Trung Quốc thay đổi để vẫn là Trung Quốc
Jan van der Putten* Nguyễn Thị Quỳnh Anh chuyễn ngữ Ɖã nhiều lần sự sụp đổ của Trung Quốc Cộng Sản được người ta dự đoán. Sau khi mở ngỏ kinh tế thì việc tự do hóa chính trị sẽ theo sau. Jan van der Putten giải thích tại sao điều đó sẽ không xảy ra. Trung Quốc sẽ ...
Jan van der Putten*
Nguyễn Thị Quỳnh Anh chuyễn ngữ
Ɖã nhiều lần sự sụp đổ của Trung Quốc Cộng Sản được người ta dự đoán.
Sau khi mở ngỏ kinh tế thì việc tự do hóa chính trị sẽ theo sau.
Jan van der Putten giải thích tại sao điều đó sẽ không xảy ra.
Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia dân chủ. Nhân dân Trung Quốc sẽ nổỉ dậy chống đối. Ɖảng Cộng Sản sẽ gánh chịu sự sụp đổ. Trung Quốc hãy còn đi sau nhưng người Trung Quốc sẽ trở thành tiến bộ như chúng ta trong thời gian ngắn. Các điều trên nghe quá quen thuộc trong tai đối với người Tây Phương. Có điều là tất cả những chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Bàn về Trung Quốc chúng ta đã sai lầm từ đầu đến cuối. Trung Quốc không trở thành một quốc gia dân chủ, nhân dân Trung Quốc không nổi dậy chống đối, ít nhất là không hàng loạt, đảng Cộng Sản sẽ tiếp tục nắm quyền và một thời gian nữa chúng ta sẽ tụt hậu so với Trung Quốc. Như thế đã đến lúc phải nhìn rõ câu hỏi nếu Trung Quốc không trở thành một quốc gia dân chủ thì sẽ trở thành cái gì?
Trên thực tế kể từ khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc ra đời thì cái chết của nớ đã được tiên đoán ở Tây Phương bởi vì Mao Zedong không phải là một kẻ thọ lâu, ai cũng thấy điều đó. Phải mất ba mươi năm trước khi Hoa Kỳ công khai công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Về lãnh tụ mới Deng Xiaoping Tây Phương đặc biệt hài lòng bởi vì ông này đã từ bỏ đấu tranh giai cấp và khám phá ra kinh tế thị trường. Những cải cách chính trị rồi sẽ phải nhanh chóng nối gót theo sau bởi vì mọi người đều biết rằng chủ nghĩa tư bản chỉ có hiệu năng tốt trong một thể chế dân chủ. Những xe tăng mà vào năm 1989 đã dập tắt đẫm máu những đòi hỏi cải cách dân chủ cũng đã thanh toán tận gốc sự xác quyết của Tây Phương.
Sau biến cố Thiên An Môn, một thời gian đã trôi qua trước khi kinh tế Trung Quốc lại khởi phát nhưng vào lúc đó thì không gì có thể ngăn trở được nữa. Sự phát triển vô cùng ngoạn mục đã làm kinh ngạc mọi người bởi vì mọi người đều quên – hay không hề biết – là đất nước Trung Hoa trong 20 của 21 thế kỷ sau cùng đã từng là quốc gia kinh tế lớn nhất trên thế giới. Những nhà lãnh đạo Tây Phương, các khoa học gia và phóng viên, tất cả mọi người đều tiên đoán rằng giai cấp trung lưu mới toanh của Trung Quốc sẽ quyết tâm đưa quốc gia nầy đến cuộc cách mạng dân chủ bởi vì nó đã luôn xảy ra như thế: một giai cấp trung lưu phát triển đến tận cùng, càng lúc càng phồn vinh hơn sẽ có ý thức về quyền lực của mình, không muốn bị đối xử bởi thái độ kẻ cả, đòi hỏi có thêm tiếng nói và yêu sách tự do dân chủ từ một nhà độc tài.
Sự mơ tưởng
Tuy nhiên giai cấp trung lưu Trung Quốc luôn luôn khước từ hành xử theo đúng sách vở. Họ sẽ điên rồ nếu làm như thế. Tại sao họ quay lại chống đối một hệ thống mà nhờ nó họ có được tất cả. Ɖảng Cộng Sản Trung Quốc đã sát nhập họ vào trong hệ thống. Giai cấp trung lưu không đòi hỏi dân chủ, nhưng đòi hỏi phồn vinh, sự an toàn, hiệu năng, sự liêm khiết. Nhưng đã có ở Trung Quốc những cuộc biểu tình chống đối của những giai tầng khá hơn? Ɖúng như thế, nhưng đó là những chống đối không phải trong sân nhà tôi, không nhằm mục tiêu chống lại cả hệ thống mà chỉ chống lại, thí dụ như, việc xây cất một xí nghiệp gây ô nhiễm ở trong góc đàng kia. Trong báo chí Tây Phương đã xuất hiện các bài viết về điều đó với tựa đề lớn như “’Giai Cấp Trung Lưu Trung Quốc Nổi Dậy Chống Ɖối Chế Ɖộ”. Những bài báo này thật ra có tính cách thông tin như các thí dụ về mơ tưởng, lấy mong ước làm sự thật (wishful thinking).
Phong cách kể chuyện của Tây Phương về Trung Quốc được lấp đầy bởi các mơ tưởng, vể mặt tích cực (Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ) cũng như về mặt tiêu cực (Trung Quốc sẽ bị sụp đổ). “The Coming Collapse of China” (Sự Sụp Ɖổ Sắp Tới Của Trung Quốc) là tác phẩm bán chạy nhất trong năm 2001 của Gordon Chang, một luật sư, học giả người Mỹ gốc Hoa. Là người được mời thảo luận trong các talkshow ông đã cho rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ còn tồn tại trong vòng mười năm. Vào năm 2011 ông công nhận là mình đã sai lầm: Ɖảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không sụp đổ trong năm nay mà là trong năm tới. Trong khi đó thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở nên cường quốc kinh tế lớn nhất về mặt mãi lực, nhưng ông Chang vẫn liên tục xuất hiện tỉnh bơ trong truyền thông Hoa Kỳ với thông điệp thảm họa của ông. Công chúng thì không hề muốn nghe những gì khác hơn.
Như là một người mơ tưởng thì ông Chang không phải là kẻ ngoại lệ. Không ai khác hơn là cựu tổng thống Bill Clinton, người đã biết chắc chắn rằng sự mở ngỏ của kinh tế Trung Quốc sẽ đưa đến tự do hóa chính trị và cuối cùng là thể chế dân chủ. Ngoại trừ các sản phẩm Tây Phương, chính các ý niệm Tây Pương cũng sẽ đổ vào Trung Quốc và chúng sẽ được nhân dân đang bị đàn áp đón nhận nồng nhiệt. Bài ca tương tự đã được chúng ta nghe nhiều lần qua các cung điệu khác nhau. Như trường hợp sự chỉ định Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội vào năm 2008 theo tổ chức IOC là một loại giải thưởng động viên chính trị. Và cũng như chuyện hàng triệu du khách và sinh viên Trung Quốc sẽ được tiêm vào đầu các ý niệm dân chủ trong suốt thời gian họ lưu trú ở Tây Phương để chính họ tiếp theo sẽ truyền bá chúng ở dất nước của họ.
Có thể nói cái sai lầm lớn nhất là sự tin tưởng rằng internet sẽ mang dân chủ đến Trung Quốc. Tù nhân lãnh giải Nobel Hòa Bình Liu Xaobo đã gọi internet là “tặng phẩm của Thượng Ɖế cho Trung Quốc”. Bill Clinton cũng nói tương tự: sự kiểm soát internet ở Trung Quốc “giống như đóng đinh để bánh Jell-O dính chắc vào tường”. Jell-O là một loại bánh pudding được để cho đông lại. Trong khi đó Trung Quốc có 641 triệu người sử dụng internet, thì xem như cái bánh mềm đông lại nói trên đã bị đóng chặt vào Vạn Lý Trường Thành và “internet với các đặc tính Trung Quốc” đã trở thành một sự kiện. Không thể nghi ngờ gì cả là “quà tặng của Thượng Ɖế” đã khơi mở ra được nhiều điều, nhưng mạnh hơn nữa là chúng cũng khích động sự sáng tạo của các tay kiểm duyệt. Các kỹ thuật kiểm duyệt hiệu quả của Trung Quốc đang được xuất khẩu trong lúc này. Vào tháng 11 năm rồi Trung Quốc đã triệu tập một hội nghị để phổ biến các sáng kiến về việc quản lý internet trên toàn thế giới. Trong thành phố tổ chức hội nghị giới truyền thông xã hội Tây Phương đều được ra vào tự do – trong suốt cả ba ngày.
Hố phân tham nhũng
Ɖã nhiều lần các tiên tri chính trị Tây Phương cứ tiên đoán về sự sụp đổ sắp đến của chính quyền Cộng Sản và họ vẫn cứ thấy từ mọi phía các thứ tai họa đang hiện dần từ đàng xa: quả bóng xây dựng (các thành phố ma) nổ tung, ngân hàng quốc gia phá sản, nhân dân nổi dậy, tai họa môi sinh, sự bùng nổ của tuyệt vọng xã hội. Theo họ Trung Quốc cũng giống như Hoa Kỳ đối với Mao: anh khổng lồ trên đôi chân đất sét. Dĩ nhiên thật là vô lý để chối bỏ sự nghiêm trọng của vấn đề. Nhưng cũng thật là vô lý để xem thường khả năng thích nghi. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc đầu tiên đã vượt qua sự tự hủy quốc gia dưới thời của Mao, tiếp theo đã sống còn sau sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản Liên Sô để rồi sau đó lại thích ứng với các hoàn cảnh mới. Các nhà lãnh đạo đã hiện đại hóa Trung Quốc và cả chính mình mà không hề để việc nắm quyền có một giây phút lỏng lẻo nào. Lãnh đạo hiện tại Xi Jinping đang bận rộn với một trong những thủ thuật thích nghi lớn nhất, bắt đầu với việc trong sạch hóa từng phần của hố phân tham nhũng cộng sản. Mục đích của những thích nghi này cũng cứ giống nhau: Duy trì độc quyền lãnh đạo của Ɖảng. Ɖó là nguyên-tắc-Mèo-Cọp: thay đổi một chút, nếu cần thay đổi tất cả với mục đích để tất cả đều vẫn y nguyên như cũ.
Người Trung Quốc tự thích nghi liên tục, người Mỹ thì không. Họ cảm thấy chủ nghĩa cộng sản tồi tệ từ bản chất và không chính đáng bởi vì nó không được phát sinh từ những cuộc bầu cử tự do. Chủ nghĩa chống cộng cổ điển này được trộn lẫn với nỗi lo sợ cũ về Hiểm Họa Hoàng Chủng. Kết quả là sự xác tín rằng một chế độ như ở Trung Quốc phải chịu sự sụp đổ. Trung Quốc, Bill Clinton đã một lần kết án, đứng “on the wrong side of history” (ở phía sai lầm của lịch sử). Trong hàng chục năm người Mỹ đã nỗ lực để đẩy Trung Quốc về phía “đúng” của lịch sử. Bây giờ họ thử một lần hạn chế quyền lực của Trung Quốc, như điều mong muốn của Pivot to Asia (Xoay trục về Á Châu) của tổng thống Obama, một kế hoạch để tập trung thế lực quân sự và kinh tế Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương. Ɖể rồi họ lại nhắm vào sự hợp tác có tính cơ cấu (If you can’t beat them, join them – Nếu bạn không đánh họ được, hãy kết thân với họ) như trong các lãnh vực của thương mãi, môi sinh, phòng chống hải tặc. Sự hợp tác đó lớn lao cho đến nỗi cả hai kẻ tình địch trở thành cặp song sinh kinh tế-tài chánh dính liền nhau: Chinamerica.
Dần dần các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ (có nhận thức) bắt đầu hiểu ra rằng quan điểm của chính sách Trung Quốc đã là một sự sai lầm. Sự mong mỏi rằng Trung Quốc không sớm thì muộn sẽ phải mở rộng tự do để không bị mất quyền lực đã bị tan vỡ trên thực tại của một chính phủ càng ngày càng tự tin hơn. Một chính phủ với những biện pháp độc tài, với sự bắt bớ giam cầm những người khác tư tưởng và với các chiến dịch tương tự như dưới thời Mao Zedong – văn nghệ sĩ phải phục vụ nhân dân và bị gởi đi về các vùng nông thôn, các bloggers bị áp lực phải tự kiểm trên đài truyền hình – đã khước từ mô thức Tây Phương một cách cương quyết. Xi Jinping đã tuyên bố vô cùng rõ ràng: chỉ có một hệ thống ở Trung Quốc có hiệu năng và đó là “hệ thống xã hội chủ nghĩa với các đặc tính Trung Quốc”.
Sự mơ tưởng và kinh sợ những người cộng sản không phải là giải thích duy nhất cho các hiểu lầm của Tây Phương về hệ thống chính trị Trung Quốc. Sự khiếm khuyết những kiến thức căn bản về lịch sử và văn hóa Trung Quốc là một lý do khác. Một người Tây Phương trung bình hầu như chẳng có khái niệm gì rằng Trung Quốc trong tất cả những thế kỷ trước Leonardo da Vinci, Shakespeare và Kant đã có một nền văn hóa phát triển cao và người Trung Quốc hãnh diện về điều đó. Trung Quốc đã tự cho rằng kể từ thời cổ xưa mình nằm giữa trung tâm của thế giới văn minh, nơi được bao quanh vòng trong bởi các nước chư hầu và vòng ngoài bởi các nước man di mọi rợ. Sự quan hệ duy nhất mà Trung Quốc văn minh có thể tưởng tượng ra với các nước mọi rợ là quan hệ giữa hoàng đế và chư hầu.
Trong “Thế Kỷ Ȏ Nhục” (1830 – 1949) mà Trung Quốc bị biến thành trái bóng đá giữa các đại cường Tây Phương và Nhật, sự tự trọng Trung Quốc đã bị tổn thương một cách kinh khủng. Nhưng Trung Quốc đã trở lại. Ɖầu tiên Mao đã đặt những người ngoại quốc vào đúng chỗ của họ bằng cách trục xuất họ ra khỏi nước, sau đó Deng Xiaoping bắt đầu với sự phục hồi nền kinh tế lớn lao. Và bây giờ dưới thời Xi Jinping Trung Quốc đã hoàn toàn trở lại sân khấu thế giới. Không phải để trở thành như Tây Phương, mà để trở thành như chính mình. Chắc chắn là Hoa Kỳ và Âu Châu cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nhưng họ phải tự hiểu rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ để mình bị xỏ mũi nữa. Tệ hơn bao giờ hết các hệ thống chính trị lầm lẫn Tây Phương và các nền kinh tế làm sao có thể là một thí dụ cho Trung Quốc trong lúc này. Thật ra Hoa Kỳ đối với các lãnh tụ Trung Quốc là chuyện đã xong, mặc dù họ vẫn gởi con cái họ đến các trường đại học Mỹ danh tiếng nhất.
Những thế lực thù địch
Sự can thiệp của nước ngoài đối với Bắc Kinh, dù đúng hay sai, liền được xem như thù địch và cảm giác cũ ngày xưa là nạn nhân trong Thế Kỷ Ȏ Nhục được đem ra sử dụng. Ɖiều đó trở thành một trong những nguồn cảm hứng trong chính trị đối ngoại của Trung Quốc. “Các thế lực thù địch nước ngoài”, với nó là những chính phủ Tây Phương, các xí nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự và các phóng viên được ám chỉ. Ɖây là những kẻ sách động hầu hết những chống đối – từ bạo lực của các nhóm thiểu số ở Tân Cương và Tây Tạng cho đến các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ trong mùa thu vừa qua ở Hong Kong. Các thế lực thù địch vừa kể có ý đồ sỉ nhục Trung Quốc một lần nữa, ngăn chận sự phát triển của quốc gia này muốn đạt đến thế lực toàn cầu và nhằm mục đích lật đổ Ɖảng Cộng Sản.
Rằng các thủ đô Ɖại Tây Dương hãy còn cảm thấy khó khăn để thông cảm vị thế của Trung Quốc có thể hiểu được từ quan điểm lịch sử, bởi vì không dễ dàng để giữ khoảng cách của một truyền thống cũ kéo dài năm thế kỷ, bắt đầu từ khi Columbus khám phá Mỹ Châu. Kể từ lúc đó trọng điểm của thế giới nằm ở một quốc gia Tây Phương, từ Tây Ban Nha cho đến Hoa Kỳ. Vì thế cho nên chúng ta cảm thấy đó là điều tự nhiên. Trung Quốc dị ứng cho thái độ tự cao đó, càng nhiều hơn nữa bởi vì chính họ cũng tự cao. Lần cuối cùng Trung Quốc không muốn bị cảnh cáo nữa bởi Luxemburg cũng như bởi Hoa Kỳ. Ɖiều mà Trung Quốc yêu cầu là sự công nhận và tôn trọng hệ thống riêng của họ.
Hệ thống đó quả thật không do sự chọn lựa của nhân dân nhưng dân Trung Quốc chưa bao giờ chọn lựa. Ngoại trừ chỉ một lần duy nhất, cách đây hơn một trăm năm, một thời gian ngắn sau khi vương quốc bị sụp đổ. Khoảng 5 phần trăm dân chúng được tham dự bầu cử. Người thắng cử bị ám sát ngay sau đó. Ɖối với Xi Jinping sự việc đó đem lại một bằng chứng là chế độ dân chủ không thích hợp cho Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc đã đồng ý với ông. Dân chủ đối với họ chỉ là một bảng phác họa không thể sử dụng được của Tây Phương và hầu như đồng nghĩa với hỗn loạn. Thành phần thiểu số phát triển cũng ý thức ở đó một nguy hiểm khác: rằng thành phần đa số kém phát triển sẽ lên nắm quyền.
Về “xã hội chủ nghĩa với các đặc tính Trung Quốc”, mô thức duy nhất theo Ɖảng Cộng Sản là có thể sử dụng được, thì thường bị làm trò cười ở Tây Phương. Ɖiều đó được nhìn như chuyện vớ vẩn qua ngôn ngữ mà nó phải che dấu hướng đi ngoằn ngoèo kinh tế của Trung Quốc từ Marx chuyển sang thị trường. Dĩ nhiên nó phải thất bại bởi vì không có giá trị tương đương nào ở Tây Phương cho điều đó. Kể từ khi có sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới vào năm 2008 thì sự khẳng định đó đã biến mất. Xã hội chủ nghĩa với các đặc tính Trung Quốc không gì khác hơn là một chủ thuyết bắt nguồn từ chủ nghĩa xã hội và nó liên tục thích nghi với các hoàn cảnh. Ɖiều đó phản ảnh phương cách giải quyết có tính thực dụng mà với nó Ɖảng Cộng Sản hy vọng là mình sẽ đạt được mục tiêu cao nhất: tiếp tục nắm quyền vĩnh viễn.
Giấc mơ Trung Quốc
Chủ thuyết dây thung này sẽ đem lại cái gì cho Trung Quốc và thế giới? Xi Jinping đã cho câu trả lời: sự thực hiện của cái mà ông gọi là Giấc Mơ Trung Quốc. Mỗi người Trung Quốc phải mơ giấc mơ này và qua đó chúng lấp đầy khoảng trống tinh thần mà người Trung Quốc đã tự lao mình vào trong đó, đầu tiên bởi Cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao, sau đó bởi chủ nghĩa vật chất không có gì kềm giữ được của cuộc cách mạng kinh tế. Trong Giấc Mơ Trung Quốc quốc gia này trở nên một đất nước phồn vinh và sân khấu thế giới trông sẽ khác đi rất nhiều. Những cải cách kinh tế sẽ làm một tỷ người nghèo khó dần dần thành những người tiêu thụ sung túc. Ɖảng Cộng Sản mơ đến hai lễ hội thế kỷ: vào năm 2021, thời điểm Ɖảng hiện hữu được 100 năm, lợi tức đầu người của nhân dân sẽ lên đến hai lần nhiều hơn so với năm 2010. Và năm 2049, lễ hội thế kỷ đầu tiên của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, đất nước phải giàu có, nhân dân được phồn vinh và Trung Quốc là cường quốc.
Các cải cách chính trị – như phải trong suốt hơn và ít độc đoán hơn, tôn trọng nhân quyền hơn và bớt đi sự can thiệp của nhà nước – khả dĩ có thể đến nhưng chỉ nhằm mục đích để hệ thống chuyên chế hoạt động có hiệu năng hơn. Những thanh lọc hiện nay trong giới chính trị và quân sự tham nhũng cũng nhằm phục vụ cùng một mục đích. Có thể Ɖảng vào một thời điểm nào đó chấp nhận một hệ thống đa đảng theo kiểu may cắt của Singapore: 90 phần trăm số phiếu được thắng bởi đảng cầm quyền. Tuy nhiên Ɖảng Cộng Sản sẽ không để họ được truyền cảm hứng bởi thể chế dân chủ nhưng bởi hai trường phái chính trị Trung Quốc cổ: Khổng Giáo, trong đó đức hạnh của quân vương được đề cao, và trường phái Pháp Gia, trong đó vua kềm chế bầy tôi bằng những hình luật nghiêm khắc.
Trên sân khấu thế giới Trung Quốc hiện đang đứng hàng đầu. Quốc gia này không chỉ muốn có thêm quyền lực trong trật tự thế giới do Hoa Kỳ tạo nên mà còn muốn tạo ra một trật tự song song, trong đó Trung Quốc sẽ đóng vai chánh. Trung Quốc đã dựng lên một đối thủ Á Châu của Ngân Hàng Thế Giới. Trung Quốc nhiệt tình với khu vực mậu dịch tự do trong vùng Thái Bình Dương như một thay thế cho tổ chức Ɖối Tác Xuyên Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ muốn thành lập và loại trừ sự tham dự của Trung Quốc. Trung Quốc dự định xây dựng một tổ chức an toàn Á Châu và có thể phát triển để trở thành tổ chức bổ sung cho khối NATO. Trung Quốc muốn trong một thời hạn ngắn giảm thiểu đồng đô-la như trữ kim thế giới cho sự thuận lợi của đồng Nhân dân tệ.
Càng lúc càng có nhiều người ở Tây Phương bắt đầu tin rằng Thế Kỷ Trung Quốc đã khởi đầu. Như đã biết Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc chứng tỏ thế lực kinh tế của mình rất đáng kể ở khắp nơi trên thế giới và họ đầu tư to lớn vào những dự án vĩ đại liên lục địa như Ɖường Tơ Lụa Mới và Ɖường Tơ Lụa Hàng Hải. Ngoài ra trên cơ bản của thế lực kinh tế Trung Quốc cũng phát triển thế lực quân sự và xuất hiện trong các biển lân cận một cách quả quyết.Trung Quốc sẽ thật sự trở thành cường quốc lãnh đạo thế giới? Trong bất cứ trường hợp nào thì đây không phải là một lãnh đạo thế giới theo phương thức Hoa Kỳ. Trung Quốc không muốn là nhà truyền giáo cũng như là nhân viên cảnh sát. Quốc gia này không có thông điệp nào cho thế giới, cũng không muốn dựng lên một thế giới theo hình tượng mình và sự tương đồng. Nếu thế giới chỉ tôn trọng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Như thế Ɖảng Cộng Sản sẽ cầm quyền mãi mãi.
Nguyên tác: Nee, China Wordt Echt Niet Westers, Jan van der Putten, De Volkskrant 03-01-2015
*Jan van der Putten là cựu phóng viên cho báo De Volkskrant ở Trung Quốc