11/05/2018, 14:40

Những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế

– Những yếu tố thuộc về lực lượng sản xuất : phát triển kinh tế suy cho cùng là sự phát triển lực lượng sản xuất (bao gồm tư liệu sản xuất và người lao động). Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, phải tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Trong đó, cùng với việc bảo tồn và sử dụng hợp lý điều ...

– Những yếu tố thuộc về lực lượng sản xuất: phát triển kinh tế suy cho cùng là sự phát triển lực lượng sản xuất (bao gồm tư liệu sản xuất và người lao động). Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, phải tập trung phát triển lực lượng sản xuất.
Trong đó, cùng với việc bảo tồn và sử dụng hợp lý điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, cần phải nhấn mạnh vai trò của con người, khoa học và công nghệ.

Khoa học và công nghệ là thành tựu của văn minh nhân loại, nhưng hiệu quả sử dụng khoa học – công nghệ lại tuỳ thuộc vào điều kiện của từng nước. Nếu biết lựa chọn những công nghệ phù hợp với tiềm năng nguồn lực của đất nước, trình độ vận dụng và quản lý… thì sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Muốn vậy, cần phải có chính sách khoa học – công nghệ đúng đắn; tạo những điều kiện cần thiết khuyến khích sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến để hoà nhập với sự phát triển chung của thế giới.

Con người là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, đồng thời cũng là sản phẩm và kết quả thường xuyên của phát triển lịch sử. Con người thông qua hoạt động của mình trở thành nguồn lực chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có sự phát triển của chính bản thân nó. Ngày nay, khi khoa học – công nghệ đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, càng tỏ rõ vai trò quyết định của con người đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy vậy, trong các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau, vai trò động lực phát triển của nhân tố con người có mức độ khác nhau. Chẳng hạn, trong xã hội tư bản chủ
nghĩa, những người lao động làm thuê bị bóc lột, chỉ được xem là phương tiện cho sự tăng trưởng kinh tế, thiếu những điều kiện cơ bản để thoả mãn nhu cầu văn hoá, xã hội. Chỉ có xã hội phát triển cao hơn, tiến bộ hơn xã hội tư bản là xã hội xã hội chủ nghĩa mới tạo cho con người những điều kiện phát triển toàn diện, con người mới thực sự trở thành mục đích và động lực của sự phát triển.

– Những yếu tố về quan hệ sản xuất:  vai trò của quan hệ sản xuất đối với phát triển kinh tế thể hiện khi quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thì nó tạo ra động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển; ngược lại, khi nó không phù hợp sẽ là nhân tố cản trở, kìm hãm sự phát triển đó.

Sự phát triển của nền sản xuất xã hội phụ thuộc vào nhiều động lực, nhưng động lực kinh tế giữ vai trò quyết định, trong đó lợi ích kinh tế của người lao động là động lực trực tiếp. Lợi ích kinh tế là một phạm trù kinh tế biểu hiện của quan hệ sản xuất được phản ánh trong ý thức thành động cơ thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thoả mãn một cách tốt nhất nhu cầu kinh tế của các chủ thể trong nền kinh tế. Vì vậy, quan hệ sản xuất (quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý, quan hệ phân phối) trực tiếp quy định hệ thống lợi ích kinh tế, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

Cơ chế kinh tế cũng là yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế. Thực tiễn lịch sử cho thấy kinh tế tự nhiên hay cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp đều cản trở sự phát triển kinh tế. Cơ chế thị trường với tác động của quy luật giá trị, cạnh tranh, cung – cầu kích thích cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả sản xuất và tăng trưởng kinh tế nhanh. Nhưng cơ chế thị trường cũng có khuyết tật, gây bất bình đẳng xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên môi trường… nên đòi hỏi phải có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế kinh tế thích hợp nhất đối với sự phát triển nền kinh tế quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

– Những yếu tố thuộc về kiến trúc thượng tầng: kiến trúc thượng tầng xã hội bao gồm những quan điểm chính trị, pháp quyền, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật… cùng với những thiết chế xã hội tương ứng của chúng như nhà nước, đảng phái, các đoàn thể xã hội… có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế. Những bộ phận đó tác động đến các quan hệ kinh tế và sự phát triển xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau và theo những cơ chế khác nhau. Tác dụng của kiến trúc thượng tầng sẽ là tích cực khi nó tác động cùng chiều với sự vận động của quy luật kinh tế khách quan. Trái lại, nếu tác động ngược chiều với những quy luật đó thì nó sẽ là trở lực, gây tác hại cho sự phát triển sản xuất, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong sự tác động đó, chính trị có ảnh hưởng sâu sắc nhất và ngày càng tăng đối với sự phát triển kinh tế. Bởi vì, chính trị là sự biểu hiện tập trung của kinh tế.

0