24/05/2018, 17:02

Văn hoá dân tộc & các loại hình văn hóa

Khái niệm: Có nhiều khái niệm về văn hóa, sau đây xin trích dẫn các khái niệm của một số tác giả sau: Theo Amadou M.Bow (nguyên TGĐ Unesco): Văn hóa là yếu tố cơ bản cho sức sống dân tộc, nó tổng hợp những hoạt ...

Khái niệm:

Có nhiều khái niệm về văn hóa, sau đây xin trích dẫn các khái niệm của một số tác giả sau:

Theo Amadou M.Bow (nguyên TGĐ Unesco): Văn hóa là yếu tố cơ bản cho sức sống dân tộc, nó tổng hợp những hoạt động sáng tạo của một dân tộc, những phương thức sản xuất và sở hữu, những của cải vật chất, những hình thái tổ chức, những tín ngưỡng và những đau thương, những sự nghiệp đang làm và những giải trí, những mơ ước và khát vọng”

Theo Federico Mayor (nguyên TGĐ Unesco): Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho một dân tộc này khác với một dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. (Khái niệm này được cộng đồng quốc tế chấp nhận và phê chuẩn năm 1982)

Theo PGS.TS Trần Ngọc Thêm: Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần của con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội.

Theo TS Lê Văn Chưởng: Văn hóa là tổng thể về những thành tựu, những giá trị vật chất và tinh thần do con người kiến tạo trong quá trình quan hệ với tự nhiên, xã hội và đời sống tinh thần có tính đặc thù của mỗi dân tộc.

Tuy các khái niệm trên có những điểm khác nhau nhưng đều có những điểm giống nhau cơ bản sau:

Thứ nhất, văn hoá là những biểu hiện cơ bản của con người trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển, đồng thời là những hoạt động nhận thức thực tiễn nhằm tạo ra những biến đổi của xã hội, của môi trường xung quanh và bản thân con người .

Thứ hai, văn hóa tác động theo ba quá trình: quá trình cải tạo vật chất, quá trình cải tạo cơ cấu xã hội, quá trình cải tạo tâm lý xã hội (quan hệ giữa con người với con người).

Thứ ba, văn hóa là sản phẩm có tính cộng đồng, từ đó triển khai thành một sản phẩm có tính cá nhân với tư cách là một thành viên của cộng đồng.

Thứ tư, văn hoá có các đặc trưng riêng và những chức năng khác nhau:

+ Văn hoá có tính hệ thống, bao gồm các mối liên hệ mật thiết giữa các hiện tượng và sự kiện trong một nền văn hoá. Đặc trưng hệ thống này tạo cho văn hoá chức năng tổ chức xã hội, làm nền tảng ổn định cho xã hội.

+ Văn hoá có tính giá trị, bao gồm giá trị vật chất và tinh thần, giá trị sử dụng, giá trị đạo đức, giá trị thẫm mỹ, giá trị đồng đại, giá trị lịch đại. Đặc trưng giá trị tạo cho văn hoá có chức năng điều chỉnh xã hội, giúp xã hội duy trì trạng thái cân bằng động.

+ Văn hoá có tính nhân sinh, phân biệt hiện tượng văn hoá xã hội và văn hoá tự nhiên. Đặc tính nhân sinh tạo cho văn hoá chức năng giao tiếp.

+ Văn hoá có tính lịch sử, nó được hình thành và tích lũy qua nhiều thời đại và được duy trì bằng truyền thống văn hoá. Đặc tính này tạo cho văn hoá có chức năng giáo dục và chức năng phát sinh.

Các loại hình văn hoá:

Phân loại theo vùng văn hoá:

Theo cách phân loại này, các dân tộc trên cùng một lãnh thổ thì có những tương đồng về văn hoá.

Phân loại theo tiêu thức kinh tế:

Văn hóa du mục và văn hoá nông nghiệp. Trong chương này chỉ chú trọng đến cách phân loại này và nó tác động đến quản trị tổ chức như thế nào? Trước hết, những điểm khác nhau giữa chúng như sau:

Điều kiện hình thành:

Văn hóa du mục:

Văn hoá du mục gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nghề chăn nuôi của con người, môi trường sống thường tập trung ở các vùng thảo nguyên, vùng có khí hậu lạnh và khô như Tây Âu, Bắc Mỹ. Nguồn gốc cho sự phát triển kinh tế là dựa vào săn bắn và chăn nuôi là chủ yếu, do đó phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên từ đó tạo cho con người có thói quen di chuyển nhanh chóng, gọn nhẹ. Có thể xem kinh tế du mục luôn luôn ở trong trạng thái “động” – bất ổn.

Văn hoá nông nghiệp:

Văn hoá nông nghiệp gắn liền với sự tồn tại và phát triển của ngành trồng trọt của con người, môi trường sống thường tập trung ở các vùng đồng bằng, khu vực phương Đông, có điều kiện tự nhiên và khí hậu ổn định. Nguồn gốc kinh tế là dựa vào trồng trọt là chủ yếu, từ đó tạo cho con người có thói quen thích ổn định và sống định cư. Có thể xem kinh tế nông nghiệp thuộc trạng thái “tĩnh” – ổn định.

Đặc điểm nhận thức:

Văn hoá du mục:

Do văn hoá du mục gắn liền với cộng đồng săn bắn và chăn nuôi, quen với điều kiện tự nhiên khắc khổ, nên con người có tư tưởng xem thường tự nhiên, có tham vọng chế ngự tự nhiên, từ đó tạo cho họ có tư duy phân tích khách quan, mang tính thực nghiệm và lý tính cao. Khi phân tích vấn đề họ thường trừu tượng hoá chúng lên và sử dụng những phương pháp siêu hình, vân dụng phương pháp siêu hình để phát triển khoa học, sau đó dùng thực nghiệm để kiểm chứng.

Văn hoá nông nghiệp:

Do văn hoá nông nghiệp gắn liền với cộng đồng trồng trọt, mang tính ổn định, chỉ sử dụng những nguồn lực sẵn có của tự nhiên, từ đó tạo cho họ không thích mạo hiểm, ít tư duy sáng tạo, nhưng lại có tính tập thể cao (do sống định cư) và thường phản đối sự cạnh tranh giữa các thành viên vì mục đích riêng. Họ thường có thói quen vô kỷ luật, thích sống bình quân, theo triết lý âm dương, tư duy lưỡng hợp và tôn trọng kinh nghiệm.

Tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội:

Văn hoá du mục:

Ap dụng nguyên tắc trọng lý, trọng tài, đề cao vai trò sức mạnh và tự do cá nhân. Do đó cộng đồng và tổ chức xã hội được tổ chức chặt chẻ, mang tính kỷ cương, luật lệ nghiêm minh, tuy nhiên xử lý các công việc một cách máy móc, nguyên tắc. Nhà nước thường thực hiện các chức năng xem trọng quốc phòng và tạo hành lang pháp lý cho các thành viên trong xã hội cạnh tranh bình đẳng, Nhà nước chú trọng công tác xã hội nhưng không can thiệp sâu vào nền kinh tế và hạn chế lập các doanh nghiệp Nhà nước.

Văn hoá nông nghiệp:

Ap dụng nguyên tắc trọng tình, trọng đức, trọng hiếu hoà, quyền lợi cá nhân thường không xem trọng và đề cao lợi ích tập thể. Do đó cộng động và tổ chức xã hội được tổ chức linh hoạt để thích hợp với những hoàn cảnh cụ thể, nên thường thiếu tính chặt chẻ và tính kỷ luật không cao. Nhà nước chú trọng đến giáo dục, phúc lợi xã hội, chú tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng và lập các doanh nghiệp Nhà nước (chủ yếu), bảo hộ kinh tế.

Ứng xử với tự nhiên, cộng đồng - xã hội:

Văn hoá du mục:

Mang tính tham vọng chinh phục tự nhiên bằng chính khả năng và sức mạnh của mình, xem tự nhiên là đối tượng nghiên cứu để chinh phục và qua đó phát triển khoa học. Đối với cộng đồng - xã hội, do tính cá nhân được tôn trọng, nên nguyên tắc chiếm đoạt trong tiếp nhận và cứng rắn trong đối phó, sòng phẳng trong các mối quan hệ, thường thể hiện sự bất đồng quan điểm một cách trực tiếp và cương quyết bảo vệ quan điểm của mình nếu là đúng.

Văn hoá nông nghiệp:

Sống lệ thuộc vào tự nhiên, tôn trọng hoà hợp với tự nhiên, điềm tĩnh và chậm rãi trong thao tác làm việc, trong ứng xử với tự nhiên, do đó con người thường có tâm lý rụt rè, e ngại, ít tham vọng. Đối với cộng đồng - xã hội, dung hoà trong tiếp nhận, mềm dẻo trong ứng phó, tôn trọng kinh nghiệm, đề cao đạo hiếu, lễ nghĩa, ít khi bộc lộ sự bất đồng một cách cực đoan nóng nảy mà giải quyết nó một cách khéo léo.

0