06/02/2018, 00:32

Tuần 13 – Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo)

Tuần 13 – Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo) Hướng dẫn I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Các phương tiện diễn đạt – Về từ vựng: Từ ngữ đa dạng, phong phú và được sử dụng tuỳ theo thể loại báo chí. Không có sự hạn chế ở phạm vi, lĩnh vực nào. Từ ngữ có thể bao gồm các lớp từ ...

Tuần 13 – Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo)

Hướng dẫn

I – KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Các phương tiện diễn đạt

– Về từ vựng: Từ ngữ đa dạng, phong phú và được sử dụng tuỳ theo thể loại báo chí. Không có sự hạn chế ở phạm vi, lĩnh vực nào. Từ ngữ có thể bao gồm các lớp từ sinh hoạt, từ nghề nghiệp, thuật ngữ, tiếng địa phương, tiếng lóng,…

– Về ngữ pháp: Câu văn trong ngôn ngữ báo chí rất đa dạng nhưng thường ngắn gọn, sáng sủa, mạch lạc để đảm bảo thông tin chính xác. Có thể viết câu ngắn như trong tin vắn, có thể viết những câu dài với kết cấu phức hợp như trong bình luận thời sự, nhưng cũng có những câu gần với lời nói hằng ngày như trong tiểu phẩm (Ngữ văn 11, tập 1).

– Về biện pháp tu từ: Văn báo chí không hạn chế các biện pháp tu từ từ vựng và cú pháp. Các biện pháp so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, đáo ngữ,… được sử dụng khá phổ biến. Nó nhằm vào việc làm cho sự diễn đạt được chính xác, có hình ảnh và nhạc điệu, thích hợp với từng nội dung và thể loại.

Ngoài ra ở dạng nói (phát thanh, truyền hình), ngôn ngữ báo chí đòi hỏi việc phát âm rõ ràng, khúc chiết, còn báo viết thì chú ý đến khổ chữ, kiểu chữ, màu sắc, hình ảnh,… để tạo những điểm nhấn trong thông tin.

2. Đặc trưng của ngôn ngữ báo chí

– Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ thông tin thời sự cập nhật, truyền bá những tin tức nóng hổi hằng ngày trên mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Để đảm bảo chất lượng thông tin, ngôn ngữ phải chính xác, nhất là những thông tin về địa điểm, thời gian, nhân vật, sự kiện,…

– Văn báo chí là lối văn ngắn gọn, lượng thông tin cao. Tiêu biểu cho sự ngắn gọn là ngôn ngữ trong bản tin, đặc biệt là loại tin vắn, tin nhanh, quảng cáo,… Ở đó có khi chỉ sử dụng một câu mà người đọc có thể nắm bắt được thông tin cần thiết. Phóng sự, bình luận thời sự có thể viết dài hơn, nhưng trừ trường hợp đặc biệt không dài quá ba trang báo. Ở những bài dài thường có kèm theo một tóm tắt ngắn, in chữ đậm ở đầu bài báo để dẫn dắt và tóm lược nội dung cơ bản (Ngữ văn 11, tập 1).

– Cũng do tính thời sự cập nhật, tính ngắn gọn cần đưa những thông tin sốt dẻo, ngôn ngữ báo chí còn mang tính sinh động, hấp dẫn gợi lòng hiếu kì của độc giả. Do vậy, ngôn ngữ báo chí phải linh hoạt, phong phú, hấp dẫn thậm chí ngay từ cách đặt đề mục đã thể hiện sự sinh động, hấp dẫn.

II – HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Cho bản tin sau:

Ngày 3-2, tỉnh An Giang long trọng làm lễ đón nhận quyết định của Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Tà Sóc thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Đây là di tích cấp quốc gia thứ 15 của tỉnh An Giang. Ô Tà Sóc là vùng sơn lâm rộng khoảng 5 km2 thuộc núi Giài. Với hệ thống hang động và đường mòn hiểm trở, từ năm 1962 đến 1967, nơi đây là căn cứ của Tỉnh uỷ An Giang, sau đó là căn cứ dự phòng của tỉnh…

(Lâm Điền, báo Lao động, số 35 – 2004)

Có thể nói chỉ với bản tin ngắn nêu trên (về việc An Giang đón nhận danh hiệu di tích lịch sử cấp quốc gia Ô Tà Sóc) nhưng chúng ta cũng có thể nhận ra được những nét đặc trưng của phong cách ngôn ngữ báo chí:

– Thông tin được đưa ra là thông tin cập nhật, chính xác rõ ràng, nhất là những thông tin về thời gian (ngày 3-2), địa điểm (An Giang, xã…, huyện…), cơ quan cấp, nơi được nhận.

– Văn ngắn gọn, giàu thông tin.

– Đoạn tin gợi được sự hấp dẫn nhất định trong những lời giới thiệu cung cấp thông tin khá ngắn gọn. Nó thu hút sự chú ý của những người đã từng biết đến địa danh này, đồng thời có thể kích thích sự tò mò khám phá của những người chưa từng đến nơi đây.

2. Để viết được bài phóng sự báo chí, trước hết cần phải chủ động xác định được vấn đề đang gây được chú ý của dư luận trong xã hội. Ví dụ như các nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, tệ nạn cờ bạc ma tuý, kiểu cách ăn chơi thác loạn của giới trẻ trong các vũ trường,… hoặc những vấn đề gần gũi với lứa tuổi học đường như văn hoá ăn mặc, lí tưởng của tuổi trẻ hiện nay,…

Sau khi lựa chọn được đề tài cần chọn lọc những sự kiện tiêu biểu để miêu tả, ghi chép người thực, việc thực có thời gian, địa điểm cụ thể, có số liệu nhằm thể hiện tính thuyết phục (nếu cần), rồi sau đó mới tiến hành viết bài.

Mai Thu

0