18/06/2018, 16:21

Về Nhà Nước Hồi Giáo IS

Nguyễn Nhân Trí 1. ISIS – vài dữ kiện căn bản Vụ khủng bố ở Paris vừa qua cho thấy các chiến dịch biển máu của tổ chức Hồi Giáo cuồng tín thường được gọi là ISIS đang ngày càng tiến áp gần đến chung quanh chúng ta. Những cuộc thảm sát thường dân vô tội dưới danh nghĩa Allah ...

is.jpg

Nguyễn Nhân Trí

1. ISIS – vài dữ kiện căn bản

Vụ khủng bố ở Paris vừa qua cho thấy các chiến dịch biển máu của tổ chức Hồi Giáo cuồng tín thường được gọi là ISIS đang ngày càng tiến áp gần đến chung quanh chúng ta.

Những cuộc thảm sát thường dân vô tội dưới danh nghĩa Allah không còn chỉ là những hình ảnh phóng sự từ một lục địa hay một quốc gia khác nữa. Hầu như ở bất cứ nước Tây Phương nào ngày nay, những vụ sát nhân điên cuồng tương tự cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho chúng ta, cho gia đình và bạn bè chúng ta. Ở một số quốc gia, vấn đề không phải là “nếu” mà là “khi nào” ISIS khủng bố thì người ta sẽ cần phản ứng ra sao.

Dưới đây là một vài dữ kiện căn bản về lịch sử và hoạt động của ISIS.

ISIS hay ISIL hay IS?

Cái gọi là “Bang Quốc Hồi Giáo” (“Islamic State”, hay là “IS”) ngày nay thường được gọi bằng một vài danh hiệu khác nhau. Báo chí gần đây cũng thường dùng hai từ viết tắt rất tương tự nhau, đó là “ISIL” và “ISIS”.

Thế thì các danh hiệu trên có nghĩa là gì?

Thật ra khi nhóm phiến quân cuồng tín nầy thành hình năm 1999 với thủ lãnh Abu Musab al-Zarqawi, người gốc Jordan, tên gọi đầu tiên của chúng là “Jama’at al-Tawhid wal-Jihad” (nghĩa là “đội quân thánh chiến của Thượng Đế Duy Nhất”). Sau đó, như sẽ thấy trong phần sau của bài nầy, chúng tiếp tục đổi danh hiệu một số lần nữa cho đến ngày nay.

Một danh hiệu gần đây của nhóm phiến quân nầy trong tiếng Á Rập là “Al-Dawla Al-Islamiya fi al-Iraq wa al-Sham”. Ba chữ đầu có nghĩa là “Bang Quốc Hồi Giáo”. Chữ “al-Sham” là một từ Á Rập cổ dùng để chỉ Syria và các vùng lân cận từ nam Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài qua Syria đến Ai Cập và bao gồm cả Lebanon, Do Thái, Palestine và Jordan. Danh hiệu nầy được bọn phiến quân bắt đầu dùng từ khoảng 2013 khi chúng bành trướng ra ngoài Iraq và chiếm đóng một phần đất đáng kể của Syria.

“ISIL” là chữ tắt của “The Islamic State of Iraq and the Levant”, Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq và khu vực Levant. “Levant” là một từ Anh ngữ mang nghĩa tương đương với chữ “al-Sham”.

“ISIS” là chữ tắt của “The Islamic State of Iraq and Syria” (“Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq và Syria”). Đây là danh hiệu được báo chí Tây Phương ngày nay dùng nhiều nhất.

“ISIL” do đó là một từ dịch chính xác nhất từ tiếng Á Rập “Al-Dawla Al-Islamiya fi al-Iraq wa al-Sham”. Từ nầy được Tổng Thống Mỹ Obama và Thủ Tướng Anh Cameron dùng trong mọi văn kiện và buổi họp báo. Tuy nhiên một số báo chí Mỹ cho rằng Obama dùng từ nầy vì muốn tránh đá động đến Syria (chữ “S” cuối trong “ISIS” là chữ tắt của “Syria”). Họ cho rằng Obama ngần ngại khi nói đến tấn công một tổ chức liên quan đến Syria vì cách đây không lâu ông đã từ chối gởi quân can thiệp vào cuộc nội chiến trong xứ chống lại Tổng Thống Syria Bashar al-Assad.

“Bang Quốc Hồi Giáo” là tên gọi được thủ lãnh đương thời, Abu Bakr al-Baghdadi, của bọn phiến quân lựa chọn vào tháng Sáu 2014 khi chúng đã chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ phía bắc Iraq và Syria. Chúng chọn tên nầy vì nó cũng gợi lên hình ảnh huy hoàng trong quá khứ Trung Đông của một vương bang (“caliphate”), cai trị bởi một vương chúa nắm toàn quyền tuyệt đối về quân sự cũng như tôn giáo (trong Anh ngữ gọi là “caliph”). Tên gọi nầy cũng cho thấy tham vọng bành trướng của al-Baghdadi bây giờ không còn chỉ nằm trong vòng lãnh thổ của 2 nước Iraq và Syria nữa.

Tên gọi “Bang Quốc Hồi Giáo” bị vài lãnh đạo Hồi Giáo chỉ trích và tránh dùng. Cộng Đồng Hồi Giáo ở Anh và Hiệp Hội Luật Sư Hồi Giáo Anh đã viết thư đến Thủ Tướng Anh kêu gọi các chính trị gia đừng dùng từ nầy nữa vì nó gây hiểu lầm về Hồi Giáo, đồng thời vô tình hợp thức hóa vị thế của nhóm phiến quân như là một dạng “quốc gia” có lãnh thổ chính thức.

Một số báo chí và chính trị gia, nhất là ở Á Rập, cũng dùng một danh hiệu nữa cho nhóm phiến quân nầy, đó là “Da’ish” hay “Daesh” (hay “Daech” trong Pháp ngữ). Tên nầy hình như đã xuất xứ từ các bài báo của một số nhân vật đối lập ở Syria.

“Daesh” không phải là một từ Á Rập. Nó chỉ là một cách gọi tắt lỏng lẻo cho từ “Al-Dawla Al-Islamiya fi al-Iraq wa al-Sham” hay là “The Islamic State of Iraq and the Levant” hay “ISIL” như vừa nói ở trên. Tuy nhiên danh hiệu nầy bị xem là chỉ được dùng bởi những kẻ thù của bọn phiến quân, thí dụ như Obama hay Cameron. Bọn phiến quân rất ghét bị gọi là “Daesh”. Từ nầy cũng mang nhiều ấn tượng xấu khác, thí dụ như cách phát âm của chữ nầy trong tiếng Á Rập tương tự như chữ “Daes” (nghĩa là “kẻ đạp đổ một thứ gì đó”) hay chữ “Dahes” (nghĩa là “kẻ gây hiềm khích”). Có những hình phạt dã man đặc biệt dành cho những người trong lãnh thổ phiến quân chiếm đóng nếu bị bắt gặp dùng danh hiệu trên.

Chính phủ Pháp gần đây, khoảng một năm trước khi vụ khủng bố ở Paris xảy ra, đã tuyên bố bắt đầu dùng danh hiệu “Daech” khi nói về bọn phiến quân cuồng tín nầy.

Trong bài nầy tôi dùng từ “ISIS” là một tên gọi được nhiều tài liệu, báo chí Tây Phương hiện nay vẫn dùng nhất mặc dù, như đã nói ở trên, danh xưng cập nhật của tổ chức nầy thật ra là “IS”.

ISIS là ai?

Nói tóm gọn thì đây là một tổ chức khủng bố cuồng tín man rợ tôn thờ các tư tưởng vô cùng cực đoan của Hồi Giáo hiện đang chiếm đóng một lãnh thổ rộng lớn của Iraq và Syria.

ISIS tự xưng là thừa kế của các lãnh tụ tiền phong nền móng của Hồi Giáo. Tổ chức nầy chủ trương gây chiến và tiêu diệt tất cả mọi quốc gia và tất cả mọi người nào không thuần phục tiêu chuẩn tôn giáo được xem là “Hồi Giáo chân chính” của chúng. Chúng tin rằng chúng có sứ mạng mở đường cho Ngày Phán Xét xảy ra đúng như đã nói đến trong Kinh Koran. Để làm việc nầy, chính sách của chúng là chiếm đoạt càng nhiều lãnh thổ càng tốt và thẳng tay tàn sát những kẻ ngoại đạo cũng như xóa sạch tất cả các nền văn hóa và tôn giáo khác.

Ngoài ra, chúng còn là một tổ chức có chiến lược với nhiều tính toán khôn khéo. Chúng đã lợi dụng một cách tài tình hoàn cảnh chính trị hỗn loạn và xã hội đói nghèo ở Trung Đông để thu dụng nhân lực và chiếm đóng lãnh thổ.

Có thể nói ISIS ngày nay là hiện thân tối hậu của những vấn đề đã kéo dài dai dẳng nhiều năm ở Trung Đông. Thí dụ như các chế độ độc tài tàn bạo, môi trường tôn giáo cực đoan, sự tranh chấp thế lực giữa tôn giáo và dân sự, sự nhúng tay của các cường quốc Tây Phương, những cuộc chiến tranh gián tiếp giữa các quốc gia ẩn mặt, cũng như một cảm giác tuyệt vọng và oán hận sâu đậm bởi vô số người dân nghèo khổ.

Nguồn Gốc Xuất Phát của ISIS

Có thể nói là 2 sự kiện lịch sử quan trọng đã “nảy sinh” ra ISIS. Thứ nhất, đó là cuộc tấn công Iraq của Mỹ vào năm 2003. Thứ hai, đó là sự bùng nổ của cuộc nội chiến ở Syria năm 2011.

Câu chuyện thật ra có thể bắt đầu gần một phần tư thế kỷ trước khi ISIS thành hình: đó là năm 1979 khi Liên Xô xâm chiếm A Phú Hãn để hỗ trợ cho một chính quyền thân Nga lúc bấy giờ đang chật vật đối phó với các nhóm phiến loạn.

Các phiến quân A Phú Hãn tự xưng là “mujahideen”, tức là “chiến sĩ của Thượng Đế”. Sự hiện diện của quân đội Nga có một tác động bất ngờ: Nhiều người Hồi Giáo ở ngoài nước bắt đầu xung phong gia nhập các mujahideen vì họ cảm thấy những “anh em Hồi Giáo” A Phú Hãn đang bị xâm phạm bởi một bọn da trắng ngoại đạo. Thế lực của mujahideen do đó lớn mạnh mau chóng. Hơn nữa, Á Rập Saudi và Mỹ đã hỗ trợ vũ khí dồi dàu cho các mujahideen để chống lại Liên Xô. Nhất là Mỹ, đây là một cơ hội cho Mỹ trả lại món thù cũ khi Liên Xô hỗ trợ Việt Cộng làm cho Mỹ sa lầy ở cuộc chiến Việt Nam một thập niên trước đó. Kết quả là Nga cuối cùng đành phải rút quân khỏi A Phú Hãn năm 1989.

Phần đông các phiến quân nước ngoài nói trên là dân Á Rập, họ là tín đồ trung thành của một dạng Hồi Giáo cực đoan gọi là Wahhabism xuất nguồn và phổ biến ở Á Rập Saudi.

Sau khi Nga rút khỏi A Phú Hãn, nhiều phiến quân Á Rập trở về quê nhà họ. Lúc bấy giờ họ đã là những chiến binh đầy kinh nghiệm chiến trường. Đồng thời họ mang trong đầu một niềm tin mãnh liệt là Thượng Đế đã đứng cùng phe với họ để tiêu diệt cường quốc vĩ đại Xô Viết. Đó là vì chẳng những Nga đã phải bỏ chạy khỏi A Phú Hãn mà nguyên cả Liên Bang Xô Viết cũng sụp đổ không bao lâu sau đó. Một số người nầy thành lập những nhóm chiến đấu gọi là “al-Qaeda” (có nghĩa đại loại là “nền móng quân sự”) để tiếp tục sứ mạng mà họ cho là thiêng liêng Allah đã giao phó. Họ thù ghét những chế độ độc tài tàn ác đang cai trị đất nước họ. Họ cũng thù ghét những thế lực ngoại bang giúp đỡ các chế độ độc tài nầy để thu đoạt những tài nguyên trong vùng Trung Đông. Các nhóm al-Qaeda tuyên chiến với tất cả những kẻ thù trên.

Ngày 11 tháng Chín 2001, theo nguồn tin chính thức của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những nhóm al-Qaeda dưới quyền chỉ huy của Osama bin Laden tấn công New York giết chết gần 3000 người. Một năm rưỡi sau khi hai tòa nhà Trung Tâm Giao Dịch Thế Giới sụp đổ, Mỹ dẫn quân vào A Phú Hãn và tiến hành một trận tổng tấn công vào Iraq. Hành động nầy mở đầu cho một chuỗi dài những phản ứng phụ trực tiếp đưa đến sự thành lập và bành trướng nhanh chóng của các nhóm phiến quân cực đoan Trung Đông ngày nay.

Sự hiện diện của quân lính Mỹ trên đất Iraq làm cho tình hình chính trị và xã hội của Iraq trở thành rối loạn cực độ. Tương tự như khi Nga xâm chiếm A Phú Hãn, vô số kẻ cuồng tín cực đoan đổ xô vào Iraq để đánh đuổi quân đội Mỹ ngoại đạo ra khỏi một lãnh thổ Hồi Giáo. Tuy nhiên, những phiến quân cũng nhân dịp nầy để giải quyết hận thù trong cuộc nội chiến dài bao nhiêu thế kỷ nay giữa hai nhóm Hồi Giáo thiểu số Sunni và Hồi Giáo đa số Shia.

Phần lớn binh sĩ đã từng nằm trong những quân đoàn Iraq đã bị quân lực Mỹ đánh bại và giải tán thuộc vào nhóm Hồi Giáo Sunni. Lúc trước họ là những sĩ quan và binh sĩ được chế độ ưu đãi. Sau khi Mỹ vào thì họ chỉ là những người thất nghiệp, nghèo đói và đầy hận thù. Đó là tại sao vô số những người nầy đã tham gia các nhóm phiến quân một cách nồng nhiệt nhất. Sự kiện Mỹ đã lật đổ chính quyền đương thời và giải tán quân đội Iraq là một sai lầm vĩ đại với những hậu quả nghiêm trọng không ai lúc đó tiên đoán được.

Nhóm phiến quân dưới quyền Zarqawi cũng đã xâm nhập vào Iraq không lâu sau khi quân đội Mỹ có mặt ở đó. Nhóm nầy đặc biệt nổi tiếng chủ trương sát hại bừa bãi thường dân vô tôi. Năm 2004, Zarqawi thân thiện với các nhóm al-Qaeda và thần phục Osama bin Laden. Tuy vậy, các thủ lãnh al-Qaeda thường xung đột với Zarqawi vì họ thấy hắn chú trọng quá nhiều đến việc sát hại các đồng môn Hồi Giáo làm phật lòng hắn. Các nhóm al-Qaeda cũng cho rằng nhóm Zarqawi quá tàn ác so với ngay cả tiêu chuẩn của họ. Sự chia rẽ nầy ngày trở thành càng trầm trọng.

Cuối cùng thì nhiều nhóm phiến quân Iraq Hồi Giáo Sunni dưới sự hỗ trợ quân sự của Mỹ công khai gây chiến với nhóm Zarqawi. Năm 2006, Zarqawi bị giết chết trong một trận phục kích bởi chiến đấu cơ Mỹ. Đến cuối năm 2008, nhiều người nghĩ rằng Iraq có thể đang trên đường phục hồi khỏi tình trạng hỗn loạn lúc đầu. Tuy nhiên, thủ tướng Iraq đương thời là Nouri al-Maliki đã phá vỡ cơ hội nầy. Chính phủ dưới quyền al-Maliki trở thành tham nhũng, độc đoán và kỳ thị thái quá. Nhóm Hồi Giáo đa số Shia được sủng ái trong khi nhóm Hồi Giáo thiểu số Sunni bị ngược đãi. Và khi nhóm Sunni lên tiếng phản đối, họ bị chính quyền Maliki đàn áp triệt để.

Al-Maliki cũng sửa đổi nội bộ trong quân đội Iraq bằng cách thay thế các tướng lãnh và sĩ quan kinh nghiệm bằng những kẻ thân cận non nớt. Điều nầy làm thực lực của chính quyền Maliki bị giảm yếu rất nhiều. Cộng thêm vào đó, đây lại là lúc George W Bush, và kế tiếp bởi Barack Obama, quyết định rút quân ra khỏi Iraq. Đây chính là lý do mà quân đội Iraq sau nầy không đủ sức kiềm chế đám phiến quân ISIS khi chúng bộc phát.

Sau khi Zarqawi chết, một thủ lãnh mới – Abu Bakr al-Baghdadi – đứng ra kết hợp nhóm phiến quân cũ với các nhóm khác để thành lập một nhóm gọi là “Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq”. Khi Syria đắm chìm trong nội chiến năm 2011 và 2012, al-Baghdadi mở thêm chi nhánh ở Syria và đổi tên thành “Bang Quốc Hồi Giáo của Iraq và Syria”, tức là “ISIS” vào năm 2013.

Tại sao nhiều người gia nhập ISIS?

Trong những năm đầu tiên trước khi có danh xưng ISIS, nhiều người gia nhập nhóm nầy cũng như những nhóm phiến quân khác ở Iraq (tất cả đều thuộc nhóm Hồi Giáo Sunni) vì 3 lý do chính sau đây: 1/ hoặc để đánh đuổi quân đội ngoại đạo Mỹ ra khỏi một đất nước Hồi Giáo, 2/ hoặc họ là thành viên cũ của chế độ Saddam Hussein mang hy vọng sẽ một ngày nào thu phục lại quyền lực ở Iraq, 3/ hoặc vì thù ghét nhóm Hồi Giáo Shia.

Các lý do trên vẫn còn hiện hữu ngày nay, và thường trộn lẫn với nhau. Ngoài ra, có nhiều người đến từ các quốc gia Âu Mỹ xa xôi vì các lý do khác nữa. Có những người vì phấn khởi trước lời hứa hẹn “Ngày Phán Xét” sắp đến và muốn được dự phần khi ngày này xảy ra. Hoặc có thể họ hy vọng sẽ giúp xây dựng lại một đất nước Iraq tốt đẹp. Hoặc họ bị quyến rũ bởi hình ảnh chiến đấu cho một vương bang Hồi Quốc huy hoàng. Hoặc họ mang lý tưởng kháng chiến quân anh hùng kình chống lại các đế quốc tàn ác. Hoặc họ tin nghe lời tuyên truyền của ISIS về đoàn quân bách thắng của chúng.

Chúng ta cũng khó bỏ qua một sự kiện khá rõ rệt rằng nhiều người gia nhập ISIS chỉ với một mục tiêu đơn giản là có cơ hội thỏa mãn thú tính hung bạo của họ. Khi ISIS đăng lên những video cho thấy các vụ cắt đầu hay đóng đinh kẻ địch, hay đốt sống tù nhân phi công Jordan, mục tiêu chính có thể chỉ là để phô trương sức mạnh và biểu dương đặc tính cực đoan trong niềm tín ngưỡng của chúng. Tuy nhiên những video nầy cũng là một dạng quảng cáo để thu hút những kẻ ham thích bạo lực. Nó hàm ý rằng, “nếu bạn ước muốn có dịp được giết người, và giết người bằng những phương pháp tàn bạo nhất, một cách công khai không lo sợ pháp luật thì gia nhập ISIS rồi sẽ được toại ước.”

Tương tự như chủ trương giết người tùy tiện và thoải mái vừa nói ở trên, ISIS xem hành động cưỡng hiếp không những là một phương tiện khống chế và trừng phạt phụ nữ mà còn là một thực trạng trong đời sống hàng ngày trong vương bang của chúng. Đối với ISIS, một cách để tuyên dương chiến thắng là bạo lực tình dục. Và đây cũng là một hình thức tưởng thưởng cho cho quân lính ISIS cũng như để thu hút nhân lực. Đây là một thông điệp tuy gián tiếp nhưng rất rõ ràng: “gia nhập ISIS thì bạn được tha hồ cưỡng chiếm và sử dụng phụ nữ tùy ý để thỏa mãn tình dục.” Từ một góc cạnh trực tiếp hơn, ISIS cũng hứa hẹn rằng nếu phụ nữ theo ISIS thì họ sẽ được “một người đàn ông Hồi Giáo khỏe mạnh, chân chính, và là chiến sĩ anh hùng chiến đấu vì chánh nghĩa”, còn nếu nam phái theo ISIS thì sẽ được “những phụ nữ địa phương trẻ đẹp.”

Theo Giáo Sư Scott Atran, một trong những sáng lập viên của Trung Tâm Giải Quyết Những Xung Khắc Khó Gỡ (Centre for the Resolution of Intractable Conflicts) của Đại Học Oxford, thì 3/4 những người gia nhập ISIS đã được động viên bởi bạn bè, và khoảng 20% bởi chính gia đình họ. Việc trở thành cực đoan, theo ông Atran, ít khi xảy ra từ những đền thờ Hồi Giáo, và hầu như rất hiếm xảy ra từ những người lạ mặt không quen biết trước.

(Thống kê trên cho thấy sự thiếu xác thực trong quan niệm cho rằng những người trẻ trong thế giới Tây Phương bị “cực đoan hóa” từ các đền thờ Hồi Giáo. Tuy nhiên, thống kê trên cũng cho thấy số người tích cực ủng hộ ISIS trong những cộng đồng Hồi Giáo gọi là “ôn hòa”, trong những gia đình Hồi Giáo “bình thường” ở các quốc gia Tây Âu thật ra nhiều hơn đáng kể so với chúng ta tưởng.)

Atran cũng là một chuyên gia về nhân chủng học. Theo ông, sức thu hút của ISIS ở chỗ chúng cung ứng một cảm giác “cách mạng hừng khởi” như đã từng thấy ở cuộc Cách Mạng Pháp vào những năm 1790, cũng như ở cuộc Cách Mạng Bolshevik ở Nga năm 1917, và khi phong trào Đức Quốc Xã bừng dậy năm 1919.

Có thể nói là phần lớn những lý do gia nhập ISIS đều rất riêng tư và xuất phát từ một thôi thúc của tiềm thức cần muốn xác định vị thế cá nhân và ý nghĩa của cuộc sống. Và trong tình thế rối loạn chung quanh, cũng như những nỗi bất an trong lòng họ, họ tìm kiếm những giải pháp, những câu trả lời có thể đem đến một ổn định nào đó. Và ISIS hứa hẹn sự ổn định của một lãnh thổ thống nhất lý tưởng đứng dưới một thượng đế cao cả tuyệt đối.

Thế giới Tây Phương đã sai lầm khi cho rằng ISIS chỉ là một nhóm khủng bố nhu dốt, vô học. Thật ra ISIS có vẻ như am hiểu tâm lý của những thanh thiếu niên chúng đang chiêu mộ hơn các chính quyền Âu Mỹ. Ông Atran trình bày ở đại hội Chống Khủng Bố của Liên Hiệp Quốc rằng cảm giác mạo hiểm và viễn tưởng chiến thắng vinh quang đã lôi cuốn giới trẻ Tây Phương gia nhập ISIS; đồng thời chiến đấu dưới danh nghĩa một thượng đế đưa đến họ cơ hội trở thành anh hùng được nể phục bởi mọi người. Trong khi đó, thế giới Tây Phương chỉ biết đả kích ISIS là một nhóm người tàn ác chuyên chặt đầu người và đàn áp phụ nữ. Phương pháp tuyên truyền nầy không có tác động lôi cuốn và do đó không đủ hiệu quả để ngăn cản giới trẻ Tây Phương gia nhập ISIS.

Thống kê cho thấy không ít thanh thiếu niên nam nữ Tây Phương gia nhập ISIS xuất thân từ các gia đình Thiên Chúa Giáo. Và họ nằm trong số những chiến binh hung hãn đáng sợ nhất của hàng ngũ phiến quân. Chính quyền Âu Mỹ có khuynh hướng cho rằng những người gia nhập ISIS chỉ toàn là những kẻ đã bị “tẩy não”. Thật ra các cuộc phỏng vấn cho thấy những người nầy rất hiểu biết những gì họ đang làm, và họ làm những điều đó một cách hoàn toàn tự nguyện.

Ông Atran cảnh báo rằng “Bang Quốc Hồi Giáo là một phong trào cách mạng phản văn hóa sôi động nhất và có nhiều chiến binh tình nguyện nhất kể từ Thế Chiến Thứ Hai” và “nếu Liên Hiệp Quốc cùng các quốc gia Tây Phương không sớm tìm ra phương cách hữu hiệu thu phục giới trẻ thì chúng ta rất có thể sẽ đánh mất phần lớn các thế hệ con em kế tiếp của chúng ta vào tay ISIS.”

Nhiều nhà bình luận cho rằng sự tàn khốc trong cuộc khủng bố vừa qua ở Paris cho thấy ISIS đang bắt đầu đổi sang một trò chơi mới trong chính sách phá hoại của chúng. Tuy vậy, theo Giáo Sư Atran thì “đây không phải là một trò chơi mới; những cuộc thảm sát kinh hoàng nầy đã nằm sẵn, và luôn luôn sẽ nằm trong, chính sách hành động lâu dài của chúng.”

2. ISIS– căn nguyên và giải pháp cần thiết

Lỗi tại ai?

Nhiều người hỏi tại sao hiện tượng ISIS đã xảy ra. Nói cách khác, “Lỗi tại ai?”

Thật ra thì không có ai chủ tâm tạo dựng ra ISIS và tình thế bành trướng mạnh mẽ của ISIS như ngày nay cả. Nhóm cuồng tín Hồi Giáo nầy không có đồng minh và là kẻ thù của nhiều người. Chẳng qua là vì những chính sách thiển cận và nhận định sai lầm của nhiều quốc gia khác nhau. Những quốc gia đồng minh với Mỹ, những quốc gia thù nghịch với Mỹ, và ngay cả Mỹ cũng đều dự phần đóng góp vào các lầm lỗi trên.

Trước hết, có thể nói là người có trách nhiệm nhiều nhất cho sự thành hình và bành trướng của ISIS ngày nay là Bashar al-Assad, đương kim Tổng Thống Syria. Năm 2003 sau khi Mỹ dẫn quân vào Iraq, Assad lo ngại bước tiến kế tiếp của Mỹ là tấn công Syria. Chiến lược tự vệ của ông ta là ngầm gởi phiến quân Hồi Giáo vào Iraq để phá rối và cầm chân Mỹ ở Iraq. Điều nầy giúp cho nhiều nhóm phiến quân ở Iraq có dịp phát triển lớn mạnh, trong đó có những nhóm al-Qaeda của Iraq. Một trong những nhóm nầy sau nầy trở thành cái gọi là ISIS.

Năm 2011 khi nội chiến bùng nổ ở Syria, Assad áp dụng chiến lược nầy một lần nữa ngay trên đất nước Syria. Assad thả ra một số lớn các “chiến sĩ của Thượng Đế” (jihadist) tù nhân từ những trại giam trong nước và giúp đỡ chúng thành lập các tổ chức thánh chiến để gây hấn với các nhóm phiến quân hiện đang đánh phá quân đội của ông. Đây là một chiến lược nguy hiểm gần như tự sát, tuy nhiên nó đã thành công. Sau khi Assad ngầm giúp tạo dựng ra các tổ chức phiến loạn al-Qaeda ở Syria, nếu muốn cứu vãn sự ổn định của Syria thì Mỹ và các nước đồng minh phải lựa chọn giữa Assad và phe phiến loạn để giúp đỡ. Mỹ và đồng minh cảm thấy các phe phiến loạn quá cực đoan và khó điều khiển nên họ quyết định đứng vào phe Assad.

Sau đó ISIS tách ra khỏi và bắt đầu gây chiến công khai với các nhóm al-Qaeda trong Syria. Assad nhận thấy ISIS có lợi cho ông ta. Trong khi các nhóm phiến loạn đối nghịch đánh phá quân đội của ông ta thì ISIS chỉ chú trọng vào tiêu diệt và giành lấy địa phận của các nhóm phiến loạn đó. Vì thế lúc đó Assad nói chung không can thiệp đến sự bành trướng của ISIS và để chúng gián tiếp phụ giúp quân đội ông ta khống chế các nhóm phiến quân đối nghịch. Cái giá Assad phải trả là ISIS đã chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ của Syria ở phía đông.

Người thứ hai có trách nhiệm cho hiện tượng ISIS là Nouri al-Maliki, Thủ Tướng Iraq nhiệm kỳ 2006-2014. Dưới quyền Maliki là một chính phủ độc tài và tham nhũng. Sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq năm 2011, Maliki công khai nâng đỡ nhóm Hồi Giáo đa số Shia và đàn áp nhóm Hồi Giáo thiểu số Sunni thậm tệ. Khi những người Sunni phản đối, Maliki thẳng tay trừng trị họ. Vì các cộng đồng Sunni trong Iraq thấy rõ ràng chính phủ Maliki kỳ thị họ, từ đó họ xem đây là một chính phủ bù nhìn của Mỹ, và bất hợp pháp. Đây là lý do các nhóm phiến loạn gốc Hồi Giáo Sunni nổi lên khắp nơi và cuộc thánh chiến của họ bắt đầu lan tràn trong Iraq.

Năm 2014, Mỹ giúp tay vào việc hạ bệ Nouri al-Maliki và thay thế ông bằng Thủ Tướng Haider al-Abadi, một người có khuynh hướng thân thiện với nhóm Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, việc nầy đã quá trễ để hóa giải các hậu quả tai hại của Maliki trước đó.

Nước Á Rập Saudi và các nước trong khối Vùng Vịnh Á Rập cũng có trách nhiệm gián tiếp về hiện tượng ISIS. Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các nước nầy đã ủng hộ tài chính cho ISIS, họ đã tài trợ các nhóm phiến quân khác để quấy nhiễu Tổng Thống Syria Bashar al-Assad. Các nước nầy muốn lật đổ Assad. Sự tài trợ nầy đã giúp các phong trào thánh chiến nói chung ở Syria lớn mạnh, và do đó gián tiếp góp phần vào việc thành lập và phát triển của ISIS. Đúng là có những cá nhân trong các nước Vùng Vịnh Á Rập kể cả Á Rập Saudi đã và đang trực tiếp ủng hộ ISIS. Tuy nhiên chính quyền các nước nầy luôn tìm cách ngăn chận việc nầy. Đối với họ, ISIS là mối đe dọa đáng kể. Bằng chứng là ISIS đã mấy lần tấn công Á Rập Saudi và Kuwait.

Quốc gia kế tiếp có trách nhiệm cho hiện tượng ISIS là Thổ Nhĩ Kỳ. Tương tự như các nước Á Rập Vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến khích các nhóm phiến quân quấy phá Syria vì họ muốn lật đổ Tổng Thống Assad. Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các nhóm phiến loạn thánh chiến qua lại thông thả dọc theo biên giới giữa họ và Syria. Khi ISIS trở thành một lực lượng đáng kể, Thổ Nhĩ Kỳ tuy không ủng hộ chúng nhưng cũng không tích cực tìm cách tiêu diệt chúng. Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh nhau với các nhóm kháng chiến người Kurd trong nước, và ISIS cũng đang đánh nhau với các người Kurd ở Syria. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ không muốn trừ dẹp kẻ địch của các nhóm Kurd.

Iran cũng góp phần vào hiện tượng ISIS. Iran là đồng minh lớn nhất của Syria. Sự hiện diện của Iran giúp Thổng Thống Assad giữ quân bình cán cân thế lực của Syria ở Vùng Vịnh Á Rập, nhất là đối với nước đối nghịch Á Rập Saudi. Iran có quân đội trên lãnh thổ Syria trực tiếp hỗ trợ Assad. Iran cũng đồng tình với chính sách của Assad về việc làm ngơ trước sự bành trướng của ISIS ở Syria. Tuy vậy, Iran cũng đồng thời giao chiến với ISIS ở Iraq.

Sau chót là Mỹ, cả dưới quyền chỉ huy của Thổng Thống George W Bush trước đây và sau nầy dưới sự lãnh đạo của Thổng Thống Obama.

Năm 2003 khi Mỹ dẫn quân vào Iraq, hầu như tất cả các nhóm phiến quân ở Trung Đông hội tụ lại để cùng nhau đánh đuổi kẻ thù cũ của họ từ cuộc Thánh Chiến trước đây trong thời Trung Cổ. Có thể nói cuộc tấn công vào Iraq của Mỹ là lý do lớn nhất đưa đến hiện tượng ISIS ngày nay. Không có cuộc tấn công nầy, nhóm phiến quân vô danh của Abu Musab al-Zarqawi đã không có cơ hội để lớn mạnh và đổi lớp nhiều lần để dần dần trở thành ISIS. Sự có mặt của Mỹ đưa đến cuộc nội chiến trong Iraq giữa 2 nhóm Hồi Giáo thù nghịch nhau từ muôn đời, đó là nhóm đa số Shia và nhóm thiểu số Sunni. Vì nhóm Sunni bị chính quyền thân Mỹ Maliki đàn áp nên họ nhanh chóng trở thành lực lượng nòng cốt của ISIS. Dưới chế độ của Saddam Hussein, Iraq đối nghịch với cả Iran và Á Rập Saudi. Sau khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ, sự quân bình nầy bị phá hỏng dẫn đến việc Iran và Á Rập Saudi kình gờm thế lực lẫn nhau. Từ đó, cả hai nước nầy gián tiếp giúp cho các nhóm phiến loạn trong vùng lớn mạnh, như vừa nói ở trên.

Việc Tổng Thống Obama rút quân khỏi Iraq, theo hiệp ước đã ký bởi George W Bush, cũng được nhiều bình luận gia xem là một sai lầm đáng kể. Có thể sự rút quân nầy đã cho các nhóm phiến quân ấn tượng đang chiến thắng nên họ càng thừa thắng xông lên. Trong khi đó quân đội chính phủ Iraq cảm thấy bị bỏ rơi nên càng mất tinh thần chiến đấu hơn nữa. Một sai lầm không nhỏ nữa của Obama là ông đã bỏ phí 3 năm (từ 2011 đến 2014) mới ra tay lật đổ Thủ Tướng Iraq Maliki. Như đã đề cập ở trên, hậu quả tai hại của chính quyền Maliki trong 3 năm đó là việc đa số các nhóm Hồi Giáo Sunni đều đã nghiêng hẳn về phe ISIS.

Làm sao để tiêu diệt ISIS?

Các trận không kích của Mỹ trong mấy năm qua, và chiến dịch không kích của Nga gần đây, có gây ra tổn thất đáng kể cho ISIS. Và một phần (khoảng 25%) lãnh thổ đã bị chiếm đóng bởi ISIS cũng nhờ đó được các nhóm phiến quân “đồng minh” người Kurd lấy lại. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng chỉ không kích mà thôi sẽ không đủ để đánh bật ISIS ra Iraq và Syria. Muốn chiến thắng ISIS thì không phải chỉ dùng bom đạn mà thôi. Có một số vấn đề chính trị, và tâm lý quần chúng, cần phải được giải quyết trước khi có thể tiêu diệt được ISIS. Tìm ra giải pháp thỏa đáng về mặt chính trị là một điều khó khăn rất nhiều so với chiến thắng bằng bom đạn.

Nói chung có 3 vấn đề chính cần phải xảy ra:

Trước nhất, ngày nào cuộc nội chiến ở Syria còn tiếp diễn thì ngày đó ISIS vẫn còn lớn mạnh. Chính quyền Syrian dưới sự lãnh đạo của Assad không muốn đánh diệt ISIS vì còn đang chật vật với các nhóm phiến loạn trong nước. Các nhóm phiến quân ở Syria cũng không muốn chú tâm đánh diệt ISIS vì dưới mắt họ thì Assad là kẻ thù chính. Cuộc nội chiến giữa chính phủ Assad và phiến quân Syria kéo càng dài và càng lan rộng thì ISIS càng có dịp để lấp đầy các lỗ hổng an ninh và quân sự trong Syria. Thêm vào đó, những người dân Syria trong phái Hồi Giáo Sunni càng cảm thấy bị đe dọa, đàn áp bởi một chính quyền đa số Hồi Giáo Shia thì họ càng sẵn sàng quy phục ISIS để tìm sự bảo vệ cho họ.

Vì thế chính quyền Syria và những nhóm phiến quân Syria cần phải ngồi lại hòa giải với nhau bằng cách nào đó trước khi thế giới có hy vọng đánh bại ISIS. Sau trận khủng bố ở Paris vừa qua, thủ lãnh nhiều quốc gia đang cố đẩy mạnh về vấn đề nầy. Tuy vậy đây là một điều dễ đề nghị nhưng rất khó thực hiện được.

Vấn đề thứ hai cần xảy ra là mối bất hòa giữa 2 nước Iran và Á Rập Saudi cần phải chấm dứt. Iran và Saudi là hai cường quốc trong vùng. Mỗi bên đều muốn bảo vệ uy thế của mình trong Syria bằng cách ủng hộ (ngấm ngầm lẫn công khai) một phe đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria. Iran và Saudi do đó là nguyên nhân lớn giữ cho cuộc nội chiến nầy kéo dài mãi. Họ đứng bên ngoài để xem, và thúc đẩy, hai nhóm đối nghịch trong Syria thay mặt họ bắn giết lẫn nhau. Và cuộc nội chiến nầy càng kéo dài, như vừa nói ở trên, thì ISIS càng có môi trường bành trướng hơn.

Điều trớ trêu là cả Iran lẫn Á Rập Saudi đều ghét ISIS và ủng hộ ai chống lại ISIS. Tuy vậy họ vẫn quan tâm về những lợi thế của họ có thể chiếm được ở Syria nhiều hơn là việc tiêu trừ ISIS. Vì thế chỉ khi nào cả Iran và Á Rập Saudi ngưng gián tiếp dự phần và bảo tồn cuộc nội chiến ở Syria thì ISIS mới mất môi trường phát triển.

Vấn đề thứ ba cần xảy ra là chính quyền Iraq thật sự chỉnh sửa lớn trong chính sách đối xử với các cộng động Sunni trong nước của họ. Thủ tướng hiện chức Haider al-Abadi là một người có khuynh hướng thảo luận với người Sunni. Ông muốn dựng nên một chính phủ có cấu trúc tương đối cân bằng đại diện cho cả người Shia lẫn người Sunni. Tuy nhiên, có nhiều áp lực trong Iraq không muốn điều nầy xảy ra. Đó là những người Shia bảo thủ đang nắm nhiều thế lực trong nước. Iran, và những người thân Iran, cũng muốn Iraq là một quốc gia được đa số Hồi Giáo Shia nắm quyền.

Vì thế, ngay cả nếu Thủ Tướng Abadi thật tình muốn hòa giải, các lực lượng Sunni vẫn nghi ngờ một chính quyền đa số Shia. Quá khứ đã cho họ nhiều bài học đắng cay khó lòng quên được một cách nhanh chóng. Trở ngại nầy tuy không đến nổi cực kỳ khó khăn như hai vấn đề vừa kể trên nhưng cũng không dễ giải quyết trong một ngày một buổi.

Và ngay cả khi 3 trở ngại kể trên đã được giải quyết thì ISIS cũng không tự sụp đổ. Các đoàn quân ISIS vẫn sẽ tiếp tục chiến đấu bảo vệ các lãnh thổ chúng đã chiếm được. Các chiến dịch không tập của Mỹ và Liên Xô tuy gây ít nhiều thiệt hại cho ISIS nhưng chắc chắn không đủ để tiêu diệt chúng. Muốn tiêu diệt ISIS thì cần phải có các lực lượng quân sự lâm trận trên mặt đất để giành lấy lại từng thị trấn, từng thành phố. Và các lực lượng quân sự nầy phải là những nhóm Hồi Giáo Sunni.

Đó là vì những lãnh thổ đang bị ISIS chiếm đóng lâu dài hiện giờ đều là lãnh thổ của các cộng đồng Hồi Giáo Á Rập Sunni. ISIS cũng là Á Rập Sunni. Tuy các cộng đồng dân chúng ở đây hứng chịu các quy luật hà khắc của ISIS nhưng họ vẫn thà là như vậy còn hơn thấy các nhóm Hồi Giáo đối nghịch khác thống trị họ.

Hiện nay Mỹ đang hỗ trợ các nhóm người Kurd ở Syria và ở Iraq để họ trực tiếp đánh ISIS. Mỹ cũng hỗ trợ quân đội Iraq ở Iraq để làm chuyện nầy. Tuy nhiên không ai trong các nhóm nầy là Á Rập Sunni. Phần đông binh sĩ trong quân đội Iraq hiện thời là người Hồi Giáo Shia, và những nhóm phiến quân được Iran bảo trợ. Do đó hiện nay không có nhóm đồng minh bản xứ nào của Mỹ đứng ở vị thế có thể giành lấy lại lãnh thổ đã bị chiếm đóng bởi ISIS ở Iraq cũng như ở Syria. Những nhóm quân đồng minh trên của Mỹ có vẻ cũng hiểu rõ điều nầy nên họ ngần ngại không dốc lòng đánh chiếm các thành phố Sunni đang dưới quyền kiểm soát của ISIS. Họ biết ngay nếu họ đánh chiếm được các lãnh thổ nầy thì họ cũng sẽ không giữ chúng lâu dài được.

Nói tóm lại, chỉ có một quân đội Sunni mới có thể nổi lên đánh đuổi được ISIS ra khỏi lãnh thổ của Á Rập Sunni.

Và điều nầy chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ và đồng minh bảo đảm với các nhóm phiến quân Sunni sau khi ISIS bị tiêu diệt thì họ sẽ không trở lại nằm dưới quyền cai trị của các nhóm Shia độc tài đối nghịch.

Ở Iraq, người Sunni cần nghe lời giao kết rằng họ sẽ được thành lập một lãnh thổ và chính phủ địa phương Sunni độc lập, cũng tương tự như chính phủ địa phương của người Kurd. Và sự độc lập nầy phải được bảo vệ bởi sự bảo đảm của Mỹ cũng như bởi quân đội Sunni của riêng họ. Nếu chính quyền Iraq không đồng tình thì Mỹ vẫn phải trực tiếp viện trợ võ khí và huấn luyện quân sự cho chính phủ Sunni nầy để họ có thể tự bảo vệ họ.

Tương tự ở Syria, người Sunni cần lời giao kết quả quyết của Mỹ là họ sẽ không bị đàn áp bởi chính quyền Assad lẫn các nhóm phiến quân Shia. Trên thực tế, điều nầy có nghĩa là họ cũng phải có một lãnh thổ và chính quyền riêng của họ. Và điều nầy cũng có nghĩa là Mỹ sẽ phải thay thế Assad bằng một nhân vật chính trị khác và người nầy phải có chính sách bình đẳng giữa hai nhóm Sunni và Shia.

Cho đến khi các điều trên xảy ra, Mỹ và đồng minh có giỏi lắm cũng chỉ có thể gây những vết ngoại thương trên thân thể con thú ISIS thay vì đánh được những đòn chí tử vào nội tạng của nó. Và tình thế nầy càng kéo dài thì ISIS sẽ trở thành nguy hiểm hơn. Chúng cần phải bảo tồn hình ảnh chiến thắng của chúng để có thể tiếp tục giữ tiếng tăm cho chúng và chiêu mộ thêm nhân lực. Nếu không đánh chiếm thêm lãnh thổ được thì chúng cần phải ngả qua tấn công khủng bố để đối phương thấy chúng vẫn còn trong thế chủ động. Đó có lẽ là lý do tại sao Paris, cũng như Beirut hay chuyến bay dân sự của Nga vừa rồi trở thành mục tiêu của chúng.

3. ISIS- mối tương quan với hồi giáo

Việc ngăn trừ và tiêu diệt phong trào cuồng tín Hồi Giáo ISIS ngày càng là một vấn đề khẩn cấp hơn cho nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngay bây giờ nếu thế giới Tây Phương có đủ lực lượng quân sự và thế lực chính trị để làm chuyện đó thì vẫn chưa đủ. Có một vấn đề nữa cần phải giải quyết cho tận gốc. Nếu không thì trong tương lai vẫn sẽ có những bọn cuồng tín tương tự xuất hiện nữa.

Nhiều người đặt câu hỏi, “ISIS có là những tín đồ Hồi Giáo thật sự không?” Hay nói cách khác, “ISIS có diễn giải Kinh Koran chính xác không?”

Các nhận xét sau đây có thể trả lời câu hỏi trên.

Tài liệu cho thấy phần đông các lãnh đạo ISIS đều là những người thông suốt Hồi Giáo và thật lòng sùng tín. Thí dụ như thủ lãnh hiện thời của ISIS, Abu Bakr al-Baghdadi, là một học giả lão luyện về Hồi Giáo. Còn trong hàng ngũ những kẻ tham gia ISIS thì có nhiều hạng khác hẳn nhau; một số vì lý tưởng tôn giáo, một số vì những động lực khác và kiến thức về Hồi Giáo của họ cũng khác biệt nhau từ rất cao đến rất thấp.

Chính các lãnh đạo của ISIS cho rằng họ là Hồi Giáo “thật sự”, hay “ròng” hay “không pha loãng”. Các lãnh đạo ISIS đều am tường Kinh Koran và áp dụng chính xác những tín điều thích hợp với họ trong quyển sách đó. Nhóm cuồng tín nầy không hề bịa đặt những tín điều mà họ dùng làm nền tảng cho các hành vi dã man của họ.

ISIS công khai hãnh diện về các chính sách và hành vi trên. Chỉ cần đọc tạp chí trên mạng gọi là “Dabiq” của ISIS chúng ta có thể thấy những lý luận tiêu biểu của tông phái Wahabbism, một chi nhánh cực đoan của Hồi Giáo Sunni. Chúng ta có thể thấy từ giáo chủ đầu tiên của tông phái nầy, ibn Taimaya (1263-1328), cho đến tất cả mọi giáo chủ khác sau nầy đều truyền giảng lời phán dạy của Allah một cách rất đồng nhất. Một trong những thông điệp được lập đi lập lại rõ rệt là: Những kẻ ngoại đạo và những kẻ phản đạo (Hồi) đều đáng bị giết chết.

Một câu hỏi nữa thường nghe là “Thái độ của cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới với ISIS là gì?”

Vô số tín đồ trong khối Hồi Giáo thật ra đều ghê sợ và oán ghét ISIS. Chính họ là nạn nhân lớn nhất và bị xem là một trong các kẻ thù hàng đầu của ISIS. Ngay cả một số quốc gia và giáo hội Hồi Giáo ở Trung Đông cũng lên án ISIS vì chúng cũng tuyên chiến với họ. Đối với chúng, họ không phải là Hồi Giáo “thật sự” và do đó cần phải tiêu diệt. Tất cả những gì không đúng theo cách nhìn của chúng đều nằm trong dạng nầy.

Có phân tích cho rằng không ít thành viên ISIS là những kẻ đã có sẵn bản chất hung hãn, ưa thích bạo lực và hứng thú trong việc gây chết chóc đau thương cho kẻ khác. Chúng do đó chú trọng vào những giáo luật khắc nghiệt và man rợ trong Hồi Giáo đồng thời chủ trương một lối nhìn quá khích đối với những kẻ khác biệt chúng. Các tín điều dã man của Hồi Giáo chỉ là những cái cớ để xách động và thực thi những tội ác khủng khiếp của chúng. Nếu không có các tín điều đó thì chúng cũng sẽ tìm ra những cái cớ khác, trong những hoàn cảnh khác. Vì thế, đổ lỗi cho Hồi Giáo là căn nguyên của ISIS là không đúng.

Tuy nhiên, cho rằng ISIS “không liên quan gì” đến Hồi Giáo cũng không đúng. Rất không đúng. Đây thường chỉ là một ngụy biện của một số người bên ngoài ISIS. Chính ISIS khẳng định rằng họ là Hồi Giáo. Hồi Giáo và ISIS có liên quan mật thiết với nhau. Một bằng chứng nữa là tuy không phải bất cứ tín đồ Hồi Giáo nào cũng là thành viên ISIS nhưng tất cả thành viên ISIS đều là tín đồ Hồi Giáo.

Những điều trên cho thấy Hồi Giáo đóng một vai trò không nhỏ trong việc thành lập, tồn tại và hoạt động của ISIS như chúng ta thấy hôm nay.

Cho rằng ISIS không liên quan gì đến Hồi Giáo là quá ngây thơ, và cẩu thả. Trong khi đó, cho rằng ISIS biểu tượng hoàn toàn của Hồi Giáo cũng là quá giản dị, và thiếu sót. Nếu muốn phân tích rõ hơn về mối tương quan giữa ISIS và Hồi Giáo thì chúng ta cần thấy rằng một đặc chất chính của tôn giáo và tín điều là mơ hồ và chủ quan. Tín đồ tin những gì họ muốn tin và hành động theo những gì họ cho là đúng. Việc nầy liên quan đến các vấn đề sau đây.

Thứ nhất là vấn đề tín đồ chỉ chọn lọc những gì họ muốn chấp nhận trong tôn giáo họ. Những gì không thích hợp với tư duy hay hoàn cảnh cần thiết của họ sẽ bị vô tình hay cố ý cất dấu qua một bên. Thành viên ISIS chỉ chú trọng vào những giáo điều sắt máu khắc nghiệt dã man của Hồi Giáo. Các tín đồ ôn hòa chỉ chú trọng vào những lời truyền giảng về yêu thương và hòa đồng.

Thứ hai là vấn đề diễn giải kinh sách một cách chủ quan. Tương tự như trên, cùng một giáo điều có thể được diễn giải hoàn toàn khác nhau bởi hai nhóm tín đồ khác nhau tùy theo nhu cầu của họ. Thành viên ISIS sử dụng nghĩa đen của từng câu chữ trong các giáo điều thích hợp cho họ trong Kinh Koran. Đa số tín đồ và học giả Hồi Giáo khác cho rằng những cách diễn giải của ISIS là “hạn hẹp và thiếu sự linh động cần thiết để hiểu đúng tinh thần của lời Allah dạy.” Các cộng đồng Hồi Giáo ôn hòa diễn giải Kinh Koran dựa trên tiêu chuẩn đạo đức thích hợp với quan điểm thế giới ngày nay.

Vấn đề thứ ba, theo tôi quan trọng hơn hết, là không mấy ai muốn giải quyết công khai và thành thật các vấn đề nêu trên. Và những cố gắng để giải quyết các vấn đề trên cho đến nay đều không có hiệu quả mấy.

Thí dụ như khi ISIS áp dụng nguyên tắc “Sabi” (đây là một từ Á Rập nói về quyền cầm giữ phụ nữ làm nô lệ) lên những phụ nữ dân tộc Yazidi trong khi chúng chiếm đóng vùng tây bắc của Iraq vào tháng Tám năm 2014. Chúng lý luận rằng đây là một việc làm đúng theo lời Allah dạy vì dân tộc Yazidi là những kẻ “ngoại đạo”.

Khi tường thuật về những gì xảy ra cho phụ nữ Yazidi, báo chí Á Rập tránh né không đề cập trung thực và trực diện về nguyên tắc Sabi. Họ chỉ đưa ra những câu hỏi về vấn đề “Việc xem người Yazidi là những kẻ ngoại đạo là một thái độ đúng đắn hay không?” Họ không nói gì về vấn đề “Nguyên tắc Sabi có phải là một giáo điều đạo đức hay không?”

Một số học giả Hồi Giáo trên thế giới phản đối những gì ISIS làm. Họ cho rằng tục lệ cầm giữ phụ nữ làm nô lệ đã có sẵn trước khi Hồi Giáo thành hình, đồng thời họ nhìn nhận rằng Hồi Giáo đã thu nhận và thực hành tục lệ nầy trong thời kỳ ban đầu khi các vương bang Hồi Giáo (caliphate) còn tồn tại. Tuy vậy, thay vì bàn luận về việc “Tục lệ nầy còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức ngày nay hay không?” thì họ lại chú trọng vào việc “ISIS tuyên bố tái lập lại một vương bang Hồi Quốc trên lãnh thổ chúng chiếm đóng, tuy vậy đây có phải là lý do để hồi sinh và áp dụng lại tục lệ nầy hay không?”

Các học giả Hồi Giáo khác lại chú trọng vào việc chứng tỏ ISIS không có đủ quyền hạn và tư cách để thành lập một vương bang Hồi Quốc. Họ cũng không quan tâm đến việc cần phải dẹp bỏ nguyên tắc Sabi, tức là dẹp bỏ hẳn ý niệm về quyền cầm giữ phụ nữ làm nô lệ, và khẳng định rằng nguyện tác nầy không được chấp nhận bởi cái Hồi Giáo của họ và của thế giới ngày nay.

Các phương thức phê bình và chỉ trích trên không có tác dụng gì đến tư tưởng và hành vi của các thành viên ISIS. Các phương thức nầy chỉ chạy chung quanh vấn đề chính và do đó không giải quyết được gì cả.

Thật ra thì không có một giải pháp nào nhanh chóng và dễ dàng cả. Muốn triệt hạ lý luận của ISIS, và từ đó hủy diệt lý do hiện hữu của chúng, chúng ta cần phải nhắm vào gốc ngọn của vấn đề. Đó là những tư tưởng tôn giáo ISIS dùng làm nền tảng cho cuộc thánh chiến của chúng.

Giải pháp nầy đòi hỏi sự can đảm không nhỏ từ tất cả mọi người, đặc biệt là từ lãnh đạo của các cộng đồng Hồi Giáo. Giải pháp nầy đòi hỏi chúng ta cùng chung nhau CÔNG KHAI và CHÍNH THỨC phân tích và diễn giải lại một cách THÀNH THẬT một số giáo điều trong Kinh Koran. Điều nầy có nghĩa là CẢI TỔ LẠI toàn bộ Hồi Giáo. Điều nầy có nghĩa là nhìn nhận cũng như xác định rõ ràng rằng các tín điều cổ hủ, dã man thí dụ như giáo luật Sharia không còn thích hợp với tiêu chuẩn đạo đức nhân loại: Tuy các giáo luật nầy đã được sử dụng trong lịch sử nhưng chúng không thể nào tiếp tục hiện hữu trong xã hội ngày nay.

Chính các lãnh tụ Hồi Giáo tự xưng là “ôn hòa” cần phải chủ động tích cực nhất trong công tác nầy. Đó là vì họ được xem là những người dẫn đường, những người đại diện mang lời dạy của Allah đến tín đồ. Chỉ có họ mới có hy vọng thay đổi cách nhìn hiện tại của thành viên ISIS và các tín đồ thân ISIS. Khi có nhiều những lãnh tụ Hồi Giáo “ôn hòa” nầy lên tiếng công khai và quyết liệt thì những lời truyền dạy đầy hung bạo hận thù của các lãnh đạo Hồi Giáo cực đoan mới có hy vọng bị áp đảo và dẹp tắt.

Càng nhiều tín đồ thay đổi cái nhìn của họ thì càng ít người tiếp tục tham gia ISIS. Từ đó may ra ISIS mới dần dần sụp đổ. Và từ đó, các nhóm phiến quân Hồi Giáo cuồng tín khác hiện tại cũng như trong tương lai sẽ may ra không còn chỗ đứng vững mạnh nữa.

Hiện nay, các lãnh tụ Hồi Giáo “ôn hòa” vì lý do nầy hay lý do khác đang quá thận trọng khi phê bình đến những gì liên quan đến tôn giáo họ. Hoặc họ cảm thấy không thể, hay không dám, đụng chạm đến những gì họ cho là “thiêng liêng” của Thượng Đế họ? Hoặc họ không muốn làm thương tổn Hồi Giáo để bảo vệ vị thế và quyền lợi hiện tại của họ? Hoặc họ tuy tán đồng với những gì ISIS đang làm nhưng vì thời điểm chưa đến nên không thể làm gì khác hơn là cố tránh né không phê phán gì mạnh mẽ?

Trong một hoàn cảnh lý tưởng nhất, muốn cho giải pháp vừa nêu trên hiệu quả thì tất cả các tổ chức tôn giáo trong và ngoài Hồi Giáo, các chính quyền nhiều quốc gia, các hệ thống truyền thông và giáo dục quốc tế cả Tây Phương lẫn khối Trung Đông đều phải tham gia một cách đồng nhất và đồng loạt.

Theo sau đó là việc trực diện thách thức và bài bác tất cả những tuyên ngôn tôn giáo mang tính chất thù hận và hung hãn. Ở đây kể cả các chương trình phát thanh lẫn truyền hình xách động chia rẽ giữa tôn giáo với nhau lẫn giữa tôn giáo và phi tôn giáo. Những cơ sở truyền thông nầy hiện nay đang hoạt động hợp pháp không những trong khối Á Rập Trung Đông mà còn trong thế giới Tây Phương, kể cả ở Anh và Mỹ.

Như vừa nói, đó là trong một hoàn cảnh lý tưởng nhất. Biện pháp vừa nêu trên không dễ dàng thực hiện chút nào cả. Thật ra nó còn khó có thể bắt đầu xảy ra. Đó là vì nhiều thế lực chính trị hiện tại, trong và ngoài khối Á Rập Trung Đông, đang dựa vào những tranh chấp liên quan đến tôn giáo, trong đó có ISIS, để vụ lợi. Và thay đổi tư tưởng tín ngưỡng là một việc luôn luôn phức tạp, tốn nhiều công sức và thời gian. Nếu mọi người đều đồng tâm và mọi việc tiến hành ổn thỏa thì ít nhất cũng mất một hay hai thế hệ chúng ta mới thấy có sự thay đổi tư tưởng tín ngưỡng đáng kể.

Tuy vậy không phải vì thế mà chúng ta không cố gắng bắt đầu.

Đối với một người phi tôn giáo như tôi, tín điều chỉ là những ảo tưởng chủ quan. Tuy nhiên, nếu cần phải, và sẽ phải, sống với tín ngưỡng và tôn giáo thì tôi lựa chọn ủng hộ những ảo tưởng chủ quan nào tương đồng với đạo đức nhân bản con người. Có không ít những lời dạy trong Hồi Giáo thuộc dạng nầy. Và cũng có không ít những quan điểm dựa trên tiêu chuẩn đạo đức thiết thực thuần túy nằm kế bên các tín điều huyễn hoặc.

Thí dụ như trong Kinh Koran có câu dạy “Không có sự ép buộc trong tôn giáo”, hay câu “Tôn giáo là những gì ngươi đối đãi với kẻ khác” của chính Mohammed. Thí dụ như “Có hai nhóm người: một nhóm là những anh em cùng tôn giáo với ngươi, ngoài ra nhóm kia là những người đồng chủng loại với ngươi” của người anh em họ của Mohammed là Ali Ibn Abi Talib.

Chúng ta cần phải ủng hộ, cổ động, và thúc đẩy sự phổ biến các lời dạy nầy. Quan trọng hơn nữa là phổ biến các thông điệp nầy qua sự chú trọng trên phương diện nhân bản (thay vì phương diện tôn giáo hay chủng tộc) của chúng. Chúng ta cần sử dụng chúng như một dạng vũ khí, bên cạnh những vũ khí quân sự, để đối đầu với bọn phiến quân cuồng tín cực đoan.

Đây sẽ là một con đường dài nhiều chông gai nhưng cần thiết. Nếu không thì, như đã nói, ngay cả nếu/khi ISIS bị tiêu diệt thì sớm muộn gì cũng có những nhóm khác tương tự xuất hiện thay thế chúng.

Nguồn bài đăng

 

0