Trương Đăng Dung sinh ngày 8/5/1955 tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1978, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary, bảo vệ luận án Tiến sĩ sau đó 6 năm (1984). Từ năm 1978 đến nay ông là thành viên của Viện Văn học, hiện ông đang là Phó Viện trưởng Viện Văn học và là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Thời gian học tập ở Hungary ông được tiếp xúc với tư duy lý thuyết phương Tây một cách bài bản, đồng thời được trải nghiệm các khuynh hướng sáng tác hiện đại, hậu hiện đại. Tư duy lý thuyết giúp ông hiểu hơn bản chất của văn học. Theo Trương Đăng Dung, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ Martin Heidegger, Franz Kafka.
Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học dày dặn và những tác phẩm dịch thuật có ý nghĩa. Với thơ ca, hơn 50 tuổi Trương Đăng Dung mới xuất bản Những kỷ niệm tưởng tượng, một tập thơ vẻn vẹn có 25 bài, tập hợp những sáng tác chọn lọc trong suốt chặng đường dài mấy chục năm ông đã sống, nhận thức và trải nghiệm thế giới.
Tác phẩm:
Lý luận:
- Các vấn đề của khoa học văn học (chủ biên, 1990)
- Văn học và hiện thực (viết chung, 1990)
- Từ văn bản đến tác phẩm văn học (1998)
- Tác phẩm văn học như là quá trình (2004)
Dịch:
- Truyện Kiều (dịch sang tiếng Hungary, 1984)
- Đứa trẻ mồ côi (tiểu thuyết Moricz Zigmond, 1987)
- Lâu đài (tiểu thuyết Franz Kafka, 1998)
- Thằng điên và quỷ sứ (tiểu thuyết Sarkadi Imre, 2000)
Thơ:
- Những kỷ niệm tưởng tượng (NXB Thế giới, 2013)
Trương Đăng Dung sinh ngày 8/5/1955 tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1978, ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Budapest, Hungary, bảo vệ luận án Tiến sĩ sau đó 6 năm (1984). Từ năm 1978 đến nay ông là thành viên của Viện Văn học, hiện ông đang là Phó Viện trưởng Viện Văn học và là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.
Thời gian học tập ở Hungary ông được tiếp xúc với tư duy lý thuyết phương Tây một cách bài bản, đồng thời được trải nghiệm các khuynh hướng sáng tác hiện đại, hậu hiện đại. Tư duy lý thuyết giúp ông hiểu hơn bản chất của văn học. Theo Trương Đăng Dung, ông chịu ảnh hưởng nhiều từ Martin Heidegger, Franz Kafka.
Ông là tác giả của nhiều công trình khoa học dày dặn và những tác phẩm dịch thuật có ý nghĩa. Với thơ ca, hơn 50 tuổi Trương Đăng Dung mới xuất…
Tác giả: Trần Thanh Hà
Trong giới học thuật, Trương Đăng Dung được biết đến như một người làm lý lu n thuần tuý. Bằng lao động âm thầm, cần mẫn Trương Đăng Dung đã đóng góp cho nền lý lu n văn học hiện đại Việt đổi mới và bắt kịp nền lý lu n văn học trên thế giới.
Đọc chùm thơ của anh mà Tạp chí Sông Hương đăng trên các số 11/2002; 6/2004... chúng ta bất ngờ khi gặp một khía cạnh khác của một nhà lý lu n. Đó là ta bắt gặp một tâm hồn mẫn cảm, một trái tim nhân h u, một tấm lòng biết chia sẻ và giàu tình yêu thương. Dù số lượng bài không nhiều, nhưng những vần thơ của anh đã gợi cho người đọc bao suy nghĩ về kiếp nhân sinh. Không phải ngẫu nhiên mà trong sáu bài thơ, điệp khúc “Kiếp người ngắn ngủi” cứ vang lên như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Thân phận con người - niềm trăn trở của bao thế hệ thi nhân, nhưng tác giả Trương Đăng Dung lại có một cái nhìn khác. Đó không hẳn chỉ là nỗi xót xa cho kiếp đời ngắn ngủi, cho cuộc đời “không số phận”. Dẫu biết rằng đời người chỉ là một sátna thì đớn đau, xót xa cũng phải lẽ. Nhà thơ đặt ra một vấn đề cao hơn nỗi ngậm ngùi về thân phận là trong cuộc sống ngắn ngủi ấy, con người phải sống như thế nào? Câu hỏi cuối cùng trong bài thơ “Có một thời” viết: “Có một thời ta đã sống thật sao?” như một nhát cứa vào lòng. Người đọc tự tìm câu trả lời trong từng câu chữ khi nhà thơ đặt ra những nghịch lý. Từng vế câu thơ đối nhau chan chát:
- Đến bữa cơm mẹ ngồi đợi vét nồi
Răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa
- Trẻ con sợ búp bê và không thích sữa
- Anh đi bên tôi mà sao cách trở.
- Nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi
- Em rực rỡ mà hồn tôi sa mạc...
Điệp khúc “Có một thời” vang lên suốt bài thơ khắc khoải như nhát dao xoáy vào tâm linh. Nỗi đau cứ dồn mãi đến tận cùng của c m giác trước sự tê liệt của lòng người, của hồn người. Không, không còn hình bóng của con người mà chỉ còn gỗ đá, bởi lẽ khi con người không biết đến tình yêu thương, không biết trân trọng cái đẹp, không còn biết sẻ chia thì đâu gọi là sống nữa. Đó không chỉ là câu hỏi dành riêng cho một thời mà cho mọi thời, cho những con người đánh mất mình, đánh mất tình người. Con người rơi vào bi kịch vì chính sự vô tâm của mình. Đằng sau những nghịch lý là một niềm tiếc nuối của tác giả. Tiếc nuối vì đời người ngắn ngủi đến là vậy mà ta không biết nâng niu quý trọng nó. Bởi vì, tự thân mỗi con người sống trong đời sống này không thoát khỏi đau khổ. Đọc chùm thơ của anh, ta cảm nhận nỗi đau làm người thấm thía và sâu sắc. Mỗi bài thơ là một góc cạnh mà nhà thơ xuyên thấu vào từng mảnh đời, số phận và trạng huống con người phải trải qua.
Bài thơ “Những kỷ niệm tưởng tượng” là một hành trình khổ nạn của kiếp sống. Từ lúc sinh ra đối diện với cuộc đời cũng là lúc nhà thơ cảm nhận hết cái đói nghèo, kham khổ, thiếu thốn. Và chính trong cái gian khó ấy, con người u mê, tha hoá...
“Ngày ta sinh ra là ngày đầu tiên ta nằm bệnh viện
Các bác sĩ hân hoan khi có trẻ ra đời.
Họ lấy nhau của mẹ ta làm đồ nhắm rượu
Các nữ y tá nhìn ta.
Kinh nguyệt chảy màu máu còn tươi rói.
Không có bông, họ lấy tà áo choàng lau vội...
Đêm đầu tiên ta nghe những tiếng động đầu tiên.
Những chú chuột ăn cắp tã vá của ta làm áo choàng vào bệnh viện.
Chúng sờ lên mặt ta tìm môi ta liếm liếm...”
Cùng với năm tháng lớn lên của tuổi cũng là lúc nỗi đau đớn lớn dần cùng với sự trưởng thành trong nhận thức. Vượt qua hình ảnh nhỏ bé của mảnh tã vá là hình ảnh của xã hội và của cái chết. Những chuyến tàu chở đầy vũ khí, những cô gái điếm tả tơi dọc bờ sông, những em bé và những người già thất thểu... tạo dấu ấn trong hồn nhà thơ một vùng ký ức buồn, thật buồn. Và, kết thúc dòng hồi tưởng là những hình ảnh thảm khốc:
“... Những đám tang không có hòm
Chân người chết thò ra khỏi chiếu.
... Những người mẹ bị thương ruột lòi ra vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn.
Và những cánh tay trẻ thơ bom hắt lên cành cây vắt vẻo...”
Đọc những dòng thơ trên ta như nhận ra họa phẩm nổi tiếng về chiến tranh của Picassô. Những cánh tay lủng lẳng, những đoạn ruột lòng thòng, những ống xương người phơi bày... tự nó đã có sức tố cáo mạnh mẽ về sự huỷ diệt của chiến tranh.
Những dòng thơ chỉ có thể chắt lọc từ một trái tim nhức buốt, tái tê. Hành trình nhận thức của nhà thơ là hành trình đi từ mình đến mọi người, từ quê hương đến dân tộc. Đó là hành trình của mỗi người dân đất Việt. Số phận con người gắn với định mệnh đau thương của dân tộc. Cái nhìn của nhà thơ là cái nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử, xót thương cho một dân tộc oằn mình gánh nặng mất mát, hy sinh. Đó là hành trình tuẫn nạn vác cây thập tự định mệnh. Song, ngoài nỗi bi thương của dân tộc, định mệnh của dân tộc thì mỗi người còn phải đối mặt với định mệnh của ch nh mình. Muôn đời, suốt kiếp những trái tim nhân h u luôn đau đáu về thân phận. Trương Đăng Dung hiểu rằng cuộc sống chỉ là “nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn”, vậy nên thời gian được anh đong bằng từng giọt nước mắt “của ngày xưa còn lại đến hôm nay”. Nước mắt của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và của bao tiền nhân đ nhỏ xuống vì thân phận con người. Bài thơ “Anh không thấy thời gian trôi” chỉ là một cách nói để trốn chạy thời gian tiền định.
Nhà thơ không nhìn bước đi của thời gian bằng kim đồng hồ vạch sẵn mà nhìn thời gian bằng trái tim thảng thốt thương người. Nhà thơ muốn nói với bạn đọc rằng, thời gian không phải là giây phút là giờ là ngày hay là tháng là năm.. thời gian chỉ có nghĩa khi nó hiện hữu ở tất cả. Thời gian hằn vết lên kỷ niệm, thời gian in dấu ấn ở nét mặt và thời gian ngậm ngùi lên tiếng khi ta nâng trên tay những sợi tóc rụng dần... Thời gian khắc chạm, ẩn hiện và ngự trị trong mỗi người. Thời gian định mệnh mà con người không thể vượt qua bởi sự vô tình, tàn nhẫn của nó. Cảm thức về thời gian làm nhà thơ càng thấy “lòng tha thiết với trời xanh” để rồi “mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành”. Phải chăng anh khao khát đẩy rộng, đẩy mãi quỹ thời gian cuộc đời để được yêu thương nhiều hơn và cống hiến nhiều hơn? Đọc những vần thơ này của anh chắc hẳn mỗi người sẽ biết thiết tha với đời sống, với con người và mong sống có nghĩa. Lời thơ t nói với mình mà sao có sức gợi mở đến là vậy.
Chiếc lá vàng sẽ rơi vào cuối thu mà còn tiếc nuối cành cây trong cái chơi vơi ngơ ngẩn, huống chi con người? Sao không tiếc nuối, buồn thương khi nhận ra “kiếp người ngắn ngủi”. Phải biết yêu cuộc đời mới có được nỗi buồn đẹp đến thế. Đối diện và cô đơn trước thời gian là suy ngẫm của Trương Đăng Dung về thân phận. Vậy nên, tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, vụt hiện, vụt mất như ảo ảnh mà thôi. Thương làm sao một tình yêu chưa đến mà đã mất, chưa hạnh phúc đã thấm đầy đau đơn, chưa gặp nhau mà đã chia xa. Cuộc kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc mịt mờ thăm thẳm như bình minh không có mặt trời, như lâu đài chỉ có cánh dơi, ... những tâm hồn tìm đến nhau lẽ nào cũng lại là một hành trình khổ nạn. Hạnh phúc đời người trở thành bẽ bàng trước sự sinh sôi của côn trùng trong cát bụi và hiếm hoi truyền hơi ấm tình người qua bàn tay tìm nhau run rẩy. Tình yêu như giấc mơ không đầu không cuối mà tương lai là thời gian sẽ cướp đi. Tất cả những gì chợt hiện của hôm nay chỉ là ảo giác. Chiếc ghế bên góc vườn trơ trọi vì không còn tình nhân và em trẻ trung, duyên dáng, yêu kiều của hôm nay được cuộc đời biến thành cụ bà với mái tóc bạc xoá.
Đời người đã mong manh, chóng tàn rồi mà tuổi trẻ, tình yêu còn mong manh hơn thế nữa. Phải chăng vì lẽ đó nhà thơ “sợ hãi trước chân trời”? Chân trời là tương lai, nhà thơ t ng khao khát mong chờ được cùng người yêu bước đến. Sẽ hạnh phúc biết bao khi ta chạm vào được tương lai bằng tình yêu nồng cháy, ngọt ngào. Song, ai biết trước được tương lai? Khao khát đến thế, mong chờ đến thế nhưng đến với chân trời lại là một cảm giác sợ hãi. Liệu có mâu thuẫn không? Không, bởi nhà thơ đã thấy trên đường tới chân trời không chỉ có tình yêu mà còn những bóng hình dị dạng, những đội quân tay súng, tay đao, những nhà thơ vô cảm... tình yêu làm sao sống chung với sự huỷ diệt? Ngày mai là bom đạn, chết chóc hay yêu thương? Anh đã ném câu hỏi cho mọi người trước sự biến động của nhân lo i. Giây phút bên nhau trở thành nỗi thấp thỏm vì một tương lai không xác định. Nỗi đau nhân sinh là thế!.
Cả sáu bài thơ của Trương Đăng Dung mà Sông Hương chọn đăng đ u được viết theo thể tự do với số câu chữ không hạn định. Điều đó khiến bài thơ như một sự suy tưởng. Đó là trăn trở của anh về thân phận con người. Đặt ra những vấn đề lớn lao là chiến tranh, thân phận hay các vấn đề xã hội nhưng âm hưởng của từng câu không khoa trương, ồn ào. Ngược lại, những câu thơ mang một giai điệu buồn da diết. Đau cho mình và đau cho đời. Những bài thơ không phải là đặc sắc, nổi bật của thơ Việt hiện đại nhưng nó ra đời như một lời nhắc nhở đến mỗi tâm hồn. Trong cuộc sống hiện đại, xuất hiện nhiều tư tưởng cá nhân và sự chai mòn cảm xúc thì những vần thơ của anh là điểm đến của những tâm hồn biết thao thức với thân phận và biết chia sẻ với những nỗi đau. Mỗi người đọc thơ anh như thấy mình được an ủi và che chở vì chúng ta bắt gặp nhau trong cùng thân phận. Tình yêu thương của nhà thơ sẽ không “tan trong sương khói, những kiếp người”.
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, 3-2006
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Tác giả: Hoàng Thị Quỳnh Anh
Trương Đăng Dung dạo vườn thơ khi mới ngoài 20 tuổi, lúc đang còn là một sinh viên du học ở nước ngoài. Năm 1978, ông đã trình làng bài thơ “Âm hưởng mùa hè” trên báo Văn nghệ. Nhưng rồi công việc nghiên cứu và dịch thuật văn học khiến ông neo thơ vào lòng, ấp ủ bấy lâu nay.
Chính ông cũng đã có lần bộc bạch: có lúc vài ba tháng, một năm hay hai năm làm một bài thơ. Vì thế, sau hơn 20 năm, thơ ông mới xuất hiện trên Tạp chí Sông Hương và gần đây là trên Tạp chí Thơ với những cảm xúc mới lạ, đầy tính triết lý.
Thơ ông viết ra đều như một thứ rượu quý được chưng cất. Và bây giờ rượu thơ ấy đã lên men. Say người.
Hầu hết các bài thơ của Trương Đăng Dung đều ngập bóng thời gian. Cái độc đáo và tinh tế của Trương Đăng Dung là cách cảm nhận thời gian. Với ông, thời gian đi trên những lối mòn không thể thấy. Thời gian ở trong máu, không lời/ ẩn mình trong khoé mắt, làn môi/ trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời/ về kiếp người ngắn ngủi. Thời gian được ông cảm nhận trùng với thân phận con người, với tình yêu, với cuộc sống. Vì thế, nỗi trăn trở, day dứt, tiếc nuối... là âm hưởng chủ đạo trong thơ Trương Đăng Dung. Điều này thể hiện rất rõ qua các bài thơ như: Trên đồi Vọng Cảnh, Anh chiếm chỗ bóng đêm, Anh không thấy thời gian trôi, Có một thời, Những kỉ niệm tưởng tượng, Vật chứng, Thành phố phía chân trời, Ảo ảnh, Có thể, Đêm ở Roma, Ghi chép hè 2009, Chân trời, Ánh sáng này...
Theo Trần Đình Sử(1), “thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với các chiều thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai... Thời gian nghệ thuật là một biểu tượng, một tượng trưng, thể hiện một quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người”. Nó là sản phẩm của sự lao động miệt mài, không ngưng nghỉ của nhà thơ. Thời gian trong thơ dung chứa những tâm tình của nhà thơ. Mỗi nhà thơ đều có một cách cảm nhận và tổ chức thời gian riêng. Trương Đăng Dung khai thác thời gian theo tư duy triết lý của mình.
Nhiều cách cảm nhận tất yếu nảy sinh nhiều kiểu thời gian. Thời gian trong thơ Trương Đăng Dung được phóng chiếu tự do, không theo chiều véc-tơ. Thời gian là nỗi xót xa khi răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa, là tình yêu đồng vọng với những giọt nước qua má, qua môi/ rơi xuống bàn tay nóng ấm hơi người, là những kí ức mà nhà thơ cảm thấy tôi không còn kí ức/ tôi không còn những bông hoa gạo bởi tất cả chỉ còn những giọt máu cuối trời tuổi thơ. Nỗi niềm đó ám ảnh hiện tại: Giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay. Nhà thơ hỏi dòng sông, hỏi núi, hỏi con người về hạnh phúc nhưng tất cả đều im lặng bởi ngày vẫn thế/ và mặt trời vẫn thế... Những dấu hỏi chạy trên đường/ lặng lẽ vô tình. Và nhà thơ thấy: Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc/ khi môi ta rời nhau/ hơi ấm đã thuộc về quá khứ. Rình, động từ được sử dụng rất sáng tạo khi diễn tả cái chủ động của thời gian. Thời gian luôn rình rập, kề cận trên những lối mòn không thể thấy. Nó đồng hiện quá khứ và hiện tại. Trong những khoảnh khắc hôn nhau, hơi ấm của tình yêu đã là hơi ấm của quá khứ. Thời gian không chờ ai, đợi ai và khước từ bất cứ ai. Chỉ có những tâm hồn tha thiết với cuộc sống mới cảm nhận được như thế. Có lúc nhà thơ bảo Anh không thấy thời gian trôi nhưng lại cảm nhận rất tinh tế từng thay đổi, từng bước chuyển của thời gian: Anh không thấy thời gian trôi/ chỉ thấy lòng ngày một tha thiết với trời xanh/sợi tóc rụng bàn tay nào giữ được/ mỗi ban mai khắc khoải việc chưa thành. Càng ý thức giá trị thời gian, Trương Đăng Dung càng ý thức mãnh liệt về sự tàn phai của tình yêu, của cuộc đời. Vì thế, nhà thơ gấp gáp hơn trước nhịp sống hối hả để lưu giữ, để hóa đá tình yêu muôn đời bằng sự cao thượng: anh chiếm chỗ bóng đêm/ anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông/ có tự ngàn đời/ để cho em rạng rỡ. Trương Đăng Dung còn muốn lưu giữ những kỉ niệm, những phút giây huyền diệu: em đừng xếp lại chăn/ em đừng chải tóc/ em đừng tô lại môi/ cứ để nguyên áo quần trên ghế/ cứ để nguyên hiện trạng căn phòng/ anh cần vật chứng/ trước thời gian. Nhưng thời gian như một chuyến tàu hối hả nên dẫu tôi thức với trái tim/ những ý nghĩ lang thang trong lồng ngực/ không còn đủ sức/ chạy theo con tàu.
Bất kì một bài thơ hay nào cũng có biểu tượng. Biểu tượng có thể xuất hiện xuyên suốt bài thơ, một khổ thơ hay trong một câu thơ. Nguyễn Thái Hoà (2) cho rằng: “Biểu tượng văn học là những biểu tượng trong sáng tạo văn học tức là những hình ảnh, tín hiệu ngôn ngữ trong tác phẩm văn học có tính khái quát và phổ biến đến mức có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số phẩm chất, một số đặc trưng khác với đối tượng biểu hiện”. Nguyễn Vũ Tiềm (3) cũng định nghĩa tương tự: “Biểu tượng trong thơ là hình tượng có tầm khái quát rất rộng hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng trưng, gây xúc động mạnh và để lại ấn tượng sâu sắc, có sức sống lâu bền. Văn chương càng đạt tới biểu tượng nhiều mặt, càng hay”. Như vậy, khai thác biểu tượng trong thơ là một việc làm cần thiết để khám phá các tầng nghĩa do nhà thơ đem lại.
Trong thơ Trương Đăng Dung, thời gian trở thành biểu tượng. Mỗi biểu tượng thời gian đều được cấp những tư tưởng nghệ thuật riêng. Trương Đăng Dung lựa chọn các hình ảnh mang tính biểu tượng thời gian như: dòng sông, đêm, chân trời, bức tường, ánh sáng... Trong bài Những bức tường, biểu tượng bức tường lan toả toàn bài. Bức tường mà nhà thơ nhìn thấy không phải là bức tường thuần tuý mà đó là bức tường vô hình, bức tường-thời gian. Bức tường vô hình ấy có mặt khắp nơi/ trong những lời vui đoàn tụ/ trong những lời buồn chia tay. Nó không chỉ là biểu tượng của sự ngăn cách mà còn là biểu tượng của sự trống rỗng, đơn độc: Giữa những cái bắt tay/ có một bức tường.../ giữa hai chiếc gối nằm kề nhau/ có một bức tường. Bức tường trở thành bức tường tượng trưng, siêu thực nên Phạm Ngọc Hiền (4) đã cho rằng: “Bài thơ giàu hình ảnh nhưng hơi khó hiểu bởi lẽ những hình ảnh này chỉ là những ký hiệu nghệ thuật cần phải được giải mã mới có thể hiểu được ẩn ý của tác giả. Từ ký hiệu ngôn từ đến thông điệp của tác giả có một bức tường ngăn cách. Chao ôi, trong đời sống và nghệ thuật có quá nhiều bức tường!...”.
Dòng sông trong thơ Trương Đăng Dung mang biểu tượng về thời gian - dòng đời. Dòng sông của hai mươi ba ngàn năm về trước chứng kiến bao hưng phế của những triều đại: sông chảy vô tư bên những lăng mộ im lìm/ những đền đài quạnh quẽ. Nó làm tôi nhớ đến Con sông mình hạc xương mai/ vàng son in bóng đền đài hoa khôi.../ con sông đám cưới Huyền Trân/ bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn trong bài thơ Huyền thoại sông, huyền thoại bóng của Nguyễn Trọng Tạo. Nếu con sông của Nguyễn Trọng Tạo ám ảnh bởi dáng vẻ huyền ảo thì dòng sông của Trương Đăng Dung lại rất đời thường: chảy từ phía chân trời/ đầy nắng, mưa và gió. Không chỉ vậy, Trương Đăng Dung còn thổi vào dòng sông những ý niệm về sự xa cách, chia lìa: Anh sợ đến một ngày dòng sông ngừng trôi/ đất khô cứng, những giọt buồn hoá đá/ anh sợ đến một ngày hồn anh từ cõi lạ/ trở về đây mà không có dòng sông. Vì vậy, dòng sông trong thơ Trương Đăng Dung từ hai mươi ba ngàn năm về trước đến bốn mươi sáu ngàn năm sau nữa trở thành biểu tượng của dòng đời, của con người.
Các nhà trường phái hình thức Nga rất đề cao đến tính lạ hoá trong thơ ca. Lạ hoá làm cho thơ ca độc đáo, không lặp lại. Huỳnh Như Phương (5) lý giải quan niệm lạ hoá: “Lạ hoá là một cách phản ứng lại áp lực của thói quen. Bằng cách rứt đối tượng ra khỏi bối cảnh quen thuộc của nó, bằng cách đặt cạnh nhau những khái niệm khác hẳn nhau, nhà văn xoá bỏ những sáo ngữ và hiệu ứng nhàm cũ để giúp người đọc nhận thức sâu sắc về sự vật và cơ chế cảm giác của nó... Lạ hoá kháng cự lại không chỉ sự tự động hoá của nhận thức con người về đời thực mà cả sự tự động hóa của ngôn từ và thủ pháp trong văn học”. Trương Đăng Dung đã làm được điều đó. Ông không hoàn toàn xây dựng những biểu tượng mang tính chất thời gian thuần tuý mà còn đưa những biểu tượng đó vào trò chơi trùng phức, nghĩa là biểu tượng vừa có sự di động giữa không gian và thời gian. Sự di động vị trí này khiến thơ thêm chiều sâu, giàu chất triết lý.
Đêm là biểu tượng cho bóng tối, cho sự chết chóc của những bóng ma vất vưởng/ những khán đài âm u, cho số phận tăm tối của những bóng ma thọt chân, lang thang. Nhưng đêm trong thơ Trương Đăng Dung lại là một biểu tượng trùng phức. Đêm không chỉ là đêm - thời gian mà nó còn là đêm - không gian. Đêm ấy là đêm - thời gian khi:
Anh nghe bóng đêm tan trên cơ thể em
bóng đêm chạy trốn
Những khoảnh khắc trước lúc nửa đêm
những đường cong như sóng vươn về phía trước
hơi thở như gió
đắm say và gấp gáp
Nhưng sang khổ ba, khổ bốn, đêm - thời gian lại trở thành đêm - không gian khi:
Anh chiếm chỗ bóng đêm
anh gom ánh sáng bằng sức lực đàn ông
có từ ngàn đời
để cho em rạng rỡ
Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa
để kéo dài sự sống?
anh vẫn muốn bị lừa
để chiếm chỗ bóng đêm
để có em vĩnh viễn!
(Anh chiếm chỗ bóng đêm)
Theo Schopenhauer - một triết gia Đức, cuộc sống là sự lừa gạt triền miên, vô hạn. Hay nói cách khác, sự sống là đầy những đau khổ, là sự chết được phanh lại. Vì thế, con người không thể hạnh phúc trong sự thoả mãn hữu hạn. Nhưng trong cái chóng vánh của cuộc sống, Trương Đăng Dung vẫn tìm được hạnh phúc chứ không đơn thuần chỉ là sự tiếc nuối, khổ đau. Ông cảm nhận được hạnh phúc trong cái hữu hạn ấy. Chính cái hữu hạn ấy là khoảnh khắc, là không gian đẹp nhất. Không - thời gian biến tấu trong bài thơ cũng là biến tấu cõi lòng ông. Vừa muốn làm chủ cuộc sống, vừa muốn tận hưởng không gian của tình yêu. Bởi, chỉ có con người mới hiểu được, nắm bắt được sự tồn tại của bản thân và của thế giới.
Trương Đăng Dung còn đưa vào thơ mình biểu tượng thời gian phi lý. Đó là kỉ niệm mà tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054. Để xây dựng biểu tượng kỉ niệm (kỉ niệm tưởng tượng) này, nhà thơ đặt trong một cấu trúc mảnh vỡ, lắp ghép. Vì vậy, những kỉ niệm ấy càng rời rạc, phi lý. Nhưng chính cái phi lý ấy là sự cảnh tỉnh cho con người trước một cuộc sống đầy bề bộn, ngổn ngang. Mượn thời gian phi lý để chuyển tải cái phi lý của cuộc sống thật tài tình. Chính Đỗ Quyên đã nhận xét về bài thơ Những kỉ niệm tưởng tượng (Trương Đăng Dung viết cách đây 26 năm) trong bài viết Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh (6) rất tinh tế: “Phi lý thời gian khiến độc giả bị choáng ngay ở câu đầu (Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054) cho tới câu tôi với anh, rồi ngày ta sinh...! Bạn có thể hỏi: Cái “ông Tây” Hollo Andras nào kia chắc cùng thời vua Lý Thái Tông nhà mình, sao lại đi đánh bạn với “tay nhà thơ” Trương Đăng Dung này? Hay lỗi nhà báo in sai - 1954? Đọc tới câu giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn đặt gần đoạn kết, ta càng thấy Trương quân có nghênh ngang thật đấy nhưng đến là khôn và khéo”. Nhờ sáng tạo thời gian phi lý, không thực nên Trương Đăng Dung mới thành công khi liệt kê các hình ảnh huyền ảo. Thời gian phi lý, chuyện phi lý vậy mà thực đến đau lòng:
Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm
chân người chết thò ra khỏi chiếu
cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra
vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn
và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo
bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi...
(Những kỉ niệm tưởng tượng)
Khi xã hội đầy rẫy những cái phi lý thì việc con người nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi... nghe lá vàng rơi lòng ta không xào xạc... đứng trước tổ chim lòng ta đầy mưu toan độc ác tất yếu phải xảy ra:
Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo
máu người nhuộm đỏ sách Kinh
bom nổ ở một chợ Bagdad
thịt người trộn vào rau quả
những người đàn bà choàng khăn đen lăn lộn
không thấy kẻ gây tội ác
chỉ thấy nạn nhân
và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ.
(Ghi chép hè 2009)
Vì vậy, Trương Đăng Dung đau lòng thốt lên: Điều kì lạ vẫn là thế giới/ Tôi lặng nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ. Chỉ có đôi mắt và tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ, với sự ngạc nhiên lạ lẫm mới giúp con người thánh thiện trước cõi người trắng đen lẫn lộn.
Như vậy, cảm thức thời gian trong thơ Trương Đăng Dung trở thành nguồn mạch của sự sáng tạo. Ám ảnh bởi thời gian nên hầu hết những bài thơ của Trương Đăng Dung đều có giọng điệu buồn, trầm lắng. Thơ Hoàng Vũ Thuật buồn khi trải ra với thân phận, với cái tôi đầy mâu thuẫn, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ buồn với những nỗi niềm đời thường... Thơ Trương Đăng Dung cũng buồn. Nhưng cái buồn lại nảy sinh từ những suy ngẫm về thời gian. Từ những suy ngẫm ấy, nhà thơ nâng lên thành triết lý. Mai Thị Liên Giang (7) đã nhận xét thơ Trương Đăng Dung rất tinh tế trong bài Thi sĩ và những điều có thể: “Đó là sự lặng lẽ của một tâm hồn, của một con người nặng lòng với ký ức, nặng lòng với những duyên nợ nhân gian. Lặng lẽ để chuẩn bị cho những đợt sóng ngầm dữ dội của dòng sông không biết trôi về đâu. Lặng lẽ và kiếp người”.
Trương Đăng Dung đã chọn cho mình một con đường “độc đạo”. Số lượng bài viết không nhiều nhưng quý và đắt là vì thế.
Nguồn: Tạp chí Sông Hương, tháng 6, năm 2010
Chú thích:
(1) Tuyển tập Trần Đình Sử (tập 2), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
(2) Từ điển tu từ - Phong cách - Thi pháp học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.
(3) Đi tìm mật mã thơ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006.
(4) http://phamngochien.com/view/
(5) Trường phái hình thức Nga, NXB Đại học Quốc gia, TP Hồ Chí Minh, 2007.
(6) http://www.vanchuongviet....amese/vanhoc_tacpham.asp?
(7) http://www.thivien.net/vi...ID=qG4X1FxO6CDkuYx6SavyYQ
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook