25/05/2018, 16:10

Văn 6 - Bài 13: NHỮNG CÂU HÁT GIÃ BẠN

Bài 13 NHỮNG CÂU HÁT GIÃ BẠN Trong lối hát quan họ, khi bạn hát chia tay, vào cuối buổi hát, giọng giã bạn có những câu thấm thía: Người về em dặn người rằng, Đâu hơn người kết, đâu bằng đợi em. ...

 Bài 13

NHỮNG CÂU HÁT GIÃ BẠN

       Trong lối hát quan họ, khi bạn hát chia tay, vào cuối buổi hát, giọng giã bạn có những câu thấm thía:

                   Người về em dặn người rằng,

                   Đâu hơn người kết, đâu bằng đợi em.

       Lời hát tế nhị, từ tốn, thừa nhận một thực tế trong cuộc sống. Bao nhiêu cuộc tình bền chặt nhất rồi cũng phôi pha. Chữ kết ở đây nghĩa là quan họ, bạn bè nam nữ cùng hát với nhau. Hơn và bằng, là so sánh giọng hát, lối hát, khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ dân gian. Những lời lẽ còn mang nghĩa rộng hơn: gặp người nào đẹp hơn, giàu hơn thì anh chắp nối, em chấp nhận quy luật thường tình ấy của sự đời. Câu hát đó có phần thủ phận và cay chua. Nhưng biết đâu chỉ là bên ngoài: trong thâm tâm người phụ nữ đó tự tin ở mình lắm, biết rằng khó có người hơn được mình – ít nhất là trong tâm tình của người bạn trai – mới dám ném một lời thách thức như thế vào cuộc sống.

       Vào đến Nghệ Tĩnh, trong lối hát dặm, hát ví, hát phường vải, phần cuối gọi là hát tiễn còn lưu lại nhiều câu ý nhị và cảm động:

                   Ra về răng đứt răng đành

                   Ra về bỏ mối tơ mành ai quay?

       Những bậc tài danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ đều ưa đi hát ví. Người ta thường kể chuyện Phan Bội Châu, dân gian thường gọi là Đầu xứ San, thường đi hát ví ở với phường vải o Diên, ở thôn Hoàng Trù, huyện Nam Đàn, cho đến đêm mà cụ Phan phải giã từ bạn hát và o Diên – để xuất ngoại – Đông du. Khi cụ Phan tự dưng bỏ cuộc ra về, o Diên hát:

                   Tiệc đang vui vẻ, lạnh lùng

                   Cầm đàn há lẽ để trùng dây tơ

        Cụ Phan đáp lại:

                   Vì chưng dạm liễu xa xôi

                   Cung đàn tiệc rượu ngừng thôi, hẹn ngày.

       O Diên tiễn bạn ra về; lời hát tiếp nối cho đến khi giọng ví von của nhau chìm trong sương khuya:

-          Ra về thiếp nắm lấy tay

                   Kẻo mà gió thổi, sương bay, tuyết lầm

-          Ra về không nỡ rời tay

                   Nửa giờ ly biệt xem tày ba thu

-          Ra về rót chén đầy vơi

Tỉnh thời thương nhớ, say thời chiêm bao

-          Ra về dặn nước thề non

Dẫu mà sông cạn, đá mòn chớ phai.

-          Ra về lòng nhớ dạ thương

Cho mình quên cả gió sương lạnh lùng

       Và phường vải Hoàng Trù nhớ thương danh sĩ Phan Bội Châu đang bôn ba nơi hải ngoại, đã có câu hát thắm thía và sâu xa:

                   Nước xô hòn đá trôi nghiêng

                   Chàng vui chung thiên hạ, thiếp sầu riêng một mình

       Hòn đá trôi nghiêng là hình ảnh tân kỳ, tượng trưng cho cuộc đời, những mối tình vững chắc vẫn bị lịch sử xô đi.

       Hát giã gạo cũng có lời tình tứ:

                   Yêu nhau chưa ráo mồ hôi

                   Chưa tan cối gạo, đã rời nhau ra

       Hát phường vải:

                   Ra về giã bạn ai ơi

                   Giã chốn bạn ngủ, giã nơi bạn nằm.

       Tiễn đưa đau lòng vì xa cách lại còn lo lắng cho nhau “phần em đường xá, phần em giãi dầu”.

                   Chàng về thì thiếp xin đưa

                   Lạy trời cho nắng, đừng mưa trơn đường

       Cô gái tiễn đưa, không biết cô đưa đến đâu, đầu ngõ hay cuối thôn. Cô gái Bình Trị Thiên có lẽ đi xa hơn:

                   Lạy trời chớ nắng đừng mưa

                   Hiu hiu gió thổi thiếp đưa chàng về

       Có người còn chí tình hơn, không quản ngại thời tiết:

                   Ròng ròng ra đứng giữa mưa

                   Em liều ướt áo em đưa chàng về.

       Hai chữ “ròng ròng” đầy cảm xúc. Biết đâu cô gái chẳng đứng dưới mưa để giấu hai hàng nước mắt. Câu hát tức tưởi, thiết tha, cương quyết. Em liều. Không nhất thiết chỉ liều ướt áo. Câu thơ tinh tế, tình tứ.

       Vùng Bình Trị Thiên giới thợ gặt có lời giã bạn thắm thiết:

                   Mùa rồi toóc rã khô rơm

                   Bạn về quê bạn, biết nơi mô mà tìm.

       “Toóc” là phương ngữ, nghĩa là rạ. Người con gái nhớ thương người bạn thợ gặt, một lần qua làng gặt thuê rồi không trở lại. Mối tình cảm động vì chất phôi pha. Tầm mắt cô gái hướng về cánh đồng hoang vắng, cuối năm, sau mùa gặt, chỉ còn chân rạ rã mục. Rồi cô thu cái nhìn về phía vườn trống trải, nhìn cây rơm đã khô, nhớ thời gian đi qua, rồi mới nhìn vào nội tâm, ý thức nỗi nhớ nhung của mình là vô vọng: biết nơi mô mà tìm.

       Hai tính từ “rã” và “khô” đối lập tuyệt vời để diễn tả thời gian cụ thể và tâm lý cùng với nỗi thầm lặng của cô gái. Một chữ “rồi” ở đầu câu là một âm hao rạn vỡ, ngân dài qua ba âm thủy [r] (rồi, rã, rơm) và năm âm môi [m] liên tiếp (mùa, rơm, mô, mà, tìm) gợi nên được niềm u hoài da diết trong lòng người, lẫn cái quạnh vắng mông lung của trời đất ngày cuối đông lạnh lẽo và hắt hiu.

       Chữ “toóc” chỉ thông dụng ở vùng Bình Trị Thiên, và người dân đã phát âm “rã” thành “rạ”. Khi vượt đèo Hải Vân vào phía nam, câu hát trở thành:

                   Rồi mùa lúa rạ rơm khô

       Nghĩa là lúa chỉ còn chân rạ. Rạ là một danh từ, được hiểu ở đây như là một tính từ.

       Vùng Huế, trong lối hò mái nhì, mái nhẩy trên sông nước, có khi người hò chỉ nghe giọng của nhau trong đêm sương mà không chộ mặt tri âm:

                   Thuyền ai trôi trước,

                   Cho tôi lướt cùng

                   Chiều đã về trời đất mông lung

                   Phải duyên nhau thì xích lại

                   Cho đỡ não nùng tiếng sương

       Người hò kẻ hát trao nhau những tấm chân tình não nuột và đằm thắm, cho đến lúc xa nhau mà không mong ngày gặp gỡ:

                   Tình về Đại Lược

                   Duyên ngược Kim Long

                   Đến đây là chỗ rẽ của lòng

                   Gặp nhau còn biết trên sông bến nào?

                            (Lòng ở đây vừa là lòng sông, vừa là lòng người)

       Giọng hò cao vút, thê thiết, ngân vang trên sông nước, loang trong sương trăng. Được nghe trong khung cảnh thiên nhiên như vậy mới thấm thía “não nùng tiếng sương”.

       Nam Trung Bộ có lời giã biệt nặng tủi hờn, trách móc:

                   Anh chê thao, mặc áo lụa tơ tằm

                   Anh xa em, không lựa tháng không rằm mà xa.

       Thao là tơ thô, to sợi, thường dùng làm quai nón, thắt lưng không được mịn màng, óng ả như tơ, nhưng có phần bền bỉ. Người con gái trách kẻ bạc tình, đua đời đi theo nơi hào nhoáng lụa là, bỏ rơi cái thô sơ bền chặt. Làm gì có tháng nào không rằm. Em không muốn xa anh trách anh phụ bạc thế thôi. Tháng không rằm còn có nghĩa đêm không trăng, thà xa nhau trong bóng tối câm lặng, còn đỡ buồn hơn cảnh “thấy trăng mà thẹn những lời non sông”.

       Người con gái còn hát:

                   Trăng khuya thấy bóng anh đi

                   Thấy chân anh bước, ruột em thì quặn đau

       Không phải chỉ có tình nhân, hay bạn hát mới xa nhau. Chồng vợ có khi đành phải xa nhau – Dù chuyện này ít xảy ra trong xã hội nông thôi ngày xưa so với bây giờ.

                   Cây kim luồn qua sợi chỉ

                   Sự bất đắc dĩ phu mới lìa thê

                   Nên hay không nên anh ở, em về

                   Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương.

       Khi tình cảm phôi pha, những thề ước không còn ý nghĩa, chỉ là những vướng mắc vô ích, phiền phức. Bề nào, phần thiệt thòi, cả tinh thần lẫn vật chất vẫn về phía người đàn bà trong thân phận rẻ rúng thời phong kiến bất công:

                   Một mai thiếp có xa chàng

                   Đôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin.

       Đôi bông là quà cưới của nhà trai, em trả lại lúc xa nhau. Đôi vàng là tư trang em mang theo lúc về nhà chồng, là của riêng em xin giữ lại. Nhức nhối là chữ “xin”. Khi lấy chồng em cho hết: của cải, thân xác, tâm hồn, em trao trọn cho anh, không e dè, không điều kiện. Lúc xa nhau, dù độ lượng đến đâu, anh cũng không có gì để lại cho em.

       Xin lại đôi vàng, em chỉ mong thu lại chút gì vớt vát được, chút tư trang để phòng thân trong cuộc đời còn lại. Đôi bông… đôi vàng… thiếp trả… thiếp xin, nhịp điệu và cách luyến láy từ ngữ gợi lên hình ảnh đôi tay người vợ: tay trái trả lại đôi bông, tay phải giữ đôi vàng. Phút chia tay không có gì thơ mộng, nó được cân nhắc suy tính, sòng phẳng và tàn nhẫn.

       Những câu dứt khoát như thế hiếm thấy. Nó khác với những bịn rịn thường tình khi chia ly, nơi

0