25/05/2018, 09:59

Về chất lượng ở ĐH Quốc gia Tp. HCM

Đã có hiện tượng “bùng nổ sĩ số” giáo dục đại học (GDĐH), chuyển từ “GDĐH tinh hoa” sang “GDĐH đại trà” trên thế giới trong hơn 30 – 40 năm qua. Hiện tượng này ở Việt Nam có lẽ đã được bắt đầu từ năm học ...

Đã có hiện tượng “bùng nổ sĩ số” giáo dục đại học (GDĐH), chuyển từ “GDĐH tinh hoa” sang “GDĐH đại trà” trên thế giới trong hơn 30 – 40 năm qua. Hiện tượng này ở Việt Nam có lẽ đã được bắt đầu từ năm học 1991 – 1992. Khi có bùng nổ sĩ số, tất cả các trường ĐH đều phải đương đầu với 2 vấn đề gay cấn nhất, gói gọn trong 2 từ là “Tài chính – Chất lượng”. Như vậy là hôm nay chúng ta đang bàn bạc đến “xấp xỉ” 50% vấn đề gay cấn nhất của ĐHQG Tp.HCM, một việc vừa hết sức quan trọng vừa hết sức khó khăn, nhưng rõ ràng không thể tránh né được.

Tuy nhiên, chất lượng là gì? Hãy nghe A. I. Vroeijenstejn (Hà Lan, 2002) viết: “Hình như hiện nay người ta đang nói nhiều về một thứ bệnh mới: bệnh chất lượng. Dường như con virus Q (Quality) đã tác động và làm lây nhiễm toàn bộ thế giới chúng ta… phải chăng đây là một “tôn giáo” mới”? Nhưng “chất lượng là cái quỉ gì thế nhỉ? Bạn biết nó là gì mà bạn cũng không biết nó là gì. Đó là điều tự thân mâu thuẫn”… “Nhưng với mục đích thực tế, chất lượng quả thật tồn tại”.

Còn Havey (Úc, 1995) theo góc nhìn: Người được đào tạo như là một “sản phẩm” của trường ĐH đã hệ thống thành 5 quan điểm về chất lượng, trong đó có nhiều quan điểm mà chúng ta còn chưa quen như” “Giá trị để làm ra lợi ích”, “Khả năng thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác”. Quan điểm tương đối phổ biến nhất hiện nay là “phù hợp với mục đích” (Fitness for purpose – nghĩa là “đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”). Trong thực tế, người ta thường phải phối hợp tất cả các quan điểm nói trên tùy theo từng loại trường ĐH.

Chúng ta đang nói về chất lượng ở ĐHQG Tp. HCM chứ không phải nói chất lượng ở một trường ĐH bất kỳ nào khác. Từ cái tầm vóc “quốc gia” của ĐHQG, thiết nghĩ, cần phải lưu tâm thêm 3 vấn đề sau đây:

  1. Với ĐHQG chúng ta không chỉ nói về chất lượng đào tạo mà còn phải có cái nhìn từ chất lượng của cả hệ thống GDĐH. Chất lượng ở đây được hiểu là hiệu quả và năng suất của cả nền GDĐH. Nó liên quan đến sứ mệnh (cái lẽ tồn tại) của GDĐH.
  2. Quan niệm của GD ngày nay là: “Học để hiểu biết, học để làm, học để sống với nhau và học để làm người” (UNESCO, 1996) chứ không chỉ là học để làm, ngay cả ở GDĐH. Vì vậy, người ta nói “thậm xưng” là: Có 2 nền GDĐH, a) Nền GDĐH dạy nghề và b) Nền GDĐH nhằm phát huy trí tuệ và dạy làm người, làm công dân tốt. Vấn đề là trọng số của hai mảng GDĐH này trong chương trình đào tạo (CTĐT) của ĐHQG Tp. HCM (?).
  3. Khi nền GDĐH chuyển từ “tinh hoa” sang “đại trà” (tỷ lệ SV trong độ tuổi trên 15%), con đường tất yếu là phải tổ chức nền GDĐH theo kiểu “phân tầng”
    Ở Mỹ có đến 5 loại trường ĐH, mỗi loại ở 4 loại đầu còn chia thành nhóm I và nhóm II.
    . Vừa qua, trong phát biểu trước công chúng nhân dịp đầu năm học 2003 – 2004, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Minh Hiển cũng đã nêu lên “điểm mới” này trong GDĐH Việt Nam. ĐHQG Tp. HCM chắc là thuộc về tầng thứ nhất.

Vậy thì, để đảm bảo chất lượng với mục tiêu đào tạo cụ thể hơn như vậy, ĐHQG Tp. HCM sẽ lựa chọn những CTĐT nào trong bối cảnh nguồn lực thầy cô giáo hiện có, thiết kế CTĐT khác với CTĐT ở các trường ĐH khác như thế nào, thầy cô giáo ở ĐHQG phải như thế nào, rõ ràng là những vấn đề đáng suy nghĩ

Xem thêm: “7 đề nghị về Chương trình khung GDĐH” (Tia sáng, Số 2, 02/2003); Trong thực tiễn hiện nay trên thế giới, ở các tầng ĐH khác, có nhiều thầy cô giáo chỉ dạy thôi (teaching only).
.

Chiến lược của ĐHQG Tp. HCM đến năm 2010 có nêu “Chất lượng phải ngang tầm với các ĐH có uy tín trong khu vực và trên thế giới”. Thiết nghĩ, thiết kế chiến lược có thể tóm gọn trong 3 câu. Câu thứ nhất: “Chúng ta đang ở đâu?” , chúng ta ở đây là trạng thái của chúng ta hiện nay, thường được biểu thị qua một số tiêu chí. Câu thứ hai, “Chúng ta muốn cái gì trong tương lai?”, thường được biểu thị qua một số tiêu chí mục tiêu, và câu thứ ba, “Làm thế nào để đi đến đó?”, thường được biểu thị qua một chuỗi các hoạt động dự kiến có tính khả thi và có cơ chế đảm bảo. Vì vậy, để đảm bảo được mục tiêu chiến lược nêu trên, đề nghị:

  1. Chọn một số ĐH có uy tín trong khu vực như Chulalongkorn của Thái Lan, Nanyang của Singapore, AIM của Philippine v.v…, tìm hiểu các tiêu chí chất lượng (2003, 2010) và các giải pháp chiến lược của họ.
  2. t3Xây dựng một số tiêu chí chất lượng cho ĐHQG Tp. HCM. Từ đó, chọn ra khoảng 5 tiêu chí tương đối giống nhau giữa ĐHQG Tp. HCM và các ĐH trong khu vực để có thể so sánh trong tương lai (2010).
  3. Tham khảo các biện pháp chiến lược của họ và xây dựng các biện pháp chiến lược của chúng ta, mà thực chất là một chuỗi các hoạt động như đã nói ở trên. Đương nhiên, cái khó khăn nhất ở đây là do nguồn lực, kể cả ngân sách, có hạn nên phải chọn ưu tiên để có thể khả thi. Cơ chế đảm bảo được thể hiện qua kế hoạch: Những ai làm, khi nào làm, làm như thế nào, kinh phí dự kiến, kế hoạch kiểm tra/ đánh giá v.v… cho từng loại hoạt động.

Cách đây khoảng 3 tháng, một vị GS già đáng kính, một “sĩ phu Bắc Hà” hiện đại, nguyên là một bộ trưởng có uy tín trong Chính phủ, có nói với tôi: “Nói về phát triển khoa học – công nghệ, giảng dạy và nghiên cứu ở ĐH, chất lượng đào tạo v.v… thực ra chúng ta đang nói không khác mấy so với cách đây 20 năm, 30 năm, thậm chí trước đó nữa. Chỉ có khác là, trước đây nói vậy chứ không có tiền, nay không đến nỗi không có tiền. Vậy mà chúng ta vẫn chưa thấy lối ra”. Tôi rất tâm đắc với ý kiến này. Coi chừng 7 năm sau chúng ta lại nói giống như hôm nay. Nghĩa là bài toán chất lượng của chúng ta còn rất khó, nhất là khi chúng ta xem xét thêm vai trò quốc gia của ĐHQG Tp.HCM như đã nói ở trên. Vì vậy, đề nghị:

  • Cần có trao đổi thêm để có thể tương đối thống nhất với nhau về chất lượng ở ĐHQG Tp. HCM.
  • Chất lượng cần được thể hiện qua một số tiêu chí.
  • Cần tổ chức thăm và thu thập một số dữ liệu tương ứng về chất lượng ở một số ĐH có uy tín trong khu vực.
  • Cần tổ chức một dự án nhỏ để xây dựng các biện pháp chiến lược về chất lượng.
  • Chọn lọc lại các CTĐT ở ĐHQG Tp. HCM và xây dựng lại các CTĐT, trong đó cần tăng thêm nội dung thuộc hai loại “kỹ năng nhận thức” và “kỹ năng xã hội”.
0