Truyện bà Chúa Binh may áo chồng bằng hơi thở ấm
Ngày xưa ở làng Ngòi (nay thuộc huyện Ý Yên) có một người đàn bà thường gọi là bà Chúa Binh . Chuyện rằng: bà là một võ nữ có sức vóc phi thường. Ngoài ba mươi tuổi, bà vẫn chưa nhận trầu của ai. Bố mẹ mất sớm, bà một mình, cuốc bãi bỏ hoang cấy hàng chục mẫu ruộng mà chẳng phải nhờ vả thuê mượn ...
Ngày xưa ở làng Ngòi (nay thuộc huyện Ý Yên) có một người đàn bà thường gọi là bà Chúa Binh. Chuyện rằng: bà là một võ nữ có sức vóc phi thường. Ngoài ba mươi tuổi, bà vẫn chưa nhận trầu của ai. Bố mẹ mất sớm, bà một mình, cuốc bãi bỏ hoang cấy hàng chục mẫu ruộng mà chẳng phải nhờ vả thuê mượn một ai. Mỗi ngày bà ăn ba bữa, mỗi bữa ăn hết bốn năm nồi cơm. Ăn xong lại ra đồng cày cuốc, không kể sớm tối gì. Bà làm cỏ, bà gặt lúa, gánh lúa cứ quần quật hết cánh đồng này lại sang cánh đồng khác. Bà làm đã giỏi lại nhanh, đôi vú của bà đập vào đòn càn, vào cán cào, cán cuốc nghe bình bịch cả ngày. Chính vì có sức vóc như vậy, nên mùa đông đứng bên bà thì như đứng bên lò sưởi. Hơi thở bà ấm nóng và thơm như hương lúa.
- Bà chúa Ngọc
- Sự tích đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh
- Truyền thuyết Mẫu Thượng Ngàn
Cùng thời ở làng Kênh (nay thuộc xã Liêm Sơn) có một người đàn ông tên gọi là Tứ Sinh. Thuở đương trai, Tứ Sinh nổi tiếng là một đô khỏe. Người ông to quá khổ, đến nỗi không quần áo nào mặc vừa. Mà dẫu có mặc vừa chỉ vài ngày sau là rách tung vì các bắp thịt của ông cứ nổi lên cuồn cuộn. Thành ra cuối cùng ông chỉ đóng một cái khố cỡ mười vuông, đi cày thuê cuốc mướn quanh vùng.
Hôm ấy, vào dịp tháng mười, đương mùa gặt, trời trở rét. Bà Chúa Binh đi gặt về. Đến nửa đường, bà ngồi xuống đi tiểu. Cũng vừa lúc đó ông Tư Sinh đi từ làng Kênh đi xuống rét quá, tưởng là đống lúa thì chúi vào ẩn cho ấm một chút. Càng lấn vào Tư Sinh càng thấy ấm áp. Mãi tới khi nhìn thấy thân thể của người đàn bà. Tư Sinh thẹn quá, vội bò trở ra, chạy biến mất. Từ đấy bà Chúa Binh vẫn để ý xem trong vùng ai là người cởi trần đóng khố, lực lưỡng đã chui vào sưởi ấm hôm trước.
Lại đến một dịp khác, ông Tư Sinh đi bắt cá ở dưới đồng Ngòi. Trời nắng, ông cỡi khố đội đầu, rồi xuống một cái đầm đầy rêu mò cá. Đầm cạn, nổi từng đống rêu mà cá thì chẳng có. Trời xui khiến thế nào mà hôm ấy bà Chúa Binh cũng đi lấy rêu cho lợn. Thấy thấp thoáng có người đàn bà đi về phía đầm. Tư Sinh cả thẹn, vội chui ẩn vào một đống rêu. Bà Chúa Binh vớt rêu được một lúc, thì gặp một cồn rêu to nhất. Bà vì xốc cồn rêu lên, bỗng giật mình, vì từ trong đống rêu nhảy ra một chàng trai lực lưỡng. Chồng trai toan chạy bà sấn lại nắm cánh tay mà rằng:
- Tôi nay đã biết chàng là ai rồi. Cơ trời như đã định liệu, xin chàng đừng bỏ dịp này...
Từ đó, hai người ý hợp tâm đầu, rồi trở thành vợ chồng. Thấy chồng không có quần áo mặc, bà Chúa Binh rất thương! Bà tuốt sợi gai dệt áo cho chồng. Nhưng cũng chỉ được vài ngày thì quần áo lại rách toạc cả. Biết chồng không thế mặc quần áo nào cho được, nên về mùa đông, bà luôn ở bên chồng, đem hơi thở nóng ấm, nồng nàn ủ cho chồng. Hai vợ chồng thường làm chung một việc để truyền hơi ấm cho nhau.
Đồng điền năm ấy đang tốt thì có giặc phương bắc tràn đến. Bà Chúa Binh cùng với chồng dựng cờ chiêu tập hiền tài đánh giặc. Bà may một lá cờ đại dựng giữa làng. Đêm đêm đốt lửa, thúc trống để triệu tập binh sĩ. Ai đến tụ nghĩa dịch cờ thì được ông, bà kênh kiệu lên vai, chạy quanh làng một vòng, hễ khi thả xuống, người đó đứng không lao đao thì mới được nhập vào nghĩa quân. Do vậy, có tên làng Kênh từ đó. Khi đã tuyển được vài nghìn quân, ông bà xuất binh. Hai ông bà đánh được nhiều trận lớn. Nhưng thế giặc mạnh, mà nghĩa quân thì ít nên cũng nhiều trận ông bà bị thất bại.
Một hôm, vào mùa đông giá rét, bị giặc đuổi ấp, nghĩa quân phải tìm lối thoát bằng cách vượt qua một con sông rộng. Sang được sông, ai nấy quần áo ướt sũng rét run cầm cập. Nhìn chồng và quân sĩ rét tím thịt lả đần, bà Chúa Binh thương nhỏ nước mắt, bà thắt bụng thở ra hơi nóng sưởi cho mọi người. Nhưng cơ chừng chồng và quân sĩ quá mỏi mệt, lại rét cóng, có thể sẽ nguy mất. Bà cuống cuồng cố lấy hết sức ôm ấp, hà hơi, lay gọi mà không được. Tiếng kêu cứu của bà thảm thiết, vang dội qua chín tầng mây. Trời động lòng thương, cho một vị thần chói lòa ánh hào quang hiện ra, đưa cho bà một chén rượu và nói: "Con uống đi, rồi hà hơi mạnh vào chồng con”. Vị thần biến mất. Bà làm đúng như lời thần, ráng hết sức thở thật mạnh. Tức thì một cái áo dày dặn, màu hồng điều bay ra. Bà vội mặc cho chồng. Ông Tư Sinh mặc áo thì hồi lại ngay.
Lại nói: sau khi cứu được chồng, bà Chúa Binh nhìn nghĩa quân run rét mà đau đến chín khúc ruột. Bà lại dùng hết sức thót bụng thắt ruột, thắt gan thở mạnh ra từng hơi một. Mỗi hơi thở của bà, lại bay ra một cái áo. Quân sĩ ai đã có áo ấm thì tỉnh lại như thường. Nhưng càng thở càng mệt, người bà càng tái đi... Cho tới khi thở được chiếc áo của người nghĩa sĩ cuối cùng bà cũng hết hơi, toàn thân đổ xuống mặt đất đánh rầm. Trời rung chuyển! Gió bão nổi lên mù mịt. Ông Tư Sinh cúi xuống vuốt mắt cho bà, rồi cùng quân sĩ tuốt gươm lao vào trận mới quyết trả thù cho bà.
Người ta đồn lại rằng: sau năm ngày xác bà trôi về tận làng. Vệt xác trôi thành cái ngòi dài. Cách đấy không xa, vệt ngòi đó vẫn còn kéo suốt tư Động Tam, Động Tứ (xã Liêm Cầu) qua làng Chằm, làng Thị (Liêm Thuận), qua Sấu, Đống (Liễu Đôi) cho đến làng nọ thì dừng lại. Làng ấy, nay gọi là làng Ngòi (xã Yên Chung huyện Ý Yên). Thì ra cái tên làng Ngòi có từ thuở ấy.