[Văn tự sự lớp 9] Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy
Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn! ...
Đề bài: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện ấy
Tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn!
“Chạy! Chạy đi! Bọn nó lại thả bom đấy!”
“Nhanh lên! Phương! Chạy đi!”
“Em… em mệt lắm…”
“Còn muốn gặp bố mẹ thì chạy đi!”
Chúng tôi chạy ngược hướng những quả bom rơi. Khói bụi, đất đá văng tứ tung. Đôi chân tôi như chẳng còn sức nữa, nhưng nghĩ tới gia đình, tôi phải tự mắng bản thân không được dừng lại dù chỉ một giây. Khi cách quả bom đầu tiên khá xa, chúng tôi mới dám nghỉ. Tôi như thấy mặt đất còn rung chuyển dưới chân, còn trước mắt mọi thứ cứ xoay vòng vòng mãi chẳng ngừng. Tôi thật sự rất mệt.
“Ngồi xuống nghỉ đi Phương!” – Chị Thủy dìu tôi.
“Trán nó nóng quá! Đang ốm mà phải chạy thục mạng, mặt nó đỏ lừ rồi.”
Chị Mai đưa cho tôi một bi-đông nước. Tôi giật vội, uống một ngụm to. Con tim trong lồng ngực vẫn đập thật nhanh, thật nhanh. Một cơn gió nồm thổi qua, đem theo luồng khí nóng đến ngột ngạt lùa qua cánh mũi. Tôi càng thấy khó chịu hơn.
“Em ngồi đây nghỉ đi. Chị cùng Mai đi đào vỏ bom. Cấp trên nói hôm nay sẽ có xe quân ta chạy qua đây.”
Chị Thủy cùng chị Mai mới nghỉ được một chút lại vội vàng chạy về phía xa – nơi mặt đất vẫn mịt mù khói bụi. Tiếng bom chẳng còn nữa!
Tôi tựa người vào bụi cây ven đường, khẽ nhắm mắt. Nhưng bỗng cảm nhận được tiếng xe đang từ xa chạy tới, tôi vội bừng tỉnh. Cố gắng chạy ra giữa đường, tôi vẫy tay báo hiệu cho đoàn xe dừng lại.
“Phía trước có bom, các anh dừng lại đã.” – Giọng tôi khàn khàn.
Những người lính lái xe nhảy xuống đất. Tôi để ý trên khuôn mặt họ dường như có chút thất vọng.
“Cậu ở lại đây nghỉ đi, tiện thể thay băng cho vết thương. Chúng tôi qua đó phụ.”
Nói rồi, cả đoàn người chạy về phía hai cô gái thanh niên xung phong đang mải miết đào bom. Còn người chiến sĩ trẻ với chân trái đang rỉ máu, anh ngồi xuống, lấy trong ba lô ra một quận gạc cũ.
Máu rỉ ra từ vết thương của anh. Tôi ngửi thấy mùi tanh của máu, lòng tự dưng nghĩ đến một cái gì đó rất mơ hồ.
“Có cần tôi giúp không?” – Tôi khẽ hỏi.
“Không cần đâu! Cũng đã quen rồi.” – Anh mỉm cười đáp lại lời tôi.
Tôi im lặng, không nói gì nữa. Mà có lẽ tôi sợ nếu nói gì đó lại làm phiền anh, ảnh hưởng tới việc băng bó vết thương. Nhưng chẳng được lâu, thậm chí là chưa đến vài phút, người chiến sĩ trẻ nhìn sang phía tôi, hỏi:
“Cô còn rất trẻ thì phải?”
“Tôi mới học xong Cao đẳng.” – Cố xua đi cơn mệt mỏi, tôi trả lời.
“Cô tốt nghiệp Cao đẳng, tại sao không đi làm giáo viên hay bác sĩ mà lại chọn làm thanh niên xung phong?”
Tôi nhìn ra được nét mặt thoáng ngạc nhiên của anh. Có lẽ anh đang nghĩ, rằng con người ai lại dại dột đi làm những chuyện mạo hiểm như thế. Một cuộc sống nhàn hạ nơi phố huyện, ai không mong?
“Có lẽ vì tôi thích mạo hiểm.” – Tôi cười.
“Cô thật biết đùa!”
Anh cười. Trên khuôn mặt đen nhẻm và dính đầy bụi bẩn thoáng thấy hàm răng trắng. Tôi nhìn anh, chợt nhận ra nụ cười của anh tựa như một tia nắng sáng sưởi ấm lòng người.
“Tôi chọn làm thanh niên xung phong cũng có thể nói vì chút gì đó muốn thử mạo hiểm. Tôi đâu có đùa anh. Nhưng tất nhiên đó không phải lí do chính. Bố tôi bị liệt hai chân, do đó không thể tham gia kháng chiến được. Trong lòng bố lúc nào cũng như day dứt về một điều gì đó, chắc là hận bản thân sinh ra trong thời chiến mà chẳng thể giúp được gì cho đất nước. Tôi chọn làm thanh niên xung phong, cũng vì để bố vơi bớt phần nào sự day dứt đó.”
Giọng tôi trầm hơn, nơi khóe mắt tự dưng thấy cay cay. Tôi lại nhớ về người bố vẫn luôn dạy tôi phải gắng sức bảo vệ Tổ quốc, mặc kệ chút ích kỉ, trách móc của mẹ tôi. Trước mắt tôi như hiện ra cảnh mẹ khóc lóc trước khi tôi lên đường.
“Còn anh? Tại sao lại chọn con đường đầy gập ghềnh và hiểm nguy như thế?”
“Quê ngoại tôi ở Quảng Trị, còn quê nội thì ở miền Nam. Cách đây ba năm, cả gia đình nội ngoại của tôi đều vì chạy trốn tiếng súng tàn bạo của Mỹ mà người thì chết đói, người thì lưu lạc nơi xứ người, chẳng rõ còn sống hay đã chết. Tôi vô cùng căm hận những kẻ chỉ vì thứ lợi ích phù phiếm đó mà gây nên những cái chết như vậy. Vì miền Nam, vì đất nước sớm giành độc lập, tôi nhất định phải chiến đấu!”
Giọng anh mới đầu trầm ấm, sau đó lại đanh thép tạo cho tôi một thứ cảm giác kì lạ. Tôi chỉ biết rằng dù hoàn cảnh có khác nhau, chúng tôi cũng ở đây vì muốn nhìn thấy Việt Nam độc lập.
Nắng lên. Tôi như nếm được vị ngọt trong của những tia nắng ấm áp ấy, như ngửi thấy mùi thơm của cỏ cây xung quanh mình. Những điều ấy khiến tôi khỏe ra, tràn đầy sức sống. Tôi đứng dậy, nhìn những chiếc xe trở lương thực và vũ khí chỉ cách mình vài mét. Nắng chiếu xuống cửa kính xe, càng rõ ràng vết rạn nứt. Có những chiếc xe chẳng còn nhìn thấy dù chỉ một mảnh kính che gió che mưa.
“Xe không có kính, chạy được sao?” – Tôi chợt hỏi.
“Sao lại không chạy được! Khi nãy cô cũng nhìn thấy chúng tôi lái xe đấy là gì!” – Anh cười sảng khoái.
Tự dưng tôi thấy ngượng quá! Sao tôi lại có thể hỏi thế được nhỉ? Mà anh ta cũng thật là, biết rõ ý tôi không phải như vậy mà vẫn cố chọc ghẹo.
“Không có kính thì có ảnh hưởng gì đến động cơ của xe đâu. Tôi thì tôi thấy mấy tấm kính đó mất đi lại hay. Lúc xe chạy nhanh cảm giác như con đường ấy rất gần, rất gần, như cảm giác được chiến thắng đã cận kề vậy. Có kính, tôi cứ thấy như bị cầm tù. Bom đạn làm nó vỡ, chẳng sao, tôi càng thấy mình gần gũi thiên nhiên ấy chứ. Có lúc người đầy bụi bẩn, gặp trận mưa xối xả thì như được tắm rửa.” – Nụ cười trên môi anh ngày càng tươi.
Nghe anh nói cười hài hước, tôi cũng vui lây, hùa theo:
“Khi gió lùa qua, mắt có cay một tí nhưng quần áo chẳng mấy chốc mà khô, đỡ tốn thời gian thay áo nhỉ?”
Tôi và anh nhìn nhau, cười phì.
Có tiếng đằng xa vọng lại:
“Xong rồi! Xong rồi!”
Họ chạy lại phía chúng tôi. Khuôn mặt ai nấy đều đỏ hồng như lòng đỏ trứng. Nụ cười rạng rỡ trên những đôi môi.
“Ăn trưa đã chứ các đồng chí?” – Chị Thủy hỏi.
“Tất nhiên rồi! Mấy khi được ăn chung cùng các cô nữ thanh niên xinh đẹp chứ!”
Chúng tôi trải một chiếc bạt nhỏ ven đường cùng ăn trưa. Một bữa ăn vội vàng nhưng vô cùng vui vẻ. Đã rất lâu rồi tôi mới thấy mình vui đến thế.
“Những chiếc mặt lấm” lên xe, vẫy chào chúng tôi rồi một mạch chạy thẳng. Tôi như cảm giác được có một con đường thật thẳng trong đôi mắt họ, trong trái tim họ, khiến họ quên đi tất cả mà tiến về phía trước.
Xe chạy qua, tôi mới để ý có những chiếc thùng bị xước, méo mó, thậm chí còn chẳng có mui. Thầm nghĩ: những chiếc xe ấy vẫn chạy chính vì tình yêu quê hương, đất nước trong lòng mỗi người chiến sĩ.
Tôi nghe thấy tiếng hát hào hùng của chị Mai: “Xe ta bon trên những dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo đồi nương, mà xe ta bon ra chiến trường…”
Trên bầu trời xanh thẳm, có vài cánh chim bay.
Ngày 11 tháng 7 năm 1969 – lòng thật vui tuy cuộc gặp gỡ ngắn ngủi vô cùng