Về chất lượng nền giáo dục đại học
giáo dục đại học (GDĐH) ngày nay không chỉ là nơi cung cấp những “văn bằng ĐH – tấm giấy thông hành ” - để tuổi trẻ có thể lọt qua được bộ máy sàng lọc của người thuê việc và nhận được một công việc hài lòng, là một loại hình ...
giáo dục đại học (GDĐH) ngày nay không chỉ là nơi cung cấp những “văn bằng ĐH – tấm giấy thông hành” - để tuổi trẻ có thể lọt qua được bộ máy sàng lọc của người thuê việc và nhận được một công việc hài lòng, là một loại hình đầu tư có hiệu quả cao cho tương lai, mà còn là để cải thiện năng lực và chất lượng cuộc sống cũng như để thỏa mãn nhu cầu học tập chính đáng của người học. Chính vì vậy GDĐH đã bị một áp lực rất lớn trong việc mở rộng nhanh quy mô, vượt qua mọi dự kiến, mọi kế hoạch, ngược lại với nhiều dự báo của các nhà chiến lược GD.
Từ những năm 70, các nhà có thẩm quyền về GDĐH ở nhiều nước công nghiệp phương Tây đã có dự báo, sẽ có sự dừng lại hoặc thậm chí giảm đi quy mô GDĐH từ đầu những năm 80 vì đã hơn 20 năm qua rồi thời kỳ bùng nổ dân số sau chiến tranh. Thế nhưng quy mô vẫn cứ tiếp tục tăng, thậm chí tăng còn nhanh hơn ở những năm 70 như ở Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy. Tỷ lệ sinh viên (SV) trong độ tuổi ở nhiều nước đã vượt con số 50%, nghĩa là đã chuyển từ “đại trà” (massification) sang “phổ cập” (universalization). Ngay ở các nước đang phát triển ở Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Philippine tỷ lệ này cũng đã vượt qua con số 15% hàng chục năm trước đây. Malaysia là nước có tỷ lệ SV trên dân số thấp tương đối so với các nước trong vùng, nay cũng dự kiến đưa tỷ lệ trên lên 30% vào năm 2010. Ở Việt Nam, quy mô GDĐH đã tăng lên rất nhanh trong 10 năm qua và tỷ lệ SV “sau trung học phổ thông” trong độ tuổi hiện nay ước tính đã có thể đạt đến con số gần 9%. Và tỷ lệ này, theo kế hoạch, vẫn còn tiếp tục tăng tương đối nhanh.
Khi GDĐH trở thành nền GDĐH cho số đông, cho mọi người, nền GDĐH phải được quan niệm và được tổ chức hoàn toàn khác so với trước đây, đa dạng cả về phương thức, loại hình, trình độ, nguồn lực, v.v... Ngày nay người ta xem “GDĐH là “GD bậc 3” (Tertiary Education), là tú tài cộng với 1 hoặc 2, hoặc n năm học tiếp theo, có ĐH truyền thống và không truyền thống (hay còn gọi là ĐH mới) như ĐH mở, ĐH từ xa..., có trường ĐH trong công ty và có công ty trong trường ĐH. Để hướng đến một “xã hội tri thức”, ngày nay còn có quan niệm: Mọi tổ chức, đặc biệt là các công ty, phải là một “tổchức học hành” (Learning organization). Đương nhiên, khi đó sẽ có nhiều câu hỏi lớn luôn được đặt ra với mọi nền GDĐH và trước hết là chất lượng đào tạo.
Trước hết là những quan niệm về chất lượng ở góc nhìn: Người được đào tạo như là một "sản phẩm" của trường ĐH. Theo góc nhìn này, học giả Harvey (1995) đã hệ thống thành 5 quan điểm, trong đó có 2 quan điểm đáng chú ý nhất trong bối cảnh trên là quan điểm "Phù hợp với mục đích" (Fitness for purpose) và quan điểm "Khả năng thay đổi" (Transformation).
Thế nào là "Phù hợp với mục đích"?. Thực ra, trong nền GDĐH cho mọi người, ngoài cách tổ chức truyền thống với bậc ĐH liên tục 4 - 5 năm hay cao đẳng 3 năm, v.v…, hệ thống GDĐH còn thường được tổ chức theo cách "phân lớp " và "phân khúc". Phân lớp là nói đến sự phân chia theo tính chất của chương trình đào tạo: chương trình hướng về nghiên cứu (research-oriented) hay chương trình hướng về đào tạo kỹ thuật, nghề nghiệp (technical/vocational) liên quan đến tính chất của công việc sau này. Phân khúc là nói về những chương trình đào tạo ngắn 1 năm, 1.5 năm, 2 năm,… nhưng lại có thể nối tiếp nhau để mở rộng khả năng lựa chọn, cơ hội "học tập suốt đời" cho người học, phù hợp với năng lực, hoàn cảnh và mong muốn của họ, với những mốc thời gian vào, ra hết sức linh hoạt trong hệ thống. Như vậy, chất lượng GDĐH là một "phổ" trình độ chất lượngmà "trình độ nào cũng có một chuẩn"(GS. Vũ Văn Tảo) phù hợp với mục đích, yêu cầu đặtra cho nó. Đấy là cách tổ chức GDĐH trong một "xã hội học hành"
Còn "Khả năng thay đổi"?. Đặc điểm của xã hội ngày nay là mọi thứ như đều đang biến đổi rất nhanh và mở rộng giao lưu. Vì vậy cái mẫu số chung trong chất lượng ĐH ngày nay không chỉ là số lượng tri thức, khả năng giải quyết vấn đề (problem solving) mà có khi còn quan trọng hơn là kỹ năng học tập suốt đời, khả năng giao tiếp, thích nghi (adaptability) và óc tư duy phê phán cũng như phân tích sáng tạo (creativity). Chính vì vậy mà bộ ba từ ngữ : giải quyết vấn đề,thích nghivàsáng tạo thường được sử dụng để đánh giá năng lực của con người ngày nay. Cũng chính vì vậy mà người ta thường nói thậm xưng "mục đích của việc học làhọc cách học". Quan điểm này thực ra không phải là cái gì quá mới mẻ nhưng điều quan trọng là, ở nước ta như chưa cố gắng tổ chức đào tạo theo hướng này và cũng chưa tạo được một môi trường thích hợp cho việc dạy “cách học” cũng như dạy và học về phê phán, về sáng tạo.
Tiếp theo, nếu nhìn rộng hơn về chất lượng của một nền GDĐH thì vấn đề còn có tính đa chiều hơn nhiều, phức tạp hơn nhiều, quan trọng hơn nhiều. Chất lượng ở đây được hiểu là hiệu quả và "năng suất" của cả nền GDĐH. Điều này liên quan đến sứ mệnh nói chung của nền GDĐH; a)GDĐH đã đóng góp vào tăng trưởng GDP như thế nào qua việc đào tạo nguồn nhân lực, qua hoạt động tư vấn cho các tổ chức Nhà nước , tư nhân và cộng đồng; b) GDĐH đã đóng góp vào việc "sản xuất tri thức" như thế nào qua hoạt động nghiên cứu, suy nghĩ phê phán (critical thinking) và tranh luận công chúng (public debate); c) GDĐH đã đem lại sự thỏa mãn, “mở rộng khả năng lựa chọn” và nâng cao "nhuệ khí" của cộng đồng như thế nào v.v… .Đấy là những khái niệm rất khó đo lường và định chuẩn.
Tuy nhiên, có thể nêu ra một vài ví dụ sau đây để xem xét và phân tích định tính chất lượng của nền GDĐH. a) ADB Outlook năm 1998 cho rằng, Thái Lan và một số nước khác thất bại trong cạnh tranh với các nước có chi phí lao động thấp là do thiếu lao động tốt nghiệp về khoa học và công nghệ, mặc dù Thái Lan có tỷ lệ SV trong độ tuổi không thấp. b) Philippine đã có đến 250 SV trên 1 vạn dân năm 1990 (trong khi đó Singapore chỉ có 210) nhưng yếu kém về GD chuyên nghiệp và dạy nghề nên góp phần làm cho nền kinh tế trì trệ. c) Ở Anh trong năm 1989, 42% thầy giáo ở trường ĐH và 70% thầy giáo ở trường kỹ thuật không có công bố một bài báo nào, bình quân khoảng 10% không có một công trình nào trong 2 năm trước đó v.v… và kết luận: chất lượng GDĐH ở Anh đang giảm xuống từ từ so với các nước khác, v.v…
Mặt khác, khi mở rộng quy mô GDĐH, thường phải phát triển các hình thức đào tạo không truyền thống, ví dụ như đào tạo ĐH từ xa (distance education), Nhiều người rất lo lắng mặt chất lượng của loại hình đào tạo này. Tuy nhiên, GS. Wang Yibing (UNESCO) cho rằng: "Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở đây là gì, nếu đo bằng “sự cải thiện năng lực, kỹ năng và chất lượng cuộc sốngcủa người học” thì có thể nói rằng, chất lượng ở đây cực kỳ cao". Đương nhiên phải có cấu trúc chương trình thích hợp.
GDĐH ở VN hiện nay rất mất cân đối về mặt cơ cấu: về trình độ, số SV cao đẳng chỉ chiếm dưới 20% tổng số SV; về ngành nghề, số SV các ngành nông-lâm-ngư chỉ có khoảng trên dưới 3,0%, trong khi SV kinh tế – luật lại chiếm đến khoảng 10 lần con số đó; về sự phân bổ trên lãnh thổ, có tỉnh chưa có đến 10 SV trên 1 vạn dân trong khi con số trung bình của cả nước là 110, v.v... Còn về "sản xuất tri thức" qua hoạt động nghiên cứu, “suy nghĩ phê phán và tranh luận công chúng”, nếu tỷ lệ SV trên thầy/cô giáo là 50, 70 và hơn nữa như ở nhiều trường ĐH hiện nay thì có thể dễ dàng phán đoán được khía cạnh này của chất lượng hệ thống mà chưa cần đến các con số thống kê.
Ngày 4/4/2001 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt nội dung cơ bản của "Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, cao đẳng giai đoạn 2000 -2010". Trong quy hoạch này đã có một số giải pháp hết sức quan trọng liên quan đến vấn đề chất lượng, ví dụ: Giảm tỷ lệ SV trên thầy giáo , nhiều nhất không quá 25, đưa tỷ lệ SV ở các trường ĐH ngoài công lập trong hệ thống lên đến 30%, thay đổi cơ cấu ngành nghề, v.v…. Đương nhiên còn cần nhiều giải pháp khác. Có điều đáng tiếc là, hình như chưa có mấy động tĩnh trong nhiều trường ĐH, cho dù chất lượng là bài toán dài hạn, đặc biệt là chất lượng của cả hệ thống