Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy viết bài văn nói về Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang của Huy Cận để làm rõ ý trên. Đề bài: Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang Bài làm Nhà thơ Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào ...
(Văn mẫu lớp 11) – Em hãy viết bài văn nói về Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang của Huy Cận để làm rõ ý trên.
Đề bài: Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng giang
Bài làm
Nhà thơ Huy Cận là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ mới nước ta. Các tác phẩm của Huy Cận mang một màu sắc rất riêng trong cả nội dung và hình thức thể hiện. Ta có thể tìm hiểu điều đó qua bài thơ Tràng giang, đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Huy Cận. Bài thơ nổi bật với sự kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong cả nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ trước hết là ở thể thơ thất ngôn với cách ngắt nhịp và luật bằng trắc rất giống thơ đường. Khi đọc bài thơ, người đọc cảm nhận được giai điệu buồn man mác, nhịp nhàng nhưng đầy vang vọng. Tác giả đồng thời sử dụng bút pháp cổ điển tả cảnh ngụ tình khi tả về nỗi buồn hoàng hôn, đây là một bút pháp nghệ thuật lâu đời trong thơ đường chỉ nhắc đến cảnh nhưng qua đó lại bộc lộ tâm trạng thi nhân. Ngoài ra thủ pháp đối lập cũng được thể hiện khi nhà thơ miêu tả cái hữu hạn với cái vô hạn.
Hình ảnh thơ cũng mang sắc thái cổ điển đó là hình ảnh cánh chim chiều vốn đã vô cùng quen thuộc trong thơ xưa: “Sườn núi chim gù ẩn lá xanh (Lê Thánh Tông”, “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi” (Bà Huyện Thanh Quan), “Chim mỏi về rừng tìm chống ngủ” (Hồ Chí Minh), “Chim hôm thoi thót về rừng” (Nguyễn Du). Ngôn ngữ thơ cũng mượn trong thơ cổ, từ “đìu hiu” tác giả mượng từ Chinh phụ ngâm “Non Kì quạnh quẽ trăng treo – Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”. Từ “đùn” ta đã từng thấy trong thơ của Đỗ Phủ: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa” (Thu hứng). Từ “vời” tác giả mượn của Nuyễn Du trong truyện Kiều “Trông vời con nước mênh mông”. Mặt khác những từ Hán Việt cũng tạo nên sắc thái cổ kính cho bài thơ: tràng giang, cô liêu, trung trùng điệp điệp.
Đan xen với những nét cổ điển là vẻ đẹp hiện đại của bài thơ được thể hiện ở thể thơ, hình ảnh. Tuy mang dáng dấp của thơ đường nhưng số lượng câu thơ trong Tràng giang lại vượt khuôn khổ bài “bát cú”. Một số câu thơ có sự cách tân về luật bằng trắc. Những hình ảnh thơ cũng không ước lệ mà là những hình ảnh của hiện tại: cành củi, bờ xanh, bãi vàng, bến vắng không đò, không cầu, mây bạc (hình ảnh ngày hôm nay). Cảnh vật không tĩnh lặng mà sống động có hồn: dòng nước biết buồn, cái bến lại tự cảm thấy cô đơn, cánh chim như biết chạy trốn bóng chiều. đây là sản phẩm của sự quan sát và rung động rất tinh tế của các nhà thơ mới. Nỗi buồn của thi nhân cũng mang tầm vóc lớn lao: buồn vì không tìm được lí tưởng sống, buồn vì cảnh đất nước nô lệ, nhân dân lầm than mà những người trí thức như Huy Cận không biết làm gì để cứu non sông. Cuối cùng là sự sáng tạo những từ ngữ: sâu chót vót, lòng quê, niềm thân mật, dợn dợn. Sự kết hợp này không những cho thấy những nét hiện đại của một bài thơ có phong cách cổ điển mà qua đó còn cho người đọc thấy được một phong cách thơ rất riêng của Huy Cận.
Bài thơ Tràng giang không những vẽ ra một khung cảnh trời đất, sông nước mênh mang bất tận mà còn từ đó bộc lộ nỗi niềm của thi nhân trước thời cuộc. Quả thật tâm trạng sâu nặng ấy dù không nói ra những cũng khiến người đọc cảm nhận được cái day dứt, ân tình và những nỗi niềm trăn trở của một người dân trước bờ cõi nước nhà đang trong cảnh thương đau.