06/02/2018, 00:21

Tuần 4 – Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Tuần 4 – Nghị luận về một hiện tượng đời sống Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG – Nghị luận về một hiện tượng đời sống là một kiểu bài của văn nghị luận xã hội. Kiểu bài này lấy một hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn bạc. Từ hiện tượng này, người nghị luận phải phân tích, ...

Tuần 4 – Nghị luận về một hiện tượng đời sống

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống là một kiểu bài của văn nghị luận xã hội. Kiểu bài này lấy một hiện tượng xảy ra trong đời sống để bàn bạc. Từ hiện tượng này, người nghị luận phải phân tích, tìm ra ý nghĩa xã hội của hiện tượng đó mà bàn bạc, đánh giá.

– Bài nghị luận về một hiện tượng đời sống thường có các nội dung: nêu rõ hiện tượng; phân tích các mặt đúng – sai, lợi – hại; chỉ ra nguyên nhân và bày tỏ thái độ, ý kiến của người viết về hiện tượng đó.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. a) Vấn đề được bàn đến trong đoạn trích là hiện tượng nhiều thanh niên, sinh viên Việt Nam sang nước ngoài du học dành quá nhiều thời gian cho việc chơi bời, giải trí mà chưa chăm chỉ học tập, rèn luyện để khi trở về góp phần xây dựng đất nước.

Hiện tượng ấy diễn ra trong thời điểm những năm đầu thế kỉ XX.

Nhưng tiếc thay, ngày nay, hiện tượng ấy vẫn còn. Một số lượng không ít thanh niên, sinh viên đi du học quá mải mê kiếm tiền, chơi bời, ít chú tâm vào học tập, tiếp thu khoa học công nghệ để sau này trở về xây dựng đất nước.

b) Những thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản:

– Phân tích: thanh niên du học mải chơi bời, thanh niên trong nước thì "những người không có phương tiện thì không dám rời quê nhà; những người có phương tiện thì lại chìm trong sự biếng nhác", "sống già cỗi", nguy hại cho tương lai đất nước,…

– So sánh: so sánh thái độ học tập, lao động và mục đích sống của thanh niên Việt Nam với thanh niên Trung Quốc.

– Bác bỏ: "Thế thì thanh niên của ta đang làm gì? Nói ra thì buồn lắm, buồn lắm: Họ không làm gì cả".

c) Cách dùng từ, viết câu và nghệ thuật diễn đạt độc đáo giàu tính thuyết phục của văn bản:

– Dùng từ, nêu dẫn chứng xác đáng, cụ thể.

– Sử dụng linh hoạt, đa dạng các loại câu: trần thuật, hỏi, cảm thán,…

d) Những bài học rút ra cho bản thân:

– Xác định lí tưởng, mục đích sống đúng đắn.

– Dù ở bất kì đâu cũng nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện tốt góp phần xây dựng quê hương đất nước.

2. Dàn ý cho bài viết: Anh (chị) suy nghĩ gì về hiện tượng "nghiện" ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét trong nhiều bạn trẻ hiện nay?

– Nêu hiện tượng: nhiều học sinh, sinh viên hiện nay "nghiện" ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét, chểnh mảng chuyện học hành, tu dưỡng.

– Nguyên nhân: Chưa xác định được lí tưởng sống đúng đắn, ham chơi, đua đòi, lười biếng.

– Bàn luận:

+ Phê phán những tác hại của hiện tượng đó: tiêu phí thời gian, tiền bạc; lây nhiễm những tư tưởng, thói quen không lành mạnh; trí tuệ và nhân phẩm sa sút ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập và tu dưỡng của bản thân

+ Nêu những tấm gương học tập tốt, biết sử dụng ka-ra-ô-kê và in-tơ-nét vào những việc có ích, phù hợp.

– Rút ra bài học cho bản thân.

Mai Thu

0