Truyện cười: Tấm bằng đại học
Ra trường, mất gần năm trời cầm tấm bằng đại học rong ruổi đi tìm việc khắp nơi, cuối cùng, tôi cũng đã xin được vào làm cho một công ty nước ngoài, hoạt động trong mảng vận tải. Vì làm việc dựa trên nền tảng ứng dụng di động – tiếng Anh gọi là Mobi Apps – nên công việc của tôi cũng đỡ vất vả đi ...
Ra trường, mất gần năm trời cầm tấm bằng đại học rong ruổi đi tìm việc khắp nơi, cuối cùng, tôi cũng đã xin được vào làm cho một công ty nước ngoài, hoạt động trong mảng vận tải. Vì làm việc dựa trên nền tảng ứng dụng di động – tiếng Anh gọi là Mobi Apps – nên công việc của tôi cũng đỡ vất vả đi rất nhiều: thay vì sáng sáng ra ngã tư chống xe ngồi đợi khách, thì giờ, tôi ngồi đâu cũng được, chỉ cần bật điện thoại 3G lên, có khách là ứng dụng sẽ báo. Làm kiểu công nghệ này khỏi phải lo bon chen giành khách, lại còn được phát áo đồng phục kèm thêm 2 cái mũ bảo hiểm có in logo công ty. Ra đường, chỗ nào cũng gặp đồng nghiệp: hồi đầu gặp tôi còn vẫy vẫy chào, sau vẫy nhiều mỏi tay quá nên thôi…
Tưởng sự nghiệp ổn định rồi, cứ vậy mà phát triển, nhưng một hôm, bố tôi gọi điện từ quê lên, giọng nghèn nghẹn, bố bảo: “Vài hôm lại nghe tin xe ôm công nghệ bị xe ôm truyền thống hành hung, đâm chém, bố lo lắm! Hay mày về quê đi, bố sẽ nhờ chú Vảy xin cho mày vào làm ở xưởng sản xuất bao cao su trên thị trấn. Giờ khu mình bà con ít uống thuốc, ít đặt vòng, ít thắt ống dẫn tinh, chủ yếu tránh thai bằng bao cao su, nên xưởng làm ăn khá lắm! Chứ mày ở trên Hà Nội, làm được đồng nào là mày đi đá phò cho bằng sạch, mà phò thủ đô đắt gấp đôi, gấp ba phò quê mình, bố lên đấy mấy lần, bố lạ gì! Với cả, trong khi xã hội đang lên án mấy đứa thi “Đường lên đỉnh Olympia” được học bổng du học nước ngoài, rồi học xong chả đứa nào thèm trở về, thì việc mày học đại học trên Hà Nội, xong sẵn sàng bỏ công việc đang ổn định trên đó để về cống hiến cho quê hương, ấy sẽ là tấm gương đạo đức sáng ngời, đồng thời, là gánh nước gạo, à nhầm, là gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt mấy cái đứa Olympia vô ơn với quê hương!”.
Thế là tôi quyết định về. Tôi về vội đến nỗi chả kịp tổ chức được một buổi liên hoan chia tay với đồng nghiệp trong công ty. Chú Vảy có vẻ rất nhiệt tình, biết tin tôi về phát là chú sang nhà ngay, bảo tôi chuẩn bị hồ sơ xin việc để chú ấy mang lên thị trấn nộp luôn cho. Tôi còn băn khoăn nên hỏi lại: “Công việc cụ thể của cháu ở cái xưởng bao cao su ấy là gì vậy chú?”. Chú bảo: “Mày sẽ đảm nhiệm khâu đóng gói, cứ mỗi hộp 3 cái, đóng lại là xong”. Tôi sững sờ: “Cháu tốt nghiệp đại học mà lại phải làm cái việc vớ vẩn ấy sao ạ?”.
Nghe đến hai từ “vớ vẩn”, mặt chú Vảy cau lại, rồi chú bực bội giảng giải: “Không phải là vớ vẩn, mà đó là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng tới tính mạng của con người đấy! Các nhà khoa học đã rình mò nghiên cứu và đưa ra kết luận: một người đàn ông có sức khỏe sinh lý bình thường, một đêm đưa gái vào nhà nghỉ, trung bình sẽ làm được 3 “nháy”. Bởi vậy, xưởng mới quy định đóng mỗi hộp 3 cái. Nếu mày đóng thiếu, chỉ có 2 cái thôi chẳng hạn, thì đến “nháy” thứ 3, khách sẽ không có bao. Đang máu, lại nửa đêm rồi, thằng điên nào còn chạy đi mua bao nữa? Vậy là cứ trần trùng trục thế cho vào, vậy là lậu, giang mai, sùi mào gà, sida, chả chết người hay sao? Rồi có bầu, rồi bùng, rồi nạo hút, rồi tự tử… chả là tính mạng con người à? Hoặc giả như mày đóng thừa, thành 4 cái chẳng hạn. Xong 3 “nháy”, mệt rồi, thấy vẫn còn thừa một cái, vứt đi thì tiếc, lại cố làm “nháy” nữa cho hết, mà cố kiểu đó rất dễ dẫn tới đột quỵ, thượng mã phong, chả toi đời thì không ư?”.
Nghe chú Vảy nói phải quá, tôi gật đầu liên tục ra điều thấu cảm, rồi vội vào trong lấy hồ sơ đưa cho chú. Chú Vảy xem qua hồ sơ thì mặt bỗng tái mét, rồi chú rút cái bằng đại học của tôi ra, dúi dúi vào tay tôi ý như bảo đem cất ngay đi. Không để tôi kịp hỏi lý do, chú đã nghiêm giọng nói tiếp: “Cái xưởng này không thích tuyển những thằng có bằng đại học, vì mấy thằng học đại học thường đòi lương cao, và làm với tư tưởng tạm thời, chờ chỗ khác ngon hơn là chúng nó nhảy. Xưởng họ tuyển người cũng như đàn bà tuyển chồng: chả ai muốn vớ phải một thằng chồng hay đòi hỏi, đứng núi này trông núi nọ, đi bên mình mà lại mơ làm tình cùng con khác đâu! Tuyển vào, vài hôm nó bỏ việc thì lại mất công tìm người thay. Hơn nữa, trước khi vào làm, phải qua một khóa đào tạo, mà đào tạo những đứa chưa biết gì bao giờ cũng dễ hơn là đào tạo mấy cái đứa thực ra cũng chả biết cái gì nhưng lại cứ tưởng là cái gì mình cũng biết”.
Rồi như sợ tôi chủ quan, khinh xuất, trước khi về, chú Vảy còn dặn đi dặn lại: “Nhớ! Tuyệt đối không được để cho chúng nó biết là mày đã tốt nghiệp đại học đâu đấy!”.
Chiều hôm sau, lúc tôi đang ngồi ở sân nhặt rau thì có hai người đàn ông lạ hoắc bước vào. Thái độ lạnh lùng và vẻ mặt nghiêm trọng của họ khiến tôi hốt hoảng và liên tưởng tới hình ảnh của hai anh cảnh sát hình sự trong bộ phim chiếu trên tivi đêm hôm trước, cái đoạn mà hai anh cảnh sát ập vào nơi trú ẩn của tên tội phạm đã gây ra vụ cướp tiệm vàng rồi hiếp dâm cả hai vợ chồng ông chủ tiệm. Nhưng rồi, nhìn bộ đồng phục có in hình cái bao cao su đang ngỏng lên, phía dưới là dòng chữ “Đụ-rách” – tên phiên âm tiếng Việt của Durex, thì tôi đã bớt lo hơn, và lờ mờ hiểu ra vấn đề: Có lẽ, chú Vảy đã nộp hồ sơ của tôi vào cái xưởng bao cao su “Đụ-rách” đó rồi, và giờ, người của xưởng tới đây để xác minh thêm thông tin gì đó từ tôi…
Quả đúng vậy, bởi vừa ngồi xuống bàn, một trong hai gã ấy đã cất giọng cộc cằn: “Chúng tôi đã nhận được hồ sơ xin việc của cậu. Tuy nhiên, có tin báo rằng cậu đã có bằng đại học. Bởi thế, hôm nay chúng tôi đến đây để điều tra, xác minh, làm rõ vấn đề!”.
Tôi sững người, gắng hết sức không để lộ sự lo lắng và hoang mang. Rồi vô tình tôi liếc sang bên cạnh: Ôi trời ơi! Cái bằng đại học của tôi, hôm qua chú Vảy lôi ra, vứt trên ghế, tôi sơ ý chưa cất đi, giờ nó vẫn nằm chềnh ềnh ra đấy! May mà nó khuất sau cái tích ủ trà nên hai gã đó chưa nhìn thấy. Nhưng cứ để vậy thì chỉ cần lia mắt qua một phát là hai gã sẽ phát hiện ra ngay…
Tình huống nguy cấp xảy đến quá bất ngờ làm lưỡi tôi cứng lại, muốn nói cái gì đó nhưng môi cứ đờ ra, không sao thốt nên lời. May quá, đúng lúc này, bố tôi từ ngoài chạy vào và nhanh trí ngồi đè phịch lên cái bằng đại học của tôi, giọng cố làm ra vẻ bình thản: “Nói thật với hai anh, thằng con tôi thuốc lá chưa từng hút một điếu, rượu chỉ ngửi hơi đã say, game online không biết, lô đề cũng mù tịt… một thằng như thế tức là nó chưa bao giờ được là sinh viên, mà chưa là sinh viên thì sao có bằng đại học? Con tôi nó có được hành gì đâu: sáng quẩy quang gánh ra đường hót cứt trâu bón rau; trưa dắt bò ra đồng ăn cỏ; chiều xách rổ xuống sông vớt bèo nấu cám cho heo. Tổ cha đứa nào độc mồm độc miệng lại bảo con tôi đã có bằng đại học rồi!”.
Hai gã nghe bố tôi nói vậy thì vẫn vẻ hoài nghi, rồi lầm lì đứng dậy, nhìn ngó khắp nhà, vào cả trong buồng, kéo cả ngăn bàn, hộc tủ ra để kiểm tra. Tìm kiếm một hồi không phát hiện được gì, một trong hai gã gườm gườm, bảo: “Thôi được rồi, chúng tôi tạm chấp nhận hồ sơ của con trai ông. Mai kia, sẽ có đoàn thanh tra của hội đồng quản trị, dẫn theo cả chó nghiệp vụ tới đây để lục soát lại một lần nữa. Nếu không phát hiện được bằng chứng chứng minh con ông đã có bằng đại học, thì chúng tôi sẽ tuyển dụng con ông!”.
Tôi và bố nín thở, đợi cho hai cái bóng đồng phục có in chữ “Đụ-rách”, trên có hình cái bao cao su đang ngỏng lên ấy, khuất hẳn sau rặng chuối cuối đường, thì mới dám thở phào nhẹ nhõm. Tôi lôi cái bằng đại học ở dưới đít bố ra: nó ướt sũng tự lúc nào, không hiểu vì mồ hôi hay vì cái gì… Đốt đi thì không đành, nên hai bố con bàn nhau là phải tìm ra một nơi nào đó thật kín đáo và an toàn để giấu cái bằng đi. Vắt óc một hồi, bỗng bố “À” lên một tiếng, rồi chỉ ra hướng chuồng heo, bảo là nghĩ ra rồi. Bố kể hồi còn nhỏ, bố hay thuê phim con heo về xem, sợ ông nội phát hiện, bố toàn giấu ở nóc chuồng heo, và chưa bao giờ ông nội tìm ra được…
Tự nhiên, ký ức tôi ùa về cái cảnh hôm tôi bắt xe lên Hà Nội thi đại học, bố theo tiễn tôi, bố ấn vào tay tôi một xấp tiền – là tiền bố bán gà, bán lợn – giọng bố run run, vừa như khích lệ, vừa như giao trọng trách: “Cố lên con! Làm bài thật tốt vào nhé! Bố tin ở con!”. Tôi mím môi, gật gật đầu, rồi gạt nước mắt bước vội vào trong bến, nhảy lên xe khách…
Giờ, tôi cũng ấn vào tay bố cái bằng đại học – có được nhờ tiền bố bán gà, bán lợn – giọng tôi run run, vừa như khích lệ, vừa như giao trọng trách: “Cố lên bố! Bố giấu thật kỹ vào nhé! Con tin ở bố!”. Bố mím môi, gật gật đầu, rồi gạt nước mắt, bước vội ra ngoài vườn, nhảy xuống chuồng heo…
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo