06/02/2018, 00:21

Tuần 20 – Nghĩa của câu (tiếp theo)

Tuần 20 – Nghĩa của câu (tiếp theo) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Nghĩa tình thái gồm nhiều khía cạnh, trong đó hai khía cạnh quan trọng là: – Nghĩa tình thái là sự nhìn nhận, đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu. Nó được biểu ...

Tuần 20 – Nghĩa của câu (tiếp theo)

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nghĩa tình thái gồm nhiều khía cạnh, trong đó hai khía cạnh quan trọng là:

– Nghĩa tình thái là sự nhìn nhận, đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu. Nó được biểu hiện một cách đa dạng trong mỗi văn cảnh với nhiều sắc thái khác nhau như: sự tin tưởng, sự hoài nghi, sự phỏng đoán, sự đánh giá,…

– Nghĩa tình thái còn là tình câm, thái độ của người nói đối với người nghe. Để thể hiện khía cạnh nghĩa này, người ta thường đưa vào cuối mỗi câu những từ ngữ xưng hô, từ hô gọi, từ ngữ cảm thán, từ tình thái,…

2. Nghĩa tình thái có thể được biểu hiện tường minh (nhờ các từ ngữ), cũng có thể hàm ẩn, nhưng câu nào cũng có nghĩa tình thái. Như đã nói ở bài trước, có thể có những câu không có nghĩa sự việc nhưng vẫn có nghĩa tình thái. Đó là những câu chỉ có các thán từ như: Chao ôi! Chà chà!,…

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Phân tích nghĩa sự việc và nghĩa tình thái trong các câu sau:

a) Ngoài này nắng đỏ cành cam

Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa.

(Tố Hữu – Tiếng hát sang xuân)

Gợi ý:

– Nghĩa sự việc: hiện tượng thời tiết (nắng) ở hai miền Nam/ Bắc có sắc thái khác nhau.

– Nghĩa tình thái: phỏng đoán với thái độ tin cậy cao.

b) Tấm ảnh chụp hai mẹ con kia rõ ràng là mợ Du và thằng Dũng.

(Nguyên Hồng – Mợ Du)

Gợi ý:

– Nghĩa sự việc: ảnh của mợ Du và thằng Dũng.

– Nghĩa tình thái: khẳng định sự việc ở mức độ cao.

c) Thật là một cái gông xứng đáng với tội án sáu người tử tù.

(Nguyễn Tuân – Chữ người tử tù)

Gợi ý:

– Nghĩa sự việc: cái gông (to nặng) tương xứng với tội án tử tù.

– Nghĩa tình thái: khẳng định một cách mỉa mai.

d) Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật cướp và doạ nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, doạ nạt nữa thì sao? Đã đành, hắn chỉ mạnh vì liều.

(Nam CaoChí Phèo)

Gợi ý:

– Nghĩa sự việc của câu thứ nhất nói về cái nghề của Chí Phèo (cướp giật và doạ nạt). Tình thái nhấn mạnh bằng từ chỉ.

– Ở câu 3: đã đành là từ tình thái, hàm ý công nhận một sự thực rằng hắn mạnh vì liều (nghĩa sự việc), nhưng cái mạnh vì liều ấy cũng không thể giúp hắn sống khi không còn sức cướp giật, doạ nạt nữa.

2. Chỉ ra các từ ngữ thể hiện nghĩa tình thái trong các câu:

a) Nói của đáng tội, thằng bé hay ăn chóng lớn lắm.

b) Cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù có thể còn gay go, quyết liệt hơn nữa.

c) Nó mua chiếc áo này những hai trăm ngàn đồng đấy.

d) Anh đã hẹn đến dự sinh nhật kia mà!

Gợi ý:

a) Cụm từ tình thái: nói của đáng tội (thừa nhận việc khen này là không nên làm với đứa bé).

b) Từ tình thái: có thể (nêu khả năng).

c) Từ tình thái: những (đánh giá mức độ giá cả của chiếc áo là cao).

d) Từ tình thái: kia mà (nhắc nhở để trách móc).

3. Chọn từ ngữ tình thái với mỗi câu để câu có nghĩa tình thái phù hợp với nghĩa sự việc:

a) Cần điền tình thái từ hình như vào vị trí còn trống trong câu văn: "Chí Phèo… đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô dộc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau" (Nam Cao – Chí Phèo). Tình thái từ này thể hiện sự phỏng đoán chưa chắc chắn.

b) Cần điền tình thái từ dễ (thể hiện sự phỏng đoán chưa chắc chắn = có lẽ) vào chỗ trống trong câu: "Hôm nay trong ông giáo cũng có tổ tôm… họ không phải đi gọi đâu" (Thạch Lam – Hai đứa trẻ).

c) Cần điền tình thái từ tận (đánh giá khoảng cách là xa) vào chỗ trống trong câu: "Bóng bác mênh mông ngả xuống đất một vùng và kéo dài đến… hàng rào hai bên ngõ" (Thạch Lam – Hai đứa trẻ).

4. Đặt câu với mỗi từ ngữ tình thái: chưa biết chừng, là cùng, ít ra, nghe nói, chả lẽ, hoá ra, sự thật là, cơ mà, đặc biệt là, đấy mà..

Mẫu:

– Nó không đến cũng chưa biết chừng. (cảnh báo dè dặt về sự việc)

Sự thật là tôi đã không dám đến. (thừa nhận và khảng định)

Bài nói chuyện hay, đặc biệt là phần cuối. (khẳng định sự thành công và giá trị của bài nói chuyện)

– Nhưng anh là người có quyền quyết định cơ mà! (nhắc gợi cho người nghe về một sự thật)

Mai Thu

0