06/02/2018, 00:28

Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự

Hướng dẫn I. ÔN TẬP VỀ MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ 1. Thế nào là miêu tả? Thế nào là biểu cảm? – Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật khác làm cho người nghe, người đọc, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra ở trước mắt ...

Hướng dẫn

I. ÔN TẬP VỀ MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN BẢN TỰ SỰ

1. Thế nào là miêu tả? Thế nào là biểu cảm?

– Miêu tả là dùng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật khác làm cho người nghe, người đọc, người xem có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra ở trước mắt một cách cụ thể, gần gũi.

– Biểu cảm là bộc lộ tình cảm chủ quan của bản thân trước sự vật, hiện tượng, con người trong đời sống xã hội thường ngày.

2. Điều giúp phân biệt miêu tả trong văn miêu tả biểu cảm

Trong văn biểu cảm và biểu cảm trong văn tự sự không phải ở số lượng câu chữ mà là ở mục đích. Chẳng hạn như: miêu tả cho rõ, cho hay là mục đích của một bài văn miêu tả. Nhưng trong văn tự sự, thì kể chuyện cho rõ ràng, trôi chảy, hấp dẫn là mục đích. Miêu tả chỉ là phương tiện giúp cho việc tự sự thêm cụ thể, sinh động và lí thú hơn. Cũng có thể nói tương tự như vậy về biểu cảm.

3. Căn cứ đánh giá thành công của việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự là ở chỗ miêu tả và biểu cảm đã phục vụ đắc lực cho mục đích tự sự đến mức độ nào.

4. Đoạn trích trên là một đoạn trích tự sự đã sử dụng nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm.

Các yếu tố này đã nâng cao hiệu quả tự sự giúp người đọc tưởng như đang được chứng kiến cảnh đêm sao thơ mộng, u huyền trên núi cao ở miền Prô-văng-xơ xa xôi cùng những rung động khẽ khàng, say sưa mà thanh khiết trong tâm hồn chàng chăn cừu bên cô gái ngây thơ xinh đẹp.

II. QUAN SÁT, LIÊN TƯỞNG, TƯỞNG TƯỢNG ĐỐI VỚI VIỆC MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM TRONG VĂN TỰ SỰ

1. Chọn điền từ thích hợp với mỗi chỗ trống

a) Liên tưởng.

b) Quan sát.

c) Tưởng tượng.

2. Miêu tả có nghĩa là vẽ lại bằng ngôn ngữ hoặc một phương tiện nghệ thuật nào khác, một sự vật, sự việc, phong cảnh hoặc một con người, sao cho thật chân thực, cụ thể sinh động. Nhưng từ đó cũng không thể cho rằng để làm tốt việc miêu tả trong văn tự sự, người làm văn chỉ cần quan sát đối tượng một cách kĩ càng. Người làm văn còn phải cần đến liên tưởng và tưởng tượng. Có như thế, A.Đô-đê mới làm cho người đọc cùng thấy được:

– Trong đêm, tiếng suối reo nghe rõ hơn, đầm ao nhen lên những đốm lửa nhỏ, những tiếng sột soạt văng vẳng trong không gian.

– Cô gái trông như một chú mục đồng của nhà trời, nơi có những đám cưới sao.

– Cuộc hành trình trầm lặng, ngoan ngoãn của ngàn sao gợi nghĩ đến đàn cừu lớn.

3. Để câu chuyện mình kể không gây cảm giác khô khan, người kể chuyện cần kết hợp bộc lộ cảm xúc, tình cảm của nhân vật (hoặc của bản thân) trong quá trình tự sự. Song, phải tìm những cảm xúc, những rung động là nguyên nhân của biểu cảm.

Trong các ý nghĩa nêu trong sách giáo khoa, ý d) không chính xác.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1.

a. Học sinh chọn một đoạn trích tự sự đã học ở lớp 10 và nhận xét về vai trò của yếu tố miêu tả và yếu tố biểu cảm trong đoạn trích đó.

b. Đoạn trích tự sự này nhằm kể một chi tiết trong một câu chuyện.

Đoạn trích có nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm làm nên một bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu vàng trên rừng núi phía Bắc xa xôi và khiến người đọc thêm tha thiết yêu cuộc đời thơ mộng đến kì diệu này.

Hiệu quả của yếu tố miêu tả và biểu cảm có được là do tình yêu cuộc sống của nhà văn, nhà văn có tài quan sát, liên tưởng, tưởng tượng tinh tế và mới mẻ.

Bài tập 2

Học sinh viết bài tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm kể về một chuyến đi đã đem lại cho mình nhiều cảm xúc.

Mai Thu

0