31/05/2017, 12:39

Về đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích bản dịch Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm)

Đã gửi đi, nỗi nhớ lại dội về, dày vò hơn, đau đáu hơn. Non Yên thì xa, trời thì thăm thẳm vô tình, nỗi bít lực của chinh phụ càng lúc càng bộ lộ rõ. Phải nói rằng với cách miêu tả cuộc tìm kiếm lối thoát trong vô vọng của người chinh phụ, tác giả khúc ngâm đã cho ta thấy được sự mãnh liệt của đời ...

Đã gửi đi, nỗi nhớ lại dội về, dày vò hơn, đau đáu hơn. Non Yên thì xa, trời thì thăm thẳm vô tình, nỗi bít lực của chinh phụ càng lúc càng bộ lộ rõ. Phải nói rằng với cách miêu tả cuộc tìm kiếm lối thoát trong vô vọng của người chinh phụ, tác giả khúc ngâm đã cho ta thấy được sự mãnh liệt của đời sống nọi tâm con người vào thời ý thức cá nhân đã phần nào được đánh thức.

Chồng đi chinh chiến nơi xa, choán đầy tâm sự của người chinh phụ là nỗi nhớ. Nỗi nhớ của nàng đã được tác giả và dịch giả thể hiện thật sống động qua đoạn trích Tinh cảnh lẻ loi của người chinh phụ .

Trong đoạn trích, trước hết nỗi nhớ được miêu tả thông qua những cử chỉ, hành động “thẫn thờ” và “gắng gượng”, “gượng ôm đàn gảy”... Đây là những cử chỉ, hành động dường như vô mục đích, vô hồn. Chúng diễn ra thuận theo sự chi phối của những xáo trộn trong tâm hồn hơn là có định hướng rõ rệt. Người chinh phụ làm mà không mấy để ý đến việc mình làm, hoặc chỉ làm thuận theo quán tính. Nói chung toàn bộ sự miêu tả những động tác của chinh phụ không có mục tiêu nào khác ngoài việc tỏ rõ cảm giác ngao ngán đang tràn ngập cõi lòng nàng. Chinh phụ biết có cuốn rèm lên thì cũng chẳng nghe tiếng chim thước mách tin, có đốt hương thì cũng chỉ để mùi hương đưa mình dấn sâu hơn vào mộng mị, có coi gương thì cũng biết trước sẽ không thấy gì khác ngoài dòng lệ chảy dàn, có đánh đàn thì cũng chỉ để tiếng đàn khía sâu hơn vào nỗi đau chia cách... Thật là một tình cảm bi thảm mà tự nàng không thể vượt thoát ra được.

Có phương cách nào khác giúp lòng vợi bớt cô đơn? Chinh phụ đã tìm một đối tượng có thể chuyện trò và san sẻ niềm tâm sự. Ngọn đèn chăng? Chinh phụ tự hỏi và tự trả lời: “Đèn có biết dường bằng chẳng biết”. Tại sao lại có biết? Đó là vì ngọn đèn đã thức với nàng trong những đêm thâu vời vợi. Nó đã chứng kiến cảnh nàng vật vã, trằn trọc, bồn chồn. Nhưng không biết là bởi ngọn đèn chẳng qua chỉ là một vật vô tri, đâu có thể thốt ra những lời an ủi, vỗ về mà nàng đang mong đợi. Nghĩ như thế, nàng thấy chua xót cho cả mình lẫn cho ngọn đèn đang kết hoa trên đầu ngọn bấc: “Hoa đèn kia với bóng người khá thương!”. Thương cho đèn mà thực chất là thương cho mình. Mình có khác gì ngọn đèn kia, cũng ôm một bầutâm sự không có cách nào giải tỏa. Ngọn đèn và người chinh phụ - đó là hai đối tượng khác biệt vừa đồng nhất. Với hình ảnh ngọn đèn, nỗi cô đơn của chinh phụ đã được tác giả biểu đạt theo kiểu nhân đôi. Ngoài ngọn đèn, chinh phụ đã toan cậy đến cây đàn để trút xả nỗi sầu chất chứa. Nhưng oái oăm thay, cây đàn như cũng ngại ngùng, không thể nảy lên những âm thanh nàng muốn nghe - tức là những âm thanh có thể hóa giải niềm sầu muộn (thực ra thì giai điệu tiếng đàn ra sao thảy đều do nàng cả thôi). Lại thêm một đối tượng nữa được đồng nhất với chinh phụ để làm tăng cảm giác lẻ loi của nàng. Có bạn nhưng đó toàn là những người bạn im lặng - im lặng trong sự bất lực - điều đó chẳng phải đáng sợ hơn, gây nhiều ám ảnh hơn tình trạng chỉ có mỗi một mình hay sao?

Đã ngậm ngùi vì nỗi “Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi” nhưng chinh phụ vẫn không ngừng day trở. Mối sầu vốn đã “dằng dặc tựa miền biển xa”, thêm “khắc giờ đằng đẵng như niên”, càng có cơ nhân lên trùng trùng khiến nàng hoảng sợ. Nàng lại phải thử tìm một lối thoát khác, dù đã dự cảm trước sự bế tắc của nó. Gửi lòng đến non Yên theo ngọn gió đông có được không? Thực tế đã chứng tỏ đó là điều không thể:

Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dù chẳng tới miền

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Bên cạnh các “thao tác lựa chọn” đã kể, tác giả hay nói cho đúng là dịch giả, còn huy động một vốn từ phong phú (chủ yếu là từ láy) để miêu tả trực tiếp nỗi lòng chinh phụ. Đó là các từ: bi thiết, buồn rầu, đau đáu, thiết tha... Sự xuất hiện của chúng đã làm cho tâm trạng nhân vật có được sắc thái cụ thể, cá biệt, không còn mang tính chất khá khái quát và phần nào trừu tượng như trong những trường hợp tương tự, người ta đùng các từ như sầu, bi, hận, oán để thể hiện nội tâm (chủ yếu là vói thơ chữ Hán). Rõ ràng tiếng Việt đã cho dịch giả có thêm điều kiện để thoát ra dần những trói buộc có tính chất quy phạm khi muốn phô diễn tâm tình của con người đã bắt đầu biết quý trọng cái thế giới riêng tư của cá nhân. Ta đọc thấy trong đoạn thơ một dải phổ phong phú những sắc thái tâm trạng của chinh phụ: có thờ ơ, vô cảm, có khắc khoải, bồn chồn, có quằn quại, đau đớn... Trong thơ trữ tình Việt Nam, trước Chinh phụ ngâm (bản diễn âm của Đoàn Thị Điểm), điều này chưa phải, chưa thể là một hiện tượng phổ biến.

Tả cảnh ngụ tình không phải là một thủ pháp nghệ thuật mới mẻ trong thơ trung đại. Tuy nhiên, trong đoạn thơ cũng như trong toàn bộ khúc ngâm, thủ pháp này đã được sử dụng hết sức có hiệu quả. Ngoại cảnh được miêu tả trong thơ, nói đến cùng bao giờ cũng chỉ là tâm cảnh. Nhưng xét vào các trường hợp cụ thể, ta thấy chúngcó những sắc thái khác nhau. Có khi ngoại cảnh tồn tại như một yếu tố phác họa không gian sống ở chinh phụ, có tính khách quan nhất định, đảm nhiệm chức năng khơi gợi nỗi niềm:

Gà eo óc gáy sương năm trống

Hoè phất phơ rủ bóng bốn bên.

Còn chủ yếu, nó tồn tại như một tấm gương để người chinh phụ qua đó nhìn thấu tận đáy những gì đang diễn ra trong lòng mình:

Cảnh buồn người thiết tha lòng

Cành cây sương dượm tiếng trùng mưa phùn.

Sương như búa, bổ mòn gốc liễu,

Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô.

Giọt sương phủ bụi chim gù

Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.

Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc

Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiền.

Những “sương”, “mưa”, “tuyết”, “gió” trong đoạn thơ có thể được hiểu là các hình ảnh thể hiện sự cộng hưởng giữa nội tâm và ngoại cảnh. Tự thân cảnh và lòng người vốn đã buồn, giờ soi vào nhau, cái buồn nhân lên gấp bội cho mỗi phía, khiến từng “đối tượng” bỗng biến hoá dị thường. Sương, tuyết, gió trở nên khốc liệt hơn, có thể bổ mòn góc liễu, xẻ héo cành ngôn, thốc tơi tả hàng tiêu trồng trước sân nhà, giục tiếng trùng dậy lên não nề đến mức không chịu nổi. Và lòng người cũng vậy, vốn đã thiết tha giờ càng quặn lại, đớn đau, chới với, hụt hẫng, không còn chỗ nương náu bình an dưới bóng nguyệt lạnh lẽo.

Đặc biệt hơn nữa, cảnh vật đã được miêu tả nhằm bộc lộ những ẩn ức của người chinh phụ - tức là những nhu cầu thầm kín mà đôi khi chính chinh phụ cũng không tự ý thức được một cách rõ rệt (như với các cung bậc đau buồn, sầu nhớ khác):

Lá màn lay ngọn gió xuyên

Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông

Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng

Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đâu!

“Nhớ” vốn là một phạm trù phổ quát trong đời sống tình cảm của con người. Nó có những biểu hiện rất chung trong mọi trường hợp, nhưng lại cũng có những sắc thái riêng biệt ở các cảnh huống khác nhau. Trong một số đoạn của Chinh phụ ngâm mà cụ thể là đoạn thơ này, lòng người chinh phụ rõ ràng đang bị thúc đẩy chịu cảnh li biệt. Lá màn lay cùng hoa nguyệt vốn là những hình ảnh có tính đặc thù thường được dùng để diễn tả những khát khao gần gũi, quấn quýt trong tình chồng vợ. Đọc đoạn thơ, ta khó mà không nhớ tới hai câu của Lí Bạch ở bài Xuân tứ:

Xuân phong bất tương thức

Hà sự nhập la vi?

(Gió xuân chẳng biết nhau cùng

Cớ chi lùa mãi vào trong màn là?)

Lại cũng khó mà không liên tưởng tới hai câu khác trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều:

Cái đêm hôm ấy đêm gì

Bóng trăng lồng bóng đồ mi chập chùng.

Đó đều là những câu thơ cùng gợi lên một cảnh huống, một tâm trạng và cần được hiểu như một quy ước nghệ thuật chứ không phải như sự miêu tả chân xác đặc điểm của ngoại cảnh. Lay, xuyên, theo, lên, giãi, in, lồng, thắm... tất thảy các từ này đã diễn tả rất hay nỗi cồn cào, rạo rực trong lòng người chinh phụ. Nàng đang nhớ và đang thực sự run rẩy bồi hồi bởi chính nỗi nhớ của mình - một nỗi nhớ làm lay thức toàn bộ con người, từ phần lí trí đến cái phần bản năng thường bị giấu che, khỏa lấp. Nhưng nhớ chỉ để mà đau, bởi tất thảy những cảnh ngỡ bày ra rành rành trước mắt kia thực tế chỉ là ảo giác, ảo ảnh, được đưa tới trong cơn kịch phát của kỉ niệm quá đỗi riêng tu. Nhịp điệu dồn dập của đoạn thơ (được tạo nên từ nhiều yếu tố, trong đó có sự chiếm ưu thế của những điệu mang âm vực cao và sự xen ngang của thanh ngã (ở từ “giãi”) vốn có âm điệu gấp khúc, không bằng phảng) đã gây được ấn tượng rất đậm về sự khắc khoải, quằn quại trong lòng (bao hàm cả phần vô thức) của nhân vật. Phải nói rằng tác giả và dịch giả trong khi miêu tả nội tâm con nguòi đã thực sự nhập thân vào nhân vật, dám nói tuột ra cả những điều mà văn học trung đại vốn ngại nói. ở đây ta lại thấy một sự cộng hưởng nữa giữa ý thức cá nhân của nhân vật với ý thức cá nhân của chính tác giả và dịch giả. Cái nào là cái có tính thứ nhất? - đây quả là điều khó nói, nếu ta không xác lập được một điểm nhìn cụ thể. Còn đối với quảng đại độc giả, điều có ý nghĩa nhất là đoạn thơ, cũng như cả khúc ngâm đã nói lên được như một nhu cầu rất mới của con người vào thời điểm ấy. Đó là nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu khẳng định quyền sống của mình giữa lúc quyền sống đó bị dày xéo, bị đe dọa tước đoạt một cách phũ phàng, gay gắt.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0