Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp)
Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp) Hướng dẫn 1. Văn bản trên có thể chia làm hai đoạn: – Đoạn 1 từ đầu đến “kém gan dạ”. – Đoạn 2 là phần còn lại. Đoạn 1 có các sự việc sau: – Nhũ mẫu Ơ-ri-clê báo tin nhưng Pê-nê-lốp không tin. – Nhũ mẫu thề thốt ...
Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp)
Hướng dẫn
1. Văn bản trên có thể chia làm hai đoạn:
– Đoạn 1 từ đầu đến “kém gan dạ”.
– Đoạn 2 là phần còn lại.
Đoạn 1 có các sự việc sau:
– Nhũ mẫu Ơ-ri-clê báo tin nhưng Pê-nê-lốp không tin.
– Nhũ mẫu thề thốt đưa ra chứng cứ Pê-nê-lốp vẫn không tin nhưng vẫn xuống nhà “để xem xác chết của bọn cầu hôn và người giết chúng”.
– Tê-lê-mác trách mẹ – Pê-nê-lốp trả lời và cho biết sẽ nhận người đó là chồng nếu ông ta trả lời được bí mật về “những dấu hiệu riêng, chỉ hai người biết với nhau”.
– Uy-lít-xơ lên tiếng cho rằng Pê-nê-lốp chưa nhận ra mình vì vẻ ngoài rách rưới bẩn thỉu.
Đoạn 2 có các sự việc như sau:
– Uy-lít-xơ xuất hiện trong trang phục nghiêm chỉnh. Chi tiết chiếc giường xuất hiện nhưng Pê-nê-lốp vẫn chưa chịu nhận đây là chồng mình. Chi tiết chiếc giường xuất hiện lần thứ hai.
– Uy-lít-xơ nói ra bí mật chiếc giường, lúc đó Pê-nê-lốp mới chịu thừa nhận người đang đổi thoại với mình, đang đứng trước mặt mình chính là Uy-lít-xơ, là chồng mình.
2. Trong sử thi, nhân vật chính là “những anh hùng tráng sĩ” tiêu biểu cho cả sức mạnh thể chất và sức mạnh tinh thần cho ý chí và trí thông minh, lòng dũng cảm của cộng đồng. Ở sử thi này là nhân vật Uy-lít-xơ “muôn vàn trí xảo”. Tuy chẳng xông pha trận mạc nhưng Uy- lít-xơ cũng đã vượt qua biết bao gian nan thử thách với tất cả lòng dũng cảm và “muôn vàn trí xảo” của mình.
Trong đoạn trích này người anh hùng trí xảo lắm mưu nhiều mẹo này còn có các phẩm chất khác nổi bật lên như bình tĩnh và rất tự tin. Uy-lít-xơ không chỉ tin vào chính mình mà còn tin vào cả những người thân khác trong nhà và nhất là đối với Pê-nê-lốp, con người rất thận trọng. Uy-lít-xơ “muôn vàn trí xảo” đã thế hiện rõ chính mình trong cuộc thử thách giữa hai vợ chồng để được tái hợp với nhau sau hai mươi năm dài cách biệt. Ấn tượng nhất trong đoạn trích là chi tiết cái giường. Chính người anh hùng trí xảo của chúng ta đã gợi đến chuyện kê giường để rồi sau đó đã đưa ra bằng chứng đầy sức thuyết phục làm cho Pê-nê-lốp không còn có thể nghi ngờ đó không phải là chồng mình.
3. Pê-nê-lốp lại “rất đỗi phân vân” vì tính chất phức tạp của thời đại, những môi hiểm nguy đang rình rập và đe dọa họ lúc bây giờ. Đến độ Uy-lit-xơ sau hai mươi năm cách biệt, trở lại quê nhà, nơi quê cha đất tổ phải cải trang giả dạng làm người hành khất. Uy-lít-xơ cũng không thể bước vào nhà mình một cách đường hoàng mà phải ngụy trang, phải trá hình. Và để được ở lại trong ngôi nhà của mình Uy-lít-xơ phải trải qua phép thử bằng bí mật của chiếc giường, bí mật qua “những dấu hiệu riêng” chỉ có hai người biết với nhau, còn người ngoài không ai biết hết.
Việc chọn cách thử “bí mật của chiếc giường” thể hiện phẩm chất kiên trinh của Pê-nê-lốp. Đây cũng là điều kiện tạo nên quy ước bảo đảm cho sự bền vững của gia đình và cũng nhằm củng cố tình cảm gia đình, tình cảm vợ chồng, cha con. Bí mật của chiếc giường đã giải tỏa các mối nghi ngờ. Nhờ đó mà Pê-nê-lốp biết đây không phải là Uy-lít-xơ giả. Uy-lít-xơ cũng nhờ đó mà biết được sự kiên trinh chung thủy của vợ mình. Bởi lẽ nếu chiếc giường ấy đã bị khiêng dời đi chỗ khác, hay đã có người hiểu được bí mật của nó thì chắc chắn phẩm giá của Pê- nê-lốp đã bị sứt mẻ. Phép thử bằng bí mật của chiếc giường cũng đã giải tỏa được ấm ức, bực dọc của Uy-lít-xơ khi vợ mình, Pê-nê-lốp vẫn không chịu nhận mình là chồng cho dù mình đã tắm rửa và thay đổi trang phục không còn là người hành khất nữa.
4. Cách kể chuyện của sử thi bao giờ cũng tỉ mỉ, chậm rãi và trang trọng. Để khắc họa tính cách nhân vật, bao giờ tác giả sử thi cũng thường gắn với các định nghĩa hoặc cụm từ kèm theo mỗi lần nhắc đến tên nhân vật đó. Chẳng hạn như Uy-lít-xơ “muôn vàn trí xảo”, Pê-nê-lốp thận trọng (thận trọng là định ngữ chứ không phải là động từ, hiểu theo nghĩa là người phụ nữ thận trọng).
Ngoài ra, khi miêu tả, tác giả sử thi cũng hay dùng phép so sánh hoặc các cụm từ cố định, kèm theo gợi hình ảnh: nói những lời nói có cánh; rạng đông ngón tay hồng.
Nghệ thuật so sánh mở rộng hay còn gọi là so sánh có đuôi dài kiểu Hô-me-rơ thể hiện rõ nhất ở phần cuối cùng của đoạn trích:
“Dịu hiền thay mặt đất, khi nó hiện lên trước mắt những người đi biển bị Pô-đê-i-đông đánh tan thuyền trong sóng cả gió to, họ bơi, nhưng rất ít người thoát khỏi biển khơi trắng xóa mà vào được đến bờ; mình đầybọt nước, những người sống sót mừng rỡ bước lên đất liền mong đợi, Pê-nê-lốp cũng vậy, được gặp lại chồng, nàng sung sướng xiết bao, nàng nhìn chồng không chán mắt và hai cánh tay trắng muốt của nàng cứ ôm lấy cổ chồng không nỡ buông rời”.
Đúng ra đây chỉ là một câu nhưng dịch giả đã ngắt ra thành nhiều câu.
Ghi nhớ:
Qua cảnh vợ chồng đoàn tụ sau hai mươi năm xa cách với nghệ thuật kể chuyện và chọn chi tiết đặc sắc, Hô-me-rơ đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của Uy-lít-xơ và Pê-nê-lốp.
Mai Thu