Truyện cười: Tiếu lâm hội nhập: Rỗng không trách móc rỗng không
Tiếu lâm hội nhập Rỗng không trách móc rỗng không Bạn tôi từ đâu vù tới nhà, chưa kịp dựng xe máy đã la lớn: Tin động trời! Ông bà đã biết chưa? - Chưa? - Chuyện thế này... - Bạn tôi thong thả kể- Một cô bé lớp 11, thi học sinh giỏi văn. Đề văn nói về vẻ đẹp trong ...
Tiếu lâm hội nhập
Rỗng không trách móc rỗng không
Bạn tôi từ đâu vù tới nhà, chưa kịp dựng xe máy đã la lớn: Tin động trời! Ông bà đã biết chưa?
- Chưa?
- Chuyện thế này... - Bạn tôi thong thả kể- Một cô bé lớp 11, thi học sinh giỏi văn. Đề văn nói về vẻ đẹp trong tác phẩm: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu. Cô bé này không thèm làm. Tương một bài vừa chê Nguyễn Đình Chiểu vừa chê ngành giáo dục.
- Thất kinh! - Tôi kêu lên - Con cái nhà ai mà táo gan quá trời!
Bạn tôi cười khà khà:
- Bài văn lạc đề đó đã lọt ra ngoài, làm xôn xao thiên hạ. Người khen cô bé giỏi, dám nói thẳng nói thật. Kẻ chê cô bé hư, làm bài không được lại bẻ cong ngòi bút chê thẳng cả một hệ thống giáo dục. Tôi thấy hay quá. Chỉ là ý kiến một em bé mà tốn không biết bao nhiêu giấy bút của các văn sĩ, giáo sư. Đã quá trời!
Thời buổi đến là hay. Thích gì khen nấy. Hay cũng khen, không hay cũng khen. Thậm chí dở òm cũng khen nức khen nở. Năm ngoái có chú bé bỏ cả giờ thi, ngồi rung đùi phê phán hệ thống giáo dục. Nhiều người vỗ tay hoan hô, khen là dũng cảm, là trung thực, là vân vân. Có nhà văn còn đòi trao giải Nobel cho chú bé. Đi thi không thi, lại ngồi phê phán thế là đáng khen ư? Giả sử anh là thầy, thầy dạy dốt hẳn hoi. Trò có thể chê anh dạy dốt, có thể phê phán anh không xứng đáng làm thầy. Chấp nhận tất. Nhưng khối gì chỗ để phê, lại phê đúng khi người ta đang hỏi anh? Chẳng qua làm bài không được, trò mới quay ra mắng thầy sa sả, chứ làm được thì chẳng mồm năm miệng mười nói veo véo kiếm lấy điểm tốt, dại gì đứng đó chê thầy? Cổ xuý cho những hành vi phản giáo dục như vậy là cực kỳ nguy hiểm!
- Noi- ói! - Vợ tôi dài giọng - Ai bảo anh ra đề ba thứ tào lao, nó mới làm không được chứ?
Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là tào lao ư? Anh thích hay không là quyền của anh nhưng người ta ra đề thi không cần biết anh có thích hay không. Tác phẩm có trong chương trình, anh phải đọc, phải học, gặp khi người ta hỏi thì anh phải trả lời. Thà anh nói: Thưa thầy con quên... Đằng này anh làm ra vẻ anh biết thừa nhưng anh không thích nên không thèm trả lời. Cái bệnh sĩ - diện - hỗn ấy nên chừa đi!
- Gì mà căng thẳng thế? - Bạn tôi nói - Nó dù sao cũng trẻ con. Con dại cái mang. Cái là ai? Đó là giáo dục của chúng ta. Tiên trách kỷ, trước hết phải trách chúng ta trước đã!
Đúng! Ông bạn tôi nói thế còn nghe được. Giáo dục nhà ta đừng tự ái. Cô học trò sai mười mươi rồi, nhưng trong sự sai đó lại có mầm móng của cái đúng. Lời vụng dại của con trẻ, mình nói cho hả giận chứ thực ra cũng phải thông cảm, chia sẻ cho nó phần nào. Quý vị người lớn, kể cả quý vị là nhà văn nhà thơ, mấy ai thấm được cái hay của văn thơ cổ? Tất nhiên văn học cổ thì hay rồi. Nhưng nó lắm điển cố, điển tích quá. Người lớn đọc điển tích, điển cố còn loạn óc huống hồ trẻ con. Không thiên kinh vạn quyển, gặp phải mớ điển tích điển cố chẳng khác gì thầy bói xem voi. Người lớn còn thế, trách gì trẻ con! Vả chăng muốn thấm được cái hay của văn học cổ thời phải ngấm được hết sự đời. Trẻ con hỉ chưa sạch mũi, đã biết gì nỗi đau nhân tình thế thái mà ép nó phải thấy được cái hay trong các áng văn học cổ? Tụi mình uống bia thấy ngon, chiều nào không có vài vại bia hơi cứ thấy nhớ nhớ. Trẻ con uống bia chẳng khác gì uống thuốc đắng, nó chưa đủ tuổi để thấy ngon, sao cứ ép nó nói về cái ngon của bia?
- Chí phải! Chí phải! - Bạn tôi vỗ đùi đánh đét.
Văn học cổ đã khó, dạy nó còn khó hơn. Dạy dỗ thế nào cho vừa sức trẻ con. Dạy dỗ thế nào cho trẻ con cảm thấy cái hay không phải chuyện đùa. Nước ta có bao nhiêu người đủ tầm dạy trẻ con văn học cổ? Giáo viên văn thời này đi dạy như đi cấy. Người ta đi cấy lấy công, em đây đi dạy mà không có gì!
- Khoan khoan! - Bạn tôi kêu lên - Vừa nãy ông nói: "Còn em đi dạy mà không có gì" nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là nếu anh đem cái rỗng không đi dạy thì nhất định anh sẽ đẻ ra vô số cái rỗng không. Một trong những cái rỗng không đó vừa lên tiếng trách móc!
Ừ nhỉ! Thế thì còn kêu ca cái gì nữa!
Ba Cái Đồn