Tuần 23 – Đọc thêm: Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử kí toàn thư)
Tuần 23 – Đọc thêm: Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử kí toàn thư) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử đặc biệt, từng được xem là nhà chính trị có nhiều mưu mô, thủ đoạn, thậm chí có lúc tàn nhẫn. Nhưng đánh giá một cách khách quan, ...
Tuần 23 – Đọc thêm: Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử kí toàn thư)
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử đặc biệt, từng được xem là nhà chính trị có nhiều mưu mô, thủ đoạn, thậm chí có lúc tàn nhẫn. Nhưng đánh giá một cách khách quan, ông lại là người trung thành và mưu trí, có công lớn trong việc khai sáng, phò trợ nhà Trần.
2. Vẫn bằng lối kể chuyện hấp dẫn, với các tình tiết có chọn lọc, đoạn trích này đã khắc hoạ đậm nét hình ảnh vị quan đầu triều Trần Thủ Độ với những phẩm chất chí công vô tư, nghiêm minh, liêm khiết. Hình ảnh của ông quả thực có rất nhiều ý nghĩa trong thời đại ngày nay.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN
1. Những tình tiết liên quan đến Trần Thủ Độ, có khả năng bộc lộ tính cách của ông.
Trong đoạn trích có bốn tình tiết góp phần bộc lộ các khía cạnh trong tính cách của Trần Thủ Độ:
– Có người mách vua về sự chuyên quyền của Trần Thủ Độ, nhưng Trần Thủ Độ không những không biện bạch cho bản thân và tỏ lòng thù oán mà còn công nhận lời nói phải và thưởng cho người dám dũng cảm vạch lỗi của mình. Qua đó có thể thấy ông là người công minh, độ lượng và có bản lĩnh. Với ông, việc làm hữu ích cho nước, cho dân mới là câu trả lời cho tất cả.
– Khi nghe Linh Từ Quốc Mẫu (vợ ông) khóc và mách về việc tên quân hiệu ngăn không cho đi qua thềm cấm, Trần Thủ Độ không vội bênh vợ và bắt tội tên quân hiệu kia mà tìm hiểu rõ sự việc rồi còn khen thưởng kẻ giữ đúng luật pháp. Qua sự việc này có thể thấy ông là người chí công vô tư, tôn trọng pháp luật, không thiên vị người thân.
– Có người chạy chọt nhờ Linh Từ Quốc Mẫu xin cho làm chức câu đương, Trần Thủ Độ đã dạy cho tên này một bài học: muốn làm chức quan ấy hắn phải chịu bị chặt một ngón chân để phân biệt với những người khác do “Ngươi vì có Công chúa xin cho”. Qua đây có thể thấy ông chủ động gìn giữ sự công bằng của phép nước, bài trừ tệ nạn chạy chọt, đút lót, dựa dẫm thân thích.
– Vua muốn phong chức cho người anh của Trần Thủ Độ, nhưng ông không đồng ý. Ông thẳng thắn trình bày quan điểm: chỉ nên chọn lựa người giỏi nhất, có thể là anh mình, có thể là mình, không nên hậu đãi cả hai anh em sẽ làm rối việc triều chính. Qua đó có thể thấy Trần Thủ Độ luôn đặt việc công lên trên, không tư lợi, không gây bè kéo cánh.
– Những tình tiết trên đã góp phần làm nổi bật bản lĩnh và nhân cách Trần Thủ Độ: cương trực, độ lượng, liêm khiết, vô tư, luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, gia đình. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi Trần Thủ Độ đang giữ chức quan cao nhất trong triều, quyền hành lớn đều nằm trong tay ông vì vua đang tuổi còn nhỏ. Trần Thủ Độ luôn gương mẫu, tôn trọng pháp luật.
2. Những đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện và khắc hoạ nhân vật của nhà viết sử:
– Sử gia Ngô Sĩ Liên đã xây dựng nhiều tình huống giàu kịch tính, tuy rất ngắn, nhưng mỗi câu chuyện đều có xung đột, với kết cấu thắt nút, cao trào và mở nút.
Sức hấp dẫn của truyện không chỉ ở cách kể chuyện đặc sắc mà còn ở sự hàm súc của ngôn từ. Các câu chuyện chỉ được kể chứ không kèm theo những lời bình luận. Cách kể ấy đã giúp người đọc phát huy được nhiều hơn tính chủ động của mình trong việc đánh giá nhân vật trung tâm.
– Ớ cả ba tình huống, khi xung đột được đẩy đến cao trào, người đọc đã rất bất ngờ về cách giải quyết không theo lô gích thông thường của Trần Thủ Độ. Ớ mỗi tình huống ông lại có một cách giải quyết riêng khiến người đọc vừa bất ngờ lại vừa khâm phục. Chính cách xây dựng nhân vật như vậy mà đoạn trích càng đọc càng hấp dẫn và thú vị hơn.
Mai Thu