07/02/2018, 23:01

Tuần 14 – Đọc thêm: Bác ơi!

Tuần 14 – Đọc thêm: Bác ơi! Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Về tác giả Tố Hữu: xem bài Việt Bắc. 2. Ngày 2 – 9 – 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của dân tộc đang diễn ra gay go, quyết liệt. Người qua đời là ...

Tuần 14 – Đọc thêm: Bác ơi!

Hướng dẫn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Về tác giả Tố Hữu: xem bài Việt Bắc.

2. Ngày 2 – 9 – 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ của dân tộc đang diễn ra gay go, quyết liệt. Người qua đời là một tổn thất vô cùng to lớn đối với cách mạng và dân tộc Việt Nam. Trong những ngày ấy, cả dân tộc ta và bè bạn quốc tế đã biểu lộ niềm tiếc thương, nỗi đau xót vô hạn trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Bài Bác ơi! của Tố Hữu được viết trong không khí của những ngày tang lễ ấy. Bài thơ là tiếng khóc tiễn biệt, một "điếu văn bi hùng" bằng thơ (Xuân Diệu). Tác phẩm không chỉ bộc lộ nỗi đau xót và tiếc thương của tác giả mà còn đúc kết những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về con người và cuộc đời Hồ Chí Minh?

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã được diễn tả hết sức chân thực, cảm động trong bốn khổ thơ đầu:

Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…

Chiều nay con chạy về thăm Bác

Ướt lạnh vườn rau, mấy gốc dừa!

Những câu thơ mở đầu là lời xót thương, tiếc nuối được bộc lộ trực tiếp như tiếng nức nở tuôn trào trước sự ra đi của Bác. Tác giả đặt hai vế "Đời tuôn nước mắt" và "trời tuôn mưa" trong cùng một câu thơ đã làm nổi bật nỗi đau đớn của lòng người. Lấy mưa của đất trời để sánh với nước mắt, nỗi đau của con người, câu thơ đã khái quát được sự mất mát lớn lao trước sự ra đi của Bác. Cách xưng hô "con – Bác" thân thương, gần gũi, càng làm câu thơ thêm lắng sâu, nghẹn ngào.

Con lại lần theo lối sỏi quen

Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!

Nhà thơ như không tin vào nỗi mất mát, đau xót này, muốn lần theo những kí ức, kỉ vật, không gian quen thuộc để hồi tưởng, để kiếm tìm bóng dáng thân quen của Bác. Cảnh sắc, đồ vật, không gian vẫn còn đây nhưng đã không còn sự hiện hữu của Người. Bởi thế mà lối sỏi quen, thang gác, chuông nhỏ, phòng, rèm, đèn đều như trống rỗng, lặng câm, vô hồn. Những câu thơ không chỉ dựng lên những cảnh sắc, không gian, đồ vật quen thuộc trong căn phòng của Bác mà còn diễn tả được sự im lặng, nỗi trống trải khi Bác ra đi.

Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!

Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời

Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội

Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!

Con người khó có thể tin và chấp nhận sự thật đau đớn này, nên lần theo lối sỏi quen, đến bên thang gác,… mà vẫn thảng thốt cất lên tiếng hỏi: "Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!". Câu hỏi đưa ra mà không có câu trả lời càng trở nên nghẹn ngào. Một nỗi nức nở trào dâng trong xúc cảm của người nghệ sĩ. Những câu thơ tiếp theo mở ra một không gian tươi sáng của mùa thu, sự náo nức của những tin vui chiến thắng từ miền Nam và ước vọng được "Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười" càng nhấn mạnh, khẳng định sự mất mát, đớn đau khi Bác không còn.

Trái bưởi kia vàng ngọt với ai

Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài!

Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm

Quanh mặt hồ in mây trắng bay…

Tố Hữu gợi nhắc đến trái bưởi, đến hoa nhài – những thứ cỏ cây, hoa trái gần gũi bên Bác – trong những câu hỏi tu từ đầy xót xa. Sự vàng ngọt của trái bưởi, hương thơm của hoa nhài dường như đã trở thành vô nghĩa khi Bác ra đi. "Còn đâu" là một sự kiếm tìm đầy tiếc nuối hình ảnh đẹp đẽ, thân quen: "Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm – Quanh mặt hồ in mây trắng bay". Hình ảnh càng rõ nét, các sự vật càng thân thuộc thì nỗi xót xa, mất mát càng trở nên thấm thía. Những câu thơ là tiếng lòng nức nở dâng trào, nỗi đau xót đến ngẩn ngơ của Tố Hữu trước sự ra đi của Bác.

2. Sáu khổ giữa của bài thơ đã tập trung thể hiện hình tượng Bác Hồ vừa cao đẹp, vĩ đại vừa gần gụi, thân thương:

Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi

Năm canh bớt nặng nỗi thương đời

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người.

Tấm lòng cao cả, bao la của Bác đã được Tố Hữu xúc động ngợi ca. Trái tim mênh mông của Người ôm ấp, bao bọc cả non sông, mọi kiếp người. Bác dùng tình yêu thương rộng lớn, vô bờ của mình để che chở, lo toan cho mọi người, cho cuộc đời, bởi vậy mà nặng lòng, mà khắc khoải, mà chẳng được thảnh thơi.

Bác chẳng buồn đâu, Bác chỉ đau

Nỗi đau dân nước, nỗi năm châu

Chỉ lo muôn mối như lòng mẹ

Cho hôm nay và cho mai sau…

Tình thương, nỗi lo, tấm lòng yêu thương của Bác không chỉ rộng dài theo không gian "năm châu" mà còn trải suốt chiều dài của thời gian "Cho hôm nay và cho mai sau". Tố Hữu đã phát hiện và ngợi ca đầy trân trọng nỗi đau, mối lo đời bao la, dài lâu của Bác. Lí tưởng và lẽ sống cao cả của người Cha già dân tộc là những niềm yêu, nỗi lo dành trọn cho dân tộc và nhân loại, cho thế hệ hôm nay và cả những thế hệ mai sau. Lẽ sống ấy vừa vĩ đại vừa gần gũi như muôn mối lo của lòng mẹ, của tình mẫu tử.

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Tố Hữu đã dành trọn sự kính yêu, trân trọng khi so sánh Bác với "trời đất của ta". Tác giả ca ngợi tình yêu rộng lớn mà cụ thể, vĩ đại mà bình dị của Bác. Tình yêu rộng dài ấy khi thì dành cho những vật bé nhỏ, mong manh như ngọn lúa, cành hoa, khi hướng tới quyền tự do thiêng liêng của mỗi cuộc đời, mỗi con người; khi thì lo nỗi lo của "năm châu", khi chăm lo cho những con người cụ thể (em thơ, người già). Đó là một tình yêu lớn của một tâm hồn, một nhân cách lớn.

Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà

Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha

Bác nghe từng bước trên tiền tuyến

Lắng mỗi tin mừng, tiếng súng xa

Tố Hữu viết về ân nghĩa nặng sâu giữa Bác và miền Nam thân thương bằng những câu thơ tràn đầy tình nghĩa. Đó là ân nghĩa giữa cha và con, là nỗi nhớ mong của một tình cảm vừa máu thịt, thiêng liêng vừa gần gũi, thân thiết. Người đọc như cảm nhận được ánh nhìn dõi theo đầy lo lắng, yêu thương của người cha già dân tộc hướng về miền Nam tiền tuyến, hướng về một phần máu thịt của Tổ quốc trong "từng bước", trong "mỗi tin mừng".

Bác vui như ánh buổi bình minh

Vui mỗi mầm non, trái chín cành

Vui tiếng ca chung hoà bốn biển

Nâng niu tất cả, chỉ quên mình

Niềm vui của Chủ tịch Hồ Chí Minh như toả rạng trong những câu thơ Tố Hữu. Tác giả đã so sánh niềm vui, nụ cười của Bác với ánh sáng rạng rỡ của bình minh. Niềm vui đó Bác không dành cho riêng mình mà dành cho "mỗi mầm non", "trái chín cành", "tiếng ca chung". Đức hi sinh "Nâng niu tất cả, chỉ quên mình" của Bác thật cao cả và lớn lao, đó là kết quả của một tình yêu lớn, một nhân cách vĩ đại, một con người dành trọn cuộc đời mình để dấn thân, cống hiến.

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

Mong manh áo vải, hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Đức tính khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tố Hữu ngợi ca bằng những vần thơ đầy trân trọng, bằng những hình ảnh độc đáo, đầy sáng tạo. Cuộc đời thanh bạch, giản dị, dành trọn tình yêu thương cho mọi người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự đối lập giữa hình ảnh "áo vải mong manh" và "tượng đồng", "hồn muôn trượng" và "phơi những lối mòn" cũng như phép đối được sử dụng trong từng câu thơ đã khái quát được cả cuộc đời vĩ đại của Bác. Người lớn lao ngay từ chính sự giản dị, vĩ đại ngay trong cái "mong manh" của "áo vải".

Bằng những khổ thơ tràn đầy cảm hứng trân trọng, ngợi ca, Tố Hữu đã thể hiện một cách tập trung hình tượng Bác Hồ. Lí tưởng và lẽ sống, niềm vui và tình thương, ân nghĩa và đức hi sinh, sự giản dị và sự vĩ đại,… của Người đã được thể hiện vừa cụ thể, sinh động vừa giàu tính khái quát khiến người đọc vừa có cảm giác gần gũi, thân thiết, vừa ngưỡng vọng, kính yêu vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

3. Bác Hồ mất (2 – 9 – 1969), nhân dân cả nước xúc động, đau đớn, tiếc thương Người. Bác mất, trời đổ mưa suốt một tuần lễ. Hàng triệu người đi viếng Bác trong mưa lạnh, không còn phân biệt được nước mưa hay nước mắt.

Cả nước đang trong những năm tháng chống đế quốc Mĩ gay go và ác liệt nhất, Bác mất đi là một tổn thất lớn cho công cuộc đấu tranh của nước nhà. Cả cuộc đời Bác đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước nhưng Bác mất đi trong khi chưa được tận mắt thấy Nam Bắc sum họp một nhà. Bác mất đi khi nhân dân cả nước còn lam lũ, chưa một ngày được thảnh thơi, no ấm. Với nhân dân miền Nam, sự ra đi của Bác còn là một nỗi đau lớn bởi "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà – Miền Nam mong Bác nỗi mong cha". Bác ra đi khi chưa thực hiện được ước mơ vào thăm miền Nam ruột thịt.

Ba khổ thơ cuối của bài thơ nêu rõ cảm nghĩ của mọi người Việt Nam trước sự ra đi của Bác. Nén chật nỗi đau, Tố Hữu viết:

Bác đã lên đường, theo tổ tiên

Mác -Lê-nin, thế giới Người Hiền

Bác ra đi nhưng là để nhập vào hàng ngũ của những người bất tử, những vị anh hùng dân tộc, những con người sống mãi cùng nhân loại. Bác mất đi nhưng con đường cách mạng mà Người đã vạch ra cho cả dân tộc, ngọn lửa quyết tâm đấu tranh vì độc lập, tự do mà Bác truyền cho con cháu vẫn còn mãi. Ghi nhớ công ơn của Bác đối với dân tộc, noi gương hình ảnh giản dị, mẫu mực của Bác, nhà thơ khái quát thành một chân lí và quyết tâm:

Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn

Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn

Xin nguyên cùng Người vươn tới mãi

Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn.

Mai Thu

0