25/05/2018, 16:10

Văn 6 - Bài 12: VÌ SAO NGƯỜI TA CHƠI ÂM NHẠC?

Bài 12 VÌ SAO NGƯỜI TA CHƠI ÂM NHẠC? Hướng dẫn học Xin nhắc lại với các bạn: cả năm học Văn (học Nghệ thuật ) ở lớp Sáu này, chúng ta tập trung vào chủ đề Cảm hứng nghệ thuật , nhằm tìm hiểu và trả lời câu hỏi: vì sao con ...

Bài 12

VÌ SAO NGƯỜI TA CHƠI ÂM NHẠC?

         

Hướng dẫn học

Xin nhắc lại với các bạn: cả năm học Văn (học Nghệ thuật) ở lớp Sáu này, chúng ta tập trung vào chủ đề Cảm hứng nghệ thuật, nhằm tìm hiểu và trả lời câu hỏi: vì sao con người lại hoạt động nghệ thuật.

Hoạt động nghệ thuật tức là làm ra những tác phẩm nghệ thuật. Khi con người làm ra tác phẩm nghệ thuật, tức là làm ra cái Đẹp cho đời mình và cho cuộc sống của con người khác nữa, con người sẽ yêu cái Đẹp và con người sẽ sống được với nhau trong tình thương yêu.

Cho tới đây, các bạn đã học về cảm hứng khi làm ra tác phẩm thơ, tác phẩm tự sự, tác phẩm hội họa. Cảm hứng nghệ thuật được thể hiện ra thành thơ hoặc tự sự bằng vật liệu là lời nói của con người – in thành sách cũng để giữ lại những tiếng nói đó. Cảm hứng nghệ thuật được thể hiện ra thành hội họa bằng vật liệu là màu sắc và đường nét.    

Cảm hứng nghệ thuật được thể hiện ra thành âm nhạc bằng vật liệu là âm thanh và nhịp điệu. Khi muốn bộc lộ tình cảm mình, con người ôm nhau nhảy nhót và vỗ nhịp theo điệu nhảy của mình, đó là sự ra đời sớm nhất của âm nhạc. Dần dần, khi tiếng nói đã ổn định, con người sẽ cất tiếng hát. Mãi sau rồi sẽ ra đời các nhạc cụ thay thế cái “dụng cụ âm nhạc” ra đời cùng con người, là các bộ phận phát âm của cơ thể người. Các dụng cụ âm nhạc phức tạp và đắt tiền thời nay đều xếp hàng sau những dụng cụ thô sơ nhất hạng ban đầu như kèn lá (dùng chiếc lá rừng kẹp lại để “nói” với nhau những lời yêu thương), như đàn môi (cái môi người ấy), rồi tiến xa ra với rừng để có đàn đá, đàn t’rưng, đàn klông pút...

Nhưng hãy nhớ một điều: tất cả các loại đàn, từ thô sơ đến phức tạp, từ rẻ đến đắt tiền, từ thủ công đến công nghệ,... đều không thể qua mặt một yếu tố: cảm hứng nghệ thuật.

Các bạn hãy học bài này với cảm hứng đi tìm sự ra đời của nghệ thuật. Hãy tìm cảm hứng ngay trong lòng bạn. Thiếu cái ngọn lửa rất khó nhìn thấy và không tiền bạc nào mua nổi đó, sẽ không có gì hết. Không có âm nhạc, không có hội họa, không có thơ, không có cái Đẹp của con Người.

- Tại sao biển cứ rì rào mãi thế, nó có mỏi mồm không mẹ?

- Tại sao cây lại lao xao không ngừng, nó đang nói gì thế mẹ?

- Tại sao con chỉ nghe thấy gió chứ không nhìn thấy gió hả mẹ?

       Liên tiếp nghĩ ra những câu hỏi “tại sao?” như thế, những câu hỏi lắm khi làm cho bố mẹ, ông bà và những người xung quanh bối rối chẳng biết giải thích thế nào. Những câu hỏi quá hay! Song khó tìm ra câu trả lời thật xứng với cách diễn đạt giàu trí tưởng tượng của con trẻ!  

       Bây giờ, đến lượt chúng ta chủ động đặt ra câu hỏi: “Tại sao người ta chơi âm nhạc?”  Và cùng với nó, là nhiều câu hỏi phụ:

- Tại sao người ta ca hát?

- Tại sao người ta chơi đàn?

- Tại sao người ta nghe nhạc?

Âm nhạc ra đời như thế nào?

       Từ thuở khai thiên lập địa, thủy tổ loài người trước cả khi có tiếng nói đã biết hò hét gọi bầy, hò reo ăn mừng, hò la đuổi muông thú chim chóc, hò dô lấy nhịp cùng khiêng - vác - kéo - đẩy... Âm nhạc bắt nguồn từ đó: giai điệu trầm bổng cất lên từ giọng người, từ các nhạc cụ thổi hơi thô sơ trong thiên nhiên như sừng thú, ốc biển, ống sậy, lá cây...; nhịp điệu khoan nhặt sinh ra từ tiếng vỗ tay, giậm chân, gõ đập bằng bất kỳ vật gì như gậy, mõ, chày giã, ván thuyền... Con người ta đã ca hát và chơi đàn theo bản năng, hoàn toàn tự nhiên như nói năng, cười cợt, khóc lóc, nhảy nhót, múa may, vẽ vời...

       Trong mọi hình thức biểu đạt thì chỉ có lời ca và điệu nhảy là không mất tiền mua. Những cuộc vui chỉ có nhịp nhảy, những câu hát ru, những câu hát tỏ tình, những chiếc kèn lá... là những “dụng cụ âm nhạc” rẻ tiền nhất con người có sẵn trên cơ thể mình và ở rừng cây xung quanh mình. 

       Tuy “rẻ tiền” nhưng những “hoạt động âm nhạc” thô sơ ban đầu đó vẫn thỏa mãn nhu cầu rất tự nhiên của con người là được bộc lộ cảm xúc, được chia sẻ nỗi niềm, được kết nối và hòa nhập vào cộng đồng. Đàn hát chính là phương tiện bày tỏ nỗi lòng để có được sự đồng cảm. Người ta vẫn nói: “Âm nhạc đi từ trái tìm đến trái tim”. Âm nhạc là cách kết nối tuyệt diệu giữa người với người, giữa người với vạn vật trong thiên nhiên, với các đấng siêu nhiên trong tưởng tượng của con người, và xa thêm nữa là với vũ trụ bên ngoài trái đất.

       Âm thanh - và trên cả âm thanh trong khái niệm nghệ thuật âm nhạc - có thể kết nối thai nhi với thế giới bên ngoài. Chưa ra đời, em bé đã có phản ứng với âm nhạc, bé có thể quẫy đạp mạnh trong bụng mẹ khi nghe nhạc có cường độ lớn và tiết tấu dồn dập.

       Tại sao em bé thôi khóc và ngủ ngoan trong tiếng hát ru? Là vì em cảm nhận được sự bình an và tình yêu của mẹ, của người thân qua giọng hát. Mục đích đầu tiên của hát ru là đưa bé vào giấc ngủ:

À ơi... Cái ngủ mày ngủ cho lâu,
Để mẹ đi cấy đồng sâu chưa về.
Bắt được con cá rô trê,
Thòng cổ mang về cho cái ngủ ăn...

hoặc

À ơi... Con tôi buồn ngủ buồn nghê,
Buồn ăn cơm nếp, cháo kê, thịt gà,
Buồn ăn bánh đúc, bánh đa,
Củ từ, khoai nướng cùng là cháo kê...

       Trong câu hát ru của mẹ ta thường bắt gặp hình ảnh những cánh cò. Cái cò lặn lội, tần tảo, chịu thương chịu khó trong hình hài con người và mang nặng tình người:

À ơi... Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò?
Không không, tôi đứng trên bờ
Mẹ con nhà vạc đổ ngờ cho tôi
Chẳng tin ông đứng ông coi,
Mẹ con nhà nó còn ngồi đấy kia.

hoặc

À ơi... Cái cò mày đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

       Dỗ được bé ngủ rồi có khi mẹ vẫn hát, hát lên nỗi lòng mình, hát về sự đời:

À ơi... Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt, ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh.

Ầu ơ... ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo gập ghềnh khó qua
Khó qua mẹ dắt con qua
Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

       Bé chẳng hiểu nghĩa lời ru, thậm chí bé chưa từng thấy con cò, bé chưa từng gặp những ngả đường đời gửi tâm trạng mẹ và các bà mẹ trong lời hát ru. Nhưng những âm điệu lên xuống gửi trong những “à ơi” hoặc “ầu ơ” ấy – âm nhạc đó chứ còn đâu xa? – đem đến cho bé hơi ấm tình mẹ, tình người, sẽ ngấm dần trong tiềm thức đứa trẻ mang tiềm năng người. Rất nhiều nhạc sĩ mang theo suốt đời tiếng hát ru của mẹ như bài học đầu tiên về âm nhạc, từ người thầy dạy âm nhạc đầu tiên là MẸ.

       Rồi đến lúc bé bi bô tập nói tập hát. Bài tập làm người sơ đẳng nhất được lồng vào những khúc đồng dao. Những câu hát đơn giản, đôi khi chỉ là những bài vè ngây ngô có thể giúp bé nhận biết thế giới xung quanh, trong đó có cả những kỹ năng sống, trước tiên là cảm nhận từ vô thức đến có ý thức về nhịp điệu và tiết tấu, về ngữ điệu và âm vần. Đồng dao là “chơi mà học”, học quan sát đồ vật, con vật, con người và các mối quan hệ trong cuộc sống:

       Này là các loài chim:

Chim ri là dì sáo sậu
Sáo sậu là cậu sáo đen
Sáo đen là em tu hú
Tu hú là chú bồ nông
Bồ nông là ông bồ các
Bồ các là bác chim ri
Chim ri là...

hoặc các loại quả:

Bí ngô là cô đậu nành
Đậu nành là anh dưa chuột
Dưa chuột cậu ruột dưa gang
Dưa gang cùng hàng dưa hấu
Dưa hấu là cậu bí ngô
Bí ngô là...

có khi là hình ảnh em nhỏ bướng bỉnh nhưng không đáng ghét

Con chim chích choè 
Mày ngồi đầu hè 
Mày nhá gạo rang 
Bảo mày vào làng 
Mày kêu gai góc 
Bảo mày gánh thóc 
Mày kêu đau vai 
Bảo mày ăn khoai 
Mày kêu khoai ngứa 
Bảo mày ăn dứa 
Mày kêu dứa say 
Bảo mày ăn chay 
Mày kêu đến trưa 
Bảo mày đi bừa 
Mày đánh què trâu 
Bảo mày đi câu 
Mày đánh bẹp giỏ 
Bảo mày cắt cỏ 
Mày đánh gãy liềm 
Bảo mày gặt chiêm 
Mày đánh gãy hái 
Bảo mày đi đái 
Mày kêu ông Ộp!

       Những bài đồng dao có lối hát quay vòng, bé muốn bắt đầu và kết ở câu nào cũng được, cứ theo nhịp điệu đều đặn và ngữ điệu trầm bổng mà nói đến mỏi mồm, đến chán thì thôi. Và đừng nghĩ đồng dao chỉ là những lời hát vô nghĩa theo nhịp. Đó còn là một cuốn “từ điển” chưa in thành sách dày cộp, cuốn sách cuộc đời thường giúp bé làm quen với đồ vật, kể từ đồ vật cụ thể ngoài đời đến những hiện tượng vui buồn và cả những quan hệ thứ bậc trong gia đình và họ hàng nữa...

       Bé còn được luyện năng lực đếm bằng mắt và rèn sự nhanh nhẹn, khéo léo cho đôi tay theo tiết tấu thích hợp với mình trong trò chơi với những que chuyền:

“Chuyền một: cái mốt,

cái mai, con trai, con hến,

con nhện, chăng tơ,

quả mơ, quả táo, cái gáo...”.  

       Đồng dao gắn với các trò chơi dân gian đương nhiên còn là mối gắn kết giữa các bạn nhỏ cùng chơi trong tinh thần tập thể, vừa đoàn kết vừa thi thố ganh đua nhau. Duỗi hai chân ngồi bên nhau cũng là chơi, một bạn “chủ trò” vỗ lần lượt lên từng chân theo nhịp và có những tiếng ăn vần, câu cuối trúng chân ai mà không kịp rụt lại thì bạn đó bị phạt nhảy lò cò vòng quanh:

       

       Có trò đơn giản chỉ là sự vận động đồng nhất: nắm tay nhau vung lên hạ xuống, chân bước đều, miệng ê a như hát, đến câu cuối bài thì cả đám cùng ngồi thụp xuống:

Dung dăng dung dẻ
Dắt trẻ đi chơi
Đến ngõ nhà giời
Lạy cậu lạy mợ
Cho cháu về quê
Cho dê đi học
Cho cóc ở nhà
Cho gà bới bếp
Xì xà xì xụp.

       Lớn thêm chút các bé thích chơi những trò chạy nhảy, la hét, trốn tìm, đuổi bắt nhau: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa...”, hay: “Rồng rắn lên mây/ Có cây xúc xắc...”, hoặc: “Thả đỉa ba ba/ Chớ bắt đàn bà/ Phải tội đàn ông...”.

Âm nhạc... từ ấu thơ đến tuổi trưởng thành

       Giã từ tuổi thơ, con người thuở xưa lớn lên trong không gian âm nhạc dân dã: các điệu hò điệu lý, làn điệu quan họ, câu hát ví giặm, hát xoan, hát xẩm, hát then, hát bài chòi, đờn ca tài tử, âm thanh cồng chiêng, các vở diễn chèo - tuồng - cải lương... Ngày nay ta không thể hình dung cuộc sống hoàn toàn không có các phương tiện truyền thanh truyền hình, như tivi, băng đĩa, máy ghi âm ghi hình, máy nghe nhạc, vi tính, internet, smartphone,... Song âm nhạc vẫn  đầy ắp không gian các lễ hội dân gian, mà những câu ca tiếng đàn còn có thể tùy hứng cất lên bất cứ khi nào, cả lúc rảnh rỗi cũng như trong lao động.

[1] mấy câu để sầu trong dạ
Ta với mình trước lạ sau quen.
                              (Lý giao duyên)

       Người ta hát lên, đàn lên những gì chất chứa trong lòng, gửi niềm vui nỗi buồn của riêng mình vào âm nhạc, và nhờ “tiếng lòng” ấy mà người nghe cảm nhận được tài năng và thấu hiểu được tâm trạng người chơi nhạc. Tiếng đàn “tính tịch tình tang” của Thạch Sanh không chỉ chiếm trọn tình yêu của công chúa, mà còn khiến quân giặc buồn rũ nhớ quê nhà nên mất hết cả sinh lực đánh đấm chính là nói về sức mạnh vô địch của âm nhạc. Tiếng hát quyến rũ của chàng Trương Chi nghèo và xấu giai làm say lòng nàng Mỵ Nương cũng là nói về giá trị vô song của âm nhạc. Không chỉ trong cổ tích và truyền thuyết thôi đâu, ngay trong đời thực xưa nay không thiếu chuyện tình yêu dành cho người không biết mặt chỉ vì người ấy có tiếng đàn, tiếng hát mê hồn.

- Tiếng ai nói với bên non
Muốn sang coi thử có giòn hay không
-     Mỗi ngày mấy bận trèo non
Lấy gì mà đẹp mà giòn hỡi anh.
                                               (Hát ví)

       Âm nhạc là cầu nối giữa người chơi nhạc với người nghe. Âm nhạc đương nhiên cũng là cầu nối giữa những người chơi nhạc với nhau. Không gian hội hè, ven đường, góc chợ hoặc đơn giản chỉ cần một manh chiếu vào lúc rảnh rang cũng có thể là nơi diễn ra những cuộc hòa tấu đờn ca, hát hò đối đáp giao duyên giữa những người thưởng thức tài nghệ của nhau trong sự ăn ý tuyệt hảo.

Tóc em dài sao em không bới
Để chi dài bối rối dạ anh?
- Tóc em dài em cài hoa thiên lý
Anh ngó làm gì cho bối rối dạ anh.

       Người ta còn ngẫu hứng “đối thoại”, thách đố nhau qua lời ca tiếng hát giữa hai thửa ruộng, hai bờ sông, hai quả đồi, hai sườn núi. Người dưới thuyền đối đáp với người trên bờ, người dưới ruộng “tung hứng” với khách qua đường.

Hỡi người đi đường cái quan
Dừng chân đứng lại em than vài lời...

Cô kia cắt cỏ một mình
Để anh cắt với chung tình làm đôi...

       Những người xa lạ không thấy rõ mặt nhau, thậm chí chẳng nhìn thấy bóng dáng nhau qua màn đêm, nhưng có thể nói trong đời họ đã từng gặp nhau, thấu lòng nhau qua âm nhạc.

-   Đố anh chi sắc hơn dao
Chi sâu hơn biển, chi cao hơn trời
-   Em ơi mắt sắc hơn dao
Bụng sâu hơn biển, trán cao hơn trời

-   Đố anh trăm thứ dầu, dầu chi không ai thắp
Trăm thứ bắp, bắp gì bán chẳng ai mua?
-   Trăm thứ dầu, dầu thoa không ai thắp
Trăm thứ bắp, bắp chuối bán chẳng ai mua.

       Người ta chơi nhạc để giao lưu, giải sầu. Ngoài việc giải trí, người ta cũng hát và tấu nhạc trong nghi thức, tế lễ, thờ cúng... Âm nhạc củng cố đức tin, giúp con người ta hướng thiện, sống tốt hơn. Âm nhạc cũng là lời từ biệt trong tang lễ tiễn đưa con người rời trần gian về cõi vĩnh hằng. Âm nhạc đặc biệt quan trọng trong tôn giáo. Như vậy, âm nhạc chẳng những kết nối người với người, mà còn là cầu nối giữa người thường với thánh thần, giữa cõi âm, cõi trần và cõi trời. Qua giọng hát tiếng đàn, con người gửi tới các đấng tối cao lời cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành...

Lạy trời trăm lạy trời ơi
Trông cho trong ruộng ngoài khơi được mùa
.

       Đó là vài phác họa về nhạc dân gian truyền lại từ đời trước tới đời sau, từ cụ kị ông bà tới con cháu chắt chít...

 

Và âm nhạc thời hiện đại

       Từ thập niên 30 của thế kỷ XX, bên cạnh nhạc cổ truyền khẩu truyền ngón ngẫu hứng trong dân gian còn có thêm nhạc mới du nhập từ phương Tây và được “Việt Nam hóa”.

       Hiện đại, với những dàn nhạc giao hưởng cũng như các bạn nhạc thính phòng, với nhiều hình thức biểu diễn âm nhạc hấp dẫn, chúng ta vẫn không quên cái nôi của âm nhạc chính là ở trong lòng con người. Thói quen xem biểu diễn tuy có làm thay đổi tình cảm âm nhạc của con người khiến chúng ta hiếm khi được thực sự sống trong không khí âm nhạc do chính mình tham gia tạo nên. Ta cần thấy rõ điều đó và cần phấn đấu sao cho mọi người, trước hết là từng người chúng ta, được là  người làm ra âm nhạc thay vì là người thưởng thức dửng dưng.

       Và cần nhớ, dù hiện đại đến đâu chăng nữa, thì cũng không được quên hướng về cội nguồn tức là tiếp nhận vốn cổ của dân tộc, đưa tinh hoa được chắt lọc ngàn năm vào đời sống âm nhạc hôm nay. Chúng ta đã và đang khôi phục nhiều thể loại nhạc cổ có nguy cơ thất truyền, trong số đó có bảy di sản âm nhạc lần lượt được UNESCO[2] ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại hoặc di sản của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp: nhã nhạc cung đình Huế vào năm 2003, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào năm 2005, quan họ Bắc Ninh và ca trù cùng vào năm 2009, hát xoan Phú Thọ vào năm 2011, đờn ca tài từ Nam bộ vào năm 2013, hát ví giặm Nghệ Tĩnh đầu năm 2015. Những chất liệu âm nhạc của vốn cổ luôn được các nhạc sĩ hiện đại vận dụng trong sáng tác mới - kể cả trong những bài hát thiếu nhi - với mong muốn giữ được bản sắc độc đáo của người Việt trước đại dương âm nhạc mênh mông của thời hội nhập toàn cầu.

       Như vậy, âm nhạc kết nối cả thời gian cũng như không gian. Vượt ra khỏi biên giới quốc gia, âm nhạc là bộ mặt văn hóa, là tiếng nói của một đất nước trên diễn đàn âm nhạc quốc tế. Đặc biệt, vai trò nhạc đàn rất lớn trong diện mạo văn hóa nghệ thuật của một đất nước, vì nhạc không lời vẫn được coi là một ngôn ngữ không cần phiên dịch giữa các dân tộc. Hai người bất đồng ngôn ngữ không thể trò chuyện với nhau bỗng cảm thấy thân thiết yêu mến nhau sau khi cùng chơi đàn ngẫu hứng với nhau. Có rất nhiều cuộc gặp gỡ “không lời” như thế diễn ra giữa các nhạc sĩ. Không phải vô cớ mà người đời vẫn nói: khi ngôn từ bất lực thì âm nhạc lên tiếng.

       Nói đến âm nhạc không thể không nhắc đến nhạc cụ là phương tiện biểu hiện của nghệ sĩ. Với dân tộc yêu ca hát như người Việt Nam, nhạc đàn thường gắn liền với nhạc hát. Trong vốn quý tổ tiên để lại có cây đàn rất gần với giọng người: đàn bầu với “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”[3]. Vào thời sơ khai, cây đàn chỉ có một dây này có hộp đàn làm từ ống tre gắn với bầu đàn là vỏ quả bầu khô, sau được cách tân dần bằng các vật liệu bền hơn như gỗ, sừng... Và nay nói đến nhạc truyền thống Việt Nam là thế giới thường nhắc đến đàn bầu như một nhạc cụ tiêu biểu, độc đáo với âm sắc ngọt ngào, biến ảo.

Đàn bầu

       Nhiều nhạc cụ dân tộc cổ truyền khác cũng đã mang âm sắc đặc thù của thiên nhiên đất trời và tâm hồn con người Việt Nam ra thế giới, như: cồng chiêng với âm thanh vang vọng đất trời và huyền bí như núi rừng đại ngàn; đàn t’rưng với âm sắc tre nứa xào xạc tiếng gió thổi, trong trẻo tiếng suối reo, ào ào tiếng thác đổ; đàn k’ni “hát” bằng giọng người nhờ có sợi dây một đầu mắc vào dây đàn, đầu kia buộc vào màng rung ngậm trong miệng người chơi đàn, và khi kéo đàn người ta thay đổi khẩu hình để tạo âm sắc kỳ ảo như “tiếng nói thần linh”.

       Lại có cây đàn tên đáy mà thực ra “không có đáy” (để hở phía sau hộp đàn) và cỗ phách (gồm một bàn phách bằng tre và hai dùi gõ) là hai nhạc cụ không thể thiếu trong canh hát ca trù để nâng đỡ hòa quyện vào giọng hát của đào nương.

Cỗ phách (do đào gõ) và đàn đáy (do kép chơi)

       Cùng với nhạc cụ dân tộc cổ truyền có thêm hàng loạt nhạc cụ phương Tây du nhập vào nước ta từ thế kỷ trước. Ngày nay, “bộ sưu tập” nhạc cụ cho kiến thức âm nhạc của chúng ta vô cùng phong phú về số lượng và chủng loại: đơn giản thô sơ là kèn lá, kèn môi, đàn đá, phách tre...; hoành tráng đồ sộ là đàn đại phong cầm (orgue) với âm thanh nhiều tầng dày đặc phát ra từ cả một dàn ống khổng lồ chạy dọc theo chiều cao vời vọi của nhà thờ hoặc phòng hòa nhạc lớn; đa năng đa sắc là những cây đàn điện tử hiện đại có âm sắc thay thế cả dàn nhạc.

        Hội nhập thế giới, trước hết chúng ta thừa hưởng từ thành tựu chung của nhân loại cả một kho tàng âm thanh đồ sộ và vô giá. Trong kho tàng âm nhạc đó có không ít những tác phẩm liên quan đến tuổi nhỏ. Bach (nhạc sĩ Đức, 1685-1750) - một ông bố đông con - đã viết 48 preludes & fugues ­cho chúng ta học đàn và chùm tác phẩm cho đàn piano này được coi là “sách gối đầu giường” của rất nhiều nhạc sĩ lừng danh thế giới. Góc trẻ thơ của Debussy (nhạc sĩ Pháp, 1862-1918) viết tặng con gái cũng trở thành tác phẩm kinh điển trong di sản âm nhạc piano thế giới. Kho tàng âm nhạc giao hưởng của nhân loại có nhiều kiệt tác dành cho trẻ thơ hoặc rất gần gũi với tuổi thơ bởi tính hội họa và tính sân khấu: Những bức tranh trong phòng triển lãm - Mussorgsky (nhạc sĩ Nga, 1839-1881), Lễ hội muông thú - Saint-Saëns (nhạc sĩ Pháp, 1935-1921), Petia và chó sói - Prokofiev (nhạc sĩ Nga, 1891-1953)...

       Ngày nay để được nghe những kiệt tác của thế giới không còn là việc quá khó đối với thế hệ @ rất giỏi tìm kiếm trên mạng - một thư viện âm nhạc mở cho người yêu nhạc toàn cầu. Thật may nếu thay vì ham lướt web chơi game, chúng ta biết sử dụng mạng đúng cách để tiếp cận với những bức tranh âm nhạc như thế. Âm nhạc đưa con người lại gần với nhau. Qua internet mỗi người còn có thêm nhiều người bạn có cùng sở thích âm nhạc trên khắp trái đất.

       Và không chỉ trên trái đất này. Khám phá vũ trụ ngoài trái đất là ước mơ từ tuổi thơ của rất nhiều người. Đấy cũng là mơ ước trải qua nhiều thế kỷ của cả nhân loại. Tại sao trong số những thông điệp thân thiện của loài người gửi tới các nền văn minh khác được tàu vũ trụ Apollo 11 đưa lên mặt trăng năm 1969 có bản Giao hưởng số 9 của Beethoven? Là vì tác phẩm giao hưởng này có thể “nói” được nhiều và được rõ những điều muốn nói về cuộc sống nội tâm của con người trên trái đất.

       Âm nhạc còn liên kết với các loại hình nghệ thuật khác. Múa với nhạc như hình với bóng. Nhạc là một trong những yếu tố tạo nên các loại hình nghệ thuật tổng hợp của sân khấu: kịch nói, kịch hát và đỉnh cao là kịch múa (ballet) và nhạc kịch (opéra). Nhạc cũng rất quan trọng đối với điện ảnh và truyền hình, nhất là với thể loại phim ca nhạc và hoạt hình.

       Âm nhạc làm cho cuộc sống tinh thần phong phú hơn, bản thân âm nhạc cũng muôn màu muôn vẻ cho ta tha hồ lựa chọn. Có loại nhạc đơn thuần vui chơi giải trí giúp ta lấy lại cân bằng sau những căng thẳng trong đời sống; có loại nhạc cổ vũ khích lệ tinh thần, rất thích hợp với người chơi thể thao hoặc người lính ra trận; có loại nhạc chữa bệnh, khơi gợi ký ức trong người mất trí nhớ, làm dịu cơn kích động của người tâm thần, xoa dịu nỗi cô đơn ở người trầm cảm, cải thiện khả năng giao tiếp cộng đồng cho người tự kỷ...

       Lại có cả nhạc rác, nhạc thảm họa, nhạc độc hại nữa! Làm sao phân biệt đâu là nhạc dở - nhạc hay đây? Đương nhiên, tuổi học sinh chúng ta luôn cần đến sự hướng dẫn của các thầy cô dạy nhạc, của những người hiểu biết về âm nhạc.

       Hóa ra chơi nhạc và nghe nhạc cũng cần phải học. Cũng đáng để học lắm chứ, bởi âm nhạc giúp ta rèn luyện trí nhớ, trí tưởng tượng, óc sáng tạo, sự nhạy cảm, sự tự tin, tính kiên nhẫn, tính kỷ luật, biết lắng nghe, biết cảm thông... Nếu biết sử dụng âm nhạc hợp lý và đúng cách, thì món ăn tinh thần này đem lại cho ta chẳng những phương tiện để bày tỏ và sẻ chia, mà còn tăng sức mạnh nội lực giúp ta vượt qua nỗi buồn, nỗi sợ, nỗi đau và những trở ngại tâm lý khác.

       Đến đây, qua vài thông tin trên, có lẽ chúng ta - những bạn học sinh chuẩn bị đã tự tìm cho mình câu trả lời “tại sao người ta chơi nhạc” rồi, phải không?

Bài tập

  1. Thảo luận rồi viết tiểu luận: Nhà tâm lý học Nga Vassili Davydov viết “Khởi thủy của âm nhạc không phải là cây đàn piano”.  Bạn hiểu câu  nói đó như thế nào?
  2. Các bạn cùng nhau bắt chước một cảnh người xưa đi săn về, họ nhóm lửa thui con vật mới săn được, và họ nhảy vui, hò reo xung quanh đống lửa. Đó có là âm nhạc không?  
  3. Hãy tưởng tượng và viết lại chuyện một thanh niên thời xa xưa. Bạn đó có chuyện buồn. Bạn ra suối ngồi ngắm dòng nước chảy, nghe tiếng nước reo, nghe tiếng chim hót, nghe cả tiếng mưa rơi trên lá rừng... Và anh chàng bỗng lấy mấy khúc sậy khoét lỗ, khi thổi vào thì thấy chúng tạo ra những âm thanh khác nhau... Ngày nào chàng cũng ra suối, và lâu dần chàng làm xong một nhạc cụ...

[1] Lý (danh từ) là một thể loại hát dân gian, ngoài ra từ cổ xưa có nghĩa là “hát” (động từ).

[2] UNESCO: Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc.

[3] Lời bài hát Tiếng đàn bầu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc.

0