Tuần 29 – Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích)
Tuần 29 – Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) sinh ở Hạ Hoà, Phú Thọ, quê gốc: Đà Nẵng. Thời thơ ấu, ông ở vùng trung du Phú Thọ, năm 1954, về sống và đi học ở Hà Nội. Lưu Quang Vũ từng tham gia quân ...
Tuần 29 – Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích)
Hướng dẫn
I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) sinh ở Hạ Hoà, Phú Thọ, quê gốc: Đà Nẵng. Thời thơ ấu, ông ở vùng trung du Phú Thọ, năm 1954, về sống và đi học ở Hà Nội. Lưu Quang Vũ từng tham gia quân đội thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông bắt đầu sáng tác thơ khoảng giữa những năm sáu mươi của thế kỉ XX và từng được khá nhiều bạn đọc yêu mến, đến đầu những năm tám mươi thì chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu. Chỉ trong bảy, tám năm, ông đã sáng tác khoảng năm mươi kịch bản và hầu hết được dàn dựng. Kịch Lưu Quang Vũ đã chiếm lĩnh sàn diễn của rất nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật ở khắp nơi, nhiều vở đã đoạt giải cao trong các kì hội diễn sân khấu lớn, nhỏ. Năm 1988, ông mất đột ngột vì tai nạn giao thông. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Tác phẩm chính: Sống mãi tuổi 17, Nếu anh không đốt lửa, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Tôi và chúng ta,…
2. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ. Viết vở kịch này, ông dựa vào một câu chuyện dân gian nhưng đã có những thay đổi khá cơ bản. Trong truyện dân gian, nhân vật Trương Ba tiếp tục sống bình thường, hạnh phúc khi được nhập hồn vào thân xác anh hàng thịt, ở đây, nhà viết kịch lại tập trung diễn tả tình cảnh trớ trêu, nỗi đau khổ, giày vò của Trương Ba từ khi "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo".
3. Văn bản trích phần lớn cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.
II – HƯỚNG DẪN ĐỌC – HlỂU VĂN BẢN
1. Qua đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, tìm hàm ý mà tác giả muốn gửi gắm.
– Những nỗi dằn vặt, trăn trở của nhân vật hồn Trương Ba về cuộc sống ngang trái của mình.
– Những lí lẽ đầy cám dỗ của nhân vật xác hàng thịt.
– Sự bế tắc trong đường đi của nhân vật hồn Trương Ba: sống mà chấp nhận sự mỉa mai của tạo hoá như vậy hay sao?
Ý nghĩa triết lí của vở kịch: sự thống nhất giữa tư tưởng và hình thức. Đây là một ý nghĩa triết lí có tính khái quát cao, bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội.
2. Trong thân xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba lâm vào hoàn cảnh vô cùng trớ trêu. Tâm hồn Trương Ba vô cùng cao khiết, một con người có học thức, giỏi cờ và thích chãm cây cối. Nhưng thể xác anh hàng thịt lại là một thể xác thô thiển và luôn luôn đòi hỏi những ham muốn tầm thường, dung tục. Vậy là nhiều khi, hồn Trương Ba dù không muốn vẫn phải làm những điều trái hẳn với tư tưởng của mình để thoả mãn đòi hỏi của cái xác ấy.
Những điều trên dẫn đến một hệ luỵ tất yếu: mọi người xung quanh không ai thừa nhân ông. Người thân trong gia đình, từ đứa cháu nhỏ đến người vợ, đứa con dâu đều cảm thấy xa lạ với cái thể xác thô tục và những hành vi bất chợt tầm thường của nó. Họ xa lánh, sợ hãi, thậm chí ghét bỏ, ghê tởm nó. Trương Ba rơi vào sự hụt hẫng, cô đơn. Gia đình anh hàng thịt càng không thể thích nghi được với những lời nói, việc làm, tư tưởng của một hồn Trương Ba xa lạ dù thể xác tồn tại trước mặt là chồng, là cha họ
Nhân vật Hồn Trương Ba rơi vào sự trớ trêu của hoàn cảnh. Ông bị mọi người xa lánh, sự tồn tại của ông vì thế cũng trở nên vô nghĩa, thậm chí nặng nề, bức bối.
3. "Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được", nhận định này mang tư tưởng triết học sâu sắc, nó phản ánh đòi hỏi của sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, giữa tư tưởng và biểu hiện, hành động. Được sống theo đúng bản chất của mình là một nhu cầu, một quyền lợi thiêng liêng của con người. Việc sống nhờ, sống dựa vào thân xác anh hàng thịt khiến hồn Trương Ba không được sống thực với con người mình. Có câu "ở đời không nên dựa hơi ai mà thở" bởi khi đó, con người tồn tại thật đấy nhưng tất cả mọi tư tưởng đều bị chi phối, điều khiển bởi một kẻ khác. Trong cuộc sống, con người nhiều khi chỉ nghĩ đến kết quả mà không quan tâm đến cách thức. Có khi vì mục đích mà bất chấp mọi thủ đoạn. Có thể suy nghĩ của Đế Thích cũng là biểu hiện của điều đó: Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!. Đến đây, ta chợt nhớ đến nỗi băn khoăn của chàng hoàng tử Hăm-lét trong vở kịch cùng tên của Sếch-xpia: Sống hay không sống? Đó là vấn đề. Sống để chấp nhận mọi mũi tên của số phận phũ phàng hay đứng lên chống lại nó đằng nào cao quý hơn? Sống hay không sống không còn quan trọng nữa mà điều quan trọng là sống như thế nào, sống ra sao…? Đế Thích không hiểu được điều đó. Trường hợp hồn Trương Ba, việc sống dựa vào xác hàng thịt đã khiến hồn ông trở thành nô lệ cho thân xác.
4. Việc Trương Ba quyết định dứt khoát xin cho cu Tị được sống lại còn mình chấp nhận cái chết là kết quả của một quá trình tự đấu tranh dằn vặt và đau khổ. Hồn Trương Ba không muốn ngụ lại trong xác hàng thịt nữa nhưng ông cũng khao khát sự sống vô cùng. Việc trú ngụ vào thân xác chú bé Tị có một cám dỗ: có thể gần gũi hơn với gia đình, bởi bản thân chú bé ấy cũng được gia đình ông yêu quý. Nhưng hồn Trương Ba lại khổ sở khi nghĩ đến những tình huống dở khóc dở cười khi một tâm hồn già cỗi trú ngụ trong thể xác một cậu bé con. Ông cay đến sự mỉa mai của tạo hoá. Không chấp nhận mượn thân xác chú bé Tị nữa nhưng hồn Trương Ba cũng không cam chịu với thể xác anh hàng thịt. Ông chấp nhận cái chết để không sống giả, sống mà không được là chính mình.
Quyết định trên của hồn Trương Ba thể hiện một tính cách quyết đoán, mạnh mẽ, một sự tự trọng đáng khâm phục và bên cạnh đó là một tấm lòng nhân hậu giàu tình thương.
5. Kết thúc vở kịch, nhân vật hồn Trương Ba chấp nhận cái chết, dù là cái chết oan ức..Nhưng cái chết ấy đã làm sáng bừng lên nhân cách đầy tự trọng, đầy yêu thương của một con người. Đoạn kết không có hậu ấy là kết quả của một quá trình đấu tranh có tính biện chứng sâu sắc trong tâm hồn một con người theo đúng nghĩa: cũng khát khao sống và ham sống đến tột cùng nhưng ngược lại cũng không chấp nhận đời sống dựa, sống gửi, sống giả dối giữa cuộc đời. Và vì thế, không chỉ thể hiện một quy luật triết học vốn tồn tại tất yếu trong đời sống, đoạn kết của vở kịch giống như kết thúc của một tráng ca về lòng dũng cảm của con người.
III – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Giả định Đế Thích cho Trương Ba được sống trong xác hàng thịt hoặc hổn Trương Ba nhập vào cu Tị và Trương Ba đồng ý. Cuộc sống Trương Ba khi ấy sẽ vô cùng rắc rối, khổ sở.
Gợi ý:
– Nếu nhập vào xác hàng thịt: người nhà hàng thịt và làng xóm sẽ nhận nhầm người, họ đòi hỏi Trương Ba làm những việc của anh hàng thịt. Ngược lại, người nhà Trương Ba sẽ vô cùng thất vọng và thấy xa lạ với cái thân xác kì quặc, thô lỗ của anh hàng thịt.
– Nếu nhập vào xác cu Tị: Trương Ba có những suy nghĩ chín chắn, kì lạ, già dặn trong hình hài một chú bé con. Nhưng mặt khác, ông không thể làm được những việc mà ông muốn làm (liên quan đến thể lực và vị thế xã hội).
Mai Thu