31/05/2018, 08:04
Về Thái Bình nhớ tới An Phú ăn bún giả cầy
Ấy là món bún giả cầy An Phú (xã An Phú, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Không rõ món giả cầy An Phú ra đời từ khi nào, nhưng nó khác hẳn với bún giả cầy ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như các nơi khác. Giả cầy Hà Nội được làm từ chân giò thui, chặt quân cờ, ướp với riềng, mẻ, gia vị, mắm tôm và ...
Ấy là món bún giả cầy An Phú (xã An Phú, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Không rõ món giả cầy An Phú ra đời từ khi nào, nhưng nó khác hẳn với bún giả cầy ở Hà Nội, Sài Gòn cũng như các nơi khác. Giả cầy Hà Nội được làm từ chân giò thui, chặt quân cờ, ướp với riềng, mẻ, gia vị, mắm tôm và đun cho nhừ, khi ăn thịt ra đằng thịt, xương tuột đằng xương, có vị dai dai của bì lợn, mùi chua chua của mẻ ngả màu vàng chóe và nhừ.
Giả cầy An Phú lại khác. Thịt ba chỉ là nguyên liệu chính của giả cầy An Phú. Phần nạc nạc mỡ mỡ của con lợn được cạo sạch lông bì, nướng trên bếp rơm cho tới khi toàn miếng thịt ngả màu vàng hươm, phần thịt nạc thì săn lại, đỏ lịm, phần mỡ thì chảy xèo xèo quện với phần bì cuộn vàng thì bỏ ra.
Trước kia, thịt ba chỉ được nướng trên bếp rơm, giờ người ta dùng than nướng.
Cái khéo của người nướng thịt cũng là ở đây: làm sao để phần nạc, bì đừng cháy quá, mà phần mỡ cũng phải chín chín để đỡ ngấy. Sau đó, thái chỉ cỡ bằng ngón tay út, ướp với riềng thái chỉ, sả thái lát cùng gia vị … rồi cho vào xào, đảo đều tay. Giả cầy An Phú đặc biệt không cho mẻ, mắm tôm bởi làm vậy sẽ át hết mùi thơm ngậy của thịt quyện với mùi hăng của riềng, sả.
Trong cái sóng sánh mơ màng của nước dùng là những lá bún trắng nõn quyện với miếng thịt nạc săn đỏ, đưa lên miệng hơi dai dai, còn rõ vị sem sém của rơm thui, phần thịt mỡ ngầy ngậy mà không quá béo, quá ngán cùng vị hăng hăng của riềng, sả … ngả vàng rợp, điểm xuyết vài lá mơ tam thể, húng bạc hà xanh xanh.