Vài tổ chức cộng đồng của người Việt (làng)
Làng xóm của người dân ở Hòn Gai, Quảng Ninh- tác giả Brossard Đặng Thanh Bình Trong bài Quan hệ nhà nước – làng xã: Quá trình lịch sử và bài học kinh nghiệm của tác giả Nguyễn Quang Ngọc viết: “Trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc ...
Đặng Thanh Bình
Trong bài Quan hệ nhà nước – làng xã: Quá trình lịch sử và bài học kinh nghiệm của tác giả Nguyễn Quang Ngọc viết:
“Trên đất nước ta đã diễn ra quá trình tan rã của công xã thị tộc và thay vào đó là quá trình hình thành công xã nông thôn – hay nói một cách khác đấy là quá trình hình thành làng Việt. Mỗi làng bao gồm một số gia đình sống quây quần trong một khu vực địa lý nhất định. Ở đây, bên cạnh quan hệ địa lý – láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn và củng cố tạo thành kết cấu vừa làng vừa họ, hay kết cấu làng họ rất đặc trưng ở Việt Nam. Lúc này toàn bộ ruộng đất cày cấy cùng với rừng núi, sông ngòi, ao đầm trong phạm vi làng đều thuộc quyền sở hữu của làng. Ruộng đất của làng được phân chia cho các gia đình thành viên sử dụng theo những tục lệ mang tính chất bình đẳng, dân chủ của cộng đồng làng và có thể là phân chia một lần rồi có kết hợp điều chỉnh khi cần thiết. Đơn vị sản xuất chủ yếu trong làng là gia đình nhỏ. Ngoài những ruộng đất phân chia cho các thành viên cày cấy, làng có thể giữ một phần ruộng đất để sản xuất chung nhằm sử dụng hoa lợi thu hoạch vào những chi phí công cộng. Công việc khai hoang, làm thuỷ lợi và các hình thức lao động công ích khác đều được tiến hành bằng lao động hiệp tác của các thành viên trong làng. Làng Việt như thế, là một loại hình của công xã Phương Đông, trong đó nông nghiệp gắn liền với thủ công nghiệp, làng xóm gắn liền với ruộng đất, nên tự nó mang tính ổn định cao (…) Người Việt suốt thời kỳ thống trị của phong kiến phương Bắc đã không ngừng bảo tồn và củng cố cộng đồng xóm làng, biến xóm làng của mình thành những pháo đài chống Bắc thuộc, chống đồng hoá, dựa vào làng và xuất phát từ làng mà đấu tranh giành lại nước. Công xã nông thôn Việt Nam với kết cấu bền chặt của nó không những không bị giải thể mà trái lại có mặt còn được củng cố trong nghìn năm chống Bắc thuộc”
“Nhiều chuyên gia phương Tây đã nêu lên 3 đặc trưng cơ bản của làng cổ truyền: Về mặt chính trị là sự tự quản; về mặt kinh tế là tự cấp tự túc và về mặt xã hội là thuần nhất, cộng đồng. Và như thế có thể đồng nhất khái niệm làng cổ truyền với khái niệm công xã nông thôn”.
“Hương ước: Quá trình can thiệp của Nhà nước vào làng, dần dần biến làng thành một đơn vị hành chính cấp cơ sở của Nhà nước đương nhiên là quá trình hạn chế và thu hẹp dần quyền tự trị của làng xã. Tất nhiên làng xã (…) chống lại sự can thiệp đó của Nhà nước. Cuộc đấu tranh giằng dai giữa làng xã và Nhà nước, giữa tục lệ và luật pháp, giữa truyền thống tự trị với cách thức tổ chức quản lý tập trung thống nhất, khiến cho Nhà nước không thể không có nhân nhượng nhất định đối với làng xã trên nguyên tắc bảo đảm quyền quản lý của mình. Hương ước ra đời vừa đáp ứng nhu cầu tự trị, tự quản của làng xã, vừa khẳng định quyền quản lý làng xã của bản thân Nhà nước thống trị (…) Điều luật 260 trong sách Hồng Đức thiện chính thư (được ban hành vào năm 1464) khẳng định: nếu làng xã nào có những tục khác lạ thì được phép lập khoán ước nhưng phải nhờ viên chức nho giả là người đứng tuổi, có đức hạnh ngay thẳng giúp cho việc soạn thảo và phải trình lên quan chức các nha môn xem xét rõ các điều để phê chuẩn hay bác bỏ. Nếu ai vi phạm các quy định của nhà nước thì cho phép xã quan tố cáo lên nha môn để trị tội. Như thế, có thể coi đây là thời điểm xuất hiện của loại hình hương ước với tư cách là một bộ luật thành văn của làng xã, được Nhà nước chính thức cho phép soạn thảo và thừa nhận”.
Trong bài viết Làng, liên làng và siêu làng của tác giả Hà Văn Tấn viết:
“Chú ý đầy đủ đến các mối liên hệ giữa làng với bên ngoài, tức là những mối liên hệ ngoài cấu trúc. Có thể chia những liên hệ đó ra làm hai loại: Một loại gồm những liên hệ giữa làng này với làng khác, tức mối liên hệ giữa các hệ thống tương đương, mà ở đây chúng tôi gọi là liên hệ liên làng. Loại thứ hai gồm những liên hệ giữa làng với cộng đồng hay khu vực rộng lớn hơn, tức mối liên hệ giữa hệ thống coi làng với các hệ thống lớn chứa đựng nó, mà ở đây chúng tôi gọi là liên hệ siêu làng. Cộng đồng siêu làng rộng hẹp với các thứ bậc khác nhau. Khi cộng đồng tộc người đã tiến tới trình độ dân tộc thì cộng đồng siêu làng lớn nhất là nước, là dân tộc (…) Chính từ những mối liên hệ siêu làng mà hình thành ý thức cộng đồng siêu làng, rồi từ ý thức cộng đồng siêu làng tiền dân tộc hình thành ý thức cộng đồng siêu làng dân tộc, chứ không phải ý thức cộng đồng làng phát triển thành ý thức cộng đồng dân tộc”.
Trên là những nhận định về Làng, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp những điểm quan trọng liên quan tới đối tượng này:
* Trước hết là về nguồn gốc, Làng (của người Việt) được hình thành như thế nào ?
Trong buổi bình minh của loài người, các cá nhân sống quần tụ với nhau thành nhóm, nguyên nhân suy cho cùng là bởi sinh tồn, người Việt cũng không loại trừ. Những nhóm người này về cơ bản là có cùng huyết thống. Khi người Việt thoát khỏi đời sống săn bắn hái lượm, hình thành nền nông nghiệp. Thì vẫn giống như giai đoạn trước, dưới áp lực từ thiên nhiên các cá nhân phải sống quần tụ với nhau duy trì cộng đồng. Tuy nhiên có vài điểm khác biệt trong 2 nhóm cộng đồng này, đó là: Ở thời kỳ săn bắn hái lượm, các nhóm người có chung huyết thống là chính và lãnh thổ, tuy nhiên sang thời kỳ nông nghiệp thì cộng đồng (Làng) lại có điểm chung về lãnh thổ là chính và huyết thống. Đây cũng là việc dễ dàng lý giải, khi căn cứ vào hình thức sản xuất của từng thời kỳ. Cũng phải nói thêm, địa hình sinh sống của người Việt cũng rất đặc thù, các vùng đất được chi tách bởi những con sông, việc này cũng góp phần hình thành nên các cộng đồng Làng. Trong khi các cộng đồng người Việt chưa tiến tới hình thành một hệ thống quyền lực tập trung, thống nhất thì đã bước vào sự đối kháng với sự áp đặt một hệ thống quyền lực từ phương bắc. Thế nhưng hệ thống quyền lực mà người phương bắc thiết lập được lại không đủ với tới từng cá nhân. Do vậy mà cộng đồng Làng lúc này lại giữ vai trò quan trọng trong sự đối kháng giữa phương nam với phương bắc và giữa tự do của mỗi cá nhân, quyền lợi của tầng lớp hào trưởng với hệ thống quyền lực đô hộ. Về góc độ cấu trúc thì có thể nhìn nhận đây là sự đối kháng giữa hệ thống đô hộ với tổ chức Làng, về sâu xa là xung đột giữa quyền lợi của người Việt với chính quyền phương bắc. Chính những xung đột này đã càng làm cho cộng đồng Làng bền chặt, tiến triển, do đó có vai trò quan trọng trong xã hội và ảnh hưởng sâu đậm tới tình cảm, nhận thức của cá nhân.
Không những là đối trọng với hệ thống đô hộ, mà Làng còn trở thành đối trọng với hệ thống quyền lực của chính thể có tính chính danh. Đây là một điểm khá thú vị. Sự việc dường như không phải là kết quả của quán tính. Đến đây, Làng dường như đã rũ bỏ những hình thái lịch sử, để trở lại với đúng bản chất của nó, là một cộng đồng có tổ chức mang tính đối kháng với các chính thể. Bằng cớ rõ rệt qua câu tục ngữ “phép vua thua lệ làng”. Qua cấu trúc của Làng, chúng ta thấy đây là một cộng đồng có tổ chức tương đối dân chủ. Ở đó các cá nhân được tự do lựa chọn người đứng đầu với tên gọi trưởng làng hoặc cùng tham gia đề xuất lệ làng. Có lẽ chính vì tính chất thể chế (dân chủ và quân chủ) mà lịch sử đã đặt Làng trong đối trọng với Chính thể, mà bản chất là sự đối kháng giữa những hệ tư tưởng.
Một câu hỏi khác cũng rất thú vị là: Nếu như người phương bắc không đủ sức để xoá bỏ làng, trong khi các chính thể của người Việt sau này, dù có khả năng để xoá bỏ làng bằng cách hành chính hoá làng, nhưng vì sao lại không thực hiện ? Mà chỉ can thiệp vào thông qua Hương ước. Có lẽ câu trả lời nằm trong cấu trúc của làng! Làng có cấu trúc khá đa dạng không cố định, có thể tự biến đổi, tự thành và tự tan, trong khi hệ thống hành chính thì khô cứng nên không thể lên khuân được làng. Do vậy mà những cố gắng của chính thể trong việc kiểm soát làng cũng chỉ dừng lại ở hương ước mà thôi. Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của làng quan trọng với người Việt như vậy, nên hình thành tập quán coi trọng lệ làng mà khinh thường luật pháp. Khi mô hình kinh tế thay đổi, nền sản xuất công nghiệp lớn thế chỗ nền nông nghiệp nhỏ, khi ấy những điều kiện hình thành làng mất đi. Làng sẽ lụi tàn, tuy nhiên tập quán sống thành cộng đồng làng ở người Việt chưa mất ngay được, nó sẽ được tái hiện dưới một hình thức tổ chức nào đó, có thể là lẻ tẻ, ở những nơi và những thời điểm khác nhau.
* Về cấu trúc của làng:
Làng thường gắn với một số đặc trưng sau. Trước hết, làng thường có đình (nằm ở vị trí giữa làng). Làng thường được bao bọc bởi tre, mương, đồng. Làng thường có 1 con đường chính, chạy theo cấu trúc đầu làng – giữa làng – cuối làng. Làng thường có mối quan hệ với dòng họ, thường có khu mộ chung. Làng thường có lễ hội và thờ thành hoàng.
Trong bài Một kiến giải về nguồn gốc ngôi đình làng Việt Nam của Trần Thị Kim Anh viết: “ Nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên, trong một công trình nghiên cứu công phu về thành hoàng Lý Phục Man vào năm 1938, ông đưa ra giả thuyết: Đình vốn là hành cung của vua rồi sau mới thành đình làng.
Vào năm 1998, trong tập sách ảnh Đình Việt Nam của Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự, ở mục Nguồn gốc, các tác giả cho rằng “có chứng cứ về ngôi đình từ thời Lê Sơ” và qua một số chứng lý cùng việc so sánh ngôi đình với ngôi nhà rông, họ đi đến kết luận:
“Mặc dù còn thiếu chứng cứ, ta tin rằng Đình – ngôi nhà chung của làng xã đã xuất hiện từ lâu đời, nếu không phải là thời tiền sử thì cũng là thời sơ sử của dân tộc. Tất nhiên là ở thời đó chưa được gọi là Đình – một từ vay mượn của Trung Hoa”. Ngoài ra các tác giả còn khẳng định, đình làng có hai chức năng: thờ thành hoàng làng (tôn giáo) và hội họp, giải quyết các công việc của làng xã (hành chính) tuy nhiên không phải ngay khi mới xuất hiện ngôi đình đã hội đủ cả hai chức năng đó cùng một lúc.
Gần đây nhất là nghiên cứu của Đinh Khắc Thuần. Trong sách Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia (2001), ở mục Nguồn gốc ngôi đình, qua phân tích một số chứng lý, ông đi đến kết luận: Đình làng xuất hiện sớm nhất là vào thời Lê sơ thế kỷ XV, khi làng xã đã phát triển và định hình là một đơn vị hành chính độc lập, để đáp ứng nhu cầu thờ cúng thần linh và hội hè đình đám của làng xã.
(…)
Vậy là ngoài một số địa điểm sinh hoạt cộng đồng như miếu đền thờ thần linh Thành hoàng thổ địa vốn đã tồn tại trong các cộng đồng dân cư, cho đến thời Lê sơ, với những chức năng xã hội quan trọng như đã nói trên, Thân minh đình đã trở thành một địa điểm sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong các làng xã”.
Trong Thần, người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường viết: “Những cung đường đòi hỏi những trạm dừng chân cho người, cho ghe thuyền, một phần do chính quyền tổ chức, một phần do tư nhân – đúng hơn là do các tập đoàn thế lực địa phương lập ra. Chỗ dừng chân đó mượn một từ Hán gọi là đình”.
Như chúng ta tìm hiểu ở trên, làng là một cộng đồng tổ chức đặc biệt trong xã hội của người Việt, thường (chỉ) đi kèm với làng là đình, như vậy thì rõ ràng đình được hình thành trên cơ sở làng. Cứ vào vị trí của đình trong làng, chúng ta nhận thấy đình ra đời chính là việc đáp ứng những nhu cầu chung của cộng đồng người sinh sống trong làng. Trong đó, bao gồm cả lời tuyên bố về sự tồn tại của làng cũng như tính tự trị của làng. Đình giữ vai trò là nơi tập trung quyền lực cao nhất trong làng. Tuy nhiên trong lịch sử, khi làng mở rộng với thế giới bên ngoài, thì đình thực hiện thêm những chức năng về ngoại giao, tiếp đón. Không phải làng nào cũng có đình, khi làng hình thành tương đối ổn định, khi ấy đình mới xuất hiện, không phải làng nào cũng có lễ hội, chỉ khi làng hình thành tương đối ổn định trong một thời gian dài mới xuất hiện lễ hội. Đình và lễ hội là những yếu tố biểu hiện các cấp độ của làng. Nếu đình là lời tuyên bố về sự tồn tại, tính tự trị (mang tính chất chính trị) thì lễ hội là lời tuyên bố về sự tồn tại văn hoá của làng.
Tiểu kết: Làng là một cộng đồng có tổ chức trong đời sống xã hội của nhiều tộc người. Đối với người Việt, làng giữ vai trò là đối trọng về quyền lực với hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước.