Vai trò của sản xuất xã hội và các yếu tố cơ bản của quá trình lao động sản xuất
a) Sản xuất của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội Từ khi xuất hiện, con người đã tiến hành các hoạt động khác nhau như: kinh tế, xã hội, văn hoá, … trong đó hoạt động kinh tế luôn luôn giữ vị trí trung tâm và là cơ sở cho các hoạt động khác… Xã hội càng phát triển, các ...
a) Sản xuất của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội
Từ khi xuất hiện, con người đã tiến hành các hoạt động khác nhau như: kinh tế, xã hội, văn hoá, … trong đó hoạt động kinh tế luôn luôn giữ vị trí trung tâm và là cơ sở cho các hoạt động khác… Xã hội càng phát triển, các hoạt động càng phong phú, đa dạng và phát triển ở trình độ cao hơn. Để tiến hành các hoạt động nói trên, trước hết con người phải tồn tại. Muốn tồn tại con người phải có thức ăn, đồ mặc, nhà ở, phương tiện đi lại và các thứ cần thiết khác. Để có những thứ đó, con người phải tạo ra chúng, tức là phải sản xuất và không ngừng sản xuấtvới quy mô ngày càng mở rộng. Xã hội sẽ không thể tồn tại nếu ngừng hoạt động sản xuất. Bởi vậy, sản xuất của cải vật chất là cơ sở của đời sống xã hội loài người và là hoạt động cơ bản nhất trong tất cả các hoạt động của con người. Sản xuất vật chất là sự tác động của con người vào tự nhiên, nhằm biến đổi nó cho phù hợp với nhu cầu của mình.
Xã hội loài người càng phát triển, các ngành sản xuất phi vật thể ngày càng tăng, nhưng vai trò quyết định của sản xuấtvật chất không hề suy giảm. Sản xuất vật chất là cơ sở tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Đây là một quan điểm duy vật hết sức cơ bản và khoa học. Quan điểm này là cơ sở để xem xét, giải thích nguồn gốc sâu xa của mọi hiện tượng kinh tế – xã hội, đồng thời nó giúp chúng ta thấy được căn nguyên cơ bản của quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người là sự thay đổi của các phương thức sản xuất vật chất.
b) Các yếu tố cơ bản của quá trình lao động sản xuất
Bất kỳ một quá trình sản xuất nào cũng đều là sự kết hợp của ba yếu tố: Sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động.
Sức lao động và lao động:
Sức lao động là “toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ
thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó” .
Sức lao động là khả năng lao động của con người, là điều kiện tiên quyết của mọi quá trình sản xuất và là lực lượng sản xuất sáng tạo chủ yếu của xã hội. Nhưng sức lao động mới chỉ là khả năng của lao động, còn lao động là sự tiêu dùng sức lao động trong hiện thực.
Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người nhằm làm thay đổi những vật thể tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu của con người.
Lao động là hoạt động bản chất nhất và là phẩm chất đặc biệt của con người, nó khác với hoạt động theo bản năng của con vật. C. Mác viết: “Con nhện làm những động tác giống như động tác của người thợ dệt, và bằng việc xây dựng những ngăn tổ sáp của mình, con ong còn làm cho một số nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu óc của mình rồi” .
Lao động không chỉ tạo ra của cải vật chất để nuôi sống con người mà còn cải tạo bản thân con người, phát triển con người cả về mặt thể lực và trí lực. “Trong khi tác động vào tự nhiên ở bên ngoài thông qua sự vận động đó và làm thay đổi tự nhiên, con người cũng đồng thời làm thay đổi bản tính của chính nó” .
Hoạt động lao động không những biến đổi tự nhiên, mà còn hoàn thiện, phát triển ngay cả bản thân con người.
Trong quá trình lao động, con người tích luỹ được kinh nghiệm sản xuất, làm giàu tri thức của mình, hoàn thiện cả thể lực và trí lực.
Sức lao động là nhân tố chủ yếu của sức sản xuất của xã hội. Sản xuất vật chất càng tiến bộ thì càng nâng cao vai trò của nhân tố con người trong hoạt động và phát triển sản xuất. Ngày nay cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại vừa tạo điều kiện, vừa đặt ra những yêu cầu mới đối với sức sáng tạo của lao động. Mặt khác, nó đòi hỏi phải nâng cao trình độ văn hoá, khoa học, chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động một cách tương xứng, theo hướng ngày càng tăng vai trò của lao động trí tuệ. Bởi vậy “quốc sách hàng đầu là phải phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và văn hoá”.
Đối tượng lao động:
Đối tượng lao động là bộ phận của giới tự nhiên mà lao động của con người tác động vào làm thay đổi hình thái của nó cho phù hợp với mục đích của con người.
Đối tượng lao động có thể chia thành hai loại:
– Loại có sẵn trong tự nhiên như gỗ trong rừng, quặng trong lòng đất, tôm cá dưới sông biển… con người chỉ cần tách chúng khỏi mối liên hệ trực tiếp với tự nhiên là dùng được. Loại này thường là đối tượng lao động của các ngành công nghiệp khai thác.
– Loại đã trải qua lao động, được cải biến ít nhiều như bông để kéo sợi, vải để may mặc, than ở trong nhà máy nhiệt điện, sắt thép để chế tạo máy… gọi là nguyên liệu. Loại
này là đối tượng lao động của các ngành công nghiệp chế biến.
Mọi nguyên liệu đều là đối tượng lao động, nhưng không phải mọi đối tượng lao
động đều là nguyên liệu. Cũng không phải bất kỳ vật thể tự nhiên nào cũng là đối tượng lao động. Nó chỉ trở thành đối tượng lao động khi con người hướng lao động của mình vào, khi nó được đặt trong quá trình lao động.
Sự phát triển của cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại cùng với sự tăng cường trao đổi chất giữa xã hội và tự nhiên dẫn đến tăng đáng kể nhu cầu về nguyên vật liệu, năng lượng. Nói chung, đối tượng lao động thuộc dạng thứ nhất đang có xu hướng cạn kiệt, do đó, đòi hỏi con người phải sử dụng tiết kiệm vật liệu, năng lượng … Con đường tiết kiệm tốt nhất là ứng dụng công nghệ mới hiện đại vào sản xuất. Mặt khác, với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại lại có thể đưa ra nhiều loại vật liệu mới có chất lượng ngày càng tốt hơn.
Hiện nay và trong tương lai không xa, nguyên vật liệu “nhân tạo” ngày càng được sử dụng nhiều, tuy vậy những nguyên liệu “nhân tạo” đó cũng đều bắt nguồn từ tự nhiên.
Tư liệu lao động:
Tư liệu lao động là một vật hay hệ thống những vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động nhằm biến đổi đối tượng lao động theo mục đích của mình.
Tư liệu lao động được chia thành ba loại:
– Công cụ lao động hay công cụ sản xuất giữ vị trí là hệ thống “xương cốt và bắp thịt” của sản xuất. Trình độ phát triển của chúng là những dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu cho một thời đại sản xuất xã hội nhất định, C. Mác viết: “Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào” .
– Tư liệu lao động dùng để bảo quản những đối tượng lao động, gọi chung là “hệ thống bình chứa của sản xuất”1 như ống, thùng, vại, giỏ… Loại tư liệu lao động này đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất hoá chất.
– Tư liệu lao động, với tư cách là kết cấu hạ tầng sản xuất như đường sá, bến cảng, sân bay, phương tiện giao thông vận tải, điện, nước, thuỷ lợi, bưu điện, thông tin liên lạc… là điều kiện cần thiết đối với quá trình sản xuất. Phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất phải đi trước một bước so với đầu tư sản xuất trực tiếp.
Ranh giới giữa tư liệu lao động và đối tượng lao động chỉ có ý nghĩa tương đối. Một vật nào đó là tư liệu lao động hay đối tượng lao động tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng gắn với chức năng mà nó đảm nhận trong quá trình sản xuất.
Đối tượng lao động và tư liệu lao động kết hợp lại thành tư liệu sản xuất. Kết quả của sự kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất là những sản phẩm lao động. Còn lao động tạo ra sản phẩm gọi là lao động sản xuất.