06/02/2018, 00:32

Bài 7 – Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều)

Bài 7 – Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều) Hướng dẫn I. VỊ TRÍ ĐOẠN TRÍCH Trong ngày Thanh minh, Thúy Kiều gặp gỡ Kim Trọng. Hai người yêu nhau và thề nguyền chung thủy trọn đời. Nhưng tai họa ập xuống, gia đình Kiều gặp tai biến. Cha và em nàng bị bắt bớ, hành hạ. Không đành ...

Bài 7 – Mã Giám Sinh mua Kiều (trích Truyện Kiều)

Hướng dẫn

I. VỊ TRÍ ĐOẠN TRÍCH

Trong ngày Thanh minh, Thúy Kiều gặp gỡ Kim Trọng. Hai người yêu nhau và thề nguyền chung thủy trọn đời. Nhưng tai họa ập xuống, gia đình Kiều gặp tai biến. Cha và em nàng bị bắt bớ, hành hạ. Không đành lòng để gia đình tan nát, Kiều đã tự nguyện bán mình để cứu cha và em. Chẳng may, kẻ đến mua Kiều lại là Mã Giám Sinh, một tên buôn thịt bán người.

Đoạn trích trên gồm 34 câu từ câu 619 đến câu 652.

II. ĐẠI Ý ĐOẠN TRÍCH

Tả chuyện Mã Giám Sinh mua Kiều để lộ dần chân tướng con buôn của hắn, thể hiện nỗi nhục nhã ê chề trong cảnh ngộ bất hạnh đầu tiên của đời Kiều.

III. BỐ CỤC ĐOẠN TRÍCH

a) Bốn câu đầu: Kiều quyết định bán mình, gia đình nàng bắn tin cho mẹ mối.

b) Hai mươi sáu câu giữa: Cuộc mua bán Kiều.

c) Bốn câu kết: Cuộc mua bán kết thúc và lời bình của tác giả.

IV. GỢI Ý TỰ HỌC

1) Chân tướng của Mã Giám Sinh

Trong đoạn trích này, Mã Giám Sinh xuất hiện đóng vai một chàng sinh viên Quốc tử giám đến xem mặt dặm hỏi Kiều về làm vợ lẽ dưới hình thức “lễ vấn danh”. Hắn là người “viễn khách” (khách xa) cả quê quán, tên họ (lí lịch) đều không rõ ràng. Tuy tuổi tác “Quá niên trạc ngoại tứ tuần” nhưng hình thức diện mạo bề ngoài của hắn lại là trai lơ, bảnh chọe: “Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”.

Ngoài ra, còn có một lũ tôi tớ nhâng nháo đi theo: “Trước thầy sau tớ xôn xao”. Tất cả đều được mời vào lầu trong một cách trang trọng. Thế nhưng Mã Giám Sinh vẫn không giấu được chân tướng của mình đặc biệt là với cử chỉ thô lỗ: “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Chỉ với một từ tót, nhà thơ đã lột trần mặt nạ của gã để cho ta thấy rõ đó chỉ là một tên vô học, thiếu vãn hoá, thiếu lịch sự, một tên con buôn đúng nghĩa “buôn thịt bán người” chứ đâu phải là sinh viên.

Tiếp đó Mã Giám Sinh nhìn Kiều, ngắm Kiều như nhìn ngắm một món hàng. Hắn “Đắn đo cân sức cân tài. Ép cung cầm nguyệt thử tài quạt thơ”. Nghĩa là hắn đã nhấc lên, đặt xuống, xoay trở đủ điều đối với Thuý Kiều, món hàng hắn đang định mua.

Khi đã hài lòng với “món hàng”, Mã Giám Sinh lại che đậy bản chất của mình bằng lời lẽ mĩ miều, giả dối:

“Rằng: Mua đến ngọc Lam Kiều

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”

Nhưng nói vậy chứ không phải vậy. Bởi vì ngay sau đó gã đã ra sức mặc cả đến điều:

“Cò kè bớt một thêm hai

Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.

Lúc này Mã Giám Sinh đã hiện nguyên hình là một tên “buôn thịt bán người” ghê tởm và đê tiện.

2) Tâm trạng đau thương tủi hổ của Thúy Kiều

Trong đoạn trích này, nếu hình ảnh Mã Giám. Sinh càng ghê tởm và đê tiện bao nhiêu thì tâm trạng buồn tủi xót xa, nỗi ê chề đau đớn của Thúy Kiều càng thấm thía và sâu sắc bấy nhiêu.

Là một tiểu thư đài các “Phong lưu rất mực hồng quần” Thúy Kiều đang sống yên vui trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” lại đang hương men say hạnh phúc của mối tình đầu trong sáng nhưng nồng thắm và mãnh liệt thì bất ngờ tai họa lại ập xuống, biến nàng thành một món hàng cho bọn “buôn thịt bán người”, trao tay cò kè trả giá bán mua. Vốn là người có tâm hồn nhạy cảm lại thông minh, Thúy Kiều cảm nhận rất sâu xa cảnh ngộ đáng hổ thẹn, vừa dơ dáy vừa nhục nhã của mình lúc này:

“Nồi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước, lệ hoa mấy hàng

Ngại ngùng dín gió e sương

Ngừng hoa bóng thẹn, trông gương mặt dày”

Trong màn kịch “lễ vấn danh”, dưới tay đạo diễn mụ mối, Thúy Kiều đã nhất cử nhất động: đánh đàn, làm thơ như những việc làm máy móc của kẻ vô hồn, trơ lì chịu đựng, đành cam chấp nhận tất cả, miễn sao đạt được mục đích trọn nghĩa trọn tình với cha và em, cứu được gia đình mình thoát khỏi cảnh nát tan đổ vỡ. Với dáng vẻ “nét buồn như cúc điệu gầy như mai" hình ảnh của Thúy Kiều hiện lên thật xót xa tội nghiệp. Tuy nín lặng rất mực trước sau nhưng cô gái này vẫn không sao giấu được nỗi niềm cay đắng, xót xa tủi nhục của mình.

Qua đoạn trích này, chúng ta cũng nhận rõ tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du qua thái độ đau đớn xót xa trước thực trạng con người, ở đây là Thúy Kiều, bị hạ tháp, bị chà đạp. Ngòi bút của tác giả bất bình phẫn nộ trong từng câu chữ khi phải nói đến tên buôn thịt bán người đê tiện Mã Giám Sinh. Có thể xem đoạn trích là một lời tố cáo thực trạng xã hội xấu xa, lên án thế lực đồng tiền thật mạnh mẽ.

Mai Thu

0