25/05/2018, 09:25

Vài ý kiến tản mạn về giảng dạy ở đại học

Một Nhà sư phạm lớn đã nói: “Nghệ thuật GD có đặc điểm dường như là một việc rất quen thuộc, dễ hiểu, thậm chí dễ làm đối với hầu hết mọi người. Và nó càng có vẻ dễ hiểu, dễ làm bao nhiêu thì người ta càng ít biết đến nó về mặt lý luận ...

Một Nhà sư phạm lớn đã nói: “Nghệ thuật GD có đặc điểm dường như là một việc rất quen thuộc, dễ hiểu, thậm chí dễ làm đối với hầu hết mọi người. Và nó càng có vẻ dễ hiểu, dễ làm bao nhiêu thì người ta càng ít biết đến nó về mặt lý luận cũng như thực tiễn bấy nhiêu”. GDĐH lại đang đứng trước những thách thức rất lớn, đang có những biến đổi rất sâu sắc ngay cả về mặt mô hình sư phạm.

Thế nhưng, không ít thầy cô giáo của chúng ta vẫn cứ “hồn nhiên hành nghề” và chủ yếu đang đi theo hướng “ kinh nghiệm chủ nghĩa”. Cần “học dạy học” là vì vậy.

GD nói chung và GDĐH nói riêng đang đứng trước 7 cặp vấn đề “tiến thoái lưỡng nan” [UNESCO, 1996]: (1) Giữa toàn cầu và cục bộ; (2) Giữa phổ biến và cá biệt; (3) Giữa truyền thống và hiện đại; (4) Giữa cách nhìn dài hạn và cách nhìn ngắn hạn; (5) Giữa cạnh tranh cần thiết và sự quan tâm đến bình đẳng về cơ may; (6) Giữa bành trướng vô hạn của tri thức và khả năng tiếp thu có hạn của con người, và (7) Giữa tinh thần và vật chất. Trong đó, có lẽ vấn đề bùng nổ thông tin và mối quan hê dài hạn – ngắn hạn có ảnh hưởng nhiều nhất đến giảng dạy ở ĐH. Thông tin đã và đang bùng nổ theo hàm mũ (It = I0 . eαt), xảy ra theo 2 hướng, vừa “phân hóa” (khối lượng, chiều sâu) vừa “xâm nhập” (rộng, tổng hợp cao). Vậy thì sau một thế hệ, phải chăng cần tăng gấp 2 - 3 lần khối lượng học tập?.

Bài 7Mặc khác, tỷ lệ sinh viên (SV) trong độ tuổi ở các nước phát triển cao đã đạt đến trên 50%, nghĩa là họ đã bước sang giai đoạn GDĐH “phổ cập”. Ở nước ta, tỷ lệ này cũng đã đạt gần đến 10% nhờ tăng nhanh số lượng SV trong những năm qua. Nghĩa là, nền GDĐH của ta cũng đang chuyển hóa từ nền GDĐH cho thiểu số “tinh hoa” (Elite) sang nền GDĐH đại chúng (Mass). Khi đó, việc “phân tầng” về sứ mệnh, cấp độ chất lượng không còn là sự lựa chọn mà là tất yếu. “Tầng trên” là tầng nặng về nghiên cứu (research-oriented), có chương trình đào tạo gần như ở các trường ĐH truyền thống. Với các “phân tầng” dưới, chủ yếu phải thiên về kỹ thuật - nghề nghiệp (Technical & Vocational). Những đặc trưng nói trên đang có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy ở ĐH. Những trao đổi dưới đây chủ yếu nói về chuyện dạy và học cho “tầng trên”.

Sơ đồ phân phối nội dung kiến thức Cơ bản và Công cụ

Nói đến việc lựa chọn nội dung giảng dạy là nói đến 3 mặt: Khối lượng, trình độ, chiều sâu và 4 thành phần: (1) Kiến thức cơ bản và công cụ; (2) Phương hướng / xu thế; (3) Nội dung phương pháp và (4) Nhân cách nghề nghiệp.

Kiến thức cơ bản là những khái niệm, nguyên lý,... có hàm lượng thông tin cao, có tính hệ thống hóa nhằm tạo tiềm lực cho người học. Kiến thức công cụ là những: quy tắc, công thức, quy định, thủ tục,... nhằm khai thác nội dung và tạo “kỹ năng” cho người học. Với mô hình ĐH truyền thống, mối quan hệ giữa 2 khối kiến thức nầy thường được phân phối như ở sơ đồ Hình 1.a ở trên. Tuy nhiên, với các chương trình ĐH thiên về kỹ thuật-nghề nghiệp, phải chăng nên phân phối như ở sơ đồ Hình 1.b.

Tuy vậy, về mặt trình độ hiểu biết, ngay trong khối kiến thức công cụ, nếu chỉ dừng lại ở mức: (1) Gì? và (2) Như thế nào? thì người SV chỉ có khả năng tái hiện lại của người khác và áp dụng theo mẫu. Vẫn cần đưa nội dung giảng dạy đạt đến mức (3) Vì sao?, (4) Để làm gì? và (5) Đồng ý với ai?. Có như vậy người SV mới có thể có suy luận của riêng mình và vận dụng được tình huống một cách sáng tạo. (Có dự báo: Làn sóng sáng tạo - Creativity wave, sẽ là nội dung cơ bản của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật lần thứ 4; Còn ở nền “kinh tế tri thức”: Cái có giá trị cao là cái chưa biết, cái đã biết thường không còn mấy giá trị).

Đào tạo không chỉ là vấn đề truyền kiến thức một cách có hệ thống mà còn là việc “tổ chức hoạt động nhận thức”, dạy cách học, nghĩa là phải có thành phần nội dung phương pháp. Nội dung phương pháp là nói về "cách thao tác tư duy", một loại kiến thức ổn định nhất và có "tính nhân rộng" cao. Nhờ đó, có thể góp phần hạn chế cái nghịch lý bùng nổ thông tin và thời gian có hạn nói trên. Chính vì vậy, cố Giáo sư Tạ Quang Bửu đã từng nói: “Thực chất của việc dạy tốt là dạy phương pháp”.

Dạy cái gì và Dạy như thế nào?

Đáng tiếc, nói về việc "Dạy cái gì?" và "Dạy như thế nào?", không ít trong chúng ta chỉ dừng lại ở trình độ: (1) Dùng Nội Dung để dạy Nội Dung (ND  ND) hoặc khá hơn: (2) Dạy Nội Dung một cách có Phương Pháp (PP  ND). Một số thầy cô cũng đã dùng Nội Dung phương pháp để dạy Phương Pháp (ND  PP), nhưng rất hiếm thầy cô có thể dạy nội dung Phương Pháp một cách có Phương Pháp (PP  PP) – (Hình 2).

Xã hội loài người đang có sự phân hóa quá mức, ngay cả trong GDĐH. Nhưng dù sao thì chúng ta cũng đang bước vào một "xã hội thông tin" và tất phải bước vào một "xã hội tri thức" (Knowledge Society) và do đó là một "xã hội học tập" (Learning Society). Chúng ta cũng đã bắt đầu bước vào một nền GDĐH đại chúng với một hệ thống đào tạo mở, liên thông, liên ngành, xuyên ngành, ĐH ảo,... với một số lượng SV khá đông, rất đa dạng về nhiều phương diện. Do đó, cần có "học không đồng bộ" và “học theo nhịp độ cá nhân". Điều này làm thay đổi nhiều thứ lắm. Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu các mô hình sư phạm hiện nay:

MÔ HÌNH TRUNG TÂM VAI TRÒHỌC TRÒ CÔNG NGHỆ
1-Truyền thống Thầy Thụ động Bảng/TV/Radio
2-Thông tin Trò Chủ động PC-Máy tính cá nhân
3-Kiến thức Nhóm Thích nghi PC+Mạng

Tôi còn nhận ra rằng, trong GDĐH hiện nay người ta rất quan tâm đến 3 từ ngữ (hay 3 triết lý?): Thích nghi (Adaptability), Sáng tạo (Creativity) và Giải quyết vấn đề (Problem Solving). Học tập ngày nay là “Để biết, để làm, để sống với nhau và để tồn tại” [Learning: To know, to do, to live together and to be (UNESCO)]. Vậy, không phải là “chinh phục” mà là "thích nghi". Người ta còn cho rằng: “Chất lượng là khả năng thay đổi từ một trạng thái này sang một trạng thái khác”. Còn "sáng tạo" là yếu tố then chốt để cạnh tranh trong tương lai. Và phải "giải quyết vấn đề" vì thường không có lời giải tốt nhất và đôi khi phải chọn lời giải ít xấu nhất trong số những phương án giải quyết có thể có.

Có nhiều kiểu dạy học được xây dựng dựa trên các loại hoạt động trí tuệ: Suy diễn, quy nạp, diễn dịch, angorit, heuristics, v.v... Tuy vậy, ở đây có lẽ cũng không có khái niệm kiểu dạy học tốt nhất mà là việc lựa chọn kiểu dạy học thích hợp.

Đa số thầy cô hiện nay thường dùng kiểu "giảng giảiminh họa". Kiểu dạy này dựa trên loại hoạt động trí tuệ: Suy diễn, nghĩa là đi từ tổng quát, chung sang cụ thể, riêng. Thầy giảng, trò ghi, để bắt chước, tái hiện. Đây là kiểu dạy truyền thống, có thể nói là độc tôn trong việc truyền kiến thức có sẵn vì nó rõ ràng, dễ hiểu, dễ vận dụng và trong một thời gian có hạn có thể truyền được một khối lượng thông tin lớn. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là SV thụ động và ngược với con đường tư duy sáng tạo. Lời khuyên của các nhà GD hiện nay là: Kiểu dạy học này chủ yếu dành cho việc truyền đạt nội dung mới, nhưng phải biết sử dụng cách dạy thiếu thông tin, thừa thông tin và kết hợp với các kiểu dạy học khác.

Dạy học theo vấn đề lại thường dựa trên loại hoạt động trí tuệ: Quy nạp và diễn dịch, đi từ riêng đến chung, từ kiến thức đã có sang một kiến thức mới: Thầy tạo ra tình huống và điều kiện để giải quyết, trò tham gia giải quyết vấn đề. Tình huống có thể là: mâu thuẫn với kiến thức đã có, từ hệ thống con sang hệ thống lớn, điều kiện áp dụng mới mẻ, không thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, v.v... "Case study" thuộc kiểu dạy học này. Kiểu này có ưu điểm là gần với con đường giải quyết vấn đề thực tế, rèn luyện tư duy sáng tạo, đáp ứng yêu cầu dạy học ngày nay nhưng lại dễ bị “khái quát cưỡng bức” và tốn thời gian. Người ta nói rằng, cùng một lượng thông tin, dạy học theo vấn đề phải tốn thời gian đến 3 lần (nhưng sức sáng tạo cũng tăng khoảng 3 lần). Kiểu dạy học này thích hợp cho việc giảng dạy trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, v.v... Cũng cần lưu ý, ví dụ minh họa chưa phải là "Case study".

Một kiểu dạy học phổ biến khác là "Dạy theo chương trình hóa" (thịnh hành ở những năm 60), dựa chủ yếu trên kiểu hoạt động tư duy: Angorit. Nội dung được chia thành từng suất / "liều" có liên hệ nhau, có trình tự chặt chẽ để giải quyết những nhiệm vụ cùng loại. Cuối mỗi “liều” có kiểm tra theo kiểu tới hay lùi. Kiểu dạy học này có ưu điểm là có thể điều khiển quá trình học tập theo kiểu Cybernetics và cá thể hóa việc học tập cho từng SV. Tuy nhiên, nội dung lại bị rời rạc, đơn giản hóa khái niệm trừu tượng, hạn chế tư duy sáng tạo và tư tưởng, cảm xúc. Chính vì vậy, kiểu dạy học này ngày nay chỉ thường áp dụng cho việc dạy bài tập, kiểm tra và một phần trong giảng dạy tại chức.

Để kết thúc bài viết này, xin phép được nói thêm một câu: Trẻ em ngày nay đi học về, ba mẹ không còn hỏi: "Hôm nay con được mấy điểm?" mà đã chuyển sang câu hỏi: "Hôm nay con hỏi thầy cô giáo được mấy câu hỏi?". Trong giảng dạy ở trường ĐH, có lẽ thầy giáo và SV chúng ta cũng nên bắt đầu chuyển sang những cách nghĩ tương tự như vậy.

0