Thần mưa
Thần Mưa là vị thần hình rồng, thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng ...
Thần Mưa là vị thần hình rồng, thường bay xuống hạ giới hút nước biển, nước sông vào bụng rồi bay lên trời cao phun nước ra làm mưa cho thế gian có nước uống và cày cấy, cây cỏ trên mặt đất được tốt tươi. Thần Mưa thường theo lệnh Trời đi phân phát nước ở các nơi. Thần Mưa có tính hay quên, có vùng cả năm không đến, sinh ra hạn hán ở hạ giới, có vùng lại đến luôn, làm thành lụt lội. Do đó mà có lần ở hạ giới phải lên kiện trời vì Thần Mưa vắng mặt lâu ngày.
(Đọc truyện Thần thoại hay Lý Ông Trọng hay truyền thuyết về thánh Chèm)
Công việc phân phối nước cho khắp mặt đất rất nặng nề, một mình thần Mưa có khi không làm hết, nên có lần Trời mở một cuộc thi chọn các giống thủy tộc có tài trở thành rồng hút nước phun mưa giúp sức thần Mưa. Cuộc thi rồng đó Trời đã chọn lấy địa điểm ở cửa Vũ (Vũ Môn) thuộc Hà Tĩnh ngày nay. Do đó mà trong dân gian đã có câu hát về việc cá gáy hóa rồng.
Mồng ba cá đi ăn thề,
Mồng bốn cá về cá vượt Vũ Môn
Khi trời đất mới sinh, thì chính Trời phải làm mưa cho dân sự làm ăn. Sau vì khó nhọc quá, Trời không làm lấy mưa nữa. Trời mới sai Rồng lấy nước phun xuống làm ra mưa.
Nhưng vì số Rồng trên trời ít, không đủ làm mưa cho điều hòa khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kỳ thi kén các vật lên làm Rồng gọi là thi Rồng. Khi chiếu Trời ban xuống dưới Thuỷ phủ, vua Thuỷ Tề loan báo cho các giống dưới nước ganh đua mà dự thi. Trời cắt một viên Ngự sử ra sát hạch. Hạch có ba kỳ, mỗi kỳ vượt qua một đợt sóng, con vật nào đủ sức đủ tài, vượt được cả ba đợt, thì mới lấy đỗ mà cho hóa Rồng. Trong một tháng trời, bao nhiêu loài Thủy tộc đến thi đều bị loại cả, vì không con nào vượt qua được cả ba đợt sống. Sau có con cá rô nhẩy qua được một đợt thì bị rơi ngay, nên chỉ có một điểm. Có con tôm nhẩy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi đã gần hóa Rồng, thì đến lượt thứ ba, đuối sức ngã bổ xuống lưng cong khoăm lại và cứt lộn lên đầu. Hai con cùng phải trở lại yên nghiệp ở đồng như trước. Đến lượt cá chép vào thi, thì gió thổi ào ào, mây kéo đầy trời, chép vượt luôn một hồi qua ba đợt sống, vào lọt cửa Vũ Môn. Cá chép đỗ, vây đuôi, râu, sừng tự nhiên mọc đủ, dạng bộ oai nghi, cá chép hóa Rồng phun nước làm ra mưa.
Bởi vậy, về sau người ta có câu ví rằng:
Gái ngoan lấy được chồng khôn,
Cầm như cá vượt Vũ Môn hóa Hồng.
Khảo dị: Thần Mưa
Đến việc làm ra mưa thì Ngọc Hoàng ủy thác cho thần Mưa. Người thần hình rồng, có tài lên trời xuống nước bất kỳ lúc nào cũng được. Thần có phép thu hình lại bằng một con cá nhưng có thể dán người ra dài hàng ngàn trượng. Ở đây cũng nên phân biệt thần Mưa với thần Nước, hai thần đều cùng mình rồng cùng một tộc nhưng nhiệm vụ mỗi bên mỗi khác. Thần Mưa thường xuống hạ giới hút nước sông nước biển vào bụng no căng rồi bay đi, có thể rất xa, phun nước ra cho thế gian ăn uống cày cấy và cho cây cỏ mạnh khỏe. Chúng ta cũng nên biết là công việc của thần Mưa cũng như công việc của thần Gió 1à công việc hữu ích cho muôn loài ở hạ giới. Thế nhưng cũng có nhiều khi các thần đó phân phối không đều nên gây ra tai hại. Nhất là thần Mưa có nhiều lúc nhầm lẩn: sông biển không hút lại nhè đồng điền hoặc nhà cửa mà hút làm hư hỏng rất nhiều của thiên hạ. Có nhiều lúc, thần Mưa chỉ lo đi tưới nước cho những vùng hẻo lánh cách xa đại dương hàng vạn dặm. Mà quên bẵng cả những vùng ở sát ngay bờ biển. Đó là những cái quên “chết người” đã gây ra những vụ kiện tại thiên đình.