực hiện quyền lực của nhân dân. Đó chính là tính chất giai cấp của Nhà nước ta.

>>> Xem thêm: 

Nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thực hiện quyền lực nhà nước với nhiều hình thức khác nhau. Hình thức cơ bản nhất là nhân dân thông qua bầu cử lập ra các cơ quan đại diện quyền lực của mình. Điều 6 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Đồng thời, nhân dân có quyền giám sát, yêu cầu các đại biểu và cơ quan do nhân dân lập ra trả lời những vấn đề của nhân dân đặt ra trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Hai là, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của tất cả các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam, là biểu hiện tập trung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tính dân tộc của Nhà nước Việt Nam vừa là bản chất, vừa là truyền thống, vừa là nguồn gốc sức mạnh của Nhà nước ta. Ngày nay, tính dân tộc ấy lại được tăng cường và nâng cao nhờ khả năng kết hợp giữa tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc và tính thời đại. Điều 5 Hiến pháp năm 1992 khẳng định:

– “Nhà nước Cộng hoà Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình…”.
– Các dân tộc có quyền lựa chọn những đại biểu ưu tú của dân tộc mình tham gia vào cơ quan Nhà nước các cấp.

Ba là, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, thì quan hệ giữa Nhà nước và công dân đã thay đổi, công dân có quyền tự do, dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời phải làm tròn nghĩa vụ trước Nhà nước. Pháp luật bảo đảm thực hiện trách nhiệm hai chiều giữa Nhà nước và công dân: quyền của công dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân là quyền của Nhà nước.

Bốn là, tính chất dân chủ rộng rãi của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dân chủ hoá đời sống xã hội và hoạt động của Nhà nước là đòi hỏi có tính nguyên tắc, nảy sinh từ bản chất dân chủ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa là thu hút những người lao động tham gia một cách bình đẳng và ngày càng rộng rãi vào quản lý công việc của Nhà nước và của xã hội. Vì vậy, quá trình xây dựng Nhà nước phải là quá trình dân chủ hoá tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời, phải cụ thể hoá tư tưởng dân chủ thành các quyền của công dân, quyền dân sự, chính trị cũng như quyền kinh tế, xã hội và văn hoá. Phát huy được quyền dân chủ của nhân dân ngày càng rộng rãi là nguồn sức mạnh vô hạn của Nhà nước.

Những đặc điểm mang tính bản chất nêu trên của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện cụ thể trong các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và được pháp luật chế định một cách chặt chẽ.

0