Tuần 6 – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Tuần 6 – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nguyễn Đình Chiểu là một cây bút xuất sắc của văn học Nam Bộ nói riêng và văn học dân tộc nói chung. Cuộc đời ông là tấm gương lớn về ý chí và nghị lực sống, về lòng yêu nước thương dân nồng nàn tha ...
Tuần 6 – Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nguyễn Đình Chiểu là một cây bút xuất sắc của văn học Nam Bộ nói riêng và văn học dân tộc nói chung. Cuộc đời ông là tấm gương lớn về ý chí và nghị lực sống, về lòng yêu nước thương dân nồng nàn tha thiết và về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất trước kẻ thù xâm lược.
2. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc ra đời vào khoảng cuối năm 1861, đầu năm 1862, trước khi triều đình kí hoà ước nhượng ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho thực dân Pháp. Vào thời điểm này, thành Gia Định đã thất thủ, Nguyễn Đình Chiểu lánh về Cần Giuộc. Trước thế giặc mạnh, phong trào kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam Kì không tránh khỏi những thất bại nặng nề. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu ra đời trong lúc đó. Nó khích lệ cao độ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc và ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói lần đầu tiên trong văn học dân tộc, người nông dân nghĩa sĩ chống ngoại xâm đã được dựng một bức tượng đài bất tử.
II – HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI
A – Tác giả
1. Những nét chính về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:
Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho, cha người gốc Thừa Thiên – Huế. Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài tại trường thi Gia Định. Năm 1846, ông ra Huế học, chuẩn bị thi tiếp thì nhận được tỉn mẹ mất, ông phải bỏ thi về chịu tang mẹ. Dọc đường về, Nguyễn Đình Chiểu đau mắt nặng rồi bị mù. về quê, không khuất phục trước số phận oan nghiệt, nhà thơ mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân rồi cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn mưu tính kế đánh giặc và sáng tác nhũng vần thơ đánh giặc cháy bỏng căm hờn, sôi sục ý chí chiến đấu.
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương giàu nghị lực, giàu lòng yêu nước và tinh thần bất khuất kiên cường trước kẻ thù xâm lược. Dù bị tàn tật, ông vẫn là một thầy giáo tận tâm, là một thầy thuốc giàu y đức và là một nhà thơ xuất sắc. Ở cương vị nào ông cũng làm việc và cống hiến hết mình.
2. a) Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho, bởi thế mà tư tưởng đạo đức, nhân nghĩa của ông mang tinh thần của Nho giáo. Mặc dù vây, Nguyễn Đình Chiểu còn là một trí thức nhân dân, suốt đời sống nơi thôn xóm, giữa những người "dân ấp, dân lân" tâm hồn thuần hậu, chất phác nên tư tưởng đạo đức của ông có nhiều nét mang phong cách rất dân dã của những người nông dân thuần phác. Nguyễn Đình Chiểu thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa là tình thương yêu con người, sẵn sàng cưu mang con người trong cơn hoạn nạn; nghĩa là những quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trong xã hội, tình cha con, nghĩa chồng vợ, tình bạn bè, xóm giềng, tinh thần hiệp nghĩa sẵn sàng cứu khốn phò nguy,…
Những nhân vật lí tưởng trong Truyện Lục Vân Tiên hầu hết là đều là những người dân thường, sinh trưởng trong những nơi thôn ấp nghèo khó (những nho sinh như Vân Tiên, Tử Trực, Hớn Minh; những ông Ngư, ông Quán, ông Tiều, bà lão dệt vải,…). Tàm hồn của họ ngay thẳng, không màng danh lợi, không tham phú quý, sẵn sàng ra tay cứu giúp người hoạn nạn. Trước Nguyễn Đình Chiểu, nhân nghĩa vẫn được xem là phạm trù đạo đức lí tưởng, chí có ở bậc thánh nhân, những người quân tử thuộc tầng lớp trên. Đến Nguyễn Trãi, nhân nghĩa cũng đã hướng đến người dân. Ông kêu gọi nhà cầm quyền nhân nghĩa với dân, thời chiến thì lấy nhân nghĩa để thắng quân bạo ngược, thời bình thì đưa nhân nghĩa vào chính sự, khoan sức cho dân. Tuy nhiên, phải đến Nguyễn Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân. Điều đó giải thích tại sao nhân dân, đặc biệt là cư dân vùng đất mới Nam Kì, vốn rất xem trọng mối liên hệ gắn kết giữa con người với con người trên cơ sở chữ nghĩa truyền thống, tiếp nhận tác phẩm cúa Nguyễn Đình Chiểu nồng nhiệt đến thế.
b) Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ văn.yêu nước ở thời kì đầu chống Pháp xâm lược để bảo vệ Tổ quốc. Đây là thời kì khổ nhục nhưng vĩ đại (Phạm Văn Đồng) của dân tộc. Đất nước mất dần vào tay giặc trước mắt nhà thơ. Các phong trào chống Pháp cũng lần lượt thất bại, người yêu nước thế hệ này nối tiếp thế hệ khác đã ngã xuống chiến trường. Nhưng "Súng giặc đất rền, lòng dân trời tỏ". Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu đã làm sáng tỏ chân lí đó. Ông khóc than cho Tổ quốc buổi đầu gặp thương đau:
Khóc là khóc nước nhà cơn bấn loạn, hôm mai vắng chúa; thua buồn nhiêu nỗi khúc nhôi;
Than là than bờ cõi lúc qua phân, ngày tháng trông vua, ngơ ngẩn một phường trẻ dại.
(Văn tế Trương Định)
Ông căm uất chửi mắng vào mặt kẻ thù:
Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
(Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)
Ông hết lòng ngợi ca những sĩ phu như Trương Định đã một lòng vì nước, vì dân:
Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền;
Theo bụng dân phải chịu tướng quân thù,gánh vác một vai khổ ngoại.
(Văn tế Trương Định)
Ông dựng bức tượng đài bất tử về những người dân ấp, dân lân: "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh" (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc). Ngay cả lúc bờ cõi đã "chia đất khác", Nguyễn Đình Chiểu vẫn nuôi giữ một niềm tin vào ngày mai: "Một trận mưa nhuần rửa núi sông" (Xúc cảnh), vẫn kiên trì một thái độ bất khuất trước kẻ thù: "Sự đời thà khuất đôi tròng thịt – Lòng đạo xin tròn một tấm gương" (Ngư Tiều y thuật vấn đáp). Với những nội dung trên, có thể nói thơ văn yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã đáp ứng xuất sắc những yêu cầu của cuộc sống và chiến đấu đương thời. Nó có tác dụng động viên, khích lệ không nhỏ tinh thần và ý chí cứu nước của nhân dân ta.
c) Sắc thái Nam Bộ độc đáo trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ ở từng nhân vật trong tác phẩm của ông. Mỗi người dân Nam Bộ có thể bắt gặp mình ở các nhân vật của ông từ lời ăn tiếng nói, ở sự mộc mạc, chất phác đến tấm lòng nặng tình, nặng nghĩa, yêu thương rất mực và căm ghét đến điều. Họ sống vô tư, phóng khoáng, ít bị ràng buộc bởi những phép tắc, lễ nghi và sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Họ nóng nảy, bộc trực nhưng lại rất đằm thắm, ân tình. Đó là những nét rất riêng trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam.
3. Như đã nói ở trên, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Trãi có những điều gần gũi về tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi cũng lấy cái nền tảng của sự nhân nghĩa là quyên lợi của nhân dân nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu thì phạm trù nhân nghĩa mới thực sự mở rộng đến nhân dân, gần gũi thực sự với nhân dân. Đó thực sự là một bước tiến dài của tư tưởng.
B – Tác phẩm
1. Văn tế là một loại văn gắn với phong tục tang lễ, nhằm bày tỏ lòng tiếc thương đối với người đã mất. Bài văn tế thường có hai nội dung cơ bản: kể lại cuộc đời, công đức, phẩm hạnh của người đã khuất và bày tỏ nỗi đau thương của người còn sống trong giờ phút vĩnh biệt. Âm hưởng chung của bài văn tế là bi thương, nhưng sắc thái ở mỗi bài có thể khác nhau. Văn tế cũng có những trường hợp ngoại lệ.
Văn tế có thể được viết theo nhiều thể: văn xuôi, thơ lục bát, song thất lục bát, phú,… Bố cục của bài văn tế thường gồm bốn đoạn với các tên gọi: lung khởi, thích thực, ai vãn và kết. Giọng điệu chung của bài văn tế nói chung là lâm li, thống thiết, sử dụng nhiều thán từ và những từ ngữ, hình ảnh có giá trị biểu cảm mạnh.
Bố cục của bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
– Đoạn 1 – Lung khởi (từ “Hỡi ôi!” đến “… tiếng vang như mõ.”): khái quát bối cảnh của thời đại và khẳng định ý nghĩa cái chết của người nghĩa binh nông dân.
– Đoạn 2 – Thích thực (từ câu 3 đến câu 15): miêu tả hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ qua các giai đoạn từ cuộc đời lao động vất vả đến lúc trở thành nghĩa sĩ đánh giặc và lập chiến công.
– Đoạn 3 – Ai vãn (từ câu 16 đến câu 28): sự tiếc thương, cảm phục của tác giả và của nhân dân đối với người liệt sĩ.
– Đoạn 4 – Kết (hai câu cuối): ca ngợi linh hồn bất tử của các nghĩa sĩ.
2. a) Hai câu đầu của bài văn tế khái quát khung cảnh bão táp của thời đại – phản ánh biến cô chính trị lớn lao chi phối toàn bộ thời cuộc. Đó là cuộc đụng độ giữa thế lực xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp và ý chí chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Hiện lên trên cái nền cảnh ấy là hình ảnh của đội quân áo vải được khắc họa hoàn toàn bằng bút pháp hiện thực, không theo ước lệ của văn học trung đại, không bị chi phối bởi kiểu sáng tác lí tưởng hoá. Điều đáng chú ý là những chi tiết chân thực đều được chọn lọc rất tinh tế, nên đậm đặc chất sống, mang tính chất khái quát, đặc trưng cao:
Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn hình; chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.
[..] Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang hao tấu, hầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.
Chính với những hình ảnh trên mà bức tượng đài ánh lên một vẻ đẹp mộc mạc, chân chất và hết sức độc đáo.
Hình tượng người anh hùng nghĩa binh nông dân được khắc nổối trên cái nền một trận công đồn náo nhiệt, đầy khí thế tiến công:
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy dạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.
[…] Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.
Đoạn văn dùng hàng loạt những hình ảnh đối lập giữa ta và địch, giữa vũ khí thô sơ và chiến thắng lớn; dùng các động từ mạnh (đánh, đốt, chém, đạp, xô,…), dùng phép liệt kê để tăng cường độ (đâm ngang, chém ngược, lướt tới, xông vào,…), nhịp câu ngắn gọn,… Tất cả tạo nên một không khí khẩn trương, sôi động, quyết liệt và đầy hào hứng.
Trên cái nền trận đánh đó là hình ảnh những người nông dân nghĩa quân coi giặc cũng như không, liều mình như chẳng có, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ, nào sợ… dạn nhỏ đạn to,… Khí thế của họ là khí thế đạp lên đầu thù xốc tới, không quản ngại bất kì sự gian khổ, hi sinh nào, rất tự tin và đầy ý chí quyết thắng. Hình tượng đó phần nào gần gũi với hình tượng các dũng sĩ oai hùng ở những thiên anh hùng ca thuở xưa.
Trong phần Thích thực, Nguyễn Đình Chiểu đã phát hiện và ngợi ca bản chất cao quý tiềm ẩn đằng sau manh áo vải, sau cuộc đời lam lũ của người nông dân, đó là lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Văn chương trung đại từ xưa cho tới bấy giờ chưa có tác phẩm nào chú ý khai thác vẻ đẹp tâm hồn cao quý đó của người nông dân.
b) Về nghệ thuật, đoạn văn hầu như được xây dựng toàn bằng những chi tiết chân thực, được cô đúc từ đời sống thực tế nên có tầm khái quát cao, không sa vào vụn vặt, tản mạn. Hình tượng nhân vật được đặt trong một kết cấu chặt chẽ, hợp lí. Ngòi bút hiện thực ấy kết hợp thật nhuần nhuyễn với chất trữ tình sâu lắng, ẩn chứa trong từng câu chữ, từng hình ảnh là sự cảm thông, là niềm kính phục và tự hào của tác giả. Từ ngữ bình dị mà rất tinh tế, chính xác, có sức gợi cảm. Nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ được sử dụng thành công, tạo được hiệu quả cao.
3. Đoạn 3 (Ai vãn) là tiếng khóc bi thiết của tác giả xuất phát từ nhiều nguồn cảm xúc. Nỗi xót thương đối với người liệt sĩ, trước hết là nỗi tiếc hận cho người phải hi sinh khi sự nghiệp còn dang dở, khi chí nguyện chưa thành, là nỗi xót xa của gia đình mất người thân, tổn thất không gì có thể bù đắp đối với những người mẹ già, những người vợ trẻ, là nỗi căm hờn những kẻ đã gây nên nghịch cảnh éo le hoà chung với tiếng khóc uất ức, nghẹn ngào trước tình cảnh đau thương của đất nước, của dân tộc. Nhiều niềm cảm thương cộng lại thành nỗi đau sâu nặng, không chỉ ở trong lòng người mà dường như còn bao trùm cả cỏ cây, sông núi:
Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.
[…] Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! Vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
Có thể nói, tiếng khóc thương của nhà thơ không chỉ thể hiện tình cảm riêng tư mà tác giả đã thay mặt nhân dân cả nước khóc thương và biểu dương công trạng người liệt sĩ. Tiếng khóc không chí hướng về cái chết mà còn hướng về cuộc sống đau thương, khổ nhục của cả dân tộc trước làn sóng xâm lăng của thực dân. Nó không chỉ gợi nỗi đau mà cao hơn còn khích lệ lòng căm thù giặc và ý chí tiếp nối sự nghiệp dang dởờ của những người nghĩa sĩ. Tiếng khóc trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc tuy bi thiết, nhưng không đượm màu tang tóc, thê lương kéo dài bởi nó mang âm hưởng của niềm tự hào, của sự khẳng định về ý nghĩa bất tử của cái chết vì nước, vì dân mà muôn đời sau con cháu vẫn tôn thờ.
4. Bài văn tế sở dĩ có được sức biểu cảm mạnh mẽ, trước hết bởi nó biểu hiện những cảm xúc chân thành, sâu nặng và mãnh liệt của nhà thơ. Những câu văn như:
Đau đớn bấy! Mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay! V ợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
có sức khơi gợi sâu xa trong lòng người đọc.
Hơn thế, bài văn tế còn có giọng điệu rất đa dạng và đặc biệt gây ấn tượng ở những câu văn bi tráng, thống thiết như:
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với mon di rất khổ.
Ôi thôi thôi!
Chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại hóng trăng rằm; đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.
Giọng văn bi thiết còn được bổ sung sức gợi cảm đáng kể bởi những hình ảnh sống động (manh áo vải, ngọn tầm vông, rơm con cúi, mẹ già, ngọn đèn khuya leo lét,…).
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Để làm sáng tỏ ý kiến của Giáo sư Trần Văn Giàu: "Cái sống được cha ông ta quan niệm là không thể tách rời với hai chữ nhục, vinh. Mà nhục hay vinh là sự đánh giá theo thái độ chính trị đối với cuộc xâm lược của Tây: đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục”, có thể dẫn ra và phân tích các câu văn như:
— Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
— Thù thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
— Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu đểthờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Mai Thu