18/06/2018, 16:54

Vài cảm nghĩ về một hình tượng

Những tượng Phật lớn nhất thế giới Trương Hoàng Minh Vào ngày Phật Thích Ca đản sinh, tất cả các chùa, thiền viện đều tổ chức lễ kỷ niệm với những hình tượng và nghi thức trang nghiêm, long trọng. Trong số những hình tượng đó có tượng Phật Thích Ca sơ sinh, đầu đội mũ ni, cởi trần, ...

Untitled

Những tượng Phật lớn nhất thế giới

Trương Hoàng Minh

Vào ngày Phật Thích Ca đản sinh, tất cả các chùa, thiền viện đều tổ chức lễ kỷ niệm với những hình tượng và nghi thức trang nghiêm, long trọng. Trong số những hình tượng đó có tượng Phật Thích Ca sơ sinh, đầu đội mũ ni, cởi trần, choàng miếng vải từ  bụng xuống đùi, bước bảy bước có hoa sen đỡ chân, đứng trên hoa sen thứ bảy, tay chỉ trời tay chỉ đất, miệng nói “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”.

Đây là việc thần thánh hóa đức Phật Thích Ca. Tuy nhiên, nó không phải bắt đầu từ lúc nầy mà từ khi Ngài chưa ra đời. Chuyện kể rằng, vua Tịnh Phạn đã lớn tuổi mà chưa có con trai nối ngôi nên ông cùng Hoàng hậu Ma Da thường xuyên đến các đền thờ thần linh cầu khẩn. Một đêm, Hoàng hậu nằm mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên không bay xuống khai hông phải của bà, chui vào bụng, thế là bà có thai. Đến ngày khai hoa nở nhụy, Hoàng hậu đi chơi vườn thượng uyển, vói tay vin cành hoa Vô ưu thì hông phải nứt toát ra và đức Phật chào đời. Ngài còn có đến 32 tướng tốt trải đều từ đầu, mình đến tứ chi và năm giác quan cùng những đặc tính phi thường của một vị thánh. Kinh “Sơ Đại Bổn Duyên” (Trường A Hàm, Đại tạng kinh) viết về các việc nầy như sau:

(Trích) “Bồ tát trước khi vào thai trong bụng mẹ là ở tại cung trời Đâu Suất…. Bồ tát từ cung trời Đâu Suất giáng thân vào thai mẹ thì chuyên niệm không loạn, đồng thời tâm mẹ ngài thanh tịnh, không có những tư tưởng đục nhiễm, không bị lửa dục thiêu đốt…”.  

Lúc mới nhập thai thì chỗ tối tăm nhất cũng đều nhờ ánh sáng tự thân mà chói sáng. Đến khi ngài sanh ra từ hông bên phải của mẹ thì cõi đất chấn động, hào quang chiếu sáng khắp nơi…Bồ tát đương lúc sinh ra từ hông phải thì chuyên niệm không loạn, ngài từ hông phải đản sinh và bước xuống đất, đồng thời đi bảy bước, không cần người nâng đỡ. Ngài nhìn khắp bốn phương và đưa tay lên nói rằng “Trên trời dưới đất duy chỉ có ta là tôn quí. Ta muốn độ chúng sinh thoát khỏi khổ, sanh, già, bệnh, chết”.

“Thái tử đã có đủ 32 tướng tốt thì sẽ theo một trong hai con đường, quyết chắc không sai. Nếu ở nhà sẽ làm Chuyển Luân thánh vương, nếu xuất gia sẽ thành bậc Chánh Giác có đủ mười hiệu”.

Nhớ lại hồi còn trong gia đình Phật tử tôi cũng được học như vậy. Lúc bấy giờ tôi rất ngưỡng mộ Ngài, nghĩ Ngài là “ông Bụt” có nhiều phép mầu trong các chuyện cổ tích chuyên giúp đỡ, ban phước cho trẻ con và người tốt. Trong các bộ kinh Đại thừa như A Di Đà, Kim Cang, Pháp Hoa, Duy Ma Cật…hình ảnh của Ngài cũng không khác trước là bao. Sau khi tiếp xúc với sử liệu, tài liệu nghiên cứu Phật giáo và nhất là những bài kinh đầu tiên của Phật Thích Ca, tôi mới vỡ lẽ và hoài nghi, người ta thần thánh hóa, cường điệu hóa đức Phật với mục đích gì? Có lợi ích gì trong việc tu tập?

Theo sử liệu và tài liệu nghiên cứu Phật giáo của các học giả danh tiếng trên thế giới, Phật Thích Ca cũng là con người bình thường, được cha mẹ sinh ra như những đứa trẻ khác, cũng có vợ con, buồn vui, già, bệnh, chết như chúng ta. Hay nói cách khác là tính con người của Ngài không thể bác bỏ được. Ngài chỉ vượt trội, khác thường hơn chúng ta ở chỗ có Trí tuệ siêu việt, là một đại hiền triết cùng thời với Lão Tử bên Trung quốc và Heraclitus ở Hy Lạp cổ đại. Do đó, Ngài đã thấy được Chân như “đúng như nó là” rồi truyền lại cho chúng ta, và, cái nhiệm vụ thiêng liêng cao quí đó thành toàn sau khi Ngài nhập diệt (chết). Từ bấy cho đến nay Ngài không một lần xuất hiện lại trên thế gian nầy, chỉ có giáo lý của Ngài tồn tại mãi với thời gian. Giáo lý của Ngài cũng không quan tâm đến các thực thể tâm linh (thượng đế, thánh thần, linh hồn, ma quỉ), nghi thức và cúng tế; cũng không nói đến việc con người sau khi chết sẽ về đâu mà chỉ nhấn mạnh mối quan hệ nhân quả của họ với nhau và với những sự việc, biến cố xảy ra chung quanh họ trong cuộc sống hiện tại. Những điều nầy đã được Ngài nói rõ trong bài thuyết pháp đầu tiên trước năm anh em Kiều Trần Như sau khi thành đạo.

Nhìn chung, việc thần thánh hóa Phật Thích Ca không phải cá biệt mà còn rất phổ biến trong các tôn giáo lớn nhỏ khác trên khắp thế giới. Bất cứ tôn giáo nào cũng đều không muốn giáo chủ mình là người tầm thường, xuất thân nơi thấp kém. Cho nên, việc thần thánh hóa các vị giáo chủ có mục đích đề cao nơi xuất thân tôn quí của các vị ấy, nâng cao vị trí vai trò ưu việt của tôn giáo, tạo sự khác thường, hấp dẫn, thu hút người khác theo đạo. Mỗi tôn giáo đều có cách thần thánh hóa khác nhau, không đạo nào giống đạo nào. Riêng trường hợp của Phật Thích Ca thì do mấy nguyên nhân sau:

-Một là, trước và sau khi Ngài ra đời, đất nước Ấn Độ bị đạo Bà la môn thống trị khoảng 1500 năm. Đây là tôn giáo đa thần, thờ phụng hàng ngàn vị thần, thực hiện hàng ngàn nghi thức cúng tế khác nhau. Từ vua quan cho đến thứ dân đều tin tưởng vào thần linh, những lời thiên khải, tiên tri huyền bí của họ thông qua các nhà thông thái gọi là “Thấu thị Vệ đà” và những bài thánh ca, chuyện truyền thuyết, huyền thoại, thần thoại trong dân gian và các kinh “Vệ đà” (Veda) và trường thi “Chí Tôn ca” (Bhagavad Gita) nên đạo Phật bị ảnh hưởng không nhiều thì ít chứ không thể không ngơ.

-Hai là sau khi Phật nhập diệt, đạo bị chia năm xẻ bảy, giáo lý, niềm tin bị sai lệch là lẽ đương nhiên. Như vào khoảng năm 75 TCN, phái “Thuyết nhất hữu bộ” tổ chức đại hội kết tập kinh điển ở Kashmir dưới sự bảo trợ của vua Kushan. Là một Phật tử nhưng ông lại thiên về Bà la môn nên đưa tư tưởng đạo nầy vào đạo Phật. Phái Đại Thừa lại được hình thành lúc nầy cho nên họ tán thành và ca ngợi việc làm của vua Kushan và bắt đầu tạo ra các nhận vật huyền thoại và các chuyện truyền thuyết, thần thoại theo kiểu của vùng đông Ấn Độ để hấp dẫn, thu hút tín đồ. Hầu hết kinh điển Đại Thừa đã nói lên điều đó.

-Ba là, đạo Phật nhiều phen suy vi vì đạo Bà la môn áp chế. Vào thế kỷ thứ 7, đạo nầy cải tiến thành Ấn Độ giáo. Từ đó trở về sau, Phật giáo lại có thêm ảnh hưởng của tư tưởng Ấn Độ giáo vì trong Thánh điển Garuda của đạo nầy cho rằng đức Phật là hóa thân của thần Vishnu (là đấng bảo hộ, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo).

-Bốn là phái Đại Thừa phát triển mạnh ở Trung quốc, một đất nước tôn thờ thần thánh không thua Ấn Độ, là môi trường lý tưởng cho những nhân vật siêu nhiên huyền thoại, những chuyện truyền thuyết, thần thoại sinh sôi nảy nở. Phật giáo nước ta lại ảnh hưởng Phật giáo Trung quốc hàng ngàn năm trên nhiều lãnh vực nên nhiều tông phái ở nước ta sao chép rập khuôn là chuyện không tránh khỏi. Đây là nguyên nhân chính của việc thần thánh hóa đức Thích Ca ở nước ta.

Tôi không có ý bài bác việc thần thánh hóa đức Thích Ca vì nó đã được Phật giáo Bắc tông thực hiện hàng ngàn năm qua cho nên hành động của tôi cũng như ném một cục muối nhỏ xíu xuống biển vậy, nhằm nhò gì. Hơn nữa, trong Giáo hội PGVN hiện nay có nhiều chư tôn đức đạo cao đức trọng, học rộng biết nhiều còn chưa dám làm thì tôi làm sao dám bẻ nạng chống trời? Mục đích của tôi là mượn lời nói của Phật trong bài thuyết pháp đầu tiên với năm anh em Kiều Trần Như làm bằng chứng cho mọi người thấy Ngài đã gián tiếp nhận mình là con người bằng xương bằng thịt được cha mẹ sinh ra như bao đứa trẻ khác. Tôi xin trở lại quá khứ một chút.

Trước và sau khi Phật Thích Ca ra đời, nước Ấn Độ đã có đạo Bà la môn nhưng xã hội vẫn đầy dẫy bất công, những giai cấp dưới vẫn thiếu thốn, nghèo đói, cuộc sống tối tăm, khổ đau bất hạnh. Sau khi sanh ra và lớn lên, Phật Thích Ca thấy được những điều đó nên năm 19 tuổi, Ngài bỏ ngai vàng, cung son điện ngọc, vợ đẹp con thơ ra đi tìm đường giải thoát khổ não cho chúng sinh. Lúc bấy giờ đã có nhiều vị tu sĩ Bà la môn đi tu trước Ngài, hành đạo theo nhiều phương pháp khác nhau như học tập kinh Vệ đà, tu tại gia, đi vân du, tu du già, tu khổ hạnh. Trong số đó có hai vị tôn giả nổi tiếng nhất là Alar Kadam và Uddaka Ramputta. Ngài lần lượt tìm đến tham khảo, học tập kinh nghiệm với từng người nhưng không đạt được gì. Cuối cùng, Ngài đến tu khổ hạnh cùng năm anh em Kiều Trần Như một thời gian, sau đó tách ra tu riêng một mình.

Có hai cách tu khổ hạnh. Cách thứ nhất là tự hành hạ mình bằng những hành động bạo lực rất đau đớn như dùng roi quất mạnh vào thân thể, đi trên than lửa và ghê rợn như nằm giữa những thây ma thối rữa… Cách thứ hai là ép xác, hạn chế tối đa thực phẩm, thức uống và các bữa ăn hàng ngày, mỗi ngày mỗi ít dần. Ngài chọn cách thứ hai. Dù cách nầy nhẹ nhàng hơn cách thứ nhất nhưng hậu quả của nó cũng vô cùng thãm hại. Sau sáu năm tu khổ hạnh, thân thể Ngài chỉ còn da bọc xương, sức khỏe lụi tàn như ngọn đèn cạn dầu mong manh trước gió và suýt chết nếu không được một người con gái chăn bò tốt bụng, thương tình cho uống bát sữa bò. Tỉnh lại, Ngài thấy sự chọn lựa khổ hạnh là sai lầm nghiêm trọng, chẳng những không tìm ra được đạo mà còn thiệt thân. Ngài bèn bỏ con đường cũ, ăn uống lại bình thường, bước sang con đường mới, thực hiện thiền quán và sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định quán chiếu dưới cội Bồ đề, tìm ra được Đạo.

Sau khi thành đạo, đức Phật về thăm các vị tu sĩ Bà la môn trước kia nhưng hai vị đó đã chết, Ngài bèn đến thăm năm anh em Kiều Trần Như, kể cho họ nghe mọi chuyện xẩy ra với Ngài trong thời gian tu khổ hạnh, quá trình tham thiền nhập định, tìm ra được đạo và giảng cho họ nghe về cái đạo của mình.

Đạo của Ngài chủ yếu nói về Khổ, nguồn gốc sinh ra Khổ và con đường diệt Khổ. Theo Ngài thì mỗi người đều có hai lối sống, một là sống khoái lạc, hai là sống khổ hạnh, tự hành xác mình. Những người sống khoái lạc thường bảo nhau hãy hưởng thụ thả cửa đi kẻo mai không còn sống nữa. Những người sống khổ hạnh thì nói ngược lại, phải diệt tất cả các đòi hỏi vì chúng tạo ra khổ não luân hồi. Ngài bác bỏ cả hai cách sống đó vì chúng đều cực đoan, không tốt cho con người và đề ra cách sống tốt nhất là không thiên bên nào mà phải sống ở chính giữa hai con đường khoái lạc và khổ hạnh mà Ngài gọi là “Trung Đạo”.

 “Chư khất sỹ, quý vị nên biết rằng có hai cực đoan mà con người không nên theo. Một là cái thói quen buông thả để bị cuốn hút vào các đam mê quyến rũ, nhất là nhục dục. Đấy là cách tìm kiếm thỏa mãn một cách man rợ, thấp hèn, bất lợi. Cách thứ hai, ngược lại, là khổ hạnh hay tự hành xác, là lối sống đau đớn, thấp kém, bất lợi. Có một lối ở giữa tránh được cả hai cực đoan đó mà quý vị nên biết. Đấy là cái Trung Đạo mà tôi rao giảng đó”.Ngài nói.

Con đường “Trung Đạo” không triệt tiêu khoái lạc và khổ hạnh mà kềm hãm, hạn chế tối đa sự thèm khát, ép xác. Mọi người, trước khi trở thành Tu sĩ, bất cứ ai cũng có nhiều thèm khát cháy bỏng dục lạc thế gian, tiền tài danh lợi, sung sướng hạnh phúc. Sau khi trở thành Tu sĩ, những thèm khát đó được thay thế bằng những thèm khát “thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải”, giải thoát khổ não, chứng đắc Bồ đề. Hai loại thèm khát nầy luôn tồn tại trong tâm thức họ, chỉ khác nhau ở chỗ chúng biểu hiện yếu hay mạnh mà thôi. Còn ép xác, nó không chỉ ép thân thể mà còn ép cả tinh thần. Khi thân thể bị hành hạ, không được ăn uống đầy đủ sẽ ốm o gầy mòn, nhiều bệnh tật thì tinh thần chỉ lo tìm cách chống lại đói khát, đau đớn chứ có thời gian đâu nghĩ và làm chuyện khác? Một thân thể tráng kiện mới có một tinh thần minh mẫn, còn một thân thể yếu đuối bệnh hoạn thì chỉ có một tinh thần bạc nhược u tối mà thôi. Để có thân thể tráng kiện, tinh thần minh mẫn chỉ có cách duy nhất là không tự hành hạ mình, ăn uống đầy đủ, sinh hoạt bình thường. Thèm khát và ép xác lại xuất phát từ vọng tâm, “Vọng tâm sinh khởi thì các pháp đều sinh khởi. Vọng tâm diệt đi thì các pháp đều diệt” (Tổ Mã Minh), cho nên muốn kềm hãm, hạn chế được chúng trước tiên phải chế ngự được cái vọng tâm.

Đó là những trải nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm quí báu mà Phật Thích Ca đã rút ra được từ bản thân sau thời gian tu khổ hạnh và nhất là sau khi suýt chết và được sống lại. Ngài truyền những kinh nghiệm đó cho các vị tôn giả,“Hiện bản thân chư vị vẫn còn năng động và tiếp tục thèm khát khoái lạc, cả phàm tục lẫn thiên đàng, thì phải chăng sự tu hành ép xác của các ngài đều đã vô ích?. Làm sao quý vị có thể giải thoát mình ra khỏi phàm ngã bằng lối sống tự hành xác khốn khổ đó, nếu cách sống ấy không dập tắt được lửa thèm khát? Chỉ khi nào cái Ta trong các ngài được chế ngự để thoát khỏi nổi dục vọng, thì các ngài mới hết ham muốn dục lạc phàm tục. Và này, sự đáp ứng những nhu cầu thiên nhiên sẽ không làm ai ô uế cả. Hãy ăn uống đầy đủ cho những gì cơ thể các ngài cần”.

“Các loại nhục dục đều làm người ta bạc nhược. Con người mê dâm dục trở thành nô lệ của sự đam mê của mình. Tất cả các việc tìm kiếm khoái lạc đều là hèn hạ và thô tục. Nhưng tôi xin nói với chư vị rằng, sự đáp ứng những nhu cầu của đời sống không là việc xấu xa. Giữ thân thể khỏe mạnh là bổn phận đấy, vì nếu không thì quý vị không thể có trí óc mạnh khỏe sáng suốt, và ngọn đèn trí tuệ không thể sáng được.”

Mục đích của con đường “Trung Đạo” là giúp mọi người nhận thức được phiền não có đầy dẫy trong cõi đời, trừ khử vô minh và giải thoát khổ não ra khỏi cuộc sống. Phật khẳng định “Thật đấy, chư khất sỹ. Bất cứ một cư sỹ hay tu sỹ nào mà không thấu hiểu được rằng sự khổ đau của đời và cách thoát khỏi chúng là mục đích chính của Đạo, thì theo ý tôi họ không phải là cư sỹ hay tu sỹ. Và suốt đời những ‘ngài cao quý’ ấy chắc cũng sẽ không hiểu nổi ý nghĩa thật của Đạo là gì”. Ngoài ra, con đường “Trung Đạo” còn là niềm hy vọng, hy vọng diệt khổ.

Phật Thích Ca còn chỉ cho các vị tôn giả về cách hành đạo của Ngài. Ngoài việc thực hành Tám thánh đế, còn phải thực hành cả Giới đạo và Hạnh đạo. Giới đạo là ngũ giới: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nó là năm nguyên tắc căn bản trong cuộc sống để trở thành con người tốt. Ngài nói, “Giới đạo dạy rằng ai ước muốn trở thành một người tốt cũng phải nhận mấy nguyên tắc sống căn bản làm nguyên tắc sống của mình. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tuân thủ các nguyên tắc này là việc thiết yếu của mọi người. Vì ai cũng phải nhờ vào các nguyên tắc này để kiểm soát mọi hành vi của mình. Và theo tôi thì những nguyên tắc này phải trở thành tiêu chuẩn sống của mọi người.”

Hạnh đạo gồm có: Đạo đức, Từ bi, Bố thí, Xả, Ly, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Chân thật, Quảng đại, Kiên quyết.

Đạo đức là tránh làm điều ác, chỉ làm điều thiện, biết xấu hổ khi làm điều sai trái. Từ bi là đem yêu thương đến với mọi người và chia xẻ, giải tỏa khổ đau, bất hạnh của họ. Bố thí là tự nguyện cho đi để giải trừ mọi khổ đau của người nghèo đói và thúc đẩy mọi sự tốt lành. Xả là bình thản, không quan tâm vướng bận với bất cứ thứ gì, tuy nhiên nó hoàn toàn khác với dửng dưng. Ly là xa lìa những dục lạc phàm tục, cần thiết cho những việc vị tha. Tinh tấn là siêng năng, chuyên cần, không lùi bước trước khó khăn trở ngại. Nhẫn nhục là chịu đựng, khoan dung, không thù hằn oán ghét. Chân thật là đúng như nó là, không sai không khác. Quảng đại là sự tương thân không chỉ giữa con người với con người, mà với tất cả mọi sinh vật. Kiên quyết là chắc dạ vững lòng để đạt được mục đích.

Những phẩm hạnh nầy phải được thực hiện một cách tuyệt đối chúng mới có ý nghĩa tột đỉnh, đích thực. Nhưng, để được như vậy, nó đòi hỏi người thực hiện phải có đủ Trí tuệ, không đủ Trí tuệ họ sẽ nghĩ và làm sai lệch hoặc mù quáng. Phật giải thích:

“Vì nếu như thế (không có trí tuệ) thì một đứa trẻ sơ sinh cũng có thể tự nhận rằng mình đang làm việc thiện hay sao? Đứa trẻ còn chưa biết thân thể nó là gì, thì nó còn làm được điều gì bằng thân thể nó tốt hơn là việc đạp, đá loạn xạ. Nó chưa biết lời nói là gì, thì nó phát biểu được điều gì tốt hơn là khóc nhè. Nó chưa biết ý nghĩ là gì ngoài việc khóc cho đã. Nó chưa biết kiếm ăn bằng cách nào tốt hơn là bú sữa mẹ, nói gì đến đi làm những việc xấu xa”.

Quí hóa thay! Những lời nói chân thành trên còn phủ nhận những gì người đời sau thần thánh hóa Ngài. Sau khi thành đạo, Ngài lại tự nhận một lần nữa mình là người thầy, người chỉ đường cho chúng sinh thoát khổ, chứng đắc Bồ đề. Ngài còn tự đặt mình ngang hàng với chúng sinh bằng câu nói nổi tiếng “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Một sự bình đẳng trên cả tuyệt vời, thử hỏi có vị giáo chủ của tôn giáo nào có can đảm nói được như Ngài?. Đó là sự thật, nó như chiếc dùi trong bọc vải, dù bưng bít thế nào, lộng giả thành chân ra sao thì đến một ngày nào đó nó cũng sẽ ló đầu ra. Và, nó đã ló ra được chút đỉnh nhưng chưa đủ điều kiện, chưa đủ mạnh để thoát khỏi cái bọc vải.

Tóm lại, việc thần thánh hóa Phật Thích Ca cũng là một đạo hạnh. Tuy nhiên, làm bất cứ việc đạo hạnh nào cũng phải có Trí tuệ. Trí tuệ và Từ bi là hai trụ cột chính nâng đỡ ngôi nhà Phật giáo, nếu không có nó, ngôi nhà đồ sộ kia làm sao đứng vững và tồn tại hơn 2500 năm nay trước nhiều phong ba bão táp?. Phập lại dạy rằng, sau khi nghe giáo lý của Ngài, chúng ta chớ vội tin ngay, làm theo ngay mà hãy dùng Trí tuệ xét kỹ trước khi thực hiện (văn-tư-tu). Bất cứ việc làm nào nếu không có sự tham gia của Trí tuệ, nó sẽ trở thành việc xấu hoặc việc tốt mù quáng. Nó sẽ trở thành cái màn vô minh làm mờ Chánh kiến, không phát huy được chánh tín, sa đà vào con đường mê tín, không hiểu được ý nghĩa chân thật của Đạo. Các vị cao tăng cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu Phật giáo có uy tín trên thế giới và Việt Nam đã nhìn ra sự thật và cho rằng những loại thần luận và thần thoại bao quanh Phật Thích Ca và các lĩnh vực khác đều là những hình thức biến tướng của Phật giáo./-

—————-

Sách tham khảo:                                                            

“Đức Phật và đạo pháp của Ngài” của

Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambadkar, trích

“Bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật”,

Trịnh Bách dịch (www.nghiencuulichsu.com).

0