Về địa danh Cochinchina
Bản đồ Việt Nam – với Trường Sa – vào năm 1754 (Jacob van der Schley – “Histoire Générale des Voyages”) Nguyễn Đình Đầu Địa danh đa âm Cochinchina nguyên từ 4 tiếng độc âm Giao Chỉ Chi Na mà thành. Về ngữ đọc có vẻ đơn giản, nhưng trong sự cấu tạo và lịch sử địa danh ...
Nguyễn Đình Đầu
Địa danh đa âm Cochinchina nguyên từ 4 tiếng độc âm Giao Chỉ Chi Na mà thành. Về ngữ đọc có vẻ đơn giản, nhưng trong sự cấu tạo và lịch sử địa danh này chỉ định thật vô cùng phức tạp. Tuy là một địa danh hình thành từ ngoại quốc, song đã có phần gây tác hại ngộ nhận đến diễn biến phát triển của dân tộc ta từ 500 năm nay. Chúng ta thử phân tích.
Đại Việt sử ký tiền biên chép rằng: “Sử thời Thần Nông viết phía nam vỗ về đất Giao Chỉ, thì vốn đã tự thành một nước” (1). Như vậy tên nước Giao Chỉ có trước tên nước Văn Lang do Hùng Vương đặt ra. Nước Văn Lang chia ra 15 bộ. Bộ thứ nhất là Giao Chỉ (nay là đất thành phố Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên). Năm 258 trước CN, Thục Phán lấy Văn Lang rồi đổi quốc hiệu là Âu Lạc, chia nước ta ra 17 bộ lạc, không có tên Giao Chỉ. Năm 207 trước CN, nhà Tần đổi nước Âu Lạc thành Tượng Quân. Năm 206 trước CN, Triệu Đà chiếm Tượng Quận đặt ra nước Nam Việt gồm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Năm 111 trước CN, nhà Tây Hán sai Lộ Bác Đức đánh lấy nước Nam Việt, rồi cải là Giao Chỉ Bộ chia ra 9 quận, trong đó có quận Giao Chỉ (từ Bắc Việt tới Ninh Bình). Năm 40 (sau CN), “Trưng Trắc, người con gái quận Giao Chỉ, dấy binh đánh đuổi thái thú Tô Định, tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Mùa xuân năm 42, quân Mã Viện đến Lãng Bạc đánh phá quân Trưng Trắc. Mùa xuân năm 43, Trưng Trắc và em là Trưng Nhị chống cự quân Hán ở Cẩm Khê, bị thua mà mất” (2). Mã Viện đem đất Giao Chỉ thuộc về nhà Hán như cũ, nay gọi là Đông Hán, đem phủ trị từ Mê Linh về Long Biên (Hà Nội nay). Năm 203, “Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao Chỉ làm Giao Châu” (3). Năm 220, nhà Đông Hán mất ngôi. Đất Giao Châu lúc bấy giờ thuộc về Đông Ngô. Năm 226. Ngô Tôn Quyền “lấy từ Hợp Phố về Bắc gọi là Quảng Châu, từ Giao Chỉ về nam gọi là Giao Châu” (4). Sau đó Giao Châu dưới thời nhà Tấn (265 – 420) và Nam Bắc Triều (420 – 588) vẫn giữ tên và chia ra 6 quận. Đứng đầu là quận Giao Chỉ cai quản 14 huyện với 12.000 hộ dân.
Năm 544, Lý Bôn đánh thắng quân nhà Lương, xưng là Nam Việt đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, nhưng chưa thấy phân bổ lại cương vực. Nhà Lý làm vua nước Vạn Xuân được 3 đời. Năm 602, vua Văn Đế nhà Tùy mới thống nhất được Trung Hoa, sai Lưu Phong đem 27 dinh quân sang đánh chiếm Vạn Xuân. Nhà Tùy chia Giao Châu ra làm 5 quận. Thứ nhất là quận Giao Chỉ cai quản 9 huyện (trong đó có huyện Giao Chỉ). Năm 679, đổi Giao Châu làm An Nam đô hộ phủ. Nước ta gọi là An Nam từ đấy. An Nam đô hộ phủ chia ra làm 12 châu. Thứ nhất là Giao Châu ở đất Hà Nội, Nam Định cai trị 8 huyện, trong có huyện Giao Chỉ (4).
Năm 907, lợi dụng bên Trung Quốc đang tranh giành quyền lực, Khúc Thừa Dụ tự tôn làm Tiết độ sứ cai trị Tĩnh hải quân (tên mới của An Nam đô hộ phủ). Năm 923, nhà Nam Hán chiếm lại Tĩnh hải quân. Năm 931, Dương Diên Nghẹ tự xung Tiết độ sứ. 6 năm sau, Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiết giết và cướp quyền. Khi ấy có Ngô Quyền là con rể của Dương Diễn NGhệ đem quân từ Ái Châu ra đánh Tiễn. Tiễn cầu cứu nhà Nam Hán. Thái tử Hoằng Thao đem quân sang đánh, bị đại bại trên sông Bạch Đằng (938). Năm 939, Ngô Quyền xưng là Tiền Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Được 6 năm thì mất. Em rể là Dương Tam Kha (945 – 950) lên tiếm ngôi, rồi cùng hai con của Ngô quyền cai trị nước, sử gọi là Hậu Ngô Vương (950 – 956). Từ khi Dương Tam Kha tiến vị, thổ hào các nơi xướng lên độc lập tự xưng sứ quân. Đó là thời Thập nhị sứ quân (945 – 967).
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên được 12 sứ quân, lên ngôi xưng là Đinh Tiên Hoàng, đóng đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương. Con là Đinh Tuệ tức Đinh Phế Đế (979 – 980) lên ngôi mới có 6 tuổi, Lê Hoàn tức vị Lê Đại Hành (980 – 1005) thay nhà Đinh cũng chỉ được nhà Tống phong là Giao Chỉ quận vương. Tiếp nối Lê Đại Hành là Lê Trung Tông (1005); Lê Long Đĩnh (1005 – 1009) vẫn là Giao Chỉ quận vương.
Năm 1010, Lý Thái Trổ tức Lý Công Uẩn tiếp ngôi nhà Lê, dời đô về Đại La, lấy tên mới là Thăng Long. Kế nghiệp nhà Lý là Lý Thái Tông (1028 – 1054), Lý Thánh Tông (1054 – 1072), Lý Nhân Tông (1072 – 1127), Lý Thần Tông (1128 – 1138), Lý Anh Tông (1138 – 1175) vẫn còn được phong là Giao Chỉ quận vương. Năm 1164, nhà Tống đổi Giao Chỉ quận làm An Nam quốc, nghĩa là nâng cấp xứ ta từ một quận huyện thành một quốc gia! Năm 973, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng là Giao Chỉ quận vương, đến năm 1164 thì phong cho Lý Anh Tông làm An Nam quốc vương; như vậy nhà Tống chỉ coi nước ta như một quận suốt 191 năm (973 – 1164).
Từ năm 1164 đến năm 1802, Trung Quốc phong cho các vua nước ta thời Lý – Trần – Lê – Nguyễn Tây Sơn làm An Nam quốc vương, kể là suốt 638 năm, ngoại trừ 7 năm (1400 – 1407) nhà Hồ đặt tên nước là Đại Ngu, rồi 20 năm (1407 – 1427) nhà Minh xâm chiếm nước ta và gọi là quận Giao Chỉ. Năm 1802, Gia Long thống nhất lãnh thổ từ Đàng Trong rộng lớn ra Đàng Ngoài, sai sứ sang Trung Quốc cầu phong và đổi quốc hiệu là Nam Việt. Trung Quốc muốn duy trì tên nước là An Nam. Gia Long không chịu, “nếu không đổi thì không thụ phong”. Sau cùng, đầu năm Giáp Tý (1804) sứ nhà Thanh sang Hà Nội phong cho Gia Long là Việt Nam quốc vương và tuyên xưng đổi quốc hiệu từ An Nam thành Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.
Tên đất nước ta xưa nhất viết bằng hai chữ Hán mà ta đọc là Giao Chỉ, người Hoa phổ thông dọc là Kiao Tche, người Quảng Đông đọc là KwaCi, người Nhật đọc là CoCi, người Mã Lai phát âm lại là Kuchi, Kuching hay Kochi. Người Hoa, người Việt, người Nhật cùng theo Hán văn, nên biết nguyên ngữ hai chữ Giao Chỉ nghĩa là gì và là tên gọi đất nước ta thời cổ đại, dẫu tuy cách phát âm khác nhau.
Có hai giả thuyết cắt nghĩa địa danh Giao Chỉ:
1/ Tên xứ sở của “những người có ngón chân cái giao chụm nhau”.
2/ Xứ sở có “nhiều loài giao long” tức rồng đất to lớn đã tuyệt chủng. – Cả hai giả thuyết. Tuy nhiên Giao Chỉ là tên đất nước ta có từ thời dân ta còn là bộ lạc nhỏ trước cả thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang.
Các dân tộc không dùng chữ Hán, mà ghi âm cách đọc hai tiếng Giao Chỉ theo ngôn ngữ riêng thì các âm KawCi, CoCi, Kuchi, Kuching, Cochin… chẳng có ý nghĩa bóng bẩy gì, song chỉ là biệt âm để gọi tên đất nước ta. Có lẽ người Bồ Đào Nha là người Âu châu đầu tiên sang Á đông để giao thương và truyền bà Kito giáo. Họ vẽ bản đồ và viết sách mô tả nền kinh tế nước ta.
Nhân dịp cũng nên biết qua về dịa danh China. Năm 255 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, thì nước này lấy tên họ Tần coi như tên nước. Chữ Hán viết và ta đọc Tần, người Hoa đọc là Ts’in (6); theo cách đọc của người Hoa, người La Mã viết ra chữ La tinh China, người nhiều nước Tây Âu viết thành China và riêng người Pháp thì đọc và viết ra Chine. Ngày nay, Trung Quốc lấy địa danh China để chính thức gọi tên nước mình tại Liên Hợp quốc và khi dịch các văn kiện ra tiếng Pháp thì cũng sử dụng địa danh Chine. Khi cần phiên dịch địa danh Cochinchina, các nước theo Hán tự cũ chuyển thành Giao Chỉ Chi Na không còn nhắc gì tới Chi Na bởi Tần mà ra. Khắp thế giới tràn đầy hàng hóa Trung Hoa đều có ghi chữ Made in China (sản xuất tại Trung Quốc).Từ năm 1512 đến 1515. Tpmé Pires viết sách Suma Oriental, trong có đoạn viết tóm tắt như sau: “Vương quốc Cauchy Chyna) nằm giữa nước Champa và Trung Hoa. Người Hoa gọi nước này là Cachò (Giao Chỉ) còn người Xiêm và Mã Lai gọi là Cochinchina (Giao Chỉ phía Trung Hoa) để phân biệt với xứ Cochy bên Malabar (Ấn Độ) (5). Tuy nheien sau vẫn còn một số tư dạng từ Giao Chỉ. Như atlas của Fernand Vaz Dourado vẽ đất nước ta thời 1568 – 1580 còn ghi vịnh biển emsseada de Cochi, Quochim, Cauchi. Trong sơ đồ thủ bút hồi 1511 – 1512, Francisco Rodrigues ghi trên thềm lục địa phía bắc biển Đông địa danh Cochin da China (Giao Chỉ gần Trung Hoa) và từ đây trở thành địa danh Cochinchina (để có thể hiểu nhầm Giao Chỉ thuộc Trung Hoa, quả là tai hại). Đương thời địa danh này dùng để chỉ toàn quốc Đại Việt.
Như vậy suốt thời trung cổ, từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVI, các bản đồ cổ ngoại quốc đều ghi tên nước ta là Giao Chỉ. Người Trung Hoa thì ghi bằng chữ Hán vuông, người Tây phương thì ghi theo cách phát âm tương tự bằng chữ Latinh như: Cauchy, Quochim, Cauchi, Cochi, Kuchi, Kochi, Kching, Cocin, Quamchum, Cauchin, Cochin… tới đầu thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha thấy bên Ấn Độ có một thành phố mang tên là Cochin giống với tên CoCin (Giao Chỉ),, nên phải gọi cho rõ là “Cochin gần Chi Na” tức Cochinchina. Cho đến cuối thế kỷ XVI, các dạng ghi âm khác nhau của từ Giao Chỉ hay “Giao Chỉ ở phía Chi Na” đều để chỉ toàn quốc Đại Việt. Riêng Trung Quốc sử dụng nguyên ngữ Giao Chỉ bằng chữ Hán, tất không có nhu cầu phải nói rõ Giao Chỉ ở đâu, nhưng sẽ lợi dụng sự yếu kém – nếu không nói là sai lầm – khi đổi âm Giao Chỉ thành Cauchy Chyna hay Cochinchine, cho ý đồ bành trướng, đặc biệt tại biển Đông của Việt Nam.
Chúng ta đều biết cuộc tranh chấp giữa hai họ Trịnh và Nguyễn trong triều Lê phục hưng. Trong khi vua Lê ngự làm vì và họ Trịnh nắm quyền, năm 1558 chúa Trịnh Kiểm cho em vợ là Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa; năm 1570 lại cho kiêm lãnh xứ Quảng Nam. Năm 1600, Nguyễn Hoàng mới vào trực tiếp cai quản Thuận Quảng với ý đồ phân lập với chúa Trịnh. Khi ấy toàn quốc Đại Việt chia ra 13 xứ hay thừa tuyên (sau là trấn rồi tỉnh). Từ sông Gianh trở ra gọi là Đàng Ngoài gồm 11 xứ: Nghệ An, Thanh Hoa, Sơn Nam, Hải Dương, An Bang, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Kinh Bắc, Thái Nguyên. Từ sông Gianh trở vào gọi là Đàng Trong chỉ gồm 12 xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
Trong thư tịch Việt Nam, chúng tôi chưa tìm ra hai địa danh Đàng Ngoài và Đàng Trong xuất hiện khi nào. Nhưng may nhờ có tấm bản đồ in cạnh đây trích ra từ sách của Manguin với chú giải “Bản đồ của tác giả vô danh do Bartolomeu Lasso công bố và khắc họa bởi Petrus Plancius năm 1592 – 94” (7), mà chúng ta có được nhiều thông tin chính xác. Như vậy, trước năm 1592 Đại Việt đã chia ra Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các bản đồ Tây phương gọi Đàng Ngoài là Tunquin (Đông Kinh, tên của Thủ đô Thăng Long từ 1430) và gọi Đàng Trong là Cochinchina (Giao Chỉ Chi Na, một địa danh trước đây gọi chung cả nước Đại Việt). Lúc ấy, biên giới phía nam Đàng Trong mới tới đèo Cù Mông. Năm 1611, Nguyễn Hoàng lập phủ Phú Yên. Năm 1653, chúa Nguyễn Phước Tần đặt dinh Thái Khang (Khánh Hòa). Năm 1693, chúa Nguyễn Phước Chu đổi nước Chiêm Thành (Bình Thuận). Năm 1698, chúa sai thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lý, lập ra phủ Gia Định trên đất Đồng Nai và Sài Gòn. Chẳng bao lâu sau, Gia Định gồm cả địa bàn đồng bằng sông Mê Kông rất phì nhiêu. Chỉ trong thế kỷ XVIII, Đàng Ngoài vẫn giữ nguyên diện tích với 11 trấn, còn diện tích Đàng Trong tăng lên gấp ba bốn lần với 12 dinh trấn.
Cuối thế kỉ XVIII, chính quyền Đàng Trong tan vỡ. Năm 1773, từ Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ nổi lên đánh chiếm thành Quy Nhơn, rồi chiếm lãnh các dinh lân cận. Năm 1774, chúa Trịnh Sâm được tin Đàng Trong có loạn, cho quân vào đánh chiếm Thuận Hóa. Sau đó quân chúa Trịnh và Tây Sơn cùng thỏa hiệp chiếm lĩnh Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phước Thuần cùng hàong tôn Nguyễn Ánh rồi đông cùng Nguyễn Phước Dương chạy vào nam. Năm 1777, chúa Thuần và chúa Dương (Tân Chính Vương) bị quân Tây Sơn vào nam giết bỏ, chỉ mình Nguyễn Ánh chạy thoát.
Năm 1786, Nguyễn Huệ đánh chiếm Thuận Hóa, rồi đem quân ra bắc với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Sau đó, anh em Tây Sơn chia nhau: Nguyễn Nhạc làm Trung ương hoàng đế đóng đô ở Quy Nhơn, Nguyễn Lữ làm Đông Định vương ở đất Gia Định, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình vương ở đất Thuận Hóa. Năm 1789, được tin vua Lê Chiêu Thống gọi quân cứu viện nhà Thanh vào can thiệp, Nguyễn Huệ liền tức vị Quang Trung hoàng đế rồi cấp tốc kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh và phế bỏ nhà Lê. Thế là tình trạng đất nước phân chia ra Đàng Trong và Đàng Ngoài, tình cảnh vua Lê chúa Trịnh, cuộc cạnh tranh Trịnh Nguyễn, đều chấm dứt.
Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước thực sự, tức vị Gia Long và chính thức đổi quốc hiệu là Việt Nam không còn Đàng Trong hay Đàng Ngoài.
Năm 1884, đế quốc Pháp xâm chiếm xong nước ta, rồi chia việc hành chính lãnh thổ làm 3 kỳ: Bắc kỳ Pháp gọi là Tonkin, Trung kỳ Pháp gọi là Annam và Nam kỳ Pháp gọi là Cochinchina.
Nghiên cứu cho rành mạch địa danh Giao Chỉ và địa danh Cochinchina thật là khó khăn. Sự kiện gắn từ Giao Chỉ với từ Chi na với nhau gây ra biết bao ngộ nhận và tai hại mà nay vẫn chưa lường hết.
Chú thích:
1/ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại Việt sử ký, tiền biên, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr 39.
2/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, tiền biên, quyển nhất. Phiên dịch và chú thích: Trương Bửu Lâm, Bửu Cầm, Tạ Quang Phát, Nxb QGGD, Sài Gòn, 1960, tr 177, 195.
3/ Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ 6, Nxb Tân Việt, Sài Gòn, 4950, tr 51.
4/ Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Khoa học, Hà Nội, 1964, tr 56.
5/ P.Y. Manguin, Les Portugais sur les cotes du Vietnam et du Campa. PEFEO, Paris, 1972, tr 42.
6/ F.S Couvreur, Dictionnaire calsique de la langue chinoise Taipei, 1967, tr 1075.
7/ Manguin, sđd, Hình 17 trong phần in bản đồ giữa các tr 306, 307.
Nguồn bài đăng